Theo đó, hai nội dung trọng tâm mà UBND tỉnh, các thành phố trực thuộc Trung ương cần phải triển khai theo đề nghị của Bộ Xây dựng về phát triển đô thị thông minh bền vững như sau:
Về đẩy mạnh, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về phát triển đô thị thông minh, bền vững:
UBND tỉnh, các thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt các quan điểm chỉ đạo của về phát triển đô thị thông minh tại Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt, lấy người dân làm trung tâm đồng thời gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh phải gắn với công tác quy hoạch;
Thống nhất nhận thức xuyên suốt việc phát triển đô thị thông minh là để giải quyết các vấn đề lớn của đô thị, coi đô thị thông minh như một phương thức phát triển và vận hành đô thị hiện đại, hiệu quả,…; coi hạ tầng thông tin đô thị, hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng dữ liệu như một hạ tầng thiết yếu của đô thị, là nền tảng để thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế xã hội khác.
Về nội dung triển khai xây dựng đô thị thông minh bền vững: Cần tập trung vào các nhiệm vụ để triển khai trọng tâm xây dựng theo Đề án 950, cụ thể như sau:
Chủ động xác định các vấn đề của địa phương mình để xem xét các nội dung, giải pháp triển khai phát triển đô thị thông minh phù hợp với điều kiên đặc thù riêng và xác định thứ tự ưu tiên thực hiện, hướng đến phục vụ người dân và cần được đề xuất thiết kế trên nhu cầu của người dân;…
Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu cấp tỉnh phục vụ cho cả chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh. Thu hút bồi dưỡng các chuyên gia phân tích dữ liệu để khai thác dữ liệu được chia sẻ hiệu quả.
Đồng thời UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chủ động nghiên cứu các nội dung triển khai phù hợp với thực tế và đồng bộ với tiến trình chuyển đổi số của địa phương mình. Lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải quan tâm chỉ đạo để xác định tầm nhìn, chiến lược dài hạn cho phát triển đô thị thông minh, chỉ đạo tổ chức triển khai và giám sát, đánh giá kết quả, hiệu quả triển khai đô thị thông minh tại địa phương, sự tham gia các bên liên quan.
Tiến hành dần từng bước thí điểm điển hình, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng. Bảo đảm yêu cầu giữa phát triển dài hạn của đô thị với nhu cầu bức thiết của người dân; đảm bảo hiệu quả đầu tư ngắn hạn và dài hạn, không phát triển tự phát, tràn lan theo phong trào.
Tỉnh Bình Định, theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX xác định 5 trụ cột tăng trưởng kinh tế - xã hội trong 5 năm tới; trong đó phát triển khoa học và công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) cũng được hướng đến để tạo dựng nền kinh tế bền vững. Nghị quyết về chuyển đổi số của tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng Bình Định trở thành trung tâm AI của Việt Nam.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ TT&TT về triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh, Bình Định đã xây dựng Đề án “Phát triển đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2025”. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án là xây dựng Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh Bình Ðịnh (IOC).
Tháng 6.2020, UBND tỉnh chính thức ban hành Kế hoạch triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh. Theo đó, IOC được xây dựng nhằm giúp chính quyền giám sát, điều hành tập trung các lĩnh vực thông qua một nền tảng công nghệ chung duy nhất, cung cấp số liệu toàn diện về các hoạt động trên địa bàn tỉnh; đồng thời cho phép người dân tiếp cận nguồn dữ liệu để phục vụ phát triển các dịch vụ, ứng dụng thông minh. Đến ngày 16-11-2021, Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh Bình Ðịnh (IOC) đã chính thức đưa vào vận hành.
Đến nay, IOC đã hoàn thành theo đúng tiêu chuẩn và hướng dẫn của Bộ TT&TT với 8 dịch vụ chính: Phản ánh hiện trường, Giám sát và điều hành giao thông, An ninh trật tự, Giám sát an toàn thông tin, Giám sát thông tin trên môi trường mạng, Giám sát dịch vụ công, Thông tin KT-XH, Dashboard (bảng điều khiển) tổng hợp giám sát điều hành. IOC được xây dựng và vận hành theo nguyên tắc hạ tầng dùng chung và cơ sở dữ liệu tập trung. Các hệ thống cảm biến, camera giám sát... lắp đặt trên các tuyến đường chính thu thập thông tin, truyền dữ liệu về IOC, xử lý chúng thành những dữ liệu lớn để phân tích, nhận diện chính xác các vấn đề của đô thị, hỗ trợ quá trình ra quyết định của lãnh đạo.