KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2011-2015
(Theo Nghị quyết số 19/2011/NQ-HĐND ngày 18/8/2011 của HĐND tỉnh Bình Định)
I. Mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu
1. Mục tiêu tổng quát:
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; phát huy nội lực, tranh thủ tối đa các nguồn ngoại lực; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tích cực thu hút đầu tư, liên kết, hợp tác với các địa phương, các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh nhà, trong đó tập trung phát triển kinh tế theo hướng hiệu quả và bền vững. Gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; tạo tiền đề để đến năm 2020, tỉnh ta cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp.
2. Các chỉ tiêu chủ yếu:
a) Các chỉ tiêu kinh tế:
- Tổng sản phẩm địa phương (GDP) tăng bình quân hàng năm 13-14%, trong đó khu vực nông lâm - ngư - nghiệp tăng 6,5%; công nghiệp - xây dựng tăng 19,6% (riêng công nghiệp tăng 20,7%) và khu vực dịch vụ tăng 12,7%.
- GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt trên 2.000 USD.
- Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế để đến năm 2015, tỷ trọng các ngành nông - lâm - ngư nghiệp chiếm khoảng 26,2%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 36,1% và khu vực dịch vụ chiếm khoảng 37,7%.
- Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm 2011-2015 đạt 2 tỷ 800 triệu USD.
- Tăng thu ngân sách, phấn đấu đủ chi thường xuyên và từng bước tích luỹ cho đầu tư phát triển. Phấn đấu thu ngân sách đạt 5.500 tỷ đồng vào năm 2015.
- Tăng nhanh đầu tư toàn xã hội, giải quyết tốt tích lũy và tiêu dùng, thu hút mạnh các nguồn vốn từ bên ngoài. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 43% GDP.
- Tỷ lệ đô thị hoá đạt 40% vào năm 2015.
- Triển khai xây dựng 20% số xã theo tiêu chuẩn nông thôn mới.
b) Các chỉ tiêu xã hội:
- Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo và bồi dưỡng nghề đạt 55% năm 2015.
- Mỗi năm giải quyết 25.000-30.000 việc làm việc mới cho người lao động.
- Cơ cấu lao động xã hội: nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 52%; công nghiệp - xây dựng: 23%; dịch vụ: 25%.
- Giảm tỷ suất sinh hàng năm 0,2‰-0,3‰.
- Đến năm 2015 có trên 98% số trạm y tế xã có bác sỹ và trên 98% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn dưới mức 17%.
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,8%-2% mỗi năm.
c) Các chỉ tiêu về môi trường:
- Tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 47% vào năm 2015.
- Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%; tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch đạt 70%.
- Đến năm 2015, thu gom và xử lý 100% chất thải rắn sinh hoạt ở ở thành phố Quy Nhơn và 70% ở các đô thị.
- 100% chất thải công nghiệp, chất thải y tế được thu gom và xử lý đạt chuẩn môi trường.
II. Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm
1. Về kinh tế
Tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp. Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, tiếp tục tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của tỉnh; tập trung sức đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng, tích cực thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội, tạo bước đột phá quan trọng trong phát triển nhanh kinh tế của tỉnh; phát triển mạnh các sản phẩm có lợi thế về nguyên liệu, nhân lực và thị trường; đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ, từng bước hiện đại hoá các ngành sản xuất công nghiệp. Phát triển nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, thân thiện với môi trường, gắn với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ và xuất khẩu; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả các hoạt động thương mại, dịch vụ, chú trọng phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao; phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Tích cực huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Phát triển hài hòa các vùng đô thị và nông thôn. Thực hiện tốt chính sách đầu tư, khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế và liên kết, hợp tác phát triển. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường. Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu.
2. Về văn hoá - xã hội
Tạo bước chuyển biến rõ rệt về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học, công nghệ, doanh nhân, công nhân. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống, phát triển khoa học xã hội và nhân văn; khuyến khích đổi mới khoa học, công nghệ trong các doanh nghiệp. Chăm lo phát triển sự nghiệp văn hóa, thông tin - truyền thông, thể dục - thể thao. Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em. Thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo; tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nghề; chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề; chăm lo những người và gia đình có công; thực hiện kịp thời các chính sách trợ giúp các đối tượng xã hội, nâng cao hiệu quả công tác cứu trợ, các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục và triển khai các biện pháp đấu tranh phòng, chống có hiệu quả các tệ nạn xã hội.
3. Về quốc phòng - an ninh và nội chính
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia và kiến thức quốc phòng, an ninh, làm cho mọi người hiểu rõ những thách thức to lớn tác động trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Tập trung củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở; tăng cường công tác hoà giải, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân; ổn định tình hình không để xảy ra “điểm nóng”. Củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của cơ quan chính quyền các cấp; kiên quyết đấu tranh phòng chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính.
|