Kế hoạch Kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025

Tổng sản phẩm địa phương GRDP bình quân hàng năm tăng 7,0 - 7,5%; trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 9,5 - 10,2%, dịch vụ tăng 7,1 - 7,5%, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,2 - 3,6%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 10 - 10,5%.
A. MỤC TIÊU VÀ CHỈ TIÊU CHỦ YẾU
1. Mục tiêu tổng quát:
Tập trung thực hiện nhiệm vụ kép khắc phục tác động của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi kinh tế. Tiếp tục duy trì mức độ tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh và huy động tổng hợp các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tích cực thu hút đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi để các dự án lớn sớm triển khai trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chú trọng đổi mới sáng tạo. Gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Chủ động đối phó với biến đổi khí hậu và phòng ngừa, giảm thiểu tác hại của thiên tai; quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng - an ninh. Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng tăng trưởng, phấn đấu xây dựng Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung.
2. Các chỉ tiêu chủ yếu:
a) Các chỉ tiêu kinh tế:
- Tổng sản phẩm địa phương bình quân hàng năm tăng 7,0 - 7,5%; trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 9,5 - 10,2%, dịch vụ tăng 7,1 - 7,5%, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,2 - 3,6%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 10 - 10,5%;
- Đến năm 2025, cơ cấu kinh tế: công nghiệp - xây dựng 31,8%, dịch vụ 39,6%, nông, lâm nghiệp, thủy sản 23,4%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 5,2%; GRDP bình quân đầu người đạt trên 3.900 USD; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 16.000 tỷ đồng;
- Tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 6.000 triệu USD;
- Huy động vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 41%/GRDP;
- Đến năm 2025: Tỷ lệ đô thị hóa đạt từ 52,8% trở lên; trên 85% số xã (96 xã) đạt tiêu chí nông thôn mới, 36 xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao, 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (thêm Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn).
 b) Các chỉ tiêu xã hội:
- Đến năm 2025: Tỷ lệ lao động qua đào tạo và bồi dưỡng nghề đạt 66%; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế so với dân số trên 95%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội so với lực lượng lao động đạt 20,5%; duy trì 100% trạm y tế có bác sĩ; duy trì 100% số xã, phường, thị trấn đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế; trên 70% số trường đạt chuẩn quốc gia.
- Giải quyết việc làm mới bình quân hàng năm khoảng 30.000 người; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,5 - 2%/năm.
- Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh giảm dần về cân bằng tự nhiên, nâng cao chất lượng dân số; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm còn dưới 8%.
c) Các chỉ tiêu về môi trường:
Đến năm 2025: Tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 58%; duy trì 100% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có 40% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch; 83% dân số đô thị được sử dụng nước sạch; tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom, xử lý đạt 84%; duy trì 100% tỷ lệ chất thải công nghiệp, chất thải y tế được thu gom và xử lý đạt chuẩn môi trường.
3. Trụ cột tăng trưởng và các khâu đột phá:
Trên cơ sở phương hướng, mục tiêu nêu trên, việc phát triển kinh tế của tỉnh trong những năm tới tập trung vào 5 trụ cột tăng trưởng và các khâu đột phá sau:
3.1. Trụ cột tăng trưởng:
3.1.1. Phát triển công nghiệp: Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tạo động lực phát triển nhanh nền kinh tế của tỉnh. Trong đó, tập trung nguồn lực, tạo điều kiện tốt nhất để xây dựng và đưa Khu công nghiệp - đô thị Becamex đi vào hoạt động; tích cực thu hút các nhà đầu tư lấp đầy các khu công nghiệp hiện có và có kế hoạch phát triển các khu công nghiệp mới. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu đàn về công nghệ thông tin như TMA, FPT… phát triển; tham gia chuỗi công viên phần mềm Quang Trung; thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp (start up) đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI) gắn với khởi nghiệp sáng tạo và ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển các ngành công nghiệp chế biến gắn với sản phẩm nông - lâm - thủy sản, hình thành các “cụm sản xuất nông - công nghiệp ở nông thôn”.
3.1.2. Du lịch: Tiến hành đồng bộ từ quy hoạch địa điểm, quy hoạch sản phẩm đến đầu tư, quản lý hoạt động du lịch. Xây dựng Bình Định thành điểm du lịch “3 tốt” và “3 không”. Tích cực quảng bá du lịch trong nước và ngoài nước, lấy điểm nhấn là: “Quy Nhơn - thành phố du lịch sạch ASEAN”, “Quy Nhơn - điểm đến du lịch”; có chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp lữ hành quốc tế.
3.1.3. Dịch vụ cảng và logistics, bao gồm cảng biển và cảng hàng không:  Tập trung khai thác hiệu quả cảng Quy Nhơn hiện có gắn với sự phát triển hệ thống cảng cạn (ICD) và hiện đại dịch vụ cảng, tối đa hóa công suất, đồng thời nghiên cứu xác định địa điểm và kêu gọi đầu tư xây dựng cảng mới có công suất lớn và đa năng. Khai thác tốt vận tải hàng không; xúc tiến việc quy hoạch xây dựng khu công nghiệp sản xuất gia công hàng điện tử - viễn thông gần sân bay nhằm tận dụng lợi thế vận tải hàng không của Cảng hàng không Phù Cát.
3.1.4. Phát triển nông - lâm - thủy sản dựa trên công nghệ cao, chuyển từ số lượng sang chất lượng: Thu hút các nhà đầu tư đầu tư xây dựng các trang trại trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; có biện pháp nâng cao chất lượng rừng trồng; xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với nông hộ tham gia chuỗi sản xuất và tiêu thụ; hiện đại hóa nghề cá, nhất là nuôi trồng và khai thác hải sản xa bờ. Xây dựng và hiện đại hóa trung tâm hậu cần nghề cá Tam Quan và Đề Gi. Thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
3.1.5 . Phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa: Tiếp tục phát triển khu đô thị mới Nhơn Hội; quy hoạch phát triển các khu đô thị mới, các khu dân cư gắn với các khu công nghiệp và việc mở rộng giao thông (như Khu công nghiệp - đô thị Becamex A, Khu đô thị - dịch vụ Becamex B, đường ven biển, đường nối sân bay Phù Cát - Nhơn Hội…). Quy hoạch đường sắt nội đô nối Cát Tiến với Trung tâm Quy Nhơn.
3.2. Các khâu đột phá tạo động lực:
Trong 5 năm tới cần tập trung vào 3 khâu đột phá sau đây:
- Thứ nhất, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Bình Định.
- Thứ hai, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo định hướng phát triển của tỉnh, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao; thực hiện chính sách thu hút lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
- Thứ ba, tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông cho vùng phía Bắc tỉnh nhằm thúc đẩy cực tăng trưởng phía Bắc tỉnh
.
B. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM
I. PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH SẢN XUẤT VÀ DỊCH VỤ
1. Về phát triển công nghiệp
:
1.1. Phát triển công nghiệp với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững:
Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2025 (giá so sánh 2010) đạt 74.600 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng bình quân 9,2%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021-2025 đạt trên 6.000 triệu USD; trong đó, phấn đấu các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp (kể cả các khu công nghiệp trong Khu kinh tế) chiếm trên 50%.
Hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp Nhơn Hòa (giai đoạn 2), Bình Nghi, Hòa Hội, Cát Trinh, Long Mỹ (giai đoạn 2) và các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Nhơn Hội. Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động các khu, cụm công nghiệp, làng nghề theo quy hoạch, đặc biệt là Khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định. Phấn đấu 100% các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đi vào hoạt động có công trình hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh và hệ thống xử lý nước thải, bảo vệ môi trường theo quy định.
Xây dựng, hoàn thiện và triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng và nâng cao hiệu quả hoạt động các khu, cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh.
Bổ sung cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo với hàm lượng khoa học công nghệ cao, tăng tỷ lệ nội địa hóa; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, công nghiệp phụ trợ... Tiếp tục phát triển các ngành hàng, sản phẩm có lợi thế của tỉnh. Nâng cao hiệu quả công tác khuyến công.
Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, chủ động nguồn nguyên liệu, đào tạo và sử dụng nhân lực…, mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh.
Điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, dự án quy mô lớn, tạo nguồn thu cho ngân sách, suất đầu tư trên một đơn vị diện tích lớn; không thu hút các dự án nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu
.
1.1.2. Phát triển mạnh các sản phẩm có lợi thế, cụ thể:
a) Chế biến nông sản, thủy sản, thực phẩm và đồ uống:
Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư bảo quản sau thu hoạch, chế biến, xuất khẩu, tiêu thụ nông sản, đa dạng hóa sản phẩm cho tiêu dùng. Tạo điều kiện để các dự án đang triển khai đầu tư xây dựng, mở rộng đi vào hoạt động phát huy giá trị sản xuất công nghiệp, ổn định sản xuất, nâng cao sản lượng, chất lượng các sản phẩm bia, sữa, nước giải khát, thủy sản... Tập trung thu hút đầu tư vào Khu chế biến thủy sản tập trung dọc quốc lộ 19 mới. Thu hút và phát triển các cơ sở, nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu gắn với các cảng cá tại thị xã Hoài Nhơn, huyện Phù Cát. Thực hiện di dời các nhà máy chế biến thủy sản nội thành thành phố Quy Nhơn vào các khu, cụm công nghiệp, khu chế biến tập trung và nâng cao năng lực chế biến theo chiều sâu, trên cơ sở đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, gia tăng giá trị hàng hóa. Thu hút đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến súc sản gắn với các dự án chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; khuyến khích đầu tư mới, nâng công suất, nâng cao chất lượng các dự án chế biến thực phẩm, đặc sản mang thương hiệu địa phương (bánh tráng, bánh ít, rượu Bàu Đá, nước mắm...).
b) Chế biến gỗ, lâm sản và sản phẩm thải loại từ gỗ:
Phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường; xây dựng thương hiệu “Đồ gỗ Bình Định”; triển khai Đề án phát triển công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Định đến năm 2030, trong đó tập trung xuất khẩu các sản phẩm gỗ nội thất, gỗ ngoài trời, các mặt hàng đồ thủ công mỹ nghệ; ưu tiên phát triển các nhà máy sản xuất tủ bếp, ván gỗ, sản phẩm gỗ nguyên khối (gỗ glulam, gỗ CLT, ván gỗ mặt lớn) để tăng nhanh giá trị sản xuất công nghiệp… gắn với xây dựng diện tích rừng trồng đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững, phát triển rừng trồng cây gỗ lớn; nâng cao tỷ lệ sử dụng gỗ nguyên liệu trong tỉnh, khuyến khích dùng gỗ rừng trồng đạt tiêu chuẩn FSC, PEFC... Khuyến khích đầu tư nâng cấp công nghệ và máy móc, thiết bị trong sản xuất đồ gỗ xuất khẩu để từng bước hiện đại hóa các nhà máy chế biến, nâng cao chất lượng và đa dạng mẫu mã sản phẩm. Tăng cường tuyên truyền, tập huấn việc ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tiếp tục thu hút đầu tư phát triển các nhà máy chế biến đồ gỗ nội, ngoại thất và viên nén (sản phẩm thải loại từ gỗ), từng bước chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, sớm hình thành khu (cụm) công nghiệp chuyên ngành gỗ và sản phẩm tử gỗ trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu sản phẩm từ gỗ năm 2025 đạt trên 01 tỷ USD.
c) Công nghiệp chế tạo máy, cơ khí:
Tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển các ngành cơ điện tử, cơ khí chính xác, điện - điện tử, cơ khí chế tạo máy tạo nền tảng thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển. Phát triển cơ khí đóng mới tàu thuyền và phụ tùng, trang thiết bị phục vụ phát triển ngành nông nghiệp, y tế. Phát triển các ngành cơ khí trong các cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện, thị xã để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn. Phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí chế tạo như: khuôn, linh kiện phụ tùng, máy móc thiết bị… Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi các nhà máy cơ khí hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, phát huy giá trị đã đầu tư như các nhà máy thép Hoa Sen, nhà máy cơ khí Hùng Vương…
d) Công nghiệp dệt may - da giày:
Ưu tiên đầu tư từ các tập đoàn, tổng công ty lớn và đầu tư nước ngoài. Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm của ngành dệt may - da giày hiện có. Chú trọng đầu tư phát triển các sản phẩm may mặc, vải sợi, giày, cặp, túi xuất khẩu các loại. Kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất vải cao cấp, vải giả da (simili), vải nhựa các loại, nguyên phụ liệu ngành may. Tập trung cải tiến mẫu mã, đào tạo đội ngũ thiết kế, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Từng bước phát triển có chọn lọc theo hướng giảm dần quy mô các doanh nghiệp dệt may trong khu vực đô thị, khuyến khích phát triển các cơ sở may mặc, da giày ở các cụm công nghiệp, khu vực nông thôn. Ổn định sản xuất các nhà máy hiện có; tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi các nhà máy đang đầu tư xây dựng hoàn thành đi vào hoạt động theo tiến độ đăng ký. Tiếp tục đầu tư, phát triển các nhà máy may, giày thể thao tại các khu, cụm công nghiệp; hình thành và phát triển cụm liên kết ngành may mặc gắn với các cụm công nghiệp chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ.
đ) Công nghiệp hóa chất và dược phẩm:
Ưu tiên hỗ trợ đầu tư chiều sâu, từng bước đổi mới công nghệ, thiết bị ngang tầm với trình độ tiên tiến trong khu vực, cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước và hướng xuất khẩu các nhà máy Bidiphar, FKB... Tạo điều kiện thuận lợi các nhà máy sản xuất dược phẩm Bidiphar công nghệ cao; nhà máy sản xuất dược phẩm Bidiphar Betalactam đang đầu tư xây dựng hoàn thành đi vào hoạt động tại Khu kinh tế Nhơn Hội. Tiếp tục thu hút các nhà máy sản xuất dược phẩm, dược liệu; sản xuất sản phẩm nhựa dân dụng và công nghiệp đầu tư vào tỉnh.
e) Sản xuất vật liệu xây dựng:
Khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất các mặt hàng gốm sứ, thủy tinh, gạch không nung, gạch bê tông siêu nhẹ AAC, ngói chống rêu, các loại vật liệu trang trí nội thất chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành xây dựng trên địa bàn, tạo nguồn hàng vững chắc, ổn định hướng đến xuất khẩu. Tăng cường thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp vật liệu mới như vật liệu xây dựng lắp ghép, vật liệu xây dựng được sản xuất từ vật liệu phế thải như bột đá, mùn cưa, phế thải xây dựng… để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao giá trị vật liệu xây dựng; tăng cường thu hút các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu sơn trong xây dựng. Ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại trong xây dựng dân dụng và công nghiệp, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị
g) Công nghiệp công nghệ thông tin:
Triển khai xây dựng, phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin của tỉnh đáp ứng được các yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy nhanh tích hợp công nghệ thông tin và tự động hóa trong sản xuất công nghiệp nhằm tạo ra các quy trình sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, phát triển sản xuất các sản phẩm, thiết bị thông minh; phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp công nghệ thông tin đạt 1.250 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 32,2%/năm.
h) Sản xuất, phân phối điện, nước, xử lý rác thải, nước thải và khai khoáng:
Tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp sản xuất, phân phối điện, nước, xử lý rác thải, nước thải và khai khoáng, phấn đấu năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.560 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 8,7%/năm.
Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, để khai thác tiềm năng, lợi thế ở những nơi có điều kiện phát triển; thực hiện đầu tư và phát triển nguồn và lưới điện theo quy hoạch được duyệt đảm bảo nhu cầu sản xuất và sinh hoạt; phấn đấu 100% thôn, làng trên địa bàn tỉnh được cấp điện lưới quốc gia.
Thu hút đầu tư và tạo điều kiện để các nhà máy nước cấp nước sinh hoạt, nhà máy xử lý nước thải, chất thải sinh hoạt triển khai đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu mở rộng đô thị và phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Phát triển ngành khai thác đá ốp lát, đá làm vật liệu xây dựng... đáp ứng nhu cầu các ngành chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh với quy mô và công nghệ khai thác theo hướng tiết kiệm, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường sinh thái, có sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước; cải tiến công nghệ khai thác, chế biến tinh nâng cao giá trị sản phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm dần tiến tới không xuất khẩu nguyên liệu thô
.
2. Về phát triển nông nghiệp và nông thôn:
Phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản dựa trên công nghệ cao, chuyển từ số lượng sang chất lượng: thu hút các nhà đầu tư xây dựng các trang trại trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; nâng cao chất lượng rừng trồng; xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với nông hộ tham gia chuỗi sản xuất và tiêu thụ; hiện đại hóa nghề cá, nhất là khâu nuôi trồng và khai thác hải sản xa bờ. Thực hiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu góp phần xây dựng nông thôn ngày càng hiện đại và văn minh.
1.2.1. Ngành trồng trọt:
Tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tăng hiệu quả sử dụng đất, lao động, cơ sở vật chất kỹ thuật nhằm không ngừng nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, đem lại giá trị gia tăng cao. Tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình cánh đồng lớn, hình thành các vùng sản xuất tập trung.
Trên cơ sở đó, tập trung phân tích, đánh giá lợi thế cạnh tranh của từng sản phẩm cây trồng, xác định vùng sản xuất tập trung, dự kiến thị trường tiêu thụ và đưa ra các giải pháp phát triển trong thời gian tới
.
a) Cây lương thực:
Đến năm 2025, ổn định tổng sản lượng lương thực cây có hạt khoảng 707.000 tấn.
* Cây lúa: Rà soát và tập trung chuyển đổi diện tích sản xuất 3 vụ lúa/năm bấp bênh, kém hiệu quả sang cơ cấu 2 lúa và 1 màu hoặc 1 lúa và 2 màu. Ổn định diện tích sản xuất lúa đến năm 2025 là 92.500 ha, tăng cường đầu tư thâm canh, nâng năng suất lúa bình quân lên 70,1 tạ/ha. Định hướng lựa chọn những địa bàn phù hợp, ưu tiên phát triển sản xuất lúa giống và lúa chất lượng cao theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh và trong nước.
Tổ chức lại sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn có sự tham gia liên kết HTX với doanh nghiệp, trên cơ sở ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất; phát triển thị trường, từng bước gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm.
* Cây ngô: Cây ngô là một trong những cây trồng chủ lực để thực hiện chuyển đổi đất 1 vụ lúa kém hiệu quả sang trồng ngô và có thể tăng diện tích bằng cách luân canh trên đất lúa (chân vàn, vàn cao). Vùng sản xuất ngô được bố trí luân canh trên đất màu, soi và luân canh trên đất lúa, tập trung ở các huyện: Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ, An Nhơn, Phù Cát, Tây Sơn. Chú trọng phát triển trồng ngô ở những vùng có điều kiện thâm canh (đất soi bãi, luân canh trên đất lúa), sử dụng các giống mới cho năng suất cao, nhằm nâng cao sức cạnh tranh sản xuất ngô trong nước so với ngô nhập khẩu. Đến năm 2025 diện tích gieo trồng ngô khoảng 9.000 ha, sản lượng 59.000 tấn
.
b) Cây công nghiệp:
* Cây dừa: Tập trung cải tạo các vườn dừa già cỗi cho năng suất thấp bằng cách trồng các giống dừa mới có năng suất cao, chất lượng tốt phục vụ cho chế biến tinh dầu dừa xuất khẩu, một phần cho nhu cầu tiêu dùng nước giải khát của nhân dân và khách du lịch. Đến năm 2025 diện tích dừa toàn tỉnh khoảng 10.000 ha, sản lượng khoảng 116.400 tấn. Diện tích dừa tập trung chủ yếu ở các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Hoài Ân, Phù Cát, chiếm 92% diện tích dừa cả tỉnh.
* Cây sắn: Phát triển cây sắn theo hướng giảm diện tích ở những khu vực đất có độ dốc lớn hơn 15o, đồng thời cần có giải pháp thâm canh phù hợp để hạn chế thoái hóa đất. Xây dựng các quy trình kỹ thuật trồng sắn bền vững theo các hình thức luân canh, xen canh với cây họ đậu nhằm đảm bảo vừa tăng giá trị sản xuất, vừa có tác dụng cải tạo đất; trồng sắn rải vụ để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy. Vùng sản xuất sắn tập trung chủ yếu ở các huyện: Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn gắn với nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu. Diện tích ổn định đến năm 2025 là 10.000 ha, sản lượng 315.000 tấn.
* Cây lạc: Trong thời gian tới, cây lạc được xem là một trong những cây trồng chủ lực để thực hiện chuyển đổi cây trồng khác sang trồng lạc. Do đó, hướng ưu tiên phát triển ở những vùng đất cát pha (đất soi bãi), có điều kiện thâm canh, luân canh, xen canh lạc với một số cây trồng khác; đồng đời chuyển một phần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng lạc nhằm không ngừng tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, nâng cao hiệu quả sản xuất, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Đẩy mạnh du nhập, khảo nghiệm các giống mới có năng suất chất lượng cao để bổ sung vào cơ cấu giống lạc của tỉnh. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất lạc thương phẩm, lạc giống.
Đến năm 2025 diện tích gieo trồng lạc khoảng 15.000 ha, sản lượng 55.500 tấn, chủ yếu tập trung ở các huyện: Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn, Hoài Nhơn, Hoài Ân và thị xã An Nhơn.
* Cây mía: Diện tích trồng mía đến năm 2025 toàn tỉnh giảm còn khoảng 100 ha, sản lượng 6.500 tấn. Vùng sản xuất mía chủ yếu ở huyện Tây Sơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Nhơn.
* Cây điều: Chuyển toàn bộ diện tích điều trồng trên đất lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Chỉ giữ lại những diện tích điều ở những nơi có điều kiện tưới, đất đai phù hợp cho sinh trưởng và phát triển. Đến năm 2025 ổn định diện tích điều khoảng 3.000 ha trong đó tập trung nhiều nhất ở huyện Phù Cát và Vĩnh Thạnh, sản lượng 3.000 tấn.
* Cây vừng: Là một trong những cây trồng phù hợp cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong điều kiện biến đổi khí hậu, nhất là ở những địa phương khó khăn về nguồn nước tưới. Trong thời gian tới phát triển cây vừng bằng phương pháp luân canh trên chân ruộng thiếu nước tưới và xen canh trên đất trồng cây hàng năm khác
.
1.2.2. Ngành chăn nuôi:
Phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và giết mổ động vật tập trung. Phấn đấu đến năm 2025, đàn trâu bò đạt 350 nghìn con (trong đó, đàn bò 330 nghìn con, tỷ lệ bò lai đạt 93,0% trên tổng đàn); đàn lợn 1.100 nghìn con; đàn gia cầm 11.700 nghìn con. Xây dựng 25 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; xây dựng Khu chăn nuôi Nhơn Tân (thị xã An Nhơn), Cát Lâm (Phù Cát) thành vùng chăn nuôi lợn giống, lợn thịt công nghệ cao; xây dựng nhãn hiệu “Heo Hoài Ân”; tiếp tục phát triển nhãn hiệu “Gà Minh Dư”, “Gà Cao Khanh” mang tầm quốc tế; theo đó hướng đến chuỗi sản xuất khép kín từ con giống, thức ăn, quy trình chăn nuôi, giết mổ, đóng hộp, phục vụ xuất khẩu sang thị trường Châu Âu và nhãn hiệu “Bò thịt chất lượng cao Bình Định”.
Cơ cấu một số đàn vật nuôi chính:
* Đàn heo: Tăng quy mô đàn, sản lượng thịt hơi xuất chuồng, trên cơ sở từng bước chuyển từ chăn nuôi nông hộ ở khu dân cư sang phát triển loại hình chăn nuôi trang trại, gia trại gắn với nâng cao chất lượng đàn heo và đảm bảo vệ sinh môi trường; khuyến khích, tạo điều kiện hình thành các cơ sở chăn nuôi heo quy mô lớn, có trình độ sản xuất tiên tiến gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm.
* Đàn trâu, bò: Phát triển chăn nuôi trên cơ sở tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác sản xuất, liên kết sản xuất, để chăn nuôi đem lại giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế cao nhất. Từng bước chuyển từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, nằm xen trong khu dân cư của hộ gia đình, sang chăn nuôi trang trại, gia trại với quy mô hợp lý, gắn với bảo vệ môi trường.
Tăng số lượng đàn bò thịt, nâng cao chất lượng bò thịt thông qua các giống bò cao sản chất lượng cao bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, phối giống trực tiếp gắn với sử dụng quy trình vỗ béo bò. Sản lượng thịt bò xuất chuồng/tổng sản lượng thịt xuất chuồng các loại đạt 21,92% vào năm 2025.
* Đàn gia cầm: Đối với các huyện trung du, miền núi khuyến khích phát triển chăn nuôi gà thả vườn; đối với các huyện đồng bằng, ven biển phát triển chăn nuôi gia cầm theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp và chăn thả có kiểm soát. Sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng/tổng sản lượng thịt xuất chuồng các loại đạt 15,78% vào năm 2025
.
1.2.3. Phát triển lâm nghiệp:
Bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; tiếp tục thực hiện công tác khoán bảo vệ rừng giai đoạn 2021-2025 của các chương trình, dự án là 608.236 ha, đảm bảo rừng thật sự có chủ. Đẩy mạnh trồng rừng kết hợp với khoanh nuôi phục hồi và bảo vệ rừng. Tiếp tục đầu tư trồng rừng cảnh quan, rừng phòng hộ; trồng rừng phòng hộ ven biển gắn với các dự án phát triển du lịch sinh thái. Huy động mọi nguồn vốn đầu tư để phát triển rừng, bình quân diện tích rừng trồng mới tập trung giai đoạn 2021-2025 khoảng 8.000ha, diện tích rừng trồng gỗ lớn là 10.000 ha (giai đoạn 2021-2025, trồng thêm 7.334 ha). Diện tích rừng được cấp mới chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) là 10.000 ha.
Tổ chức tốt công tác chăm sóc rừng phòng hộ, rừng môi trường cảnh quan, đảm bảo đến năm 2025 độ che phủ rừng đạt trên 58%. Quản lý chặt chẽ, điều chỉnh kịp thời những bất hợp lý quy hoạch 3 loại rừng; xây dựng đồng bộ quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp huyện, xã; tiếp tục hoàn thành việc giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
Phát triển sản xuất trồng rừng gỗ lớn trên cơ sở thay đổi phương thức kinh doanh trồng rừng gỗ nhỏ chủ yếu cung cấp băm dăm, sang trồng rừng gỗ lớn đáp ứng nhu cầu chế biến của các nhà máy chế biến đồ gỗ tinh chế trên địa bàn tỉnh. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp và tài nguyên rừng; bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tạo sự dịch chuyển căn bản về phương thức sản xuất, tổ chức quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị ngành hàng bền vững gắn với xây dựng chứng chỉ FSC nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu
.
2.4. Phát triển thủy sản:
Phấn đấu đến năm 2025, tổng sản lượng thủy sản đạt 244.000 tấn, trong đó sản lượng khai thác đạt 220.000 tấn, trong đó sản lượng khai thác ứng dụng công nghệ cao 72.000 tấn; sản lượng nuôi trồng đạt 24.000 tấn (sản lượng tôm nuôi đạt 22.000 tấn), trong đó sản lượng tôm nuôi ứng dụng công nghệ cao 13.000 tấn; phát triển nuôi biển ứng dụng công nghệ cao. Số lượng tàu đánh bắt xa bờ ứng dụng công nghệ cao chiếm 36% tổng số tàu đánh bắt xa bờ; diện tích nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao chiếm 30% tổng diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách của Chính phủ về hỗ trợ giúp ngư dân yên tâm sản xuất khai thác xa bờ và đóng tàu vỏ sắt, tàu công suất lớn để nâng cao năng lực đánh bắt xa bờ góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Tích cực đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác thủy sản, bảo quản sản phẩm giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả sản xuất trên đơn vị tàu thuyền và thu nhập của ngư dân. Tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Tam Quan, đồng thời xây dựng, nâng cấp các cơ sở hậu cần nghề cá, nạo vét luồng lạch tại các cảng cá, bến cá để tàu có công suất lớn có thể về cập cảng và bán nguyên liệu cho các cơ sở chế biến. Xây dựng đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá giúp ngư dân bám biển lâu ngày, nâng cao hiệu quả khai thác.
Hình thành được Vùng nuôi tôm công nghệ cao thuộc xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) theo Quy hoạch; theo đó phải hình thành được chuỗi sản xuất khép kín từ sản xuất tôm giống, xây dựng nhà máy thức ăn nuôi tôm, quy trình công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh ... hướng tới xuất khẩu sang Châu Âu, Bắc Mỹ; đi đôi với việc nghiên cứu, kiểm soát, khống chế dịch bệnh trong quá trình nuôi tôm và xử lý nước thải ra môi trường xung quanh
.
2.5. Xây dựng nông thôn mới:
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Bình Định chung sức xây dựng nông thôn mới”. Gắn tái cơ cấu ngành nông nghiệp với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Xây dựng kế hoạch tiến độ và giải pháp cụ thể cho các xã, huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025. Tăng cường thu hút các nguồn lực và lồng ghép các nguồn vốn đầu tư phát triển các công trình hạ tầng cơ bản trên địa bàn xã, thôn, tích cực hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại gắn với từng sản phẩm hàng hóa xuất khẩu. Tổ chức và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn để nông dân có việc làm tại chỗ. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có trên 85% số xã (96 xã) đạt tiêu chí nông thôn mới; trong đó 36 xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu; không còn xã dưới 10 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; 07/11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (thêm huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn); có ít nhất 165 sản phẩm OCOP cấp tỉnh được công nhận, 25 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
3. Về hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, tài chính:
3.1. Thương mại, dịch vụ:
 Phát triển và nâng cao hiệu quả các hoạt động thương mại, dịch vụ; đẩy mạnh xuất khẩu; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích xuất khẩu; nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; tăng cường công tác xây dựng và bảo hộ thương hiệu. Phát triển mạnh hệ thống bán buôn, bán lẻ trong tỉnh; tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm soát chặt chẽ, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn.
Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng thương mại, dịch vụ. Phát triển và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ: tài chính, ngân hàng, vận tải, bưu chính viễn thông, tư vấn, bảo hiểm… Chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ có lợi thế của tỉnh như cảng biển, hàng không, đường sắt; tạo điều kiện đầu tư nâng cấp các cảng biển, phát triển dịch vụ logistics, dịch vụ kho bãi… Bảo đảm tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ cao hơn tốc độ tăng GRDP.
Xây dựng, hoàn thiện hạ tầng cảng biển, cảng cạn (ICD), kho bãi, giao thông vận tải, thông tin liên lạc, các trung tâm logistics để phát triển dịch vụ cảng biển, logistics của tỉnh và khu vực; đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ cảng và logistics.
Tập trung triển khai quy hoạch Cảng Quy Nhơn mở rộng đến năm 2030; khai thác hiệu quả cụm cảng biển Quy Nhơn hiện có; hỗ trợ đẩy nhanh việc triển khai đầu tư các dự án: Nâng cấp bến số 1 Cảng Quy Nhơn, Mở rộng cảng Quy Nhơn (giai đoạn 1); thu hút đầu tư xây dựng cảng tổng hợp có công suất lớn tại xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ nhằm nâng cao năng lực và phát huy lợi thế cảng biển của tỉnh; đầu tư nâng cấp luồng hàng hải vào Cảng Quy Nhơn.
Kêu gọi, xã hội hóa để huy động mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng logistics, cảng cạn (ICD) theo quy hoạch dọc Quốc lộ 19 mới trên địa bàn huyện Tuy Phước; cụm logistics trung chuyển hàng hoá tại xã Canh Vinh, huyện Vân Canh. Chú trọng phát triển dịch vụ logistics gắn với việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông các tuyến đường liên vùng như: đường cao tốc Bắc - Nam (phía Đông) qua tỉnh Bình Định, đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, các tuyến Quốc lộ 19B và 19C để khai thác hạ tầng kết nối giữa Bình Định với các tỉnh duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và các nước trong khu vực thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS).
Phát triển dịch vụ logistics phù hợp với tiềm năng lợi thế của tỉnh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất và trở thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại của tỉnh. Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics; phát triển các doanh nghiệp logistics tăng về số lượng, chất lượng, quy mô và trình độ nhân lực.
Tiếp tục đề xuất bổ sung cảng hàng không Phù Cát thành cảng hàng không Quốc tế vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đầu tư nâng cấp đường lăn, mở rộng sân đỗ, xây dựng nhà ga quốc tế mới; xúc tiến mở thêm các tuyến bay nội địa và quốc tế đi và đến Phù Cát, kịp thời đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và nhà đầu tư khi Bình Định đang là điểm đến hấp dẫn của cả nước. Nâng cấp, hoàn thiện các tuyến giao thông kết nối trực tiếp và gián tiếp với Cảng hàng không Phù Cát; nghiên cứu quy hoạch xây dựng khu công nghiệp sản xuất gia công hàng điện tử - viễn thông gần sân bay nhằm tận dụng lợi thế vận tải hàng không của Cảng hàng không Phù Cát.
Chú trọng bồi dưỡng, phát triển nguồn thu bền vững; khai thác, huy động đầy đủ, kịp thời, đúng pháp luật các nguồn thu vào ngân sách nhà nước; chống thất thu, nợ đọng thuế... Phấn đấu thu ngân sách đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Thực hiện chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh
.
3.2. Du lịch:
Tập trung phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác; góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đưa Bình Định trở thành điểm đến an toàn, có nét đặc trưng riêng, văn minh, thân thiện và hấp dẫn.
Phấn đấu đến năm 2025 thu hút 8 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế; tổng đóng góp của hoạt động du lịch bao gồm đóng góp trực tiếp và đóng góp gián tiếp (lan tỏa) vào GRDP tỉnh Bình Định đạt 20% (trong đó đóng góp trực tiếp của hoạt động du lịch đạt 10%, đóng góp gián tiếp đạt 10%); đảm bảo môi trường du lịch với 3 tốt (an ninh tốt, môi trường tốt, quan hệ cộng đồng tốt), 3 không (không chặt chém, không giành giật khách, không người ăn xin).
Xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển du lịch trên cơ sở phát huy lợi thế về cảnh quan, môi trường, văn hóa, di tích, lịch sử và con người trong xây dựng thương hiệu du lịch Bình Định. Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá và kết nối du lịch với các địa phương trong và ngoài nước; đôn đốc, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án du lịch, nhất là các khu vui chơi - giải trí quy mô lớn, hiện đại. Trong đó, chú trọng hoàn thiện hạ tầng du lịch tại thành phố Quy Nhơn, Khu kinh tế Nhơn Hội; các tuyến du lịch trọng điểm: Quy Nhơn - Sông Cầu, Phương Mai - Núi Bà, Quy Nhơn - An Nhơn - Tây Sơn - Vĩnh Thạnh, phát triển du lịch cộng đồng và các điểm du lịch tại các huyện, thị xã trong tỉnh.
Tiếp tục tổ chức, phổ biến, nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; bảo vệ hình ảnh, môi trường du lịch, góp phần phát triển du lịch bền vững, nâng cao uy tín, thương hiệu và sức thu hút của du lịch Bình Định.
Phát triển thị trường khách du lịch. Ưu tiên phát triển thị trường khách du lịch nội địa, tập trung thu hút khách du lịch thị trường thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên; từng bước mở rộng thị trường các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc và Nam Trung Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và Nam Bộ, từng bước phát triển có chọn lọc thị trường khách du lịch quốc tế, tập trung thu hút khách du lịch các thị trường gần, có nguồn khách lớn và mức tăng trưởng nhanh như thị trường Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Nga và Đông Âu; tiến tới thu hút khách du lịch từ một số thị trường xa, khả năng chi tiêu cao và lưu trú dài ngày như Tây Âu, Bắc Mỹ và Châu Đại Dương.
Đa dạng hoá và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao và bền vững như sản phẩm du lịch biển đảo thành thương hiệu mạnh, có lợi thế cạnh tranh của du lịch Bình Định, gồm: sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo cao cấp; du lịch thể thao, giải trí trên biển (công viên biển, lặn ngắm san hô, câu cá giải trí trên biển và một số loại hình du lịch, giải trí trên biển) dọc tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu, Quy Nhơn - Nhơn Lý - Cát Tiến, Phù Mỹ - Hoài Nhơn, Nhơn Hải - Cù Lao Xanh… Tiếp tục hình thành và phát triển các bãi tắm sạch, đẹp, an toàn dọc các tuyến đường ven biển của tỉnh; bố trí lực lượng cứu hộ, nhà vệ sinh đạt chuẩn, điểm tắm tráng nước ngọt đạt chuẩn du lịch.
Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, cách mạng của tỉnh; khai thác thế mạnh ẩm thực đặc trưng, đa dạng của địa phương. Hình thành các tuyến du lịch gắn với điểm đến là các võ đường, làng nghề truyền thống; các di tích lịch sử - văn hóa, di tích về phong trào Tây Sơn; hệ thống tháp Chăm… Tiếp tục hình thành và phát triển các điểm biểu diễn nghệ thuật Tuồng (Hát bội), Bài chòi dân gian, Võ cổ truyền Bình Định, các chương trình trình diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch. Du lịch kết hợp chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe: Phát huy tiềm năng các suối khoáng nóng, võ cổ truyền Bình Định để hình thành các sản phẩm du lịch kết hợp chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe…
Phát triển các sản phẩm du lịch mới, có tiềm năng như phát triển dịch vụ du lịch tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) và Tổ hợp Không gian khoa học tại thành phố Quy Nhơn nhằm tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù riêng của tỉnh Bình Định - Du lịch khám phá khoa học.
Phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và làng nghề gắn với cảnh quan rừng, núi, hồ ở các tuyến du lịch của tỉnh. Ðẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng tại các làng chài, du lịch làng nghề tại một số huyện, thị xã gắn với du lịch nông nghiệp…
Đầu tư phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển, đường thuỷ nội địa tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tỉnh. Khuyến khích đầu tư các cơ sở lưu trú cao cấp, cơ sở dịch vụ phục vụ khách như nhà hàng, các trung tâm thương mại - mua sắm, vui chơi giải trí, thẩm mỹ chăm sóc sắc đẹp đạt tiêu chuẩn quốc tế nhằm phục vụ thị trường khách mục tiêu của Bình Định. Phấn đấu đến năm 2025 thu hút đầu tư đạt 25.000 phòng (trong đó số phòng lưu trú tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên đạt 70% tổng số phòng lưu trú); thu hút đầu tư 2 - 3 khu vui chơi, giải trí và trung tâm thương mại - mua sắm cao cấp.
Thực hiện chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch trọng tâm, trọng điểm theo thị trường khách du lịch. Triển khai chiến lược truyền thông phát triển thương hiệu du lịch tỉnh theo tiêu chí: “An toàn, văn minh, thân thiện và hấp dẫn”; phát triển thành phố Quy Nhơn thành thành phố du lịch gắn với danh hiệu “Quy Nhơn - Thành phố du lịch sạch ASEAN 2020”.
Hình thành dự án và kêu gọi đầu tư một số khu du lịch ở phía Bắc tỉnh (Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão), phía Tây tỉnh (Tây Sơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh) nhằm tạo sự phát triển đồng đều trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Xây dựng nguồn nhân lực phục vụ du lịch chuyên nghiệp, chất lượng cao. Đến năm 2025 lao động trực tiếp phục vụ du lịch có tay nghề đạt trên 16.000 người; ngành du lịch cơ bản giải quyết đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng, cơ cấu lao động hợp lý. Phát triển du lịch thông minh và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch
.
II. XÂY DỰNG KẾT CẤU HẠ TẦNG VÀ PHÁT TRIỂN CÁC KHU VỰC TRONG TỈNH
Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với phát triển các khu vực trong tỉnh.
1. Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh:
Tích cực huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Coi trọng xã hội hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng dịch vụ - du lịch, văn hóa - xã hội. Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; giải quyết tốt vấn đề sinh kế cho người dân trong các vùng dự án; quan tâm đầu tư hạ tầng thiết yếu cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, hải đảo...
- Triển khai thực hiện quy hoạch và các đề án phát triển giao thông nhằm phát triển đồng bộ hệ thống giao thông trên địa bàn, nhất là hệ thống giao thông kết nối giữa các vùng, các địa phương trong tỉnh như:
+ Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thi công các dự án: Đường ven biển (ĐT 639) các đoạn: Cát Tiến - Đề Gi, Đề Gi - Mỹ Thành, từ cầu Lại Giang đến cầu Thiện Chánh); Cải tạo, nâng cấp tuyến đường Trần Nhân Tông, thành phố Quy Nhơn; Tuyến đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội (giai đoạn 2); Đường Điện Biên Phủ nối dài đến Khu Đô thị Diêm Vân…
+ Triển khai và xây dựng hoàn thành các tuyến đường: Tuyến đường trục Đông - Tây kết nối với tuyến đường phía Tây tỉnh (ĐT 638) đoạn Km137+580 - Km143+787; Tuyến đường trung tâm lõi đô thị thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội; Cầu Phú Văn (giai đoạn 2); Đường Ngô Mây nối dài (thành phố Quy Nhơn); Nâng cấp, mở rộng tuyến đường Quốc lộ 19C, đoạn từ Diêu Trì - Mục Thịnh; các tuyến đường thuộc Hạ tầng khung Khu Đô thị Long Vân; Tuyến đường phía Tây huyện Vân Canh, đoạn từ Khu công nghiệp, đô thị Becamex Bình Định đến thị trấn Vân Canh…
+ Kết hợp nguồn vốn Trung ương, vốn ODA với nguồn vốn ngân sách địa phương đầu tư xây dựng Đường ven biển tỉnh Bình Định đoạn Cát Tiến - Diêm Vân; Tuyến đường kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại; Tuyến đường kết nối với đường ven biển (ĐT.639) trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn; Tuyến đường kết nối từ đường phía Tây tỉnh (ĐT.638) đến đường ven biển (ĐT.639) trên địa bàn huyện Phù Mỹ; Tuyến đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong; Tuyến đường ven biển (ĐT.639) đoạn từ Quốc lộ 1D - Quốc lộ 19 mới; Dự án Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Bình Định (bao gồm Tuyến đường từ Quốc lộ 19C kết nối cảng Quy Nhơn và dự án Đường ven biển (ĐT.639) đoạn Mỹ Thành – Lại Giang); các tiểu dự án giao thông thuộc dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số (CRIEM): (i) Nâng cấp, sửa chữa tuyến đường giao thông liên huyện Vĩnh Thạnh, kết nối Quốc lộ 19 và huyện KBang, tỉnh Gia Lai Sửa chữa, (ii) nâng cấp tuyến đường giao thông liên xã từ thôn Hiệp Hưng, xã Canh Hiệp đến làng Canh Tiến, xã Canh Liên, huyện Vân Canh, (iii) Sửa chữa, nâng cấp đường liên xã An Hưng đi Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn; Cầu Thị Nại 2. Tập trung đầu tư, hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn gắn với chương trình nông thôn mới…
- Triển khai, hoàn thành đầu tư các hạng mục thuộc dự án Môi trường bền vững các thành phố Duyên hải - Tiểu dự án thành phố Quy Nhơn; Hồ chứa nước Đồng Mít và các công trình gắn kết; Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Trung - tỉnh Bình Định; Sửa chữa nâng cao an toàn đập tỉnh Bình Định (WB8); Đập dâng Lão Tâm; các dự án xây dựng hạ tầng khu tái định cư Quảng Vân, Diêm Vân….
- Kết hợp nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi, đê kè, hệ thống tiêu thoát lũ, các dự án cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân như: Dự án Nâng cao đồng bộ năng lực tưới hệ thống Tân An - Đập Đá; Dự án Đập Dâng Phú Phong huyện Tây Sơn; Đập dâng Hà Thanh 1; Nâng cấp, mở rộng Cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Tam Quan (sử dụng vốn ODA cho hạng mục nạo vét luồng; kết hợp xã hội hoá một số hạng mục), xây dựng Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đầm Đề Gi, huyện Phù Cát; Cải tạo hệ thống tiêu thoát lũ và kết nối giao thông hai bờ Suối Trầu Khu đô thị Long Vân, thành phố Quy Nhơn; Hệ thống tiêu thoát lũ sông Dinh, thành phố Quy Nhơn; Cấp nước sạch trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn (đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP); nghiên cứu đầu tư chuyển nước từ hồ Đồng Mít về hệ thống tưới đập Lại Giang và phía Bắc Phù Mỹ; nghiên cứu xây dựng đường sắt nội đô nối Cát Tiến với Trung tâm Quy Nhơn….
- Đầu tư bổ sung cơ sở vật chất cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Mở rộng, mua sắm trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn, Trung tâm Y tế Quy Nhơn, Trung tâm y tế An Nhơn và một số Trung tâm y tế huyện; nâng cấp các trạm y tế xã trong tỉnh. Xây dựng Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh. Đầu tư xây dựng Bảo tàng tỉnh Bình Định. Đầu tư mở rộng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn; xây dựng các Trường THPT Nguyễn Hữu Quang, Phan Bội Châu, Xây dựng mới Trường THPT để giảm tải Trường THPT Hùng Vương; bổ sung phòng học, phòng bộ môn, nhà hiệu bộ đối với các trường trung học phổ thông còn thiếu. Triển khai các dự án quan trọng khác trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và an sinh xã hội... Có cơ chế, chính sách hợp lý huy động các nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân để đầu tư phát triển nhà ở nhằm tăng nhanh quỹ nhà ở, nhất là nhà ở xã hội tại các khu đô thị phục vụ nhu cầu nhà ở cho công nhân, viên chức có thu nhập thấp, lao động trong các khu công nghiệp, nhà ở cho người tái định cư …
Tiếp tục quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình mới phù hợp với quy hoạch tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới
.
2. Tăng cường liên kết, phát triển các khu vực trong tỉnh:
Triển khai thực hiện có hiệu quả đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, vừa tăng cường sự liên kết giữa các vùng, các địa phương; vừa chú trọng phát huy lợi thế của các khu vực và các địa phương trong tỉnh.
2.1. Đối với khu vực đô thị:
Tập trung tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch chung (điều chỉnh) xây dựng thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận, mở rộng không gian phát triển để Quy Nhơn trở thành một trong những đô thị trung tâm của vùng duyên hải miền Trung, phát triển theo định hướng công nghiệp - cảng biển - dịch vụ - du lịch; tiếp tục đầu tư phát triển các thị xã An Nhơn, Hoài Nhơn theo hướng đạt chuẩn đô thị loại 3; Tây Sơn đạt tiêu chí thành lập thị xã và phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch. Chú trọng tính thẩm mỹ, tính dân tộc, tính hiện đại, đảm bảo môi trường trong quy hoạch và phát triển đô thị. Quản lý chặt chẽ quy hoạch, kiến trúc, nâng cao chất lượng và phát triển bền vững đô thị; phát triển Khu kinh tế Nhơn Hội theo quy hoạch (điều chỉnh) thành khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị, công nghiệp, cảng biển, năng lượng tái tạo và thủy sản.
Xây dựng các đề án đề nghị công nhận huyện Tây Sơn đạt chuẩn thị loại IV, nâng cấp xã Nhơn Lý (Quy Nhơn) và 05 xã thuộc thị xã An Nhơn lên phường, nâng loại đô thị, nâng cao các tiêu chí phát triển đô thị đối với các đô thị loại I, III, IV và V trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2025, toàn tỉnh có 22 đô thị bao gồm: 01 đô thị loại I (thành phố Quy Nhơn); 01 đô thị loại III (thành phố An Nhơn); 02 đô thị loại IV (Hoài Nhơn, Tây Sơn); 12 đô thị loại V hiện hữu và 06 đô thị loại V hình thành mới; tỷ lệ đô thị hóa đạt 52,8%. Nghiên cứu, thí điểm, triển khai xây dựng đô thị thông minh tại thành phố Quy Nhơn và các thị xã trong tỉnh.
Đầu tư, hoàn thiện Khu đô thị mới Nhơn Hội, Khu đô thị Khoa học - Giáo dục Quy Hòa; đẩy nhanh tiến độ đầu tư Khu Công nghiệp - đô thị - Dịch vụ Becamex VSIP, hoàn thành các dự án Khu đô thị và du lịch sinh thái Diêm Vân (huyện Tuy Phước), khu đô thị mới Long Vân (thành phố Quy Nhơn), các khu đô thị dọc Quốc lộ 19 mới; quy hoạch phát triển các khu đô thị mới, các khu dân cư gắn với các tuyến giao thông kết nối đã và đang được đầu tư.
Phát triển các khu đô thị mới hiện đại về không gian, kiến trúc, cảnh quan, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, khai thác tiềm năng, lợi thế không gian cảnh quan và khí hậu khu vực sông nước ven đầm Thị Nại. Đầu tư phát triển các khu đô thị trên địa bàn Khu kinh tế Nhơn Hội và ven đầm Thị Nại; trung tâm đô thị du lịch biển phía Nam đầm Đề Gi, huyện Phù Cát; các khu đô thị dọc đường ven biển Đề Gi - Mỹ Thành; xây dựng hoàn thành và thu hút đầu tư phát triển các khu đô thị mới, khu dân cư trên địa bàn thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn và các huyện trong tỉnh.
Tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình dịch vụ hiện có, chú trọng phát triển kinh tế ban đêm ở trên địa bàn thành phố Quy Nhơn và một số đô thị có tiềm năng như thị xã An Nhơn và thị xã Hoài Nhơn để phục vụ phát triển du lịch. Khuyến khích kinh doanh dịch vụ hiện đại như trung tâm thương mại, mua sắm cao cấp, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, bán hàng qua mạng, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao… gắn với quá trình đô thị hóa trên địa bàn tỉnh.
Tập trung đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, chất thải rắn tại các đô thị, đảm bảo tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch đến năm 2025 đạt 83% và tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom, xử lý đạt 84%. Tiếp tục đầu tư các dự án nhà ở, nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, nhà ở xã hội đã được phê duyệt
.
2.2. Đối với khu vực đồng bằng, trung du:
Tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp. Khôi phục và phát triển các ngành nghề ở nông thôn. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ gắn với sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, nhất là công nghiệp chế biến, dịch vụ cung ứng vật tư sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm, du lịch cộng đồng; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn; giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp trong cơ cấu lao động xã hội, góp phần đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho dân cư nông thôn. Đẩy mạnh xây dựng các khu đô thị, khu dân cư theo quy hoạch.
2.3. Đối với khu vực miền núi:
Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn, nhất là thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đối với 3 huyện miền núi; hoàn thành cơ bản việc đầu tư kết cấu hạ tầng miền núi: giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, nhất là đối với các làng cách xa trung tâm; đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; chú trọng chăm lo đời sống đồng bào và công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tuyến núi;…
2.4. Đối với khu vực biển và ven biển:
Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch phát triển bền vững kinh tế biển, xác định phát triển kinh tế biển là một trong những đột phá cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Tập trung đầu tư, phát triển du lịch biển đảo gắn với du lịch văn hóa, lịch sử. Nâng cao hiệu quả khai thác các cảng biển và dịch vụ vận tải biển của tỉnh. Khuyến khích các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản công nghệ cao, bền vững. Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có lợi thế và phát triển các ngành kinh tế biển mới. Tập trung đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi, hệ thống đê sông, đê biển, hạ tầng nuôi trồng thủy sản; khôi phục, phát triển rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển. Khuyến khích phát triển các khu đô thị ven biển. Tiếp tục đầu tư, xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội xã đảo Nhơn Châu
.
III. CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ, PHÁT TRIỂN CÁC THÀNH PHẦN KINH TẾ
Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Nâng cao hiệu quả công tác thông tin, dự báo, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường... Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính; đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến; thực hiện công khai, minh bạch thông tin đi đôi với chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh và bộ phận một cửa tại các huyện, thị xã, thành phố.
Tiếp tục thực hiện thoái vốn nhà nước còn lại tại các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần, triển khai đề án chuyển một số đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sau cổ phần hóa hoạt động hiệu quả. Triển khai tốt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân. Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh doanh nghiệp, phấn đấu đến cuối năm 2025 có từ 9.500 đến 10.000 doanh nghiệp hoạt động ổn định, với số vốn điều lệ bình quân 12 tỷ đồng/doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho 200.000 lao động, đóng góp thu ngân sách 50%. Cơ cấu lại, phát triển các hợp tác xã kiểu mới, các tổ hợp tác theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng dịch vụ cho các thành viên. Chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ, bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp với hình thức sở hữu hỗn hợp. Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ưu tiên các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp thích ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển, cung cấp dịch vụ công
.
IV. PHÁT TRIỂN CÁC LĨNH VỰC XÃ HỘI
1. Về giáo dục - đào tạo
:
Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng dạy và học. Củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục; duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, xóa mù chữ và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông; tăng cường giáo dục đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống và giáo dục thể chất cho học sinh.
Rà soát, sắp xếp, quy hoạch các cơ sở giáo dục; nâng cao chất lượng, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; nâng cao năng lực quản trị nhà trường gắn với thực hiện tự chủ trong hoạt động của các cơ sở giáo dục; giải quyết căn cơ tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, xử lý nghiêm các tiêu cực trong giáo dục và đào tạo.
Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, đa đạng hóa các loại hình đào tạo, khuyến khích phát triển các cơ sở đào tạo ngoài công lập, thực hiện bình đẳng trong giáo dục - đào tạo. Tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài; thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.
Tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống trường lớp, trang thiết bị dạy và học theo hướng chuẩn hóa. Phấn đấu đến năm 2025 có trên 70% số trường đạt chuẩn quốc gia. Tăng cường phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa
.
2. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh:
Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, xem đây là một trong những mục tiêu quan trọng trong giai đoạn tới. Đổi mới và thực hiện tốt các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng đội ngũ trí thức, cán bộ khoa học công nghệ, nhất là các chuyên gia, nhà khoa học; chú trọng phát triển đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lý… Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức trẻ, tạo môi trường, điều kiện hoạt động để trí thức nghiên cứu, sáng tạo, cống hiến. Quan tâm công tác định hướng tư tưởng, chính trị, giáo dục đạo đức, lối sống, nhất là nâng cao trách nhiệm và khát vọng cống hiến của đội ngũ trí thức. Đổi mới, đa dạng hóa phương thức vận động, kết nối, tập hợp và tổ chức, động viên đội ngũ trí thức, nhất là trí thức trẻ, trí thức trong các thành phần kinh tế trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh trong giai đoạn mới, nhất là đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức. Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực theo định hướng phát triển của tỉnh. Cơ cấu hợp lý nguồn nhân lực giữa các ngành, lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mở rộng hội nhập và giao lưu với khu vực và quốc tế.
Đổi mới công tác đào tạo nghề theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu xã hội. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, chú trọng đào tạo công nhân lành nghề bậc cao cho các khu công nghiệp, lao động có tay nghề cao cho các ngành dịch vụ và lao động xuất khẩu; quan tâm đào tạo lại lực lượng lao động phải chuyển đổi nghề nghiệp do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ và tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá dạy nghề, đa dạng hoá các hình thức đào tạo nghề, khuyến khích các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề theo nhu cầu. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong đào tạo nghề.
Phấn đấu đến năm 2025: Đào tạo 650 nhân lực sau đại học (thạc sĩ và tương đương trở lên) phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh (trong đó, đào tạo ít nhất 10 tiến sĩ); 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đạt chuẩn chức danh theo quy định; tỷ lệ lao động qua đào tạo, bồi dưỡng nghề đạt 66%; bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 30.000 lao động
.
3. Phát triển khoa học - công nghệ, và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu:
3.1. Về khoa học, công nghệ:
Phát triển khoa học - công nghệ tạo nền tảng phát triển nhanh, bền vững; đưa khoa học và công nghệ thành nền tảng, động lực phát triển kinh tế - xã hội và phát triển bền vững, đáp ứng với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tiếp tục xây dựng Bình Định trở thành điểm đến của các doanh nghiệp công nghệ, nhà khoa học trên thế giới và trong nước.
Xây dựng và thực hiện chương trình phát triển khoa khọc và công nghệ thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phù hợp với điều kiện và đáp ứng  yêu cầu phát triển của tỉnh. Trong đó, tập trung đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng, nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ hiện đại trong các ngành, lĩnh vực; phát triển toàn diện hệ sinh thái khởi nghiệp, khuyến khích và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp bằng đổi mới sáng tạo. Nâng năng suất yếu tố tổng hợp lên 38% - 42%.
Triển khai đồng bộ các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ thuộc các lĩnh vực: khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học nông nghiệp, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học y dược. Tập trung các nguồn lực triển khai các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên các lĩnh vực: công nghệ thông tin và truyền thông, trí tuệ nhân tạo.
Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu, sáng tạo, phát triển công nghệ dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số; kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp về khoa học công nghệ.
Hoàn chỉnh quy hoạch và triển khai đầu tư hoàn thiện Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa. Tiếp tục hỗ trợ phát huy hiệu quả vai trò kết nối của Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE). Tập trung nguồn lực để hoàn thành và đưa vào sử dụng Dự án Tổ hợp không gian khoa học.
Quy hoạch, phát triển các khu vệ tinh nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ cao, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để phát triển Khu đô thị Khoa học Quy Hòa, Trung tâm Trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ tại phường Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân, thành phố Quy Nhơn.
Tạo điều kiện để các dự án tại Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa và các dự án trí tuệ nhân tạo tại Khu đô thị mới Long Vân đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả, góp phần tăng nhanh tiềm lực khoa học và công nghệ của tỉnh, nhất là các lĩnh vực liên quan đến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data) theo Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao, công nghệ ưu tiên nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các trụ cột tăng trưởng của tỉnh về công nghiệp, nông nghiệp và du lịch.
Phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Tập trung ứng dụng khoa học, công nghệ phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn, có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao; thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, hiệu quả cao với quy mô phù hợp theo từng ngành hàng, sản phẩm và thị trường. Triển khai các chính sách về hỗ trợ đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp. Xây dựng chương trình hỗ trợ thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Thực hiện tốt việc giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cho tổ chức có đủ năng lực thương mại hóa; hình thành doanh nghiệp khoa học công nghệ dựa trên các sản phẩm của kết quả nghiên cứu khoa học. Hoàn thiện, phát huy hiệu quả sàn giao dịch công nghệ của tỉnh và kết nối với sàn giao dịch công nghệ Quốc gia.
Tiếp tục xây dựng, phát triển toàn diện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; kết nối hiệu quả các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hình thành và phát huy hiệu quả các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh.
Đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế về khoa học và công nghệ; Xây dựng cơ chế phù hợp để gắn hoạt động nghiên cứu, ứng dụng của các trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn tỉnh nhất là Trường Đại học Quy Nhơn với nhu cầu của doanh nghiệp và nền kinh tế. Tạo điều kiện và hỗ trợ cho hoạt động của Trung tâm ICISE phát huy vai trò kết nối giữa các nhà khoa học với tỉnh. Chủ động tham gia các chương trình hợp tác về khoa học và công nghệ với các tỉnh, thành phố; các viện nghiên cứu, trường đại học nhằm bổ sung nguồn nhân lực khoa học và công nghệ cho tỉnh
.
3.2. Về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu:
Chú trọng công tác bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức và công dân trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, tiết kiệm, đảm bảo cân bằng sinh thái và an sinh xã hội.
Thực hiện tốt công tác lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm. Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường ở các khu, cụm, điểm công nghiệp, làng nghề, rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt,... Kiểm soát và ngăn ngừa, hạn chế ô nhiễm từ sản xuất nông nghiệp, trong khu dân cư.
Nâng cao nhận thức và khả năng chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu của cộng đồng. Lồng ghép công tác ứng phó với biến đổi khí hậu vào kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương. Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ và ưu tiên bố trí vốn ngân sách cho các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường năng lực quan trắc, dự báo thiên tai và biến đổi khí hậu để có kế hoạch ứng phó kịp thời, hiệu quả
.
4. Phát triển văn hóa, thông tin - truyền thông, thể dục - thể thao:
Tiếp tục đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, tập quán tốt đẹp của mỗi địa phương. Tập trung giáo dục lòng yêu nước, nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, ý thức trách nhiệm xã hội; ý chí, khát vọng vươn lên của mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ, nâng cao chất lượng gia đình. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở.
Đầu tư nâng cấp, tôn tạo, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử, di tích cách mạng và các danh lam thắng cảnh trên địa bàn; đầu tư chống xuống cấp các di tích, đặc biệt là các di tích Chăm; xây dựng Bảo tàng tỉnh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; duy trì và nâng cao chất lượng các lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa - thể thao. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa miền núi và miền xuôi. Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật; thực thi quyền tác giả; tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo và cống hiến.
Đẩy mạnh phong trào thể dục, thể thao quần chúng gắn với công tác xã hội hóa hoạt động thể dục thể thao; xây dựng hoàn chỉnh một số thiết chế thể thao; ưu tiên phát triển một số bộ môn thể thao thành tích cao có thế mạnh của tỉnh kết hợp xây dựng hệ thống các sân, bãi tập, trung tâm huấn luyện và nhà thi đấu đa năng phục vụ tập luyện, thi đấu. Xây dựng quần thể khu liên hiệp thể dục thể thao. Xây dựng hồ sơ khoa học di sản Võ cổ truyền Bình Định đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Triển khai kế hoạch thực hiện quy hoạch báo chí, phát thanh, truyền hình trên địa bàn. Tiếp tục đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, hiện đại hóa, số hóa; nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực thông tin, truyền thông, nhất là các loại hình thông tin trên internet, dịch vụ văn hóa để định hướng tư tưởng, dư luận xã hội.
Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số; tận dụng tối đa cơ hội để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, xây dựng kinh tế số. Phấn đấu, đến năm 2025, Bình Định trở thành địa phương thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; thu hút đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước đến làm việc tại Công viên phần mềm Quang Trung – Bình Định và Trung tâm trí tuệ nhân tạo – Đô thị phụ trợ Long Vân; kinh tế số chiếm khoảng 10% trong GRDP của tỉnh
.
5. Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc bà mẹ, trẻ em:
Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về y tế - dân số, công tác phòng, chống các loại dịch bệnh. Tiếp tục đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng và trang thiết bị các cơ sở y tế; có kế hoạch thành lập bệnh viện chuyên khoa chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của nhân dân. Nâng cao chất lượng hoạt động mạng lưới y tế cơ sở; đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm y tế tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực y tế, chú trọng công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động y tế.
Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về dân số; thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em, kế hoạch hóa gia đình. Nâng cao chất lượng dân số; giảm mất cân bằng giới tính khi sinh
.
6. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội:
Tăng cường quản lý phát triển xã hội, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội. Gắn chính sách phát triển kinh tế với chính sách xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án, giải pháp hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động. Nâng cao chất lượng của lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh và hội nhập quốc tế.
Đầu tư nâng cấp các cơ sở trợ giúp xã hội công lập, hỗ trợ các cơ sở ngoài công lập. Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 phù hợp với đặc điểm tình hình của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh thấp hơn tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả nước.
Thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ, cứu trợ xã hội. Khuyến khích các hoạt động nhân đạo, từ thiện, xã hội hóa công tác bảo trợ, cứu trợ xã hội; hỗ trợ hoạt động các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn.
Thực hiện tốt các chính sách về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ và bảo vệ quyền trẻ em
.
V. TĂNG CƯỜNG QUỐC PHÒNG - AN NINH VÀ XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN
1. Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương:
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia và kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc.Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quốc phòng - an ninh; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh; gắn quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội với đầu tư, xây dựng các công trình phòng thủ.
Nâng cao chất lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang tỉnh, góp phần thực hiện mục tiêu chung xây dựng lực lượng vũ trang theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên có số lượng hợp lý, chất lượng ngày càng cao; sẵn sàng tham gia xử trí có hiệu quả các tình huống quốc phòng - an ninh; phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt, dịch bệnh và tìm kiếm cứu hộ - cứu nạn; đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập; thực hiện tốt công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ và các chính sách hậu phương quân đội
.
2. Đảm bảo an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội:
Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hoà bình”, “bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch; sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh cả bên trong và bên ngoài. Chủ động tấn công, trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm có yếu tố nước ngoài; hạn chế thấp nhất tội phạm ở lứa tuổi thanh thiếu niên; thực hiện đồng bộ các biện pháp kiềm chế tai nạn giao thông. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở; phát hiện và xử lý kịp thời những vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo, an ninh nông thôn, không để xảy ra bị động, bất ngờ; tăng cường công tác hoà giải, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân; xây dựng xã, phường, cơ quan, doanh nghiệp an ninh, an toàn.
3. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chính quyền các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính:
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ủy ban nhân dân các cấp trong tỉnh. Tập trung hoàn thiện thể chế về tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân các cấp. Đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực. Xác định rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các sở, ngành tỉnh và phòng, ban cấp huyện. Thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, có năng lực tự chủ, hoạt động hiệu quả.
Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, tinh thông về nghiệp vụ, năng động, sáng tạo. Hoàn thiện danh mục và bản mô tả vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập gắn với sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, tinh giản biên chế và cải cách chính sách tiền lương.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện cải cách hành chính. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp; nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số đo lường sự hài lòng người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính tỉnh (SIPAS); phấn đấu kết quả chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX nằm trong nhóm 20 địa phương dẫn đầu cả nước và nhóm 3 địa phương dẫn đầu khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, điểm chỉ số năm sau cao hơn năm trước, mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%
.
VI. TĂNG CƯỜNG QUAN HỆ ĐỐI NGOẠI
Tiếp tục đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác phát triển với các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là mối quan hệ hợp tác với tỉnh Bình Dương và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Quán triệt và thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thống của tỉnh, nhất là mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt giữa Bình Định với các tỉnh Nam Lào; tăng cường xúc tiến, mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác ở các quốc gia và vùng lãnh thổ, nhất là các nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, New Zealand… Nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; tăng cường phối hợp giữa các kênh, cơ quan đối ngoại của tỉnh; chú trọng nâng cao tính hiệu quả, thiết thực trong các mối quan hệ đối ngoại.
Phụ lục 1
MỘT SỐ CHỈ TIÊU TỔNG HỢP
                 
STT CHỈ TIÊU CHỦ YẾU Đơn vị  Kế hoạch giai đoạn 2021-2025
2021 2022 2023 2024 2025 Bình quân giai đoạn 2021-2025
           
A CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU              
I CHỈ TIÊU KINH TẾ              
1 Tổng sản phẩm địa phương (GRDP)              
a Tốc độ tăng của tổng sản phẩm địa phương (GRDP) theo giá so sánh 2010   107-107,5  
   - Nông lâm thủy sản   103,2-103,6  
   - Công nghiệp - Xây dựng   109,5-110,2  
   + Tr.đó: Công nghiệp   109-110  
   - Dịch vụ   107,1-107,5  
   - Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm   110-110,5  
b Cơ cấu tổng sản phẩm địa phương  %         100  
   - Nông lâm thủy sản %         23,40  
   - Công nghiệp - Xây dựng %         31,80  
   - Dịch vụ %         39,60  
   - Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm %         5,20  
c GRDP bình quân đầu người (tính theo USD) USD         trên 3.900  
c GRDP bình quân đầu người (tính theo VND) Triệu đồng 63,88 67,68 71,80 76,34 81,21  
2 Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Tỷ đồng 10.031 11.075 12.350 14.256 16.000  
3 Kim ngạch Xuất khẩu hàng năm Triệu
USD
1.150 1.200 1.260 1.320,0 1.400  
                 
4 Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tỷ đồng 40.784 43.231 45.824 48.574 51.488  
  Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển 5 năm so với GRDP             41
II CHỈ TIÊU XÃ HỘI VÀ MÔI TRƯỜNG              
5 Số xã đạt chuẩn nông thôn mới 83 87 90 93 96  
  Số xã đạt tiêu chí NTM nâng cao 7 14 20 28 36  
  Số huyện đạt chuẩn nâng thôn mới huyện 5 6 6 7 7  
6 Tỷ lệ lao động qua đào tạo, bồi dưỡng nghề % 58 60 62 64 66  
7 Giải quyết việc làm bình quân hàng năm Nghìn lao động 30,00 30,00 30,00 30,00 30,0 30
ngàn/năm
8 Tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ công tác % 100 100 100 100 100 Duy trì
100%
  Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế (theo chuẩn giai đoạn 2011-2020 %            100              100              100              100             100   Duy trì
100%
9 Mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có từ 2,0 con đến 2,2 con) 2,0 -2,2 con/phụ nữ duy trì duy trì duy trì duy trì duy trì duy trì
10 Tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều %  2,61 (chuẩn cũ)
10,00 (chuẩn mới)
8,50 7,00 5,50 4,00 giảm 1,5%-2% theo tiêu chí mới
11 Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế so với dân số % >95.0 >95.0 >95.0 >95.0 >95.0 95,0
12 Tỷ lệ che phủ rừng % 57 56,90 57 57,7 >58  
13 Dân cư nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh % 100,0 100,0 100,0 100,0 100 Duy trì 100%
  Dân cư nông thôn được dùng nước sạch   28,4       40  
14 Dân cư đô thị được dùng nước sạch % 80,06 84,22 82,68 85,75 83,09  
15 Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom xử lý % 78 79 80 85 84  
16 Tỷ lệ chất thải công nghiệp, chất thải y tế được thu gom và xử lý môi trường đạt chuẩn % 100 100 100 100 100 Duy trì
100%
17 Trường đạt chuẩn quốc gia           70  
B MỘT SỐ CHỈ TIÊU KHÁC              
1 Tốc độ tăng Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) % 7,00 7,50 8,00 8,50 9,00 8,0
2 Dân số trung bình 1000 người 1.489,3 1.490,7 1.492,2 1.493,6 1.495,0 100,10
   - Thành thị " 601,7 602,3 602,8 603,4 604,0  
   - Nông thôn " 887,6 888,5 889,3 890,2 891,0  
  Chia ra:              
   - Nam " 737,2 737,9 738,6 739,3 740,0  
   - Nữ " 752,1 752,8 753,5 754,3 755,0  
  Tỷ suất sinh thô  ‰ 13,7 13,7 13,7 13,7 13,7 13,7
3 Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc 1000 người 844,77 845,62 846,46 847,31 848,15  
   - Nông, lâm, thủy sản " 270,30 262,10 253,90 245,70 237,50  
   - Công nghiệp - Xây dựng " 245,00 249,50 25,90 254,20 254,40  
   - Dịch vụ " 329,50 334,00 338,60 347,40 356,20  
4 Cơ cấu lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc % 100,0 100,0 100,0 100,0 100,0  
   - Nông, lâm, thủy sản '' 32,00 31,00 30,00 29,00 28,00  
   - Công nghiệp - Xây dựng '' 29,00 29,50 30,00 30,00 30,00  
   - Dịch vụ '' 39,00 39,50 40,00 41,00 42,00  
5 Tỷ lệ thất nghiệp % 2,85 2,85 2,85 2,85 2,85  
   - Thành thị '' 4,70 4,00 4,00 4,00 4,00  
   - Nông thôn '' 1,98 1,90 1,90 1,90 1,90  
6 Tỷ lệ đô thị hóa % 46,1 46,1 46,1 51,5 52,8  
7 Số giường bệnh /vạn dân Giường 35,0 37,0 39,0 41,0 43,6  
8 Tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội % 15,89 17,05 18,21 19,30 20,50  
9 Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cân nặng % 8,1 <8 <8 <8 <8 <8
10 Dân cư nông thôn được dùng điện lưới % 100 100 100 100 100 Duy trì
100%
- Thông báo kỳ thi tuyển dụng viên chức 2024
- Thông báo: Mời báo giá máy tính laptop năm 2024
- Hồ sơ Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2030.
Thông báo hủy mời thầu - Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Long Mỹ sử dụng công nghệ đốt rác phát điện
Thông báo về việc mời quan tâm dự án đầu tư có sử dụng đất dự án Nghĩa trang Đồi Pháo, Hoài Hảo
- Thông báo về việc mời quan tâm dự án đầu tư có sử dụng đất dự án Khu nhà ở kết hợp chỉnh trang đô thị tại khu vực phía Nam và phía Bắc đường Tăng Bạt Hổ, thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước
- Thông báo về việc mời quan tâm dự án đầu tư có sử dụng đất dự án Khu nhà ở kết hợp chỉnh trang đô thị tại khu vực phía Nam và phía Bắc đường Tăng Bạt Hổ, thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước
- Thông báo: Thông báo tuyển dụng Kế toán, Phiên dịch viên Dự án Làng Hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc
- Thông báo mời quan tâm dự án đầu tư có sử dụng đất dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ - lần 2
- Thông báo về việc mời quan tâm dự án đầu tư có sử dụng đất dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ
- Thông báo: Bổ sung 58 thủ tục hành chính thực hiện thí điểm chỉ tiếp nhận hồ sơ bằng hình thực trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Thông báo kỳ thi tuyển dụng viên chức 2023:
+ Hoàn thiện và nộp hồ sơ trúng tuyển viên chức tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư năm 2023
+ Quyết định công nhận kết quả thi tuyển viên chức tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư năm 2023
+ Nội quy thi phỏng vấn (vòng 2), kỳ thi tuyển dụng viên chức tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư năm 2023
+ Triệu tập thí sinh đủ điều kiện dự tuyển vòng 2 kỳ tuyển dụng viên chức tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định năm 2023
+ Nội dung tài liệu ôn tập kiểm tra, sát hạch (vòng 2), kỳ tuyển dụng viên chức tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư năm 2023
+ Kết quả kiểm tra Phiếu đăng ký dự tuyển; Triệu tập thí sinh tham dự vòng 2 tuyển dụng và hướng dẫn nộp lệ phí xét tuyển viên chức
+ Kế hoạch Tuyển dụng viên chức tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư năm 2023
- Văn bản và biểu mẫu xây dựng Kế hoạch đầu tư công 2024
- Thông báo về việc mời quan tâm dự án đầu tư có sử dụng đất dự án Nhà ở xã hội Nhơn Phú 2, phường Nhơn Phú, thành phố Quy Nhơn
- Thông báo: Giá trị và tỷ lệ giải ngân của các chủ đầu tư đến 28/6/2023
- Thông báo: Giá trị và tỷ lệ giải ngân của các chủ đầu tư đến 31/5/2023
- Thông báo: Giá trị và tỷ lệ giải ngân của các chủ đầu tư đến 04/5/2023
- Thông báo: Giá trị và tỷ lệ giải ngân của các chủ đầu tư đến 29/3/2023
- Công bố Danh mục khu vực nạo vét đầm Thị Nại theo hình thức xã hội hoá
- Thông báo về việc bán thanh lý tài sản (vật tư, vật liệu) thu hồi do tháo dỡ Trụ sở làm việc cũ của Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Văn bản và Phiếu khảo sát nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2023.
- Thông báo khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư Dự án: Cấp nước sạch trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn theo hình thức đối tác công tư PPP (hợp đồng BOO)
- Thông báo: Lịch tiếp công dân định kỳ của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư năm 2023
Thông cáo báo chí Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị và Xúc tiến đầu tư Vùng.
- Thông báo về việc mời quan tâm dự án đầu tư có sử dụng đất dự án Khu đô thị và du lịch An Quang, huyện Phù Cát
- Thông báo về việc mời quan tâm dự án đầu tư có sử dụng đất dự án Khu đô thị và du lịch An Quang, huyện Phù Cát
- Dự thảo lấy ý kiến: Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Thông báo Về việc mời đăng ký thực hiện dự án tại Khu thiết chế Công đoàn - Khu CC-09 thuộc Khu đô thị Long Vân, phường Trần Quang Diệu, thành phố Quy Nhơn
- Thông báo mời quan tâm lựa chọn nhà đầu tư dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Tân Tường An, xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ
- Thông báo mời quan tâm lựa chọn nhà đầu tư dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Hoài Hương, phường Hoài Hương, thị xã Hoài Nhơn
- Thông báo mời quan tâm lựa chọn nhà đầu tư dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Bình Tân, xã Bình Tân, huyện Tây Sơn
- Thông báo mời quan tâm lựa chọn nhà đầu tư dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Bình An, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước
- Thông báo mời quan tâm lựa chọn nhà đầu tư dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Đệ Đức - Hoài Tân, phường Hoài Tân, thị xã Hoài Nhơn


- Thông báo về việc mời quan tâm dự án đầu tư có sử dụng đất - Dự án Chợ truyền thống và khu thương mại dịch vụ Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn (lần 2)
- Thông báo về việc mời quan tâm dự án đầu tư có sử dụng đất - dự án Trung tâm đào tạo và cung ứng nhân lực vận tải Phù Cát (Lần 2)
- Thông báo mời quan tâm dự án đầu tư có sử dụng đất - Dự án Showroom trưng bày, mua bán, bảo trì bảo dưỡng, cung cấp phụ tùng xe ô tô, phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn
- Thông báo mời quan tâm dự án đầu tư có sử dụng đất (lần 2) - Dự án Khu kho bãi, dịch vụ, logistics (KB-DV 05)
- Hồ sơ góp ý dự thảo Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Quét mã QR code để tải biểu mẫu về đăng ký doanh nghiệp.
- Góp ý dự thảo Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án Làng Hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc (KVPVP) tại tỉnh Bình Định (lần 2)

- Thông báo về việc mời quan tâm dự án đầu tư có sử dụng đất dự án Khu dân cư trung tâm xã Nhơn Thọ, thị xã An Nhơn
- Thông báo - Về việc mời quan tâm dự án đầu tư có sử dụng đất dự án Khu đô thị thương mại - dịch vụ phía Nam đường Đô Đốc Bảo, phường Đập Đá, thị xã An Nhơn
- Dự thảo Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án và các biểu mẫu thu thập thông tin Dự án Làng hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc
- Thông báo - Về việc mời quan tâm dự án đầu tư có sử dụng đất dự án Khu nhà ở kết hợp chỉnh trang đô thị - Trung tâm thương mại dịch vụ đô thị Hoài Thanh Tây
- Thông báo - Về việc mời quan tâm dự án đầu tư có sử dụng đất dự án Trung tâm đào tạo và cung ứng nhân lực vận tải Phù Cát
- Thông báo về việc mời quan tâm dự án đầu tư có sử dụng đất dự án Khu kho bãi, dịch vụ, logistics (KB-DV 05)
- Thông báo về việc mời quan tâm dự án đầu tư có sử dụng đất dự án Khu kho bãi, dịch vụ, logistics (KB-DV 04)
- Thông báo mời quan tâm dự án đầu tư có sử dụng đất dự án Khu A3 (Eco-Lagoon) - Khu đô thị thương mại Bắc sông Hà Thanh, thành phố Quy Nhơn
- Dự thảo Quyết định ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bình Định
- Thông báo mời quan tâm dự án đầu tư có sử dụng đất dự án Chợ truyền thống và khu thương mại dịch vụ Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn
- Thông báo mời quan tâm dự án đầu tư có sử dụng đất dự án Khu đô thị Bình Chương Nam, phường Hoài Đức, thị xã Hoài Nhơn
- Thông báo mời quan tâm dự án đầu tư có sử dụng đất dự án Khu phố thương mại - dịch vụ thuộc khu đô thị Phú Mỹ Tân
- Thông báo mời quan tâm dự án đầu tư có sử dụng đất - Dự án Khu đô thị Khang Mỹ Lộc, phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn
- Thông báo mời quan tâm dự án đầu tư có sử dụng đất - Dự án Khu dân cư - Thương mại - Dịch vụ Đông Bắc Bằng Châu, phường Đập Đá, thị xã An Nhơn
Công văn và biểu mẫu rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021-2025
Thông báo mời quan tâm dự án đầu tư có sử dụng đất - Dự án Khu đô thị Bắc Bằng Châu, phường Đập Đá, thị xã An Nhơn
Thông báo mời quan tâm dự án đầu tư có sử dụng đất - Dự án Khu đô thị mới phía Bắc KDC Phú Mỹ Lộc dọc Quốc lộ 1A cũ và Quốc lộ 1A mới
- Thông báo mời quan tâm dự án đầu tư có sử dụng đất - Dự án Khu đô thị phía Nam cây xăng dầu Việt Hưng
- Thông báo mời quan tâm dự án đầu tư có sử dụng đất- Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe và dân cư khu vực suối nước nóng Hội Vân
- Thông báo mời quan tâm dự án đầu tư có sử dụng đất (lần 2) - Dự án Khu du lịch Eo Vượt 1, Khu kinh tế Nhơn Hội
- Thông báo mời quan tâm dự án đầu tư có sử dụng đất (lần 2) - Dự án Khu du lịch Eo Vượt 2, Khu kinh tế Nhơn Hội
- Thông báo mời quan tâm dự án đầu tư có sử dụng đất (lần 2) - Dự án Khu vui chơi Phú Hậu - Cát Tiến, Khu kinh tế Nhơn Hội
- Thông báo mời quan tâm dự án đầu tư có sử dụng đất Dự án Khu đô thị mới Nhơn Bình
- Thông báo đính chính Thông báo mời quan tâm dự án đầu tư có sử dụng đất dự án Khu dân cư Phúc Gia Tân
Thông báo mời quan tâm Dự án đầu tư có sử dụng đất - Dự án Khu đô thị Trà Quang Nam, thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ
Thông báo mời quan tâm Dự án đầu tư có sử dụng đất - Dự án Khu dân cư Phúc Gia Tân
Thông báo mời quan tâm Dự án đầu tư có sử dụng đất - Dự án Khu vui chơi Phú Hậu - Cát Tiến, Khu kinh tế Nhơn Hội
Thông báo mời quan tâm dự án đầu tư có sử dụng đất - Dự án Khu du lịch Bãi Bàng Bé
Thông báo mời quan tâm dự án đầu tư có sử dụng đất - Dự án Khu du lịch Eo Vượt 2, Khu kinh tế Nhơn Hội
Thông báo mời quan tâm dự án đầu tư có sử dụng đất - Dự án Khu du lịch Eo Vượt 1, Khu kinh tế Nhơn Hội

Phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng - Dự án Cải tạo, nâng cấp và mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt thị trấn Phú Phong

Thông báo mời quan tâm dự án đầu tư có sử dụng đất - Dự án Chuyển đổi sang đất ở đô thị trên một phần diện tích của Dự án Trung tâm Thương mại - Dịch vụ Du lịch Nhơn Hội
Thông báo mời quan tâm - Lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu dân cư Ánh Việt
Thông báo mời quan tâm - Lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe và dân cư khu vực suối nước nóng Hội Vân

2644/QĐ-UBND

Phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính liên thông trong lĩnh vực Đầu tư tại Việt Nam thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thời gian đăng: 14/11/2022

lượt xem: 1387 | lượt tải:291

16/KH-SKHĐT

Kế hoạch Chuyển đổi số năm 2022 của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thời gian đăng: 14/11/2022

lượt xem: 1160 | lượt tải:212

364/QĐ-SKHĐT

Quyết định về ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2022

Thời gian đăng: 14/11/2022

lượt xem: 1057 | lượt tải:212

335/QĐ-SKHĐT

Quyết định về việc phê duyệt cấp độ an toàn Hệ thống thông tin

Thời gian đăng: 01/12/2021

lượt xem: 2240 | lượt tải:804

2143/SKHĐT-VP

Hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn thông tin Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thời gian đăng: 12/11/2021

lượt xem: 5586 | lượt tải:1837
Công dân hỏi - Giám đốc sở trả lời
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập43
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm41
  • Hôm nay4,119
  • Tháng hiện tại104,164
  • Tổng lượt truy cập63,306,132
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây