Xác lập “phương thức sản xuất số”
Bài viết nêu: “Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”, trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời, quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số”.
Ý nghĩa sâu sắc của quá trình hình thành phương thức sản xuất số được thể hiện ở những quan điểm rất mới:
Thứ nhất, đây là lần đầu tiên, các công nghệ mới đã và đang tham gia sâu vào những thay đổi lớn nhất hiện nay như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (cloud...) được định nghĩa là những công cụ sản xuất mới.
Thứ hai, dữ liệu đã được định nghĩa như một tài nguyên, một tư liệu sản xuất quan trọng. Điều này đòi hỏi phải có những biến đổi trong hình thức sở hữu và phân phối
Thứ ba, là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo. Điều này có nghĩa là dù có sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ cũng không hạ thấp giá trị con người, không hạ thấp cũng như quá đề cao công nghệ và trí tuệ nhân tạo. Con người sở hữu và quản lý công nghệ, ở chiều ngược lại, công nghệ phục vụ con người, phục vụ sản xuất. Chuyển đổi số phải trở thành động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất.
Thứ tư, quá trình chuyển đổi số cần được thực hiện toàn diện, đồng bộ, có tính đến mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, nhằm xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vừa phát huy sức mạnh của lực lượng sản xuất hiện đại, vừa đảm bảo bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam trong thời đại mới.
Thứ năm, chuyển đổi số là chuyển đổi cách làm việc, phối hợp, phục vụ người dân, khách hàng và doanh nghiệp, mở ra phương thức mới trong quản trị xã hội, tạo ra những công cụ mới trong quản lý nhà nước, làm thay đổi căn bản cách thức tương tác giữa nhà nước và công dân, giữa các tầng lớp xã hội.
Thứ sáu, vai trò của người đứng đầu. Chuyển đổi số phải bắt đầu từ ý chí nhà lãnh đạo. Người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp và người dân phải nhận thức đầy đủ, thống nhất, có trách nhiệm và quyết tâm thực hiện quá trình chuyển đổi số.
Cần một Nghị quyết mới mang tính đột phá
Trong bài viết “Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhắc đến một Nghị quyết mang tính đột phá về đổi mới quan hệ sản xuất.
Đó là Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 5.4.1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quan hệ sản xuất trong nông nghiệp khi chính thức thừa nhận hộ gia đình là đơn vị kinh tế tự chủ và trao quyền sử dụng đất lâu dài cho nông dân, phù hợp với yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất.
Chỉ sau 1 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Việt Nam từ một quốc gia thiếu lương thực triền miên đã sản xuất được 21,5 triệu tấn lúa và lần đầu tiên xuất khẩu 1,2 triệu tấn gạo. Việc điều chỉnh quan hệ sản xuất phù hợp đã tạo động lực mới cho lực lượng sản xuất phát triển, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng, bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế.
Cách đây 10 năm, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1.7.2014 của Bộ Chính trị khóa XI “Về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”. Đây được xem là tiền đề để Bộ Chính trị đưa ra những Nghị quyết quan trọng, có tác động rộng lớn tới quá trình chuyển đổi số của Việt Nam. Tiếp đó, năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27.9.2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sau đó được hiện thực hóa bằng các quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã xác định vai trò quan trọng của chuyển đổi số trong thời đại mới.
Thực hiện các Nghị quyết trên là những nội dung rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Và quá trình chuyển đổi số chắc chắn sẽ không dừng lại mà sẽ được ứng dụng một cách mạnh mẽ hơn, từ chuyển đổi số tới phương thức sản xuất số để hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình như kỳ vọng và mong muốn của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Tại Hội nghị lấy ý kiến về 3 Đề án trình Bộ Chính trị do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ TTTT tổ chức ngày 12.9.2024, nhiều ý kiến đã đề cập tới việc cần xây dựng một nghị quyết mới mang tính đột phá về chuyển đổi số. Hiện Bộ TTTT đang chủ trì xây dựng 2 Đề án trình Bộ Chính trị: Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1.7.2014 của Bộ Chính trị khoá XI “Về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế” và Đề án Nghị quyết của Bộ Chính trị về chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số - xã hội số.
Theo nhận định và kỳ vọng của các chuyên gia cũng như các nhà nghiên cứu, nghị quyết mới về chuyển đổi số sẽ là “Nghị quyết 10” về chuyển đổi số trong kỷ nguyên mới. Trong đó, nhấn mạnh vào phương thức sản xuất số mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề ra.
Tác giả bài viết: Xuân Hoàng
Nguồn tin: laodong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn