Để hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, cần duy trì đà tăng trưởng tích cực gắn với việc đáp ứng các chuẩn mực về văn hóa - xã hội.
Năm 2018 dự kiến hoàn thành 12/12 chỉ tiêu
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 được tổ chức ngày 24/9 tại Hà Nội, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dù vẫn còn một số khó khăn song tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 tiếp tục duy trì đà chuyển biến tích cực, dự kiến hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu được Quốc hội giao.
Cũng theo ông Phương, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019 và năm 2020 được dự báo sẽ tiếp tục khả quan, nhất là môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin vào cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh được củng cố. Để đạt được những điều này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu dự kiến thực thi trong năm 2019.
Trong đó, đáng chú ý nhất là chủ trương tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện quyết liệt 3 đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mạnh hơn nữa mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, tạo sự chuyển biến rõ nét hơn, thực chất hơn trong từng ngành, lĩnh vực, nhất là trong bối cảnh thực hiện chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0.
Địa phương đồng lòng
Ông Nguyễn Chí DũngLần đầu tiên Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương. Dù thời gian diễn ra chỉ hơn 3 tiếng nhưng các nội dung chuyển tải tại Hội nghị thật sự có ý nghĩa và hiệu quả.
Qua đó, các cấp, ngành và địa phương đồng tình với đánh giá là năm 2019 sẽ là một năm rất quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Để đảm bảo hoàn thành kế hoạch này, chúng ta phải nỗ lực duy trì đà tăng trưởng tích cực, đặc biệt trong bối cảnh trong nước và kinh tế thế giới có nhiều chuyển biến mới. Bối cảnh này đặt ra nhiều thách thức song cũng mang lại nhiều cơ hội. Chúng ta cần nhận diện được những thách thức để giải quyết một cách hiệu quả, đồng thời, hiện thực hóa cơ hội để đem lại kết quả chung cho từng địa phương và cả nước.
Cùng xu thế tăng trưởng tích cực, Lào Cai là địa phương ghi dấu ấn đậm nét trong bức tranh kinh tế công nghiệp với dự báo về bước tiến mạnh mẽ trên 30% trong năm 2018 so với năm ngoái. Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ của địa phương này dự kiến đạt mức tăng 19%, kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay tăng khoảng 24% so với năm ngoái. Từ đó, UBND tỉnh Lào Cai dự báo tăng trưởng GRDP của địa phương này sẽ ở mức trên 11% trong năm nay.
Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm: “Năm 2018 là năm bản lề và có ý nghĩa trong việc đánh giá, định hình lại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Chúng ta đã đi được một nửa chặng đường của kế hoạch này với những chuyển biến rất tốt. Tăng trưởng GDP của 2 năm đầu tiên trong giai đoạn này là tương đối cao. GDP năm 2018 dự kiến sẽ đạt hoặc vượt mức 6,7%. Đáng chú ý, kinh tế phát triển đồng đều trên các lĩnh vực. Khác với nhiều năm trước, phát triển văn hóa - xã hội đã được đặt trong vị thế cân bằng với phát triển kinh tế trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Đây là chủ trương của Đảng, Chính phủ và đang được thực hiện một cách rất tích cực từ Trung ương đến địa phương”.
Nguồn: Báo Đầu thầu
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn