Tới dự, chỉ đạo và chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Hoà Bình-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG; Đỗ Văn Chiến-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Hầu A Lềnh-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai.
Tham dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG của các tỉnh, thành phố; các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên các sở, ban, ngành của 16 tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Các đồng chí chủ trì hội nghị
Khu vực miền Trung-Tây Nguyên gồm 16 tỉnh, thành phố, bao gồm 445 xã khu vực I, 66 xã khu vực II và 476 xã khu vực III, với 3.243 thôn đặc biệt khó khăn. Phần lớn khu vực là miền núi, điều kiện tự nhiên, địa hình phức tạp, bị chia cắt, dân cư sống thưa thớt, không tập trung với nhiều thành phần dân tộc khác nhau, sinh kế còn nhiều khó khăn. Việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của chương trình gặp không ít khó khăn, thách thức; đặc biệt là về cơ chế và bộ máy tổ chức thực hiện đã tác động không nhỏ đến tiến độ thực hiện, giải ngân của chương trình. Tỷ lệ giảm nghèo DTTS đến năm 2024 ước giảm bình quân 5,2%/năm.
Kết quả giải ngân vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình đến thời điểm này của 16 địa phương khu vực miền Trung-Tây Nguyên đạt 60,6%, trong đó vốn đầu tư đã giải ngân được 74,3% và vốn sự nghiệp đã giải ngân được 44,5%.
Đoàn đại biểu tỉnh Bình Định tham dự Hội nghị do đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh-Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG làm trưởng đoàn; cùng các thành viên là đại diện Ban Dân tộc, các sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động – Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện An Lão.
Đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh-Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tham gia ý kiến tại Hội nghị
Tham gia ý kiến tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh-Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh báo cáo kết quả thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh: Tổng nguồn vốn được phân bổ cho Chương trình từ năm 2022 đến 2024: 782.335 triệu đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương 691.781 triệu đồng; ngân sách tỉnh 90.554 triệu đồng. Tiến độ giải ngân đến 30/9/2024: Vốn đầu tư đạt 82,3%; vốn sự nghiệp đạt 49,4%.
Nhìn chung, việc triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đời sống bà con ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm hơn 4%/năm so với chỉ tiêu là giảm 3% - 4%/năm. Có 01 xã đặc biệt khó khăn hoàn thành nông thôn mới trở thành xã khu vực I và 01 xã đặc biệt khó khăn dự kiến được công nhận vào cuối năm 2024; dự kiến năm 2025 có 04 xã, thị trấn thoát khỏi diện ĐBKK, trong đó có 3 xã hoàn thành nông thôn mới.
Bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế trong quá trình thực hiện, đó là: kết quả thực hiện chương trình ở một số địa phương chưa như kỳ vọng; một số nội dung, tiểu dự án, dự án vẫn còn lúng túng trong việc áp dụng các quy định, hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương, dẫn đến triển khai chậm và tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Từ đó, tỉnh đã đề xuất một số giải pháp trong giai đoạn II: Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần xây dựng hướng dẫn hoặc có cơ chế ưu tiên cụ thể để huy động và phân bổ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) nhằm tăng thêm nguồn vốn đầu tư cho chương trình. Mở rộng đối tượng thụ hưởng Chương trình (hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và một số người dân sinh sống tại vùng ĐBKK,…). Một số dự án, các tiểu dự án và nội dung thành phần của 3 Chương trình MTQG trùng nhau, do đó đề nghị điều chỉnh giảm lại số lượng dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần và xem xét để lồng ghép, sắp xếp giữa 3 Chương trình MTQG cho phù hợp, dễ triển khai thực hiện. Đồng thời, cần có chính sách ưu đãi đặc thù để vận động, thu hút các đối tác, nhà đầu tư, doanh nghiệp trọng điểm đầu tư vào vùng đồng bào DTTS và miền núi, cũng như đào tạo, sử dụng lao động là người DTTS…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao tinh thần quyết tâm, nỗ lực, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và sự đồng hành ủng hộ của nhân dân 16 tỉnh trong thực hiện Chương trình; khẳng định, nhờ vào những chính sách hỗ trợ thiết thực và hiệu quả, đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia vào các chương trình phát triển KT-XH, các hoạt động cộng đồng, góp phần vào việc duy trì an ninh trật tự tại địa phương.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tâm từ nay đến cuối năm 2024, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh triển khai và giải ngân vốn thực hiện Chương trình; chủ động rà soát, phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để có giải pháp tháo gỡ hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn, xử lý kịp thời theo quy định hiện hành và phù hợp tình hình thực tiễn. Chú trọng kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thực thi, đặc biệt là đội ngũ thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc tại cấp cơ sở; tăng cường phân cấp, trao quyền cho cấp cơ sở gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực triển khai thực hiện và giám sát Chương trình.
Để kịp thời báo cáo, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thực hiện Chương trình giai đoạn II từ năm 2026 đến năm 2030, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành Trung ương và đặc biệt là lãnh đạo các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trên cơ sở đánh giá toàn diện, tổng thể các dự án của Chương trình đã triển khai ở giai đoạn I cần tiếp tục rà soát hành lang pháp lý, đề xuất, xác định các dự án thiết thực cho giai đoạn II, trong đó tập trung vào các dự án có tác động thúc đẩy và nên có thứ tự ưu tiên đối với các dự án, bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Cùng với đó là cần đặc biệt quan tâm tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong việc quản lý, giám sát, triển khai dự án, chủ động quyết định các chính sách cụ thể đáp ứng được yêu cầu thực tiễn triển khai, bảo đảm phù hợp mục tiêu chung của Chương trình và điều kiện thực tiễn. Tiếp tục tổ chức các hội nghị tổng kết Chương trình cấp vùng và toàn quốc theo hình thức, quy mô phù hợp, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Rút kinh nghiệm quá trình thiết kế, xây dựng Chương trình giai đoạn I để đề xuất Chương trình giai đoạn II bảo đảm tiến độ, chất lượng, bám sát thực tiễn và thống nhất trong hệ thống pháp luật./.
Tác giả bài viết: Xuân Hoàng
Những tin cũ hơn