Tỉnh Bình Ðịnh đang tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh, đồng thời linh hoạt thực hiện công tác quảng bá, xúc tiến thu hút đầu tư. Trong đó, tỉnh chú trọng thu hút các tập đoàn, DN có khả năng lôi kéo, thúc đẩy các dự án phụ trợ; nhóm nhà đầu tư có công nghệ sạch và công nghệ cao, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển.
Theo ông Nguyễn Thành Hải, Giám đốc Sở KH&ĐT, để thu hút các DN nước ngoài, tỉnh ta tiếp tục chú trọng đến công tác quy hoạch và thực hiện tốt các quy hoạch. Bên cạnh đó, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật Khu Kinh tế Nhơn Hội, các khu công nghiệp (KCN), sẵn sàng bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư.
Tỉnh cũng ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, trong đó có nhiều công trình giao thông trọng điểm mang tính kết nối, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, đảm bảo môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh. Thể hiện rõ nét nhất là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Việt Nam năm 2021 của Bình Định tăng 26 bậc so với năm 2020; chuyển từ nhóm trung bình lên nhóm tốt của cả nước.
Năm 2021 dù dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, nhưng tỉnh Bình Định cũng thu hút được 4 dự án có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) mới với tổng vốn đăng ký 80,3 triệu USD. Hiện đã có một số dự án được triển khai, trong đó có dự án nhà máy sản xuất nhũ và màng mỏng công nghệ cao của Tập đoàn Kurz (CHLB Đức) khởi công ngày 24.5.2022 tại KCN Becamex VSIP Bình Định. Nhà máy này được xây trên diện tích 12 ha, công suất thiết kế 15 triệu m2/năm, với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 40 triệu USD. Dự kiến đến quý III/2023 nhà máy có thể đi vào hoạt động, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, tạo động lực thu hút đầu tư vào KCN.
Sau khi kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19, tỉnh Bình Định linh hoạt áp dụng phương thức xúc tiến đầu tư trực tiếp, trực tuyến; chủ động tiếp cận và hỗ trợ các DN từ Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Hà Lan… đến tìm kiếm cơ hội đầu tư, xây dựng dự án đăng ký đầu tư.
Trong tháng 4 và tháng 5.2022, lãnh đạo tỉnh đã đón tiếp rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Bình Định tìm hiểu môi trường đầu tư, trong đó đáng chú ý là việc Tập đoàn PNE (CHLB Đức) đã trao hồ sơ đề xuất dự án điện gió ngoài khơi.
Theo ông Thorsten Fastenau, Giám đốc phụ trách lĩnh vực điện gió ngoài khơi đại diện Tập đoàn PNE, ngoài tiềm năng và lợi thế phát điện gió ngoài khơi thì sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh là những yếu tố quan trọng để tập đoàn quyết định đăng ký thực hiện dự án điện gió ngoài khơi với quy mô lớn tại Bình Định. Dự kiến, dự án có tổng mức đầu tư hơn 4,8 tỷ USD, mục tiêu xây dựng từ 154 -166 tua bin gió với tổng công suất lên đến 2.000 MW. Dự kiến các tua bin gió sẽ được đặt tại một số đảo và vùng biển thuộc huyện Phù Cát và Phù Mỹ. Dự án hoàn thành không chỉ giúp tăng sản lượng điện khai thác, mà còn góp phần đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng biển, đầu tư vào chuỗi cung ứng, phát triển công nghiệp và tạo việc làm cho người dân địa phương.
FDI là nguồn vốn đầu tư quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh, giúp bổ sung nguồn vốn đầu tư, tăng cường xuất khẩu, tạo thêm việc làm, tăng thu ngân sách, góp phần xây dựng môi trường đầu tư chuyên nghiệp, hội nhập sâu rộng.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long cho biết, Bình Định đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tăng chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh; chủ động mời gọi nhiệt thành và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến nghiên cứu cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh. Đến với Bình Định, các DN sẽ không gặp bất kỳ rào cản nào bởi tỉnh cam kết mạnh mẽ sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư từ việc hình thành ý tưởng, tìm kiếm cơ hội đầu tư, đến triển khai xây dựng dự án và nhanh chóng đưa dự án đi vào hoạt động.
Phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính liên thông trong lĩnh vực Đầu tư tại Việt Nam thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Kế hoạch và Đầu tư