Hội nghị có sự tham dự của Đại sứ Phạm Quang Hiệu, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản cùng lãnh đạo một số sở ban ngành, địa phương của tỉnh; lãnh đạo Tổng Công ty Becamex IDC và Công ty Cổ phần Becamex Bình Định. Về phía Nhật Bản có ông Akihiko Yokoo - Giám đốc phân tích, Nghiên cứu thị trường Toàn cầu, Phòng Thị trường Tài chính, Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ; ông Yasushi Ishida, Giám đốc kinh doanh Trung tâm Nhật Bản - ASEAN cùng với 132 doanh nghiệp Nhật Bản tham dự theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Phát biểu khai mạc Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định tại Nhật Bản năm 2024, đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh đã giới thiệu tổng quan tình hình kinh tế - xã hội của Bình Định và lợi thế riêng của tỉnh trong đầu tư. Đây cũng là nội dung mà các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm.
Bình Định có vị trí chiến lược quan trọng trong liên kết vùng và giao lưu quốc tế. Nằm ở trung điểm của trục giao thông đường bộ, đường sắt Bắc - Nam, đồng thời là cửa ngõ ra biển Đông gần nhất, thuận lợi nhất của vùng Tây Nguyên, kết nối với Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và Campuchia; Bình Định là một trong những điểm trung chuyển, quá cảnh hàng hóa, dịch vụ cảng biển, logistics quan trọng hàng đầu của cả nước. Bình Định được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều tài nguyên quý giá, có rừng núi, đồng bằng, đường bờ biển trải dài tới 134 km với nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời. Thành phố Quy Nhơn, thủ phủ của tỉnh Bình Định hiện là một cực tăng trưởng của vùng, là trung tâm logistics, thương mại, du lịch, vui chơi giải trí, giáo dục đào tạo, tài chính ngân hàng và y tế chuyên sâu, đáp ứng mọi nhu cầu theo tiêu chuẩn quốc tế.
Hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng giao thông cơ bản hoàn thiện, đồng bộ, kết nối thuận lợi giữa các vùng với đầy đủ các phương thức vận tải: đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển. Tỉnh Bình Định có 5 tuyến quốc lộ đi qua, trong đó có 2 tuyến cao tốc đang hình thành là trục cao tốc Bắc - Nam kết nối dọc chiều dài đất nước và cao tốc Quy Nhơn (Bình Định) - Pleiku (Gia Lai) kết nối vùng Tây nguyên, mở rộng đến Lào, Campuchia, Thái Lan. Cảng biển quốc tế Quy Nhơn là cảng biển lớn của Việt Nam, có ưu thế là vùng neo đậu kín gió, có thể tiếp nhận tàu hàng đến 70 nghìn tấn. Cảng hàng không Phù Cát có các chuyến bay đi và đến các thành phố lớn của Việt Nam và đang chuẩn bị nâng cấp thành sân bay quốc tế, thực tế đã có các chuyến bay Quy Nhơn - Hàn Quốc, Quy Nhơn - Nhật Bản. Ga đường sắt Diêu Trì của Bình Định là 1 trong 10 ga lớn nhất của cả nước. Hiện nay, các tuyến đường kết nối trực tiếp từ cảng biển, sân bay, ga đường sắt đến các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, du lịch đã hoàn thành và đang tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, mở rộng thêm.
Bình Định đã và đang tập trung quy hoạch, xây dựng và mở rộng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, sẵn sàng thu hút đầu tư. Hiện nay, tỉnh đã quy hoạch 07 khu công nghiệp, 73 cụm công nghiệp với tổng diện tích 7.572ha. Khu kinh tế Nhơn Hội với diện tích 14.308ha đã hoàn thiện và có mặt bằng sạch để giao cho nhà đầu tư; trong đó, Khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định (thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội diện tích 2.308ha) có hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, đáp ứng đầy đủ nhất, tốt nhất mọi điều kiện cho hoạt động của nhà đầu tư.
Bình Định có nguồn nhân lực dồi dào, tay nghề và kỹ thuật cao, nhất là nhân lực về khoa học, công nghệ. Bình Định luôn nỗ lực cải thiện môi trường, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài.
Trong những năm qua, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI) luôn nằm trong nhóm các địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất, được nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao. Năm 2022, Bình Định đứng thứ 1/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam về chỉ số Cạnh tranh bình đẳng, điều này cho thấy những nỗ lực vượt bậc của Bình Định trong việc cải thiện chất lượng điều hành kinh tế và mức độ tạo thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh dành cho doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn. Bình Định cũng là một trong những địa phương đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính khi chủ động cắt giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính trên lĩnh vực đầu tư, giúp nhà đầu tư tiết kiệm thời gian, chi phí và sớm triển khai dự án. Bình Định đã ứng dụng số hoá để giải quyết các thủ tục hành chính tinh gọn theo cơ chế “một cửa - tại chỗ”.
Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ Phạm Quang Hiệu, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, hiện tại Nhật Bản là đối tác đứng thứ nhất của Việt Nam về hợp tác lao động, đứng thứ 3 về hợp tác đầu tư và du lịch, đứng thứ 4 về hợp tác thương mại. Đến nay Nhật Bản có hơn 5.300 dự án đầu tư với tổng vốn 74,4 tỷ USD, đứng thứ 3/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, trong đó riêng tỉnh Bình Định có 19 dự án đầu tư của Nhật Bản trong các lĩnh vực thủy sản, năng lượng mặt trời. Tỉnh Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung đang thu hút các lĩnh vực đầu tư như kinh tế xanh, kinh tế số, khoa học công nghệ, linh kiện điện tử, công nghệ bán dẫn, nông nghiệp công nghệ cao… Đây cũng là thế mạnh của các doanh nghiệp Nhật Bản, vì vậy rất mong các doanh nghiệp quan tâm, tìm hiểu đầu tư tại Bình Định, Việt Nam.
Các doanh nghiệp Nhật Bản đặt câu hỏi tại Hội nghị
Các doanh nghiệp Nhật Bản tham dự tại Hội nghị đã đặt ra nhiều câu hỏi với những nội dung cụ thể và trực tiếp nghe trả lời từ phía lãnh đạo tỉnh Bình Định. Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng tìm hiểu về quy mô các dự án nước ngoài tại tỉnh Bình Định và lĩnh vực chủ yếu mà các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư. Sự quan tâm của các doanh nghiệp Nhật Bản chính là cơ hội để Bình Định giới thiệu đầy đủ hơn về những lợi thế, những chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh Bình Định. Đây được xem là bước đầu thành công rất có ý nghĩa tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định tại Nhật Bản năm 2024.
Đồng chí Hồ Quốc Dũng phát biểu bế mạc tại Hội nghị
Phát biểu bế mạc Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định tại Nhật Bản năm 2024, đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh ghi nhận những ý kiến phát biểu và trao đổi của các doanh nghiệp Nhật Bản. Đồng chí Hồ Quốc Dũng cho biết với những tiềm năng và lợi thế riêng, ông tin tưởng rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư của Nhật Bản đến với Bình Định để khảo sát thực tế, tìm hiểu sâu hơn về môi trường đầu tư, kinh doanh, để tận mắt thấy được hình ảnh của Bình Định - một tỉnh vùng duyên hải miền Trung của Việt Nam đã và đang có những khát vọng để phát triển. Nơi đây, các thành phần kinh tế luôn được quan tâm đối xử bình đẳng, mọi doanh nghiệp đều được tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận thông tin về cơ chế chính sách, quy hoạch, cơ hội đầu tư, kinh doanh.
Đồng chí Hồ Quốc Dũng rất mong Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ, Trung tâm Nhật Bản – ASEAN, Chính quyền Thành phố Izumisano tiếp tục quan tâm hỗ trợ tỉnh Bình Định trong việc đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đến với bạn bè, đồng nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản. Đồng thời, hỗ trợ tỉnh Bình Định tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, mời gọi các nhà đầu tư có tiềm lực đầu tư vào Bình Định.