Bỏ lỡ nhiều sự kiện do “làn sóng” dịch lần thứ 4
Với quyết tâm tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, chất lượng, bền vững nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, xác định rõ vị trí, vai trò của Bình Định trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và tập trung phát triển 5 trụ cột tăng trưởng và 3 khâu đột phá theo như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra thì ngay từ đầu năm 2021, tỉnh Bình Định đã chủ động xây dựng kịch bản nhiều chương trình, sự kiện như: Hội thảo Xúc tiến đầu tư Hàn Quốc tại Bình Định (quy mô khoảng 300 khách); Hội thảo Xúc tiến Đầu tư du lịch Bình Định (quy mô 250 khách), Hội thảo xúc tiến đầu tư Trung Quốc (Đài Loan) và Nhật Bản... Tuy nhiên do diễn biến phức tạp của “làn sóng” dịch Covid 19 lần thứ 4 tại nước ta dẫn đến các kế hoạch này phải tạm dừng.
Mặc dù vậy, các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh đã được chủ động chuyển từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến, do đó nhiều sự kiện được tỉnh tổ chức, tham dự: Hội thảo trực tuyến Xúc tiến đầu tư Hoa Kỳ vào tỉnh Bình Định; Hội thảo xúc tiến đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản; Hội thảo trực tuyến Việt Nam - Trung Đông; Hội nghị xúc tiến Đầu tư trong bối cảnh Covid-19: Những thay đổi và biện pháp giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư nước ngoài; làm việc trực tuyến với Đại sứ Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ về thu hút đầu tư các doanh nghiệp Ấn Độ vào các Cụm Công nghiệp tại tỉnh; Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022; Hội thảo trực tuyến về Cẩm nang thực hiện các cam kết đầu tư quốc tế; Hội nghị Gặp gỡ Châu Âu 2021: Đối tác Việt Nam - EU hậu Covid 19 và công bố Sách trắng Eurocham 2021; Hội thảo trực tuyến “Phát triển điện gió ngoài khơi vì tương lai năng lượng sạch của Việt Nam”; Tọa đàm trực tuyến doanh nghiệp tỉnh Saitama, Nhật Bản khu vực phía Bắc lần thứ 9.
Lãnh đạo tỉnh tiếp và làm việc cùng Tập đoàn FPT, Công ty Mckinsey (Hoa Kỳ)
Cùng với đó, tỉnh đã làm việc trực tuyến với Quận Yongsan, Hiệp hội KIND, KOICA, Doanh nghiệp Samsung Engineering (Hàn Quốc) về xúc tiến dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thành phố thông minh; Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam và Tập đoàn PNE (Đức) về xúc tiến dự án Điện gió ngoài khơi; đồng thời tham dự diễn đàn Đầu tư Ấn Độ - Việt Nam 2021 tại TP.Hồ Chí Minh.
Ngoài các hoạt động nêu trên, tỉnh cũng đã làm việc trực tuyến với Tập đoàn FPT, Tập đoàn Hưng Thịnh, Công ty TNHH Goldburger (Hàn Quốc); Công ty Thagrico Bình Định (Tập đoàn Trường Hải)… để đề xuất khảo sát, đầu tư một số dự án trọng điểm.
Năm 2021, thực hiện tốt cải cách hành chính do đó thu hút đầu tư nhiều dự án lớn
Trong năm qua, công tác cải cách hành chính luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm và đã có chỉ đạo xuyên suốt, linh hoạt, toàn diện nhằm đẩy nhanh tiến trình cải cách, hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội, đồng thời từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Điểm nổi bật phải kể đến là sự đồng thuận cao của các sở ngành và các địa phương, tỉnh đã chủ động cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục đầu tư từ 32 ngày xuống còn 25 ngày và xem đây là một trong những hỗ trợ thiết thực đối với các nhà đầu tư đến với Bình Định. Việc cắt giảm này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản ủng hộ và đánh giá rất cao.
Bên cạnh đó, đồng hành với doanh nghiệp tại tỉnh, trong tháng 8/2021, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đang diễn biễn phức tạp dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long, tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, hiệp hội và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cùng tham dự Hội nghị này.
Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã thành lập Tổ công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư với nhiệm vụ trọng tâm vừa xúc tiến, vừa hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi đầu tư tại tỉnh, nhanh chóng giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình đầu tư. Tổ Công tác đã đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định, cơ chế, chính sách để tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn, hấp dẫn hơn; từng bước tạo đột phá trong thu hút đầu tư vào tỉnh và huy động các nguồn lực đầu tư nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng tại Khu Kinh tế Nhơn Hội, Khu công nghiệp Becamex VSIP; hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch …
Tập đoàn Kurz (Đức) đầu tư dự án đầu tiên tại Khu Công nghiệp Becamex VSIP Bình Định
Đây cũng là động thái cụ thể, thể hiện quyết tâm của tỉnh trong công tác hỗ trợ đầu tư; từng bước khắc phục những hạn chế yếu kém, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư từ các nguồn vốn. Qua đó, sau vài tháng nỗ lực và có sự “góp sức” của Tổ công tác, tỉnh đã thu hút được 2 dự án rất lớn với quy mô lên trên 62.000 tỷ đồng thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Cụ thể hơn:
- Đối với thu hút đầu tư trong nước: toàn tỉnh thu hút được 93 dự án đầu tư với tổng vốn thu hút trên 104.340,19 tỷ đồng (giảm 40% về số dự án, tăng 102,22% về tổng vốn thu hút đầu tư so với năm 2020). Trong đó: 66 dự án ngoài KKT, KCN với tổng vốn đầu tư 95.461,22 tỷ đồng (22 dự án trong Cụm Công nghiệp, tổng vốn đầu tư 266,74 tỷ đồng); có 27 dự án trong KKT, KCN với tổng vốn đầu tư 8.878,97 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện tăng vốn cho 11 dự án với tổng vốn tăng thêm 27.121,9 tỷ đồng.
Phân theo lĩnh vực: Bất động sản, xây dựng, hạ tầng có 30 dự án với tổng vốn đầu tư 41.252,71 tỷ đồng; Công nghiệp: 52 dự án, 60.032,26 tỷ đồng; Thương mại, dịch vụ, du lịch: 10 dự án, 2.902,62 tỷ đồng; Nông nghiệp: 01 dự án, 152,6 tỷ đồng.
Phân theo địa bàn: Quy Nhơn dẫn đầu cả tỉnh với 22 dự án thu hút mới; huyện Tây Sơn thu hút 13 dự án; thị xã Hoài Nhơn thu hút 10 dự án, thị xã An Nhơn có 07 dự án; huyện Tuy Phước có 06 dự án; Phù Mỹ có 03 dự án; Vĩnh Thạnh có 02 dự án; Hoài Ân, An Lão và Phù Cát thu hút được 01 dự án; trong KKT, Khu Công nghiệp có 27 dự án.
- Đối với thu hút đầu tư nước ngoài: Trong năm 2021, toàn tỉnh thu hút 04 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 80,34 triệu USD (bằng số dự án và tăng 521,83% về vốn so với năm 2020).
Thực hiện 7 lượt điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn điều chỉnh tăng 32,23 triệu USD và 8 lượt nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp với tổng vốn 17,8 triệu USD. Thông báo chấm dứt 01 dự án là dự án Nhà máy may mặc Gold của Công ty CP Longmate Holdings.
Lũy kế cả tỉnh hiện có 86 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1,088 tỷ USD; trong đó có 38 dự án trong KKT và KCN với tổng vốn đăng ký 843,35 triệu USD và 48 dự án ngoài KKT và KCN với tổng vốn đăng ký 245,56 triệu USD.
Cũng trong năm nay, có khoảng 1.000 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký khoảng 12.500 tỷ đồng. Đến nay cả tỉnh có khoảng 8.200 doanh nghiệp đang hoạt động.
Tập trung xúc tiến đầu tư, cải cách hành chính và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong năm 2022
Mặc dù tỉnh đã nỗ lực đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, nhưng do tình hình Dịch Covid 19 diễn biến phức tạp nên kết quả thu hút đầu tư chưa tương xứng với kì vọng của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng thăm và làm việc tại Công ty FPT Software Quy Nhơn (Tập đoàn FPT)
Năm 2022, tỉnh tập trung mời gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh để đầu tư các dự án then chốt vào 5 trụ cột chính, gồm: Công nghiệp; du lịch; nông nghiệp công nghệ cao; dịch vụ cảng và logistics; kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa. Đồng thời, lấy cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển cực tăng trưởng phía bắc tỉnh làm các khâu đột phá theo như NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.
Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ưu tiên các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp thích ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Tổ chức xúc tiến đầu tư ở các thị trường trọng điểm trong và ngoài nước như Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, các quốc gia như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Hoa Kỳ...; đặc biệt chú trọng thu hút những doanh nghiệp lớn trong nước để làm đòn bẫy thu hút các tập đoàn kinh tế nước ngoài.
Bên cạnh công tác cải cách hành chính mang tính giấy tờ - thủ tục, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ quyết tâm hỗ trợ cụ thể cho từng chủ đầu tư có các dự án lớn. Trước mắt tập trung vào hỗ trợ một dự án trọng điểm có vốn đầu tư lớn như: Dự án điện gió ngoài khơi của Tập đoàn PNE (Đức); dự án Nhà máy nhũ mỏng ép nhiệt công nghệ cao của Tập đoàn Kurz (Đức), dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định của Becamex IDC, dự án Nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn Trường Hải, Khu du lịch Hải Giang, Khu du lịch Vĩnh Hội…
Tổ chức đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án lớn để tạo nguồn thu ngân sách và làm tiền đề cho thu hút các dự án tiếp theo như: Khu nhà ở Trường Thành; Khu A3 (Eco-Lagoon) - Khu đô thị thương mại Bắc sông Hà Thanh; Điểm du lịch số 9H; Khu dân cư và thương mại dịch vụ Đông Bàn Thành 4; Khu đô thị khu vực 2, phường Nhơn Phú, thành phố Quy Nhơn; Khu nhà ở kết hợp với dịch vụ, du lịch, thể thao; Khu dịch vụ - thương mại và dân cư Phú Mỹ Lộc; Khu kho bãi, dịch vụ, logistics (KB-DV 04); Khu kho bãi, dịch vụ, logistics (KB-DV 05); Trung tâm đào tạo nghề và cung ứng lao động đi nước ngoài; Trung tâm đào tạo và cung ứng nhân lực vận tải Phù Cát; Chợ truyền thống và khu thương mại dịch vụ Bồng Sơn; Khu đô thị Bình Chương Nam, phường Hoài Đức, thị xã Hoài Nhơn; Trạm dừng nghỉ Phước Thuận tại Khu đất thương mại dịch vụ 01 thuộc xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước; Điểm dừng nghỉ Phước Thành, huyện Tuy Phước; Khu du lịch Eo Vượt 2, Khu kinh tế Nhơn Hội; Bãi đậu xe dịch vụ phường Nhơn Bình; Khu trung tâm thương mại – dịch vụ đô thị Hoài Thanh Tây; Showroom trưng bày, mua bán, bảo trì bảo dưỡng, cung cấp phụ tùng xe ô tô, phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn; Khu đô thị Mỹ Thành; Khu du lịch nghĩ dưỡng cao cấp Mỹ Thành; Khu đô thị biển quốc tế Đề Gi; Khu đô thị du lịch sinh thái biển Cát Hải; Khu đô thị phía Nam xã Mỹ Thành; Cụm du lịch biển quốc tế phía Nam xã Mỹ Thành; Khu nông nghiệp công nghệ cao - Công nghiệp hậu cần nghề cá – Dịch vụ; Khu đô thị - dịch vụ du lịch phía Bắc xã Mỹ Thành; Khu nhà ở kết hợp chỉnh trang đô thị tại khu vực phía Nam và phía Bắc đường Tăng Bạt Hổ, thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước; Khu đô thị thương mại - dịch vụ phía Nam đường Đô Đốc Bảo, phường Đập Đá, thị xã An Nhơn; Khu dân cư trung tâm xã Nhơn Thọ...
Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính sẽ tiếp tục được cải thiện, ưu tiên tập trung ở các khâu như: đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư, cấp phép xây dựng, giải quyết thủ tục giao đất… Đồng thời, cải tiến phương thức, thái độ làm việc; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.
Tỉnh cũng sẽ tăng cường tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp; khuyến khích người dân, doanh nghiệp góp ý trực tiếp vào hòm thư và đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý kiến nghị của người dân, doanh nghiệp kịp thời và có hiệu quả. Đẩy mạnh minh bạch hóa thủ tục hành chính; tăng cường kiểm tra, giám sát, nhằm hạn chế tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính; Chủ động rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch và xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển từng địa bàn. Tập trung mở rộng không gian phát triển công nghiệp, bổ sung quy hoạch xây dựng các khu, cụm công nghiệp mới; chủ động chuẩn bị tốt điều kiện về hạ tầng, nhất là nguồn lực đất đai.
Để cải thiện điểm số, thứ hạng và phấn đấu đạt vị trí tốt trên bảng xếp hạng PCI trong năm 2022 và tạo đà tích cực trong những năm tiếp theo, tỉnh cũng sẽ chủ động tìm ra nguyên nhân, hạn chế và đề ra các giải pháp thiết thực, có trọng tâm để thực hiện trong thời gian tới.
Với sự thống nhất về chủ trương, các giải pháp đồng bộ và sự đồng thuận quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân, tỉnh Bình Định quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư có hiệu quả, tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.