1. Về sản xuất nông, lâm, thủy sản, quản lý tài nguyên, môi trường
Trong 4 tháng đầu năm, sản xuất nông nghiệp tập trung vào chăm sóc, thu hoạch cây trồng vụ Đông Xuân và xuống giống cây trồng vụ Hè Thu. Ngành nông nghiệp đẩy mạnh tái đàn heo, phát triển đàn bò thịt chất lượng cao, nuôi gà đồi... gắn với thực hiện có hiệu quả công tác tiêm phòng vaccine và phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là bệnh dịch tả lợn Châu Phi; hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản theo hướng bền vững gắn với các biện pháp bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác xa bờ; nhân rộng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại một số địa phương ven biển.
Về trồng trọt: Đối với vụ Đông Xuân đã gieo sạ 46.788 ha, đạt 99,9% kế hoạch năm. Đã thu hoạch được 44.799 ha, năng suất lúa ước đạt 73,1 tạ/ha, tăng 2,8% (+2 tạ/ha) so với vụ Đông Xuân năm trước. Sản lượng lúa thu hoạch ước đạt 327.485,1 tấn, tăng 21,5% (+58.009 tấn) so với cùng kỳ. Đối với vụ Hè Thu, đến nay, đã gieo sạ được 5.660 ha lúa, hiện nông dân đang tiếp tục gieo sạ.
Tiến độ gieo trồng một số cây trồng hằng năm khác trong thời gian qua như sau: Cây ngô: Diện tích gieo trồng 2.290 ha, đạt 98,8% so cùng kỳ năm trước; Cây lạc: Diện tích gieo trồng 8.853 ha, đạt 103,9% so cùng kỳ năm trước; Rau các loại: Diện tích gieo trồng 5.660 ha, đạt 99,4% so cùng kỳ năm trước.
Tình hình sâu bệnh: Trên cây lúa có các đối tượng gây hại như: Chuột, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn, bệnh đạo ôn… các đối tượng phát sinh gây hại cục bộ, đã được hướng dẫn phòng trừ kịp thời.
Về chuyển đổi cơ cấu cây trồng: Tổng diện tích chuyển đổi vụ Đông Xuân 2023-2024 ước đạt 2.646 ha, đạt 104,4% kế hoạch vụ và đạt 38,4% kế hoạch năm, tập trung các huyện như: Phù Cát 1.664 ha, Tây Sơn 530 ha, Hoài Ân 269 ha, Phù Mỹ 182 ha. Chuyển đổi cây lúa sang các cây trồng như: Cây lạc 1.947 ha, rau màu 437 ha, cây ngô 145 ha, cỏ chăn nuôi 109 ha, đậu đỗ 8 ha.
Về chăn nuôi: Tháng 4/2024, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nhìn chung phát triển ổn định. Giá các sản phẩm chăn nuôi có xu hướng tăng, đang được duy trì ở mức khá, khoảng 60.000 đồng/kg đối với lợn, 50.000 đồng/kg đối với gà; giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm, tạo động lực cho người chăn nuôi tích cực thực hiện tái đàn, đặc biệt là đàn lợn.
Tổng đàn vật nuôi kỳ tháng 4/2024: Đàn lợn ước đạt 685.813 con (không tính lợn con theo mẹ), tăng 4,7% so với cùng kỳ; đàn bò ước đạt 302.436 con, giảm 0,5% so với cùng kỳ; đàn gia cầm ước đạt 9.442 nghìn con, giảm 1,8% so với cùng kỳ; trong đó, đàn gà ước đạt 7.943 nghìn con, giảm 0,9% so với cùng kỳ.
Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 46.836,2 tấn, tăng 7,1% (+3.115,4 tấn) so với cùng kỳ; thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 13.768,4 tấn, tăng 0,2% (+23 tấn); thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 10.239,9 tấn, tăng 5,6% (+539,4 tấn); trong đó, thịt gà hơi xuất chuồng ước đạt 8.956,8 tấn, tăng 8,5% (+698 tấn).
Trong tháng, nhờ triển khai tốt công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh nên tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát tốt. Các dịch bệnh: Cúm gia cầm, lở mồm long móng trâu bò, viêm da nổi cục trâu bò, dịch tả heo châu Phi... tiếp tục duy trì khống chế. Toàn tỉnh đang triển khai tiêm phòng vaccine lở mồm long móng trâu bò đợt I/2024 và tiếp tục tiêm phòng vaccine cúm gia cầm. Đang phối hợp các địa phương hướng dẫn, tuyên truyền, triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong mùa nắng nóng cho đàn vật nuôi.
Về lâm nghiệp: Đến nay, toàn tỉnh đã tiến hành chăm sóc được 13.650 ha rừng trồng. Lũy kế 04 tháng đầu năm, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 180.883 m3. Ngành kiểm lâm đã tích cực phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, bảo vệ rừng, tăng cường tuần tra, kiểm soát lâm sản, phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong tháng, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy rừng nào.
Kết quả thực hiện trồng rừng cây gỗ lớn: Trong tháng không có diện tích trồng, chuyển hóa rừng cây gỗ lớn. Lũy kế đến nay, diện tích trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh là 9.882 ha.
Về thuỷ sản: Tháng 4, tình hình thời tiết tiếp tục thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản, giá cả sản phẩm thủy sản ổn định nên ngư dân tích cực bám biển sản xuất. Sản lượng khai thác thủy sản tháng 4/2024 ước đạt 25.146 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ; luỹ kế từ đầu năm ước đạt 84.525 tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 4/2024 ước đạt 852 tấn, tăng 1,1% so với cung kỳ; luỹ kế từ đầu năm ước đạt 1.950 tấn, tăng 2,0% so với cùng kỳ.
Toàn tỉnh tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 8349/UBND-TH ngày 07/11/2023 về việc thực hiện Công điện số 1058/CĐ-TTg ngày 04/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Tập trung rà soát, hoàn thiện Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu Âu lần thứ 5.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục triển khai có hiệu quả. Các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện các tiêu chí ở các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024, củng cố và nâng cao chất lượng các xã đã được công nhận đạt chuẩn trên địa bàn. Trong tháng 4, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định công nhận công nhận xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 và xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Đến nay toàn tỉnh có 90/113 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 79,6%; có 18/90 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt tỷ lệ 20%; có 05/11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới, đạt tỷ lệ 45,45%.
Công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh tiếp tục được tăng cường. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản (đất, đá, cát…), kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp khai thác đất, đá, cát… trái phép hoặc không đúng quy định gây lãng phí tài nguyên, thất thu ngân sách, ô nhiễm môi trường. Đã tổ chức thẩm định Kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của các huyện, thị xã, thành phố.
UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ phương án xử lý vấn đề môi trường trên địa bàn tỉnh, nhất là trong vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý rác, chất thải, nước thải cả trong sản xuất và sinh hoạt; nâng cao chất lượng công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản; đẩy mạnh thực hiện công tác chuyển đổi số trong quản lý đất đai; kiểm tra, xử lý kiên quyết các vụ vi phạm về đất đai, tài nguyên khoáng sản, rừng và đất rừng.
2. Về sản xuất công nghiệp
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nói chung và trong nước nói riêng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp 4 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 tăng 8,65% so với tháng 3/2024 và tăng 15,28% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,23% so với cùng kỳ và là mức tăng cao nhất trong vòng 8 năm qua (2017-2024). Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,03%; Công nghiệp khai khoáng tăng 17,11%; Công nghiệp sản xuất và phân phối điện giảm 1,52%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 12,5% so cùng kỳ.
Nguyên nhân chỉ số IIP 4 tháng đầu năm 2024 tăng cao là do chỉ số IIP 4 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng âm (-0,04%); đồng thời trong tháng 4 Dự án Nhà máy gạch, ngói Takao do Công ty Cổ phần Takao Bình Định làm chủ đầu tư đi vào hoạt động góp phần làm cho Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao so cùng kỳ năm trước.
Tình hình sản xuất ở một số ngành chủ yếu của tỉnh như sau:
- Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 8,73% so cùng kỳ. Đây là một trong những ngành chủ lực có tốc độ tăng trưởng cao so cùng kỳ góp phần vào tốc độ tăng chung toàn ngành công nghiệp. Trong 4 tháng đầu năm 2024, thị trường thế giới có nhiều chuyển biến tích cực, đơn hàng xuất khẩu tăng đóng góp vào tăng trưởng ngành gỗ trong thời gian tới. Từ tháng 4/2024, các đơn hàng gỗ ngoài trời có xu hướng giảm do bước vào cuối mùa, riêng đơn hàng gỗ nội thất tương đối ổn định.
- Ngành chế biến thực phẩm tăng 9,04%, tác động chính từ Sản phẩm sữa và kem chưa cô đặc tăng 123,77% do nhà máy sữa Bình Định tăng công suất thêm 20 triệu lít/năm từ tháng 10/2023. Ngoài ra, người chăn nuôi đẩy mạnh công tác tái đàn sau dịp Tết nguyên đán, góp phần cho hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi tiếp tục đà tăng trưởng, chỉ số sản xuất ngành chế biến thức ăn chăn nuôi tăng 8,16%; trong đó, thức ăn gia súc tăng 9,2%, thức ăn gia cầm tăng 4,96%.
- Nhóm ngành Sản xuất trang phục tăng 15,99% do đơn hàng xuất khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ.
- Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 37,11%, chủ yếu do sản phẩm gạch ốp lát tăng 92,03% (Dự án Nhà máy gạch, ngói Takao đi vào hoạt động).
- Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 24,24%; trong đó, tăng cao nhất là sản phẩm tấm lợp kim loại tăng 128,58%. Nguyên nhân là do thị trường bất động sản dần phục hồi, đẩy mạnh nhu cầu và tác động tích cực đến thị trường nội địa; do đó, ngành Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn hiện nay đã có sự phục hồi tốt, là tín hiệu lạc quan tạo đà tăng trưởng trong thời gian tới.
- Chỉ số sản xuất ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1,52%. Trong đó, điện sản xuất giảm 10,86%. Nguyên nhân là do thủy điện chiếm cơ cấu lớn 60% nhưng sản lượng giảm mạnh (do thời tiết ít mưa, các hồ chứa tập trung tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp).
Một số sản phẩm trong 4 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: Gạch ốp lát (+92,03%); Thuốc nước để tiêm (+33,55%); Máy và thiết bị cơ khí khác (+30,93%); Điện thương phẩm (+29,28%); Cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại (+9,93%)... Ngược lại, một số ngành khác giảm so với cùng kỳ do tiêu thụ chậm, khó khăn về nguồn nguyên liệu như: Quặng inmenit và tinh quặng inmenit (-46,1%); Điện sản xuất (-10,86%); Gang thỏi hợp kim (-7,97%); Tôm đông lạnh (-4,13%)...
Các Khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư, xây dựng nhà xưởng và hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, tăng thu nhập và an sinh xã hội.
Các chương trình khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện. Hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tiếp tục phát triển ổn định. Các sản phẩm của các làng nghề đã đáp ứng phần lớn nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh.
3. Về thương mại, dịch vụ, tài chính
Trong tháng 4, tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì, lưu thông thông suốt. Bên cạnh đó, nhân các dịp ngày lễ lớn như: Giỗ tổ Hùng Vương, ngày 30/4 - 01/5, nhiều doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi với giá cả hợp lý nhằm kích cầu tiêu dùng đã thúc đẩy thị trường trong tỉnh sôi động, hàng hóa phong phú, không có hiện tượng sốt giá, khan hiếm hàng hóa xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước đạt 9.900 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 37.335 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ và đạt 32,55% kế hoạch năm. Xét theo ngành kinh doanh, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 29.407 tỷ đồng, tăng 9,4%; dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 4.847 tỷ đồng, tăng 21,8%; dịch vụ lữ hành đạt 211,6 tỷ đồng, tăng 60,6%; hoạt động dịch vụ đạt 2.869 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm tăng 2,49% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 4 ước đạt 148,7 triệu USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 566,6 triệu USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ và đạt 34,3% kế hoạch năm. Một số sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ như: Sản phẩm gỗ tăng 21,1%; dệt may tăng 21,0%; hàng thủy sản tăng 9,2%; gỗ tăng 5,7%... Một số mặt hàng giảm so với cùng kỳ như: Gạo giảm 4,6%; sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 12,1%... Bốn tháng đầu năm 2024, các mặt hàng xuất khẩu của Bình Định đã đến 84 quốc gia và vùng lãnh thổ trên 5 châu lục. Trong đó chủ yếu là Châu Á đạt 179,4 triệu USD, chiếm 31,8%; Châu Âu đạt 146 triệu USD, chiếm 25,9%; Châu Mỹ đạt 222,3 triệu USD, chiếm 39,5%, chủ yếu xuất khẩu thị trường Mỹ.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 4 ước đạt 35,1 triệu USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 123,1 triệu USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ.
Về du lịch: Trong tháng 4, Sở Du lịch phối hợp với 04 tỉnh Đắk Lắk - Kon Tum - Gia Lai - Quảng Ngãi liên kết, xây dựng gian hàng chung với chủ đề “Đại ngàn Tây Nguyên giao hòa cùng biển cả” tại Ngày hội Du lịch thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 20 năm 2024; tham gia Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Ha Noi 2024 và xây dựng 01 gian hàng chung có 08 doanh nghiệp tham gia với chủ đề “Quy Nhơn - Bình Định - Du lịch sạch Asean: 2024 - 2026”. Ngoài ra, Sở Du lịch đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám tổ chức trưng bày 130 bộ ảnh du lịch Quy Nhơn – Bình Định tại di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám. Qua 03 ngày trưng bày, đã có hơn 30.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, chụp ảnh và tìm hiểu các điểm đến tại Bình Định. Bên cạnh đó, ngành Du lịch đã làm việc với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch dọc bãi biển tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa - nghệ thuật vào các buổi tối thứ 6, thứ 7 hàng tuần trong dịp Lễ 30/4 - 1/5/2024.
Trong dịp lễ 30/4 - 01/5/2024, các cơ sở lưu trú du lịch và các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã chủ động bố trí đủ lực lượng, cán bộ, nhân viên trực phục vụ khách 24/24 giờ, chuẩn bị cơ sở vật chất và điều kiện cần thiết đảm bảo thuận tiện và an toàn tuyệt đối cho khách du lịch. Tại các điểm vui chơi du lịch, nhất là các điểm du lịch có biển, sông, hồ, thác nước… các đơn vị cũng đã chuẩn bị tốt các phương tiện, lực lượng cứu hộ, phối hợp với cơ quan y tế và các lực lượng khác của địa phương bố trí cán bộ, nhân viên thường trực để đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng, tài sản của khách du lịch. Đồng thời, trong dịp lễ tại các khu, điểm tham quan du lịch, các cơ sở lưu trú 4 sao, 5 sao đã tổ chức thêm các dịch vụ, chương trình khuyến mãi tặng quà, chương trình ẩm thực các món ăn địa phương… để phục vụ khách du lịch, tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách khi đến với Quy Nhơn - Bình Định. Dịp lễ 30/4 - 01/5/2024, tổng lượng khách du lịch đến Bình Định nhiều hơn so với năm ngoái và đạt hơn 277.185 lượt khách, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023 (dịp lễ 30/4, 1/5 năm 2023 đạt 249.700 lượt khách), tổng doanh thu đạt: 305 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2023 (năm 2023: 257,2 tỷ đồng).
Tính chung 4 tháng, cả tỉnh ước đón được 3,6 triệu lượt khách, tăng 117,6% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch là 9.314 tỷ đồng, tăng 169,7% so với cùng kỳ.
Tháng Tư, có các ngày Lễ lớn của đất nước nên nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Để đảm bảo việc đi lại của nhân dân, tại các Bến xe trong tỉnh đã chủ động các phương án điều hành sát với diễn biến thực tế, đảm bảo tốt an ninh trật tự… nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị vận tải hoạt động trên các bến xe. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng, tăng cường kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ cương trong việc thực hiện các quy định, thể lệ vận tải và đảm bảo chất lượng phục vụ hành khách. Việc giá xăng, dầu có sự biến động cũng như giá cước hành khách dự kiến sẽ tăng trong những ngày nghỉ Lễ, góp phần tăng doanh thu ngành vận tải, kho bãi. Tính chung 4 tháng đầu năm, dịch vụ vận chuyển hành khách ước đạt 15,3 triệu lượt, tăng 21,6% và luân chuyển 1.547 triệu hành khách.km, tăng 23,1% so với cùng kỳ. Vận tải hàng hoá ước đạt 10,7 triệu tấn, tăng 1,8%; luân chuyển 1,5 tỷ tấn.km, tăng 0,6% so với cùng kỳ. Hàng thông qua cảng biển 4 tháng đầu năm ước đạt trên 4,7 triệu tấn, tăng 44,2% so với cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm 2024 là 3.990,1 tỷ đồng, đạt 26,6% dự toán năm, tăng 34,3% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa (trừ tiền sử dụng đất; thu cổ tức, lợi nhuận được chia và lợi nhuận còn lại, xổ số kiến thiết) là 2.463,4 tỷ đồng, đạt 30,8% dự toán năm, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Riêng thu tiền sử dụng đất là 1.151,1 tỷ đồng, đạt 18,8% dự toán năm, tăng 117,3% so với cùng kỳ; thu xuất nhập khẩu là 247,3 tỷ đồng, đạt 55,0% dự toán năm, tăng 173,1% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm 2024 là 5.254 tỷ đồng, đạt 25,3% dự toán năm, giảm 5,6% so với cùng kỳ; trong đó chi thường xuyên là 3.335 tỷ đồng, đạt 33,7% dự toán năm, tăng 18,4% so với cùng kỳ.
Về hoạt động tài chính, tín dụng, ước đến cuối tháng 4, tổng nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh là 107.400 tỷ đồng, tăng 11,26% so với cùng kỳ; tổng dư nợ ước đạt 105.750 tỷ đồng, tăng 8,96% so với cùng kỳ (trong đó nợ xấu chiếm khoảng 0,9% so với tổng dư nợ).
4. Về thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển
Trong tháng các Chủ đầu tư tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm của tỉnh. Tiếp tục nâng cao chất lượng quản lý về xây dựng cơ bản; đẩy mạnh việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn đã giao.
Giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý đến 30/4/2024 là 1.908,5 tỷ đồng. So với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (7.365,6 tỷ đồng), tỷ lệ giải ngân đạt 25,91%; so với Kế hoạch Hội đồng nhân dân tỉnh giao (8.622,1 tỷ đồng), tỷ lệ giải ngân đạt 22,13% kế hoạch vốn. Trong đó, giải ngân nguồn vốn ngân sách địa phương là 20,78%, trong đó từ nguồn thu tiền sử dụng đất là 19,03%. Ngoài ra, giá trị giải ngân một số nguồn vốn khác như sau: Vốn Trung ương hỗ trợ theo mục tiêu là 31,52%; Vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia đạt 23,12%; Vốn nước ngoài (ODA) đạt 35,90% kế hoạch năm. So với cùng kỳ, tỷ lệ giải ngân cao hơn 1,44%.
5. Về thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp
Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư tiếp tục được đẩy mạnh. Trong tháng tỉnh đã tổ chức đoàn xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản để mời gọi các dự án đầu tư trên các lĩnh vực du lịch, cảng biển, logistics... Việc duy trì tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư, thương mại và hợp tác hằng năm với Nhật Bản nhằm góp phần duy trì bền vững mối quan hệ của tỉnh với các địa phương, doanh nghiệp Nhật Bản, góp phần nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vốn FDI từ Nhật Bản vào Bình Định.
Về đầu tư nước ngoài (FDI): Trong 4 tháng đầu năm chưa phát sinh dự án mới trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, toàn tỉnh có 86 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 1,08 tỷ USD; trong đó có 38 dự án trong Khu kinh tế và Khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký 843,3 triệu USD và 48 dự án ngoài Khu kinh tế và Khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký 245,5 triệu USD.
Về đầu tư trong nước: Trong tháng 4 năm 2024, toàn tỉnh thu hút mới 05 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư là 656,6 tỷ đồng, trong đó có 03 dự án nằm trong cụm công nghiệp và 02 dự án nằm trong khu kinh tế, khu công nghiệp. Cụ thể:
(1) Dự án Nhà máy đan nhựa giả mây và gia công cơ khí MVC do Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Xuất nhập khẩu MVC – FURNITURE đầu tư tại Lô C2.2, KCN Nhơn Hòa, xã Nhơn Thọ, thị xã An Nhơn với tổng số vốn đăng ký là 15,5 tỷ đồng;
(2) Dự án Nhà máy chế biến gỗ TFS Bình Định của Công ty TNHH TFS Á Châu đầu tư tại Lô F3 và F4.1, KCN Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, với tổng số vốn đăng kí là 102 tỷ đồng;
(3) Dự án Nhà máy chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ Hoài Châu do Công ty CP Lâm Nghiệp Kim Thành Lập đầu tư tại CCN Hoài Châu, xã Hoài Châu, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định với tổng số vốn đăng ký là 503 tỷ đồng;
(4) Dự án Nhà máy sản xuất than sinh học của Công ty TNHH Đầu tư thương mại HHT đầu tư tại CCN Cầu nước xanh, xã Bình Nghi, Tây Sơn với tổng số vốn đăng ký là 21,3 tỷ đồng;
(5) Dự án Nhà máy chế biến lâm sản do Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Thành Phát đầu tư tại CCN Tân Đức, An Nhơn với tổng số vốn đăng ký là 14,8 tỷ đồng.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh thu hút 18 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư là 2.680,2 tỷ đồng. Trong đó: 06 dự án trong KKT, KCN với tổng vốn đầu tư 275,85 tỷ đồng; 07 dự án trong CCN với tổng vốn đầu tư 665,21 tỷ đồng; 05 dự án ngoài KKT, KCN, CCN với tổng vốn đầu tư 1.739,18 tỷ đồng. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay đã thực hiện điều chỉnh 24 dự án với vốn đầu tư tăng thêm 669,19 tỷ đồng, đồng thời thu hồi, chấm dứt 07 dự án đầu tư.
Về phát triển doanh nghiệp: Trong 4 tháng đầu năm đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 395 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 2.275,1 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, tăng 0,5% về số doanh nghiệp đăng ký (cùng kỳ có 393 doanh nghiệp thành lập mới) và giảm 41,7% về vốn đăng ký (tổng vốn đăng ký cùng kỳ là 3.905 tỷ đồng). Trong kỳ có 35 doanh nghiệp giải thể, 425 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và 195 doanh nghiệp hoạt động trở lại.
6. Về văn hoá - xã hội
Về giáo dục và đào tạo: Tiếp tục chỉ đạo tổ chức dạy học đảm bảo theo kế hoạch. Đã ban hành Kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2024-2025. Tổ chức lựa chọn sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12; tiếp tục triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình.
Về văn hóa và thể thao: Đã tổ chức thành công Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 tại thư viện tỉnh với các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc, trưng bày, triển lãm sách, xếp sách nghệ thuật, tổ chức các hoạt động liên quan đến sách và Văn hóa đọc.
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả ở một số địa phương. Các hoạt động thể thao quần chúng, các giải thi đấu thể thao trong tỉnh được triển khai theo kế hoạch. Tổ chức thành công các giải thi đấu thể thao quần chúng cấp tỉnh: Giải Đua thuyền truyền thống tỉnh Bình Định mở rộng lần thứ I năm 2024; Giải Việt dã tỉnh Bình Định tranh Cúp Báo Bình Định lần thứ I - 2024 hướng ứng Lễ phát động Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; Ngày chạy Olympic Vì sức khỏe toàn dân.
Về y tế: Công tác phòng, chống dịch bệnh được tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả. Đảm bảo đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, công tác y tế dự phòng, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tiếp tục được quan tâm. Duy trì thường xuyên hoạt động truyền thông về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giám sát các nguy cơ ô nhiễm thực phẩm trong cộng đồng, kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm về an toàn thực phẩm.
Thường xuyên chỉ đạo, giám sát, kiểm tra các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai thực hiện, tuân thủ các quy trình chuyên môn, kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình khám bệnh; triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ và cải thiện các điều kiện phục vụ sinh hoạt của người bệnh; nâng cao tinh thần trách nhiệm và phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế, đi đôi với đảm bảo vệ sinh môi trường và tạo dựng cảnh quan cơ sở y tế “xanh, sạch, đẹp” hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Về lao động, việc làm, an sinh xã hội: Công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách tiếp tục được thực hiện. Tiếp tục giải quyết chế độ trợ cấp cho các trường hợp người có công với cách mạng và thân nhân theo quy định. Các Hội nghị, diễn đàn về hướng nghiệp; tư vấn xuất khẩu lao động; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý về an toàn, vệ sinh lao động… tiếp tục được duy trì và triển khai có hiệu quả.
Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tiếp tục được duy trì. Các ngành, địa phương đều tổ chức thăm hỏi các gia đình chính sách, đối tượng người có công nhân dịp kỷ niệm 49 năm giải phóng hoàn toàn Miền nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024).
Ngày 24/4/2024, tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Ân Mỹ (huyện Hoài Ân), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu và an táng hài cốt các liệt sĩ hy sinh năm 1975 trong trận đánh tại Cao điểm 174 (thuộc xã Ân Mỹ).
Về khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông: Trong tháng tỉnh đã phối hợp Báo Tiền Phong và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT tổ chức Hội thảo Thúc đẩy Kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Ngoài ra, tỉnh tập trung tuyên truyền chủ trương về thúc đẩy sản xuất; chống kinh doanh, sản xuất hàng giả; chống buôn lậu, kiểm soát giá cả thị trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ngăn ngừa các thông tin sai lệch gây tác động xấu đến sản xuất kinh doanh và tâm lý người tiêu dùng. Triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển, nâng cao năng lực hệ thống các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ, phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học và công nghệ; đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.
7. Về công tác nội chính
Theo kết quả Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2023, với tổng số điểm 43,5718 điểm, Bình Định đứng vị trí thứ 19 trên bảng xếp hạng, tăng 19 bậc so với năm 2022 (cùng kỳ xếp thứ 38). Trong đó, 7/8 chỉ số thành phần của Bình Định trong năm 2023 tăng điểm so với năm 2022.
Trong tháng 4, ngành thanh tra tiếp tục triển khai thực hiện các cuộc thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền. Công tác tiếp dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo thực hiện theo quy chế, giải quyết kịp thời các vụ việc bức xúc, khiếu kiện đông người. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, công tác triển khai các kế hoạch bảo vệ các ngày Lễ lớn của tỉnh và cả nước được chú trọng. Trong 4 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 183 vụ tai nạn giao thông, tăng 41,9% (tăng 54 vụ); số người chết là 67 người, giảm 24,7% (giảm 22 người); số người bị thương là 163 người, tăng 129,6% (tăng 92 người) so với cùng kỳ năm trước.
8. Công tác trọng tâm tháng 5
Trong thời gian đến, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, nhất là các chỉ tiêu, giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024 theo Quyết định số 4647/QĐ-UBND ngày 15/12/2023 và Công văn số 9495/UBND-TH ngày 15/12/2023 của UBND tỉnh và ý kiến kết luận chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, các lãnh đạo UBND tỉnh tại các Hội nghị, buổi làm việc với các cơ quan, đơn vị, địa phương. Theo dõi sát tình hình thực tiễn, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh; tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, điều hành bằng những việc làm cụ thể, thiết thực theo từng tháng, quý. Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm như sau:
8.1. Về nông, lâm, thủy sản và quản lý tài nguyên, môi trường: Tập trung chỉ đạo sản xuất vụ Hè Thu và tăng cường công tác quản lý nguồn nước; triển khai các biện pháp tưới tiết kiệm để có đủ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô năm 2024; tăng cường tuyên truyền để Nhân dân nhận thức về tình hình khô hạn năm 2024 và chủ động các biện pháp phòng, chống hạn.
Tiếp tục thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi năm 2024 và định hướng các năm 2024, 2025. Tiếp tục triển khai các mô hình khuyến nông, các mô hình ứng dụng công nghệ cao trên lĩnh vực trồng trọt. Tăng cường công tác dự báo, theo dõi chặt chẽ tình hình sâu bệnh để sớm phát hiện, hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp.
Tăng cường quản lý, giám sát công tác chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh động vật. Tiếp tục triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ; chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển bò thịt chất lượng cao trong nông hộ.
Tiếp tục triển khai các giải pháp để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và chuẩn bị đón, làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu Âu lần thứ 5. Chuẩn bị chu đáo nội dung và các điều kiện có liên quan để tham mưu UBND tỉnh tổ chức Lễ hội tinh hoa đất biển Bình Định năm 2024 trong đó điểm nhấn là Lễ hội Cá ngừ đại dương. Hoàn thành Đề án di dời tàu thuyền tại Cảng cá Quy Nhơn ra Cảng Đề Gi (Phù Cát)
Triển khai quyết liệt các biện pháp để bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trong tình hình nắng nóng, khô hạn; thường xuyên phối hợp kiểm tra, truy quét nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp phá rừng làm nương rẫy, khai thác gỗ trái phép. Tập trung đẩy mạnh công tác chuẩn bị đất, cây giống, triển khai kế hoạch trồng rừng năm 2024 và chăm sóc rừng vụ hè. Nghiên cứu, đề xuất Đề án kinh doanh tín chỉ carbon rừng; giải pháp phát triển trồng rừng gỗ lớn, phục vụ xuất khẩu; tiếp tục thực hiện Kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh.
Tiếp tục hướng dẫn các xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2024 triển khai thực hiện các nội dung, tiêu chí còn lại chưa đạt chuẩn và hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo đúng tiến độ.
Tập trung hoàn chỉnh hồ sơ Kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2021 - 2025) tỉnh Bình Định. Tăng cường công tác kiểm tra quản lý đất đai, tài nguyên môi trường; tập trung chỉ đạo lập lại trật tự trong khai thác tài nguyên khoáng sản; kiểm tra và có biện pháp xử lý tổ chức và cá nhân vi phạm công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất ở các khu, cụm công nghiệp, làng nghề. Phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024 cấp huyện. Tiếp tục thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án trên toàn tỉnh.
Triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Thực hiện nghiêm túc công tác bảo vệ môi trường; công tác thu gom, xử lý rác thải tại đô thị và nông thôn.
8.2. Về công nghiệp - xây dựng: Các cấp, cách ngành tăng cường gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, nắm bắt được tình hình sản xuất kinh doanh, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động và kiến nghị của doanh nghiệp để kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án lớn sớm hoàn thành và đi vào hoạt động, tạo ra giá trị mới về sản xuất công nghiệp năm 2024. Phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp Quý II năm 2024 đạt từ 7,5 – 8,5%.
Rà soát, đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp (CCN) tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng và nâng cao hiệu quả hoạt động các CCN, tạo điều kiện mặt bằng thuận lợi trong thu hút đầu tư, nhất là các CCN đang đầu tư xây dựng dở dang. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các Cụm công nghiệp như: CCN Nhơn Bình, CCN Quang Trung (TP. Quy Nhơn) và CCN Gò Đá Trắng (TX. An Nhơn).
Đảm bảo cung ứng điện ổn định phục vụ tốt cho phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp; tổ chức kiểm tra giám sát việc thực hiện tiết kiệm điện của khách hàng sử dụng điện trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra phòng, chống cháy nổ trong mùa nắng nóng để bảo vệ tài sản và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tăng cường công tác quản lý đô thị, trật tự và chất lượng xây dựng trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục rà soát, chuẩn hóa xây dựng các khu đô thị mới, khu tái định cư trên địa bàn tỉnh gắn với xây dựng hạ tầng đô thị thông minh, hiện đại, đô thị kiểu mẫu. Kiểm tra, rà soát, xử lý đối với chung cư, nhà ở cũ do nhà nước quản lý, đặc biệt là các nhà ở, công trình đã xuống cấp, hư hỏng, không đảm bảo an toàn sử dụng, đề xuất phương án cải tạo, sửa chữa, xử lý, sắp xếp theo quy định.
8.3. Về thương mại, du lịch và dịch vụ: Tiếp tục chỉ đạo thúc đẩy phát triển các hoạt động thương mại, xuất khẩu, du lịch, dịch vụ. Đôn đốc các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, nhất là các mặt hàng chủ lực của tỉnh. Các cơ quan chức năng có liên quan thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là đối với việc bình ổn giá cả thị trường, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp; kiểm tra việc niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tại các chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tư nhân...; xử lý nghiêm những trường hợp kinh doanh hàng hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không có nguồn gốc xuất xứ, đầu cơ tăng giá để thu lợi bất chính. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Người Bình Định ưu tiên dùng hàng Bình Định”.
Chuẩn bị chu đáo cáo điều kiện liên quan để tổ chức Lễ hội du lịch Bình Định năm 2024 với chủ đề: “Quy Nhơn - Bình Định: Thiên đường biển – Tỏa sáng phát triển”. Triển khai xây dựng Chính sách hỗ trợ thu hút đoàn khách đến Bình Định dự hội nghị, hội thảo giai đoạn 2024 - 2025; Chính sách hỗ trợ các hãng hàng không mở đường bay quốc tế bằng các chuyến bay charter (chuyến bay được thuê trọn gói) đến tỉnh Bình Định, giai đoạn 2025 - 2026. Triển khai Kế hoạch phát triển sản phẩm mới và làm mới sản du lịch hiện có trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu, tham mưu đề xuất xây dựng Đề án phát triển kinh tế ban đêm, trọng tâm là các hoạt động vui chơi, giải trí về đêm tại thành phố Quy Nhơn. Hợp tác phát triển về du lịch với các địa phương trong và ngoài nước, mở rộng các loại hình và sản phẩm du lịch; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch.
8.4. Về tài chính, thu ngân sách: Tăng cường công tác quản lý thu, đôn đốc thu, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp được hưởng tối đa các chính sách ưu đãi, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, qua đó góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững từ phát sinh kinh tế của tỉnh. Đảm bảo chi ngân sách theo đúng tiêu chuẩn, định mức, tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời, triệt để tiết kiệm chi, cắt giảm các khoản chi không thật sự cần thiết; tăng dần tỷ trọng chi đầu tư phát triển và quan tâm bố trí kinh phí thực hiện các lĩnh vực giáo dục, y tế, môi trường...
8.5. Về đầu tư phát triển: Chỉ đạo đẩy mạnh công tác đầu tư, xây dựng cơ bản, nhất là các công trình, dự án trọng điểm, các công trình đã có trong kế hoạch năm 2024. Tập trung thực hiện dứt điểm giải phóng mặt bằng dự án Cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn qua địa bàn tỉnh. Tăng cường giải ngân kế hoạch vốn đâu tư công năm, đảm bảo đến ngày 30/6/2024 đảm bảo tỷ lệ giải ngân đạt tối thiểu 40% kế hoạch vốn giao.
Thực hiện tốt 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là công tác giải ngân nguồn vốn thuộc các chương trình; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Tập trung tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành và đi vào hoạt động các dự án đã đăng ký đầu tư; đồng thời hỗ trợ thủ tục quy hoạch, thủ tục lập dự án đối với một số dự án mà tỉnh đã thực hiện ký kết Bản ghi nhớ tại Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định năm 2024 như: Nhà máy Điện gió ngoài khơi của Công ty PNE AG; dự án Nhà máy điện gió trên bờ, gần bờ và xa bờ của Liên danh IDG Capital - STS Development - Công ty cổ phần khu công nghiệp Sài Gòn - Nhơn Hội; dự án Nhà máy chế biến bột giấy và giấy Bình Định; Dự án Tổ hợp sản xuất Hydro, Cảng tổng hợp và dự án Khu công nghiệp Phù Mỹ...
8.6. Chỉ đạo việc ôn tập và tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 theo kế hoạch. Tiếp tục phối hợp các trường đại học tổ chức tư vấn về công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2024. Hoàn thành việc chọn sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12; chuẩn bị các điều kiện để tổng kết năm học 2023-2024, chuẩn bị tổ chức xét tốt nghiệp THCS năm học 2023-2024, thi tốt nghiệp THPT năm học 2023-2024, thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025. Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình.
Đẩy mạnh phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu. Triển khai Kế hoạch tổ chức các hoạt động văn nghệ, tuyên truyền lưu động trực quan kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh... Chuẩn bị chu đáo nội dung và các điều kiện cần thiết có liên quan để tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể dục, thể thao, đặc biệt là các sự kiện văn hóa và thể thao lớn của tỉnh, như: Giải TeqBall Quốc tế, Chương trình Đại Nhạc hội, Giải chạy VnExpress Marathon Quy Nhơn 2024,….
8.7. Tiếp tục ủng cố, nâng cao hiệu quả công tác y tế dự phòng; chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm ở người; đảm bảo an toàn trong tiêm chủng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giảm quá tải trong khám, chữa bệnh, khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế...
Đẩy mạnh thực hiện công tác chuyển đổi số trong ngành y tế, nhất là triển khai hồ sơ khám chữa bệnh điện tử, chẩn đoán từ xa bằng hình ảnh.
Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân. Làm tốt công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời đến người dân về các chủ trương, chính sách, các dự án lớn trên địa bàn để người dân hiểu và đồng thuận. Thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, chăm lo các đối tượng chính sách, người có công; chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững.
8.8. Tập trung triển khai kế hoạch chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh đồng bộ, hiệu quả. Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ thuộc Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh năm 2024, trong đó tập trung nhiệm vụ triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số năm 2024 trên địa bàn tỉnh; đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng của mô hình chính quyền điện tử tỉnh giai đoạn 2021 – 2025; nâng cấp hệ thống phần mềm tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh với các hệ thống phần mềm khác của tỉnh. Đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố đề xuất phân bổ chi tiết đối với khoản bổ sung mục tiêu từ ngân sách tỉnh để thực hiện nội dung chuyển đổi số năm 2024.
8.9. Tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền các cấp. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trước và đúng hạn, không để tồn đọng; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cải cách tài chính công, hiện đại hóa nền hành chính. Rà soát, đánh giá kết quả các chỉ số cải cách hành chính của tỉnh năm 2023 và xây dựng nhiệm vụ, giải pháp cải thiện kết quả trong thời gian tới. Xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đối với cán bộ, công chức, viên chức năm 2024. Tăng cường công tác kiểm tra hoạt động công vụ đối với các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với cấp xã.
Chỉ đạo kiên quyết, có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiếp tục triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2024. Tập trung giải quyết kịp thời, các vụ khiếu nại, tố cáo của công dân, không để xảy ra khiếu kiện đông người, vượt cấp, gây mất trật tự, an toàn xã hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến và giáo dục pháp luật. Kiểm tra đôn đốc việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Tập trung giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Thực hiện quyết liệt các biện pháp kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm an toàn giao thông. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ. Thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn.
8.10. Xây dựng các Báo cáo, Đề án đã được phân công, trình UBND tỉnh đảm bảo chất lượng, đúng thời gian quy định; đồng thời, rà soát các chế độ chính sách, các quy định hiện hành để chuẩn bị chu đáo các nội dung, tài liệu phục vụ tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh thường lệ giữa năm 2024.