1. Về sản xuất nông, lâm, thủy sản, quản lý tài nguyên và môi trường
Trong tháng 02/2024, toàn tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024; trong đó, tập trung chỉ đạo, theo dõi tình hình sâu bệnh trên cây trồng, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; tăng cường kiểm tra công tác trực phòng cháy, chữa cháy rừng; tuần tra, kiểm soát xử lý khai thác hải sản trái phép; công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu; kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, các hoạt động buôn bán vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Về trồng trọt: Đến cuối tháng 02/2024, toàn tỉnh đã gieo sạ 46.828 ha lúa Đông Xuân, bằng 99,9% so với cùng kỳ. Diện tích gieo trồng một số cây trồng cạn khác như sau: Cây ngô 2.184 ha, giảm 5,8%; lạc 8.518 ha, tương đương so với cùng kỳ; rau các loại 5.721 ha, tăng 0,4% so với cùng kỳ. Hiện nay, nông dân đang tiếp tục làm đất, gieo trồng các cây trồng cạn vụ Đông Xuân 2023-2024.
Về tình hình sâu bệnh hại cây trồng: Hiện nay, cây lúa có các đối tượng gây hại như: Chuột, bệnh đạo ôn, ... phát sinh gây hại cục bộ, tỷ lệ hại thấp và đã hướng dẫn phòng trừ kịp thời. Ngành Nông nghiệp đang tiếp tục tập trung kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo chăm sóc, bón phân, tổ chức phòng trừ kịp thời các loại sâu như bệnh đạo ôn, rầy nâu, rầy lưng trắng... trên cây lúa.
Trong tháng, tình hình chăn nuôi nhìn chung ổn định. Giá các sản phẩm chăn nuôi có nhiều khởi sắc trong dịp cận Tết và được duy trì ở mức khá, từ 54.000 – 57.000 đồng/kg đối với lợn, 55.000 đồng/kg đối với gà. Người dân bắt đầu tái đàn, hoạt động chăn nuôi trở lại sau Tết. Tính đến tháng 02/2024, đàn bò ước đạt 301.236 con, giảm 0,8%; đàn lợn (không kể lợn con chưa tách mẹ) ước đạt 632.715 con, giảm 3,5%; đàn gia cầm ước đạt 9.143,2 nghìn con, giảm 0,6%; trong đó, đàn gà ước đạt 7.195,6 nghìn con, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 02 tháng đầu năm 2024 ước đạt 23.861,8 tấn, tăng 4,2% (+962,4 tấn) so với cùng kỳ; thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 7.532,3 tấn, tăng 4,3% (+312,5 tấn); sản lượng sữa đạt 2.059,9 tấn, giảm 1,4% (-30,1 tấn); thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 254,6 tấn, giảm 11,2% (-32,1 tấn); thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 5.375,2 tấn, tăng 11,9% (+570,7 tấn); trong đó, thịt gà hơi xuất chuồng ước đạt 4.624,2 tấn, tăng 16% (+637,4 tấn).
Nhờ triển khai tốt công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh; tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát tốt, không có dịch bệnh xảy ra; tăng cường hướng dẫn các địa phương, người chăn nuôi triển khai các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; đôn đốc tiêm phòng vắc xin, vệ sinh tiêu độc khử trùng và hướng dẫn chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho động vật.
Về lâm nghiệp: Công tác trồng, chăm sóc, quản lý, phát triển rừng và phòng chống cháy rừng được UBND tỉnh quan tâm và chỉ đạo kịp thời. Hiện nay, các đơn vị đang chuẩn bị nhân lực, vật tư để thực hiện công tác chăm sóc rừng trồng lần 1 năm 2024 theo đúng lịch thời vụ, tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Ước tính tháng 02/2024, tổng số gỗ khai thác toàn tỉnh đạt 46.785 m3, tăng 2,5% (+1.162 m3) so với cùng kỳ; tổng số gỗ khai thác 2 tháng ước đạt 89.738 m3, tăng 1,1% (+1.013 m3) so với cùng kỳ. Toàn bộ gỗ từ rừng trồng chủ yếu là gỗ làm nguyên liệu giấy.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy rừng, tương đương cùng kỳ; xảy ra 2 vụ phá rừng, tăng 2 vụ so với cùng kỳ và diện tích bị phá tăng 1,7 ha.
Kết quả thực hiện trồng rừng cây gỗ lớn: Trong tháng không có diện tích trồng, chuyển hóa rừng cây gỗ lớn. Lũy kế đến nay, diện tích trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh là 9.882 ha.
Về thủy sản: Hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản gắn với các biện pháp bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh được chú trọng; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp cấp bách về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU) và các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ theo quy định.
Sản lượng khai thác thủy sản tháng 02/2024 ước đạt 23.300 tấn; cộng dồn 02 tháng đầu năm 2024 ước đạt 41.724 tấn, tăng 20,4% so với cùng kỳ. Sản lượng khai thác thủy sản biển tăng do trong 02 tháng đầu năm thời tiết thuận lợi, số tàu hoạt động khai thác thủy sản tang dẫn đến sản lượng khai thác tăng cao hơn so với cùng kỳ. Đồng thời hoạt động khai thác cá ngừ đại dương có nhiều thuận lợi. Tổng sản lượng khai thác cá ngừ đại dương 3.271 tấn, tăng 50,9% so với cùng kỳ.
Toàn tỉnh tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 8349/UBND-TH ngày 07/11/2023 về việc thực hiện Công điện số 1058/CĐ-TTg ngày 04/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Tập trung rà soát, hoàn thiện Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu Âu lần thứ 5.
Công tác xây dựng nông thôn mới: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện; các ngành, các cấp tập trung triển khai thực hiện các tiêu chí ở các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024, củng cố và nâng cao chất lượng các xã đã được công nhận đạt chuẩn trên địa bàn.
Công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh tiếp tục được tăng cường. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản (đất, đá, cát…), kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp khai thác đất, đá, cát… trái phép hoặc không đúng quy định gây lãng phí tài nguyên, thất thu ngân sách, ô nhiễm môi trường. Tổ chức thẩm định Kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của các huyện, thị xã, thành phố.
UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ phương án xử lý vấn đề môi trường trên địa bàn tỉnh, nhất là trong vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý rác, chất thải, nước thải cả trong sản xuất và sinh hoạt; nâng cao chất lượng công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản; đẩy mạnh thực hiện công tác chuyển đổi số trong quản lý đất đai; kiểm tra, xử lý kiên quyết các vụ vi phạm về đất đai, tài nguyên khoáng sản, rừng và đất rừng.
2. Về sản xuất công nghiệp
Bước vào năm 2024, tiếp nối đà phục hồi của những tháng cuối năm 2023, tình hình sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hầu hết các doanh nghiệp đã giải quyết cho người lao động nghỉ Tết từ ngày 08/02/2024 (ngày 29 tháng Chạp) và phần lớn các doanh nghiệp đã hoạt động sản xuất trở lại từ ngày 15/02/2024 (Mùng 6 tháng Giêng) nên các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong dịp Tết từ 7-10 ngày. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 02/2024 ước giảm 3,41% so với cùng kỳ.
Tính chung 02 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6,32% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,76%; ngành khai khoáng tăng 12,94%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 15,66%; riêng ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,96% so với cùng kỳ.
Các chương trình khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện. Hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tiếp tục phát triển ổn định. Các sản phẩm của các làng nghề đã đáp ứng phần lớn nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh.
Các Khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư, xây dựng nhà xưởng và hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, tăng thu nhập và an sinh xã hội.
3. Về thương mại, dịch vụ, tài chính
Thị trường bán lẻ hàng hoá tháng 02 năm 2024 chủ yếu tập trung vào những ngày đầu tháng 02, khi mà nhu cầu tiêu dùng, mua sắm Tết của người dân tăng cao so với những ngày bình thường. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, sức mua tại các chợ truyền thống giảm, nhưng sức mua tại siêu thị tăng hơn 20% so với năm ngoái (do các Siêu thị có các chương trình khuyến mãi và bình ổn giá); những ngày cận Tết, sức mua tăng khoảng 300% so với ngày thường. Các mặt hàng Tết đa dạng, phong phú, các sản phẩm đặc sản địa phương được tiêu thụ mạnh hơn mọi năm.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 02/2024 ước tính đạt 9.368,5 tỷ đồng, tăng 4,6% so với tháng trước và tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 7.480,2 tỷ đồng, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 2 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tính đạt 18.323,1 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 14.660,1 tỷ đồng, tăng 8,2%; Nhóm ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 2.194,2 tỷ đồng, tăng 12,7% so cùng kỳ; Dịch vụ lữ hành ước đạt 74,8 tỷ đồng, tăng 21%; Nhóm ngành dịch vụ khác đạt 1.394 tỷ đồng, tăng 9%.
Đối với hoạt động ngoại thương, kim ngạch xuất khẩu tháng 02/2024 ước đạt 110 triệu USD, giảm 25% so tháng trước và giảm 3,1% so cùng kỳ. Hai tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 256,5 triệu USD, tăng 16,3% so cùng kỳ; trong đó khu vực kinh tế Nhà nước tăng 29,2%, kinh tế tư nhân tăng 11,6%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 50,1%. Các nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng gồm: gạo, thủy sản, sản phẩm gỗ; hàng dệt và may mặc,…
02 tháng đầu năm 2024, các mặt hàng xuất khẩu trực tiếp của tỉnh Bình Định ước đạt 254,9 triệu USD, đã đến 69 quốc gia và vùng lãnh thổ trên 5 châu lục, cụ thể: Châu Á có 17 nước, ước đạt 68 triệu USD, chiếm 26,7% so kim ngạch xuất khẩu trực tiếp; xuất khẩu chủ yếu vào thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc; Châu Âu có 30 nước, ước đạt 75,3 triệu USD, chiếm 29,5% so kim ngạch xuất khẩu trực tiếp, xuất khẩu chủ yếu vào thị trường Đức, Pháp, Anh; Châu Mỹ có 14 nước, ước đạt 105,3 triệu USD, chiếm 41,3% so kim ngạch xuất khẩu trực tiếp, chủ yếu xuất khẩu thị trường Mỹ…
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 2/2024 ước đạt 23,5 triệu USD, giảm 19% so tháng trước và giảm 3,4% so cùng kỳ. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 52,5 triệu USD, giảm 3,7% so cùng kỳ; hầu hết các mặt hàng nhập khẩu đều tăng, ngoại trừ hàng thủy sản giảm 58,4% so với cùng kỳ.
Về du lịch: Trong tháng 02 năm 2024, là dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, trong 7 ngày nghỉ từ ngày 08/02 đến ngày 14/02/2024 (tức ngày 29 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng năm 2024) thời tiết thuận lợi tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, thể thao, sự kiện, lễ hội đặc sắc như: (1) Trưng bày cụm linh vật năm Giáp Thìn 2024 và triển lãm ảnh về thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định năm 2023; (2) Hội Báo Xuân năm Giáp Thìn 2024; (3) Chương trình nghệ thuật chào mừng 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đón chào năm Giáp thìn 2024 và bắn pháo hoa Chào mừng năm mới; (4) Tổ chức một số hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian mừng Xuân Giáp thìn 2024 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Quy Nhơn; (5) Tổ chức một số hoạt động biểu diễn khoa học, công nghệ tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành; (6) Chương trình Đêm võ đài Bình Định; (7) Tổ chức Hội đua thuyền truyền thống Xuân Giáp thìn - 2024; (8) Lễ hội kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa … đã thu hút hàng trăm ngàn cán bộ, nhân dân và du khách đến tham quan, thưởng thức và trải nghiệm.
Trong tháng 02, lượng khách du lịch đến tỉnh đạt khoảng 770.000 lượt, tăng 60,9% so với cùng kỳ (trong đó: khách quốc tế đạt 7.600 lượt khách, tăng 27,5%; khách nội địa ước đạt 762.400 lượt khách, tăng 59,7% so với cùng kỳ). Lũy kế 2 tháng đầu năm, ngành du lịch ước đón được 1,2 triệu lượt khách, tăng 32,1% so với cùng kỳ.
Tổng thu từ khách du lịch tháng 02 ước đạt 1.083 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ; lũy kế doanh thu 2 tháng đầu năm ước đạt 2.107 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ.
Bên cạnh tổ chức tốt các sự kiện, ngành du lịch đã tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành quy định trong hoạt động kinh doanh du lịch tại các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú; kiểm tra hoạt động vận tải khách du lịch và hoạt động của hướng dẫn viên du lịch; tạo hình ảnh về một không gian đẹp nhằm nâng cao hiệu quả thu hút du khách trong và ngoài nước. Ngoài ra tỉnh tiếp tục đẩy mạnh quảng bá xúc tiến để đưa Bình Định là địa phương dẫn đầu về đón khách du lịch MICE của khu vực miền Trung và cả nước, trong 02 tháng năm 2024 Bình Định đã tổ chức hơn 35 hội nghị, hội thảo thu hút gần 6.500 lượt khách.
Tháng 02/2024 là tháng Tết, nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán tăng cao. Các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ, đường sắt, hàng không đã triển khai nhiều phương án phục vụ hành khách. Đối với vận tải hành khách đường bộ, các nhà xe đã mở bán vé Tết từ giữa tháng 1. Các hãng xe cũng đã chủ động lên kế hoạch phụ thu giá vé từ 20% - 60% tuỳ theo hãng xe và tuỳ theo từng tuyến đường, đồng thời tăng số chuyến xe để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, lượng hành khách dự kiến tăng hơn ngày thường khoảng 20%. Bên cạnh đó, các hãng hàng không, đường sắt, đều tăng chuyến, giá vé tàu Tết năm nay tăng 1 - 4% tùy loại tàu, ghế, giường và ngày cao điểm, ở chiều thấp điểm giảm từ 1 - 8% tùy theo loại tàu và từng chặng khác nhau. Riêng giá vé máy bay tăng gấp đôi so với ngày thường.
Để tạo thuận lợi cho người dân đi lại trong dịp Tết, Sở Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải chủ động bán vé trước bằng nhiều hình thức, ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin; Thanh tra giao thông phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông bảo đảm trật tự an toàn trên các tuyến đường; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như: Xe không có phù hiệu tham gia vận tải khách; xe được cấp phù hiệu hợp đồng nhưng chạy như tuyến cố định; xe chở quá số người quy định; yêu cầu lái xe của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải chấp hành nghiêm quy định của Luật Giao thông đường bộ; đón khách đúng địa điểm cho phép, không để xảy ra tình trạng tranh giành khách, gây mất trật tự an toàn giao thông...
Về vận tải hành khách: Tháng 02/2024, sản lượng vận chuyển hành khách ước đạt 4.122,3 nghìn HK, tăng 20,4% so với tháng trước và tăng 40,4% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển ước đạt 393,6 triệu HK.km, tăng 18,3% so với tháng trước, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, sản lượng vận chuyển đạt 7.547,3 nghìn HK, tăng 25,1% và luân chuyển đạt 726,2 triệu HK.km, tăng 21,4% so với cùng kỳ.
Về Vận tải hàng hoá: Tháng 02/2024, khối lượng hàng hóa vận tải đạt 2.418,1 nghìn tấn, giảm 13,8% so với tháng trước và giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển ước đạt 353,3 triệu tấn.km, giảm 11,6% so với tháng trước và giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, sản lượng vận chuyển đạt 5.222,8 nghìn tấn, tăng 2,2% và luân chuyển đạt 753,1 triệu tấn.km, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
Hàng hóa thông qua cảng tháng 02/2024 ước đạt 1,02 triệu tấn, giảm 18,4% so với tháng trước, tăng 25,2% so với cùng kỳ; lũy kế 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 2,27 triệu tấn, tăng 46,1% so với cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách nhà nước tháng 02/2024 là 668,8 tỷ đồng, trong đó thu nội địa là 619,9 tỷ đồng, thu thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu là 48,8 tỷ đồng. Lũy kế 02 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước là 2.012,1 tỷ đồng, đạt 13,4% dự toán năm và tăng 27,9% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa (trừ tiền sử dụng đất; xổ số kiến thiết; thu cổ tức, lợi nhuận được chia và lợi nhuận còn lại) là 1.293,3 tỷ đồng, đạt 16,2% dự toán năm, tăng 5,8% so với cùng kỳ. Riêng thu tiền sử dụng đất là 489,7 tỷ đồng, đạt 8,0% dự toán năm, tăng 75,2% so với cùng kỳ; thu thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu là 157,6 tỷ đồng, đạt 35,0% dự toán năm, tăng 309,6% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương là 2.945,5 tỷ đồng, đạt 13,7% dự toán năm, giảm 2,3% so với cùng kỳ; trong đó chi thường xuyên là 1.699,3 tỷ đồng, đạt 17,2% dự toán năm, tăng 8,6% so với cùng kỳ.
Tổng nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh ước đến cuối tháng 02/2024 là 104.500 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ và tăng 0,2% so với tháng 12/2023; tổng dư nợ tín dụng là 103.940 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ và tăng 0,3% so với tháng 12 năm 2023 (trong đó nợ xấu chiếm tỷ lệ khoảng 0,8% so với tổng dư nợ).
4. Về thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển
Ngay từ đầu năm, thực hiện các Quyết định giao kế hoạch vốn của Thủ tướng Chính phủ và HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định phân bổ và giao kế hoạch đầu tư công năm 2024 nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đến từng chủ đầu tư, tạo điều kiện cho các đơn vị, địa phương chủ động triển khai có hiệu quả hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn. Tiếp tục đẩy mạnh huy động các nguồn vốn nhằm đáp ứng nhu cầu chi đầu tư phát triển, tập trung xây dựng hoàn thành các công trình trọng điểm của tỉnh.
Trong tháng các Chủ đầu tư tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm của tỉnh. Tiếp tục nâng cao chất lượng quản lý về xây dựng cơ bản; đẩy mạnh việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn đã giao.
Giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý đến 28/02/2024 là 1.152,6 tỷ đồng. So với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (7.365,6 tỷ đồng), tỷ lệ giải ngân đạt 15,65%; so với Kế hoạch Hội đồng nhân dân tỉnh giao (8.622,1 tỷ đồng), tỷ lệ giải ngân đạt 13,37% kế hoạch vốn. Trong đó, giải ngân nguồn vốn đầu tư tập trung là 27,37%; nguồn thu tiền sử dụng đất là 10,27%; nguồn xổ số kiến thiết là 18,15% kế hoạch năm. Ngoài ra, giá trị giải ngân một số nguồn vốn khác như sau: Vốn Trung ương hỗ trợ theo mục tiêu là 26,51%; Vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia đạt 12,13%; Vốn nước ngoài (ODA) đạt 25,37% kế hoạch năm.
5. Về thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp
Về đầu tư trong nước: Trong tháng 02 năm 2024, toàn tỉnh thu hút mới 02 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư là 31,5 tỷ đồng, trong đó có 01 dự án nằm trong cụm công nghiệp và 01 dự án nằm ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Cụ thể:
- Dự án Mở rộng Nhà máy may Sinh Phát do Công ty TNHH Sinh Phát V N đầu tư tại Khu phố Giao Hội 1, phường Hoài Tân, thị xã Hoài Nhơn với tổng số vốn đăng ký là 6,5 tỷ đồng;
- Dự án Nhà máy chế biến gỗ và sản xuất đồ gỗ nội thất xuất khẩu do Công ty TNHH Sản xuất Thương mại VinaForest đầu tư tại Lô CN6, CN8, Cụm công nghiệp Bình Nghi, thôn 3, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn với tổng số vốn đăng ký là 25 tỷ đồng.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thu hút mới 11 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký là 1.748,6 tỷ đồng, trong đó có 04 dự án trong KKT, KCN với tổng vốn đầu tư 158,35 tỷ đồng; 03 dự án trong CCN với tổng vốn đầu tư 76,07 tỷ đồng; 04 dự án ngoài KKT, KCN, CCN với tổng vốn đầu tư 1.514,18 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện điều chỉnh 09 dự án với vốn tăng thêm 249,7 tỷ đồng.
Về đầu tư nước ngoài (FDI): Trong 02 tháng đầu năm chưa phát sinh dự án mới trên địa bàn tỉnh.
Về quản lý đăng ký doanh nghiệp: Trong 02 tháng đầu năm đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 162 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 616,7 tỷ đồng. So với cùng kỳ giảm 2,5% về số doanh nghiệp thành lập mới (cùng kỳ có 166 doanh nghiệp thành lập mới) và giảm 72,04% về tổng vốn đăng ký (tổng vốn đăng ký cùng kỳ là 2.205 tỷ đồng). Trong kỳ có 27 doanh nghiệp giải thể, 385 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và 169 doanh nghiệp hoạt động trở lại.
6. Về văn hoá - xã hội
Về giáo dục và đào tạo: Đã chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tiếp tục tổ chức dạy học sau thời gian nghỉ Tết, chuẩn bị công tác tổ chức kỳ thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi trung học phổ thông cấp tỉnh, giáo viên dạy giỏi mầm non cấp tỉnh. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán kéo dài 10 ngày, học sinh của tỉnh trở lại trường học từ ngày 15/02 (mùng 6 tháng Giêng). Việc duy trì nề nếp học tập cũng được các trường quan tâm, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, nhất là ở các xã vùng cao. Trong tháng, nhiều trường Tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh đã tổ chức “Ngày hội vì bạn” nhằm mục đích gây quỹ trao tặng học bổng, thẻ bảo hiểm, xe đạp hoặc góc học tập… đến học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em mồ côi.
Về văn hóa và thể thao: đã tổ chức thành công nhiều Chương trình nghệ thuật, lễ kỷ niệm, tuyên truyền các sự kiện chính trị lớn của đất nước, của tỉnh như: Chương trình dạ hội mừng Đảng, mừng Xuân đón giao thừa Xuân Giáp Thìn 2024; Lễ kỷ niệm 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (1789-2024)...
UBND tỉnh đã tổ chức chu đáo công tác phục vụ nhân dân và du khách vui xuân đón tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Các ngành, địa phương, đơn vị phối hợp tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí; tổ chức xây dựng, trưng bày biểu tượng linh vật năm Giáp Thìn 2024, góp phần tạo điểm nhấn phục vụ khách tham quan du lịch dịp này. Đã chuẩn bị chu đáo chương trình nghệ thuật mừng Đảng mừng Xuân tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn), cùng màn bắn pháo hoa đón mừng năm mới được tổ chức tại TP Quy Nhơn, TX Hoài Nhơn, thu hút đông đảo người dân và du khách.
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả ở một số địa phương. Các hoạt động thể thao quần chúng, các giải thi đấu thể thao trong tỉnh được triển khai theo kế hoạch.
Công tác quảng bá các sự kiện “Tuần lễ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Định 2024” (Tuần lễ “Amazing Binh Dinh Fest”) được đẩy mạnh triển khai với nhiều sự kiện hấp dẫn, độc đáo.
Về y tế: Công tác phòng, chống dịch bệnh được tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả. Đảm bảo đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, công tác y tế dự phòng, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tiếp tục được quan tâm. Duy trì thường xuyên hoạt động truyền thông về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giám sát các nguy cơ ô nhiễm thực phẩm trong cộng đồng.
Thường xuyên chỉ đạo, giám sát, kiểm tra các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai thực hiện, tuân thủ các quy trình chuyên môn, kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình khám bệnh; triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ và cải thiện các điều kiện phục vụ sinh hoạt của người bệnh; nâng cao tinh thần trách nhiệm và phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế, đi đôi với đảm bảo vệ sinh môi trường và tạo dựng cảnh quan cơ sở y tế “xanh, sạch, đẹp” hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Về an sinh xã hội: Nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, các cấp, các ngành, các địa phương đã tổ chức hoạt động cứu trợ, chăm lo đời sống các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; thăm hỏi các đơn vị làm nhiệm vụ trực Tết, các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, với tổng số kinh phí hơn 53,5 tỷ đồng và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã trao tặng với tổng số tiền trên 71,5 tỷ đồng.
Ngành Lao động phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi tình hình lương, thưởng Tết dương lịch và Tết nguyên đán năm 2024. Hầu hết các doanh nghiệp thực hiện tốt việc trả lương cho người lao động, không có doanh nghiệp nợ lương người lao động; chưa có tình trạng đình công, lãn công xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Ngành khoa học, công nghệ, thông tin truyền thông: Tập trung tuyên truyền chủ trương về thúc đẩy sản xuất; chống kinh doanh, sản xuất hàng giả; chống buôn lậu, kiểm soát giá cả thị trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ngăn ngừa các thông tin sai lệch gây tác động xấu đến sản xuất kinh doanh và tâm lý người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán 2024.
7. Về công tác nội chính
Trong tháng, ngành Thanh tra tập trung kết luận, xử lý các cuộc thanh tra đã thực hiện trong năm 2023 đồng thời triển khai các cuộc thanh tra theo kế hoạch năm 2024. Công tác tiếp dân và xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo thực hiện theo quy chế và giải quyết kịp thời các vụ việc bức xúc, khiếu nại đông người. Tổ chức tốt công tác giao nhận quân năm 2024 theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Nhằm đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy, nổ, giảm thiểu tai nạn giao thông phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và các Lễ hội đầu xuân, các lực lượng công an, quân đội đã chủ động mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát các địa bàn trọng yếu trong tỉnh. Nhờ đó tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, công tác triển khai các kế hoạch bảo vệ các ngày Lễ lớn của tỉnh và cả nước được chú trọng.
Trong tháng toàn tỉnh đã xảy ra 46 vụ tai nạn giao thông, làm chết 18 người và bị thương 36 người. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 114 vụ tai nạn giao thông, tăng 58,3% (tăng 42 vụ); số người chết là 30 người, giảm 37,5% (giảm 18 người); số người bị thương là 116 người, tăng 190% (tăng 76 người) so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng, lực lượng cảnh sát giao thông đã kiểm tra, xử lý 6.128 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền hơn 8 tỷ đồng, tạm giữ 1.970 lượt phương tiện, tước giấy phép lái xe có thời hạn 1.101 trường hợp.
8. Công tác trọng tâm tháng 3 năm 2024
Trong thời gian đến, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, nhất là các chỉ tiêu, giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024 theo Quyết định số 4647/QĐ-UBND ngày 15/12/2023 và Công văn số 9495/UBND-TH ngày 15/12/2023 của UBND tỉnh và ý kiến kết luận chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, các lãnh đạo UBND tỉnh tại các Hội nghị, buổi làm việc với các cơ quan, đơn vị, địa phương. Theo dõi sát tình hình thực tiễn, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh; tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, điều hành bằng những việc làm cụ thể, thiết thực theo từng tháng, quý. Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm như sau:
- Thực hiện công tác dự tính, dự báo về dịch bệnh trên cây trồng để chủ động phòng trừ và hướng dẫn nông dân tích cực chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, chuột cắn phá trên cây trồng vụ Đông Xuân 2023-2024. Chuẩn bị sơ kết sản xuất vụ Đông Xuân và triển khai sản xuất vụ Hè Thu. Tiếp tục gieo trồng cây trồng cạn hết diện tích theo kế hoạch; phục hồi và đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; chú trọng thực hiện công tác tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo kế hoạch. Chỉ đạo triển khai xây dựng có hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) tại các địa phương. Tăng cường hoạt động khai thác thủy sản gắn với các biện pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác xa bờ và khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU); chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu Âu lần thứ 5. Chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng và chăm sóc rừng trồng.
- Tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng khai thác đất, đá, cát... trái phép; xử lý nghiêm đối với tổ chức và cá nhân vi phạm công tác quản lý, sử dụng đất đai. Triển khai quyết liệt, đồng bộ phương án xử lý vấn đề môi trường trên địa bàn tỉnh, nhất là trong vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý rác, chất thải, nước thải cả trong sản xuất và sinh hoạt; tăng cường thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực xử lý rác thải, chất thải, nước thải.
- Theo dõi, tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động nhằm đảm bảo tăng trưởng sản xuất công nghiệp theo kế hoạch. Chú trọng thúc đẩy phát triển các mặt hàng, nhóm hàng chủ lực, đang có lợi thế về thị trường, nguồn nguyên liệu... để góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp kích cầu, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch.
- Xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đặc biệt, rà soát, hoàn thành việc xây dựng, cập nhật, sửa đổi, bổ sung quy hoạch vùng cấp huyện, quy hoạch chung xây dựng cấp xã, điều chỉnh Quy hoạch Khu kinh tế Nhơn Hội, các quy hoạch chi tiết,… đảm bảo đồng bộ, phù hợp với Quy hoạch tỉnh, phát huy đầy đủ tiềm năng, lợi thế địa phương, khu vực để thúc đẩy phát triển.
- Triển khai quyết liệt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh để phục vụ thu hút đầu tư; đôn đốc các doanh nghiệp triển khai nhanh các dự án, nhất là các dự án đã đăng ký, cấp phép đầu tư. Tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, kêu gọi, thu hút các dự án vào Khu kinh tế Nhơn Hội, các khu, cụm công nghiệp và các khu, điểm du lịch. Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành và đi vào hoạt động các dự án đã đăng ký đầu tư.
- Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp tăng thu ngân sách, chống tình trạng thất thu, lạm thu, giảm nợ đọng thuế để phấn đấu vượt dự toán thu đã được Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Đối với các đơn vị tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất, khẩn trương rà soát, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với các lô đất ở đã hoàn tất các hồ sơ, thủ tục theo quy định. Đảm bảo chi ngân sách theo đúng tiêu chuẩn, định mức và dự toán giao đầu năm.
- Về đầu tư phát triển: Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Tích cực kêu gọi các dự án đầu tư có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến vào Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Chỉ đạo đẩy mạnh công tác đầu tư, xây dựng cơ bản ngay từ đầu năm, nhất là các công trình, dự án trọng điểm, các công trình đã có trong kế hoạch năm 2024. Tập trung hoàn tất hồ sơ, thủ tục; đẩy nhanh tiến độ GPMB; đầu tư xây dựng, giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh, gồm: Đường cao tốc Bắc – Nam qua địa bàn tỉnh; Đường ven biển đoạn Cát Tiến - Diêm Vân, Tuyến đường ven biển (ĐT.639) đoạn từ Quốc lộ 1D - Quốc lộ 19 mới, các tuyến đường ngang kết nối Đông - Tây, các dự án tại Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa, đập dâng Phú Phong và các công trình trên lĩnh vực văn hóa, lịch sử...
- Về văn hóa - xã hội: Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa và dịch vụ văn hóa. Đẩy mạnh phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu. Tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch tại Tuần lễ “Amazing Binh Dinh Fest”; trong đó, có các sự kiện nổi bật như: Giải mô tô nước quốc tế UIM-ABP Aquabike, Giải đua thuyền máy nhà nghề quốc tế UIM F1H2O, Lễ hội ẩm thực, Hội nghị xúc tiến đầu tư, chương trình đại nhạc hội, các hoạt động văn hóa, thể thao, các sự kiện hoạt động bên lề,...
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án bảo tồn, phát huy các di tích văn hóa, lịch sử. Tập trung tuyên truyền các sự kiện lớn của tỉnh và đất nước. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số.
Tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và y đức trong ngành y tế; tăng cường hiệu quả công tác y tế dự phòng; chú trọng kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động mạng lưới y tế cơ sở. Đẩy mạnh thực hiện công tác chuyển đổi số trong ngành y tế, nhất là triển khai hồ sơ khám chữa bệnh điện tử, chẩn đoán từ xa bằng hình ảnh, nhằm hạn chế tình trạng chuyển viện không cần thiết gây áp lực lên các bệnh viện tuyến trên.
Thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa và bảo đảm an sinh xã hội. Chú trọng đẩy mạnh đào tạo nghề; xuất khẩu lao động; các chương trình, đề án giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chỉ đạo thực hiện tốt chính sách đối với người có công, hộ nghèo và đồng bào dân tộc. Tiếp tục triển khai chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, hộ nghèo, vùng bị thiên tai và người có thu nhập thấp.
- Tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông; phòng chống cháy nổ. Tiếp tục triển khai thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính; kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2024; tập trung giải quyết tốt các vụ khiếu nại tồn đọng, không để phát sinh điểm nóng