1. Về sản xuất nông, lâm, thủy sản, quản lý tài nguyên và môi trường
Trong tháng 01/2024, ngành Nông nghiệp đã phối hợp các địa phương tập trung chỉ đạo triển khai sản xuất vụ Đông Xuân; trong đó, tiếp tục chỉ đạo thực chuyển đổi diện tích đất lúa, mía, sắn... sang các cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao, bố trí cơ cấu giống phù hợp, thực hiện tốt công tác điều tra, dự tính dự báo chính xác, kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra; triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tiêm phòng vaccine và phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nên đã kiểm soát được dịch bệnh; thực hiện hiệu quả các giải pháp cấp bách về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU) và các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác xa bờ; công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, phát triển trồng rừng sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng đang được tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả.
Về trồng trọt: Toàn tỉnh đã gieo sạ 46.312,8 ha lúa Đông Xuân, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích gieo trồng một số cây trồng cạn khác như sau: Cây ngô 1.559,5 ha, giảm 8,6%; lạc 6.375,3 ha, giảm 1,6%; rau các loại 4.527,6 ha, giảm 1,2%; đậu các loại 662 ha, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Hiện nay, nông dân đang tiếp tục làm đất, gieo trồng các cây trồng cạn vụ Đông Xuân 2023-2024.
Về chăn nuôi: Trong tháng tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nhìn chung phát triển ổn định, công tác tái đàn được đẩy mạnh, tổng đàn vật nuôi tăng mạnh nhằm đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong dịp Tết. Bên cạnh đó, người dân cũng chủ động thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, giảm thiểu dịch bệnh. Tổng đàn vật nuôi tháng 01/2024 như sau: Đàn bò 304.100 con, tăng 0,6%; đàn lợn 660.400 con (không tính lợn con chưa tách mẹ), tăng 1,2%; đàn gia cầm 9,6 triệu con, tăng 5,3% so với cùng kỳ.
Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng tháng 01/2024 đạt 131,6 tấn, giảm 9,7% (-14,1 tấn) so cùng kỳ. Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 3.723,2 tấn, tăng 1,4% (+52,4 tấn); Sữa đạt 1.032,3 tấn, giảm 1,5% (-15,7 tấn). Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 12.591,6 tấn, tăng 3,4% (+419,8 tấn). Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 2.637,4 tấn, tăng 10,2% (+245,2 tấn); Trong đó, thịt gà hơi xuất chuồng đạt 2.303,2 tấn, tăng 13% (+265,2 tấn) so với cùng kỳ.
Nhờ triển khai tốt công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh; tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát tốt, không có dịch bệnh xảy ra; tăng cường hướng dẫn các địa phương, người chăn nuôi triển khai các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; đôn đốc tiêm phòng vắc xin, vệ sinh tiêu độc khử trùng và hướng dẫn chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho động vật trong thời gian trước, trong và sau Tết.
Về lâm nghiệp: Sản xuất lâm nghiệp trong tháng 01/2024, các địa phương tập trung chủ yếu công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Hiện nay, các đơn vị đang chuẩn bị thực hiện công tác chăm sóc rừng đợt 1 năm 2024 theo đúng lịch thời vụ, tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Ngành Kiểm lâm phối hợp với các ngành, các địa phương thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, bảo vệ rừng, tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng vùng giáp ranh giữa các huyện trong và ngoài tỉnh; đẩy mạnh công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trước, trong và sau Tết. Trong tháng trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng, phá rừng.
Kết quả thực hiện trồng rừng cây gỗ lớn: Trong tháng không có diện tích trồng, chuyển hóa rừng cây gỗ lớn. Lũy kế đến nay, diện tích trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh là 9.882 ha.
Về thủy sản: Tháng 01/2024, thời tiết thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản, các ngư dân tranh thủ ra khơi bám biển, cho đến cuối tháng vào nghỉ Tết Nguyên đán. Do đó, số lượng tàu cá hoạt động khai thác nhiều hơn đáng kể so với cùng kỳ (vì tháng 01/2023 là tháng Chạp và có Tết Nguyên đán nên nhiều thuyền viên, cũng như tàu cá nghỉ ở nhà đón Tết).
Sản lượng khai thác thủy sản tháng 01 ước đạt 18.425 tấn, tăng 13,8% so với cùng kỳ; riêng khai thác cá ngừ đại dương ước đạt 650,8 tấn, giảm 12,1% so với cùng kỳ.
Toàn tỉnh tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 8349/UBND-TH ngày 07/11/2023 về việc thực hiện Công điện số 1058/CĐ-TTg ngày 04/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Tập trung rà soát, hoàn thiện Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu Âu lần thứ 5.
Về phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới: Đã tổ chức Đoàn kiểm tra thực tế kết quả xây dựng nông thôn mới phục vụ công tác thẩm định, đề nghị xét công nhận huyện Tây Sơn và huyện Phù Mỹ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023; xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh tiếp tục được tăng cường. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản (đất, đá, cát…), kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp khai thác đất, đá, cát… trái phép hoặc không đúng quy định gây lãng phí tài nguyên, thất thu ngân sách, ô nhiễm môi trường.
UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ phương án xử lý vấn đề môi trường trên địa bàn tỉnh, nhất là trong vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý rác, chất thải, nước thải cả trong sản xuất và sinh hoạt; nâng cao chất lượng công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản; đẩy mạnh thực hiện công tác chuyển đổi số trong quản lý đất đai; kiểm tra, xử lý kiên quyết các vụ vi phạm về đất đai, tài nguyên khoáng sản, rừng và đất rừng.
2. Về sản xuất công nghiệp, xây dựng
Bước vào năm 2024, tiếp nối đà phục hồi của những tháng cuối năm 2023, tình hình sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 01/2024 tăng 18,38% so với cùng kỳ, trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 19,19%; ngành khai khoáng tăng 14,01%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,98%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 21,42%. Nguyên nhân chủ yếu chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2024 tăng cao so với cùng kỳ là do thời gian sản xuất tháng 01/2024 dài hơn so với cùng kỳ (tháng 01/2023, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nghỉ Tết Nguyên đán khoảng 10 ngày).
Trong tháng, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,19%. Một số ngành chiếm tỷ trọng lớn có tốc độ tăng trưởng cao so cùng kỳ tác động làm chỉ số chung ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khá như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 21%; Chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 20,8%; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 23,8%; Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 27%;… Tuy nhiên, một số ít ngành giảm như: Dệt giảm 13,1%; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 1,9%; Sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 21,6%.
Trong tháng 01, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị công bố Quyết định giao chỉ tiêu đầu tư, phát triển năm 2024 đối với các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây là lần đầu tiên tỉnh tiến hành giao chỉ tiêu đầu tư, phát triển cho các khu, cụm công nghiệp trong toàn tỉnh. UBND tỉnh đã cụ thể hóa các quy định của pháp luật để các doanh nghiệp làm cơ sở triển khai thực hiện, mục tiêu phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo hướng đồng bộ, bền vững.
Các chương trình khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện. Hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tiếp tục phát triển ổn định. Các sản phẩm của các làng nghề đã đáp ứng phần lớn nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh.
Các Khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư, xây dựng nhà xưởng và hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, tăng thu nhập và an sinh xã hội.
3. Về thương mại, dịch vụ, tài chính
Tháng 01/2024 là tháng cao điểm chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 nên nhu cầu mua sắm tại các chợ truyền thống, siêu thị và trung tâm thương mại nhộn nhịp và sôi động hơn những tháng trước. Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân vào dịp cuối năm, nhiều doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã chủ động nhập hàng mới, tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, giá cả hợp lý với nhiều loại mặt hàng giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng và phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Để kích cầu phát triển du lịch và mua sắm tiêu dùng đặc biệt trong giai đoạn tiêu dùng tăng cao tập trung vào dịp Tết Nguyên đán 2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4781/QĐ-UBND ngày 23/12/2023 phê duyệt phương án bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Các đơn vị tham gia bình ổn giá và các đơn vị sản xuất, kinh doanh phân phối trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả công tác dự trữ hàng hóa và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Tình hình hoạt động thương mại dịch vụ tháng 01/2024 tại tỉnh diễn ra sôi động, nhu cầu tiêu dùng tiếp tục duy trì xu hướng tăng so cùng kỳ năm trước. Do đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2024 ước đạt 9.077,7 tỷ đồng, tăng 5,0% so với tháng trước và tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước.
Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trước Tết được tăng cường góp phần đáng kể ổn định thị trường và giá cả hàng hoá. UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tập trung kiểm tra các mặt hàng thiết yếu tiêu dùng phục vụ Tết về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, định lượng bao gói, nhãn hiệu; kiểm tra chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm tra và ngăn chặn hàng giả, hàng lậu nhất là các mặt hàng rượu ngoại, thuốc lá ngoại nhập lậu, đồ chơi trẻ em nguy hiểm; kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc sản xuất, buôn bán, vận chuyển tàng trữ và sử dụng các loại pháo trái phép.
Tiếp đà phục hồi, khởi sắc xuất khẩu của các tháng cuối năm 2023, ngay từ đầu năm 2024, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực tìm kiếm thị trường, đối tác xuất khẩu, cũng như tăng tốc sản xuất để đảm bảo theo đơn hàng đã ký kết. Đơn hàng xuất khẩu đang dần phục hồi kể từ quý IV/2023 là một trong những yếu tố để các doanh nghiệp tin tưởng hoạt động xuất khẩu năm 2024 sẽ khởi sắc hơn so với năm 2023.
Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 01/2024 ước đạt 115,5 triệu USD, đạt 7,0% kế hoạch năm (kế hoạch năm 2024 là 1.650 triệu USD), tăng 7,9% so với cùng kỳ. Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu trong tháng 01/2024, có 07 nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu chiếm 99,1% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, gồm: Hàng thuỷ sản; sắn và các sản phẩm từ sắn; quặng và khoáng sản khác; sản phẩm từ chất dẻo; gỗ; sản phẩm gỗ và hàng dệt, may. Các nhóm hàng xuất khẩu tăng mạnh so cùng kỳ gồm sắn và sản phẩm từ sắn tăng 46,4%; Quặng và khoáng sản khác tăng 168,8%; Sản phẩm từ chất dẻo tăng 30,4%; Gỗ tăng 2,1%; Sản phẩm gỗ tăng 1,9%; Hàng dệt may tăng 4,1%; Giày dép các loại tăng 25,7%. Các nhóm hàng xuất khẩu giảm mạnh như: Hàng thuỷ sản giảm 6%; Sản phẩm từ sắt thép giảm 52,7%...
Tháng 01 năm 2024, các mặt hàng xuất khẩu trực tiếp của tỉnh Bình Định ước đạt 114,5 triệu USD (xuất khẩu trực tiếp đạt 99,1%), đã đến 75 quốc gia và vùng lãnh thổ trên 5 châu lục.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 01/2024 ước đạt 30,3 triệu USD, giảm 30,2% so tháng trước và tăng 0,3% so với cùng kỳ.
Tháng 01/2024 là tháng cận Tết, do đó tình hình hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động và nhộn nhịp hơn so với các tháng trước. Nhu cầu đi lại của người dân vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán thường tăng rất cao so với bình thường, các hãng xe cũng đã có kế hoạch tăng chuyến phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Tổng lượng vận chuyển hành khách tháng 01/2024 ước đạt 3.474,6 nghìn hành khách, tăng 3,6% so với tháng trước, tăng 12,2% so với cùng kỳ; luân chuyển ước đạt 340,8 triệu HK.km, tăng 3,3% so với tháng trước, tăng 12,6% so với cùng kỳ.
Tổng lượng vận chuyển hàng hóa tháng 01/2024 ước đạt 2.806,7 nghìn tấn, tăng 3,9% so với tháng trước, tăng 11,1% so với cùng kỳ; luân chuyển ước đạt 399,3 triệu tấn.km, tăng 4% so tháng trước, tăng 9,5% so với cùng kỳ.
Hàng hoá thông qua cảng biển tại địa phương trong tháng 01 năm 2024 ước đạt 1,040 triệu tấn, tăng 4,0% so với tháng trước, tăng 40,7% so với cùng kỳ. Do tháng 01 năm 2023 có Tết Nguyên đán nên thời gian làm việc ngắn, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt thấp hơn so với tháng 01 năm 2024.
Về du lịch: Để thu hút du khách đến tham quan, tạo không khí vui tươi mừng năm mới, ngành du lịch đã xây dựng, tổ chức Chương trình “Đêm nhạc hội chào đón năm mới 2024 - Quy Nhơn New Year Countdown 2024” diễn ra tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Sự kiện thu hút gần 100 nghìn lượt nhân dân và du khách tham quan, thưởng thức. Qua đó, đánh dấu bước khởi đầu thành công trong chuỗi các sự kiện văn hoá - thể thao - du lịch của tỉnh Bình Định năm 2024 với chủ đề “Thiên đường biển - Toả sáng phát triển” và góp phần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch về Quy Nhơn - Bình Định. Tại các khu, điểm, điểm đến du lịch; các cơ sở lưu trú lớn đã trang trí các biểu tượng về Tết cổ truyền Việt Nam tại các khu vực riêng để du khách check-in, chụp ảnh và có nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn để thu hút khách.
Lượng khách du lịch đến tỉnh đạt khoảng 490.000 nghìn lượt, tăng 3% so với cùng kỳ (trong đó: khách quốc tế ước đạt 4.850 lượt khách, tăng 546,7%; khách nội địa ước đạt 485.150 lượt khách, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2023); doanh thu du lịch đạt 1.024 tỷ đồng, tăng 3,9% so với cùng kỳ.
Tiếp tục đẩy mạnh quảng bá xúc tiến để đưa Bình Định là địa phương dẫn đầu về đón khách du lịch MICE của khu vực miền Trung và cả nước, trong tháng 1 năm 2024, cả tỉnh đã tổ chức hơn 30 hội nghị, hội thảo thu hút gần 4.890 lượt khách.
Tổng thu ngân sách Nhà nước ước tháng 01/2024 là 1.343,3 tỷ đồng, đạt 9,0% dự toán năm và tăng 66% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa (trừ tiền sử dụng đất; xổ số kiến thiết; thu cổ tức, lợi nhuận được chia và lợi nhuận còn lại) là 819,7 tỷ đồng, đạt 10,2% dự toán năm, tăng 31,5%; thu tiền sử dụng đất là 354,2 tỷ đồng, đạt 5,8% dự toán năm, tăng 121,2%; thu thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu là 108,8 tỷ đồng, đạt 24,2% dự toán năm, gấp 7,6 lần so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách nhà nước là 1.457,8 tỷ đồng, đạt 6,8% dự toán năm, giảm 19,5% so với cùng kỳ.
Tổng nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh ước đến 31/01/2024 là 105.400 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ và tăng 1% so với tháng 12 năm 2023; tổng dư nợ tín dụng là 104.670 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ và tăng 1% so với tháng 12 năm 2023 (trong đó nợ xấu chiếm tỷ lệ khoảng 0,8% so với tổng dư nợ).
4. Về thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển
Kế hoạch đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương năm 2024 đã được UBND tỉnh giao cho các đơn vị, địa phương tại Quyết định số 4565/QĐ-UBND ngày 08/12/2023. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển thực hiện trong năm 2024 trên địa bàn tỉnh là 8.622 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 1.276,9 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 7.345,1 tỷ đồng.
Ngay sau từ đầu năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 09/01/2024 về việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công vốn ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý năm 2024. UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ, phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện cho từng dự án ngay từ đầu năm, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh, các Chương trình mục tiêu quốc gia. Thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, nâng cao chất lượng công trình, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024. Giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý đến 31/01/2024 là 578,5 tỷ đồng, đạt 6,71% kế hoạch năm.
5. Về thu hút đầu tư
Về đầu tư nước ngoài (FDI): Trong tháng chưa phát sinh dự án mới trên địa bàn tỉnh.
Về đầu tư trong nước: Trong tháng 01, toàn tỉnh thu hút mới 09 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư là 1.717,1 tỷ đồng, trong đó có 04 dự án nằm trong khu công nghiệp, khu kinh tế; 02 dự án nằm trong cụm công nghiệp và 03 dự án nằm ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đồng thời đã thực hiện điều chỉnh vốn 03 dự án với tổng vốn tăng thêm khoảng 80 tỷ đồng.
Một số dự án lớn đã được chấp thuận chủ trương trong thời gian qua như: dự án Khu nhà ở kết hợp chỉnh trang đô thị tại khu vực phía Nam và phía Bắc đường Tăng Bạt Hổ, thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước của Liên danh Công ty CP Phú Tài và Công ty CP Đầu tư An Phát Land với tổng vốn đầu tư 861 tỷ đồng; Khu sản xuất, chế biến nông, lâm sản tập trung của Công ty Cổ phần Vinanutrifood Bình Địnhvới tổng vốn đầu tư 495 tỷ đồng...
Về phát triển doanh nghiệp: Trong tháng 01/2024, đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 117 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 351,2 tỷ đồng. So với cùng kỳ tăng 77,3% về số doanh nghiệp thành lập mới (cùng kỳ có 66 doanh nghiệp thành lập mới) và giảm 60,7% về tổng vốn đăng ký (tổng vốn đăng ký cùng kỳ là 895,2 tỷ đồng). Đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho 51 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh; Có 17 doanh nghiệp thông báo và đang làm thủ tục giải thể; 08 doanh nghiệp và 12 đơn vị phụ thuộc hoàn tất giải thể và chấm dứt hoạt động, xóa tên doanh nghiệp, Chi nhánh, văn phòng. Có 355 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, hoạt động trở lại 162 doanh nghiệp.
6. Về văn hóa – xã hội
Trong tháng, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức sơ kết học kỳ I năm học 2023-2024; tiếp tục bồi dưỡng đội tuyển Học sinh giỏi của tỉnh chuẩn bị tham gia Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Bênh cạnh đó đã tổ chức thi Vòng 1 kỳ thi tuyển dụng viên chức vào làm việc tại các cơ sở giáo dục năm học 2023-2024, an toàn, đúng quy chế. Tiến hành chỉ đạo việc đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cho các Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố; hướng dẫn nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, theo đó học sinh, học viên và giáo viên được nghỉ từ ngày 05/02/2024 đến hết ngày 14/02/2024. Ngày 15/02/2024 tổ chức hoạt động dạy học bình thường.
Về văn hóa – thể thao: Các hoạt động văn hoá, thông tin, văn nghệ, thể dục thể thao, báo chí, phát thanh truyền hình chuẩn bị mừng Đảng mừng Xuân, đón tết Giáp Thìn 2024 được các ngành và các địa phương quan tâm. Xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình dạ hội mừng Đảng, mừng Xuân đón giao thừa Xuân Giáp Thìn 2024; Lễ kỷ niệm 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (1789-2024)... Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh tiếp tục triển khai thực.
Công tác quảng bá Giải đua thuyền máy nhà nghề quốc tế UIM F1H2O và giải mô tô nước UIM-ABP AQUABIKE (Grand Prix Bình Ðịnh 2024) được đẩy mạnh triển khai với nhiều sự kiện hấp dẫn, độc đáo. Các sở, ngành đã phối hợp với Công ty Cổ phần F1 Bình Định tổ chức chương trình Lễ ra mắt đội đua thuyền máy F1H2O Việt Nam – Bình Định tại tỉnh Bình Định (18/1/2024); chương trình Roadshow Giải đua Thuyền máy Nhà nghề Quốc tế UIM F1H2O và UIM-ABP AQUABIKE Bình Định Grand Prix 2024 tại TP. Hà Nội (19/1/2024) và TP. Hồ Chí Minh (20/1/2024).
Về y tế: Công tác phòng, chống dịch bệnh được tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả. Đảm bảo đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, công tác y tế dự phòng, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tiếp tục được quan tâm. Duy trì thường xuyên hoạt động truyền thông về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giám sát các nguy cơ ô nhiễm thực phẩm trong cộng đồng.
Thường xuyên chỉ đạo, giám sát, kiểm tra các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai thực hiện, tuân thủ các quy trình chuyên môn, kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình khám bệnh; triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ và cải thiện các điều kiện phục vụ sinh hoạt của người bệnh; nâng cao tinh thần trách nhiệm và phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế, đi đôi với đảm bảo vệ sinh môi trường và tạo dựng cảnh quan cơ sở y tế “xanh, sạch, đẹp” hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Công tác bảo đảm an sinh xã hội trước thềm Tết Nguyên đán cho người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, thăm hỏi các đơn vị làm nhiệm vụ trực Tết, các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn... đã được thực hiện hiệu quả, vui tươi, đầm ấm, thiết thực. Đã triển khai thực hiện kịp thời Phương án dự trữ hàng hóa và bình ổn giá cả một số mặt hàng thiết yếu dịp Tết. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong tỉnh. Tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường. Các cấp, các ngành của tỉnh đã tổ chức hoạt động cứu trợ, chăm lo đời sống các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, gia đình bị thiệt hại ở các vùng lũ, đồng bào dân tộc thiểu số; thăm hỏi các đơn vị làm nhiệm vụ trực Tết, các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn...
Ngành Lao động phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi tình hình lương, thưởng Tết dương lịch và Tết nguyên đán năm 2024. Hầu hết các doanh nghiệp thực hiện tốt việc trả lương cho người lao động, không có doanh nghiệp nợ lương người lao động; chưa có tình trạng đình công, lãn công xảy ra trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức trực ban, trực cấp cứu 24/24 giờ nhằm phục vụ, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Ngành khoa học, công nghệ, thông tin truyền thông: Tập trung tuyên truyền chủ trương về thúc đẩy sản xuất; chống kinh doanh, sản xuất hàng giả; chống buôn lậu, kiểm soát giá cả thị trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ngăn ngừa các thông tin sai lệch gây tác động xấu đến sản xuất kinh doanh và tâm lý người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán 2024.
7. Về công tác nội chính
Trong tháng, ngành Thanh tra tập trung kết luận, xử lý các cuộc thanh tra đã thực hiện trong năm 2023 đồng thời triển khai các cuộc thanh tra theo kế hoạch năm 2024. Công tác tiếp dân và xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo thực hiện theo quy chế và giải quyết kịp thời các vụ việc bức xúc, khiếu nại đông người.
Nhằm đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy, nổ, giảm thiểu tai nạn giao thông phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và các Lễ hội đầu xuân, các lực lượng công an, quân đội đã chủ động mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát các địa bàn trọng yếu trong tỉnh. Nhờ đó tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, công tác triển khai các kế hoạch bảo vệ các ngày Lễ lớn của tỉnh và cả nước được chú trọng.
Trong tháng toàn tỉnh đã xảy ra 68 vụ tai nạn giao thông, làm chết 12 người và bị thương 80 người, so với cùng kỳ tăng 35 vụ (tăng 106,1%), giảm 08 người chết (giảm 40%) và tăng 61 người bị thương (tăng 321,1%).
8. Công tác trọng tâm tháng 02
Trong thời gian đến, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, nhất là các chỉ tiêu, giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024 theo Quyết định số 4647/QĐ-UBND ngày 15/12/2023 và Công văn số 9495/UBND-TH ngày 15/12/2023 của UBND tỉnh; trước mắt, chú trọng triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, phòng chống dịch bệnh, với quyết tâm giành thắng lợi vụ sản xuất Đông Xuân 2023-2024. Tiếp tục gieo trồng cây trồng cạn hết diện tích theo kế hoạch; tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhất là mở rộng đàn heo, đàn bò thịt chất lượng cao, nuôi gà đồi; chú trọng thực hiện công tác tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo kế hoạch. Chỉ đạo triển khai xây dựng có hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) tại các địa phương. Tăng cường hoạt động khai thác thủy sản gắn với các biện pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác xa bờ và khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU).
Tiếp tục thực hiện các dự án trồng rừng theo kế hoạch. Khuyến khích trồng rừng kinh tế theo mô hình kinh doanh cây gỗ lớn và thường xuyên tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng. Tăng cường hoạt động khai thác gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
- Tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng khai thác đất, đá, cát... trái phép; xử lý nghiêm đối với tổ chức và cá nhân vi phạm công tác quản lý, sử dụng đất đai. Triển khai quyết liệt, đồng bộ phương án xử lý vấn đề môi trường trên địa bàn tỉnh, nhất là trong vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý rác, chất thải, nước thải cả trong sản xuất và sinh hoạt; tăng cường thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực xử lý rác thải, chất thải, nước thải.
- Tập trung rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên địa bàn; tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, làng nghề; phát triển sản xuất các ngành công nghiệp gắn với đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường.
Theo dõi, tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động nhằm đảm bảo tăng trưởng sản xuất công nghiệp theo kế hoạch; đôn đốc các doanh nghiệp sau Tết đi vào sản xuất ổn định. Chú trọng thúc đẩy phát triển các mặt hàng, nhóm hàng chủ lực, đang có lợi thế về thị trường, nguồn nguyên liệu... để góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp kích cầu, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; chuẩn bị chu đáo chương trình, kịch bản và các điều kiện có liên quan để đón đầu đợt cao điểm du lịch mùa Xuân; quan tâm tổ chức các Chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch Bình Định đến các thị trường tiềm năng trong và ngoài nước.
Đẩy mạnh công tác quy hoạch xây dựng, tổ chức thực hiện đấu thầu, đấu giá công khai các mặt bằng, quỹ đất sạch; thẩm định, phê duyệt kịp thời các dự án đầu tư xây dựng mới và theo dõi quản lý, giám sát chặt chẽ quá trình thi công xây dựng các công trình, đưa các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh đi vào sử dụng đúng tiến độ. Tập trung hoàn thành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo kế hoạch.
- Triển khai quyết liệt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh để phục vụ thu hút đầu tư; đôn đốc các doanh nghiệp triển khai nhanh các dự án, nhất là các dự án đã đăng ký, cấp phép đầu tư. Tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, kêu gọi, thu hút các dự án vào Khu kinh tế Nhơn Hội, các khu, cụm công nghiệp và các khu, điểm du lịch. Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành và đi vào hoạt động các dự án đã đăng ký đầu tư.
- Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp tăng thu ngân sách, chống tình trạng thất thu, lạm thu, giảm nợ đọng thuế để phấn đấu vượt dự toán thu đã được Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Đối với các đơn vị tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất, khẩn trương rà soát, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với các lô đất ở đã hoàn tất các hồ sơ, thủ tục theo quy định. Đảm bảo chi ngân sách theo đúng tiêu chuẩn, định mức và dự toán giao đầu năm.
- Về đầu tư phát triển: Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Tích cực kêu gọi các dự án đầu tư có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến vào Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Chỉ đạo đẩy mạnh công tác đầu tư, xây dựng cơ bản ngay từ đầu năm, nhất là các công trình, dự án trọng điểm, các công trình đã có trong kế hoạch năm 2024. Tập trung hoàn tất hồ sơ, thủ tục; đẩy nhanh tiến độ GPMB; đầu tư xây dựng, giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh, gồm: Đường cao tốc Bắc – Nam qua địa bàn tỉnh; Đường ven biển đoạn Cát Tiến - Diêm Vân, Tuyến đường ven biển (ĐT.639) đoạn từ Quốc lộ 1D - Quốc lộ 19 mới, các tuyến đường ngang kết nối Đông - Tây, các dự án tại Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa, đập dâng Phú Phong và các công trình trên lĩnh vực văn hóa, lịch sử...
- Về văn hóa - xã hội: Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa và dịch vụ văn hóa. Đẩy mạnh phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu. Trong tháng 2, triển khai hiệu quả các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch tại các sự kiện hưởng ứng Giải đua Thuyền máy Nhà nghề Quốc tế UIM F1H2O và UIM-ABP AQUABIKE Bình Định Grand Prix 2024.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án bảo tồn, phát huy các di tích văn hóa, lịch sử. Tập trung tuyên truyền các sự kiện lớn của tỉnh và đất nước. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số.
Tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và y đức trong ngành y tế; tăng cường hiệu quả công tác y tế dự phòng; chú trọng kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động mạng lưới y tế cơ sở.
Các địa phương thực hiện kịp thời đầy đủ các chế độ, chính sách đồng thời tổ chức tốt việc hỗ trợ lương thực, thăm hỏi, tặng quà cho người nghèo, đối tượng chính sách, người già, neo đơn trên địa bàn để mọi người đều no đủ, vui Xuân đón Tết; vận động khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cùng tham gia hỗ trợ cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa..
Thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa và bảo đảm an sinh xã hội. Chú trọng đẩy mạnh đào tạo nghề; xuất khẩu lao động; các chương trình, đề án giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chỉ đạo thực hiện tốt chính sách đối với người có công, hộ nghèo và đồng bào dân tộc. Tiếp tục triển khai chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, hộ nghèo, vùng bị thiên tai và người có thu nhập thấp.
- Tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông và phòng, chống cháy, nổ. Tổ chức tốt công tác giao quân đợt 1 năm 2024 theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ, đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số; tiếp tục thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2024; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại đông người và các vụ việc tồn đọng, không để phát sinh điểm nóng