Ngày 5/1, Chính phủ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương
Trình bày tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024.
Theo đó, Năm 2023, chúng ta thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH trong bối cảnh thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; hậu quả từ đại dịch COVID-19 kéo dài; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột Nga - Ukraina và khu vực dải Gaza gay gắt, kéo dài; kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, lạm phát neo ở mức cao, nhiều đồng tiền mất giá; nợ công toàn cầu tăng mạnh; các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro; thương mại, đầu tư quốc tế suy giảm. An ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng gặp nhiều thách thức; thiên tai, biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng. Ở trong nước, sau hơn 35 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; tuy nhiên, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, khả năng cạnh tranh, sức chống chịu còn hạn chế; chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập bên trong kéo dài nhiều năm bộc lộ rõ hơn trong khó khăn; dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề ở nhiều địa phương…
Nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tình hình KTXH tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, quý I tăng 3,41%, quý II tăng 4,25%, quý III tăng 5,47%, quý IV tăng 6,72%, cả năm tăng 5,05%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên khoảng 430 tỷ USD (GDP bình quân đầu người đạt 4.284 USD, tăng khoảng 160 USD so với năm 2022)11. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm tăng 3,25% (mục tiêu đề ra là khoảng 4,5%). Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 202212. Khu vực nông nghiệp là điểm sáng và tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn, cả năm tăng 3,83% so với năm 2022, cao nhất trong 10 năm qua; trong đó, xuất siêu nông sản đạt 12,07 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Khu vực dịch vụ phát triển sôi động trở lại, tăng 6,82%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với năm 2022. Công nghiệp từng bước phục hồi, quý I giảm 0,73%, quý II tăng 0,86%, quý III tăng 4,51%, quý IV tăng 6,86%, cả năm tăng 3,02%; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,62%, nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm tiếp tục phục hồi hoặc duy trì đà tăng tích cực. Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản; nước ta vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần tiếp tục tập trung nỗ lực khắc phục, trong đó: Tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm các nước cao trong khu vực, thế giới song chưa đạt mục tiêu đề ra59. Nguyên nhân chủ yếu là do tác động, ảnh hưởng nặng nề từ bên ngoài, nhất là suy giảm tổng cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng, chính sách tiền tệ thắt chặt… trong khi nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn. Sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo do giảm cầu, đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng. Sản xuất và cung ứng điện cơ bản đáp ứng nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng, tuy nhiên vẫn còn tình trạng thiếu điện cục bộ trong tháng 5-6 năm 2023 chủ yếu do khâu điều độ, truyền tải và phân phối còn bất cập. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao, tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ trong, ngoài nước suy giảm. Tiếp cận tín dụng còn khó khăn, tăng trưởng tín dụng chưa đạt yêu cầu đề ra, nợ xấu có xu hướng tăng. Thị trường bất động sản dù được cải thiện nhưng còn trầm lắng do bất cập về phân khúc. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã được tháo gỡ về cơ chế, chính sách và tăng cường công tác thanh tra, giám sát nhưng còn tiềm ẩn rủi ro. Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, dự án tồn đọng còn lại gặp nhiều khó khăn do phải thực hiện nhiều quy trình, thủ tục, trong đó có việc đánh giá, thẩm định chính xác giá trị tài sản đã qua nhiều năm. Tốc độ tăng năng suất lao động chưa đạt yêu cầu chủ yếu là do tăng trưởng thấp và tỷ trọng lao động phi chính thức còn cao. Thủ tục hành chính, nhất là thủ tục đầu tư còn rườm rà. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn; số lao động mất việc làm, giảm giờ làm, rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng cục bộ. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế dù đã được cải thiện nhưng chưa được khắc phục triệt để do còn tâm lý e ngại, sợ sai tại một số cơ quan, cơ sở y tế. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa chuyển biến rõ nét do cơ chế, chính sách còn chưa phù hợp yêu cầu thực tiễn, đầu tư còn dàn trải, kém hiệu quả…
An ninh, trật tự an toàn xã hội, tội phạm ở một số địa bàn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, nhất là tội phạm ma túy, tội phạm mạng. Công tác phòng, chống cháy nổ còn để xảy ra một số vụ việc, tai nạn nghiêm trọng như cháy chung cư mini. Thiên tai, hạn hán, bão lũ, xâm nhập mặn, thời tiết cực đoan, sạt lở đất, bờ sông, bờ biển, tiếp tục diễn biến khó lường, gây hậu quả nặng nề
Thu NSNN vượt khoảng 8,12% dự toán trong điều kiện thực hiện miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 194 nghìn tỷ đồng, đồng thời thúc đẩy tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương (đến nay được khoảng 560 nghìn tỷ đồng), bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 03 năm 2024 - 2026. Bội chi NSNN, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia được kiểm soát thấp hơn giới hạn và ngưỡng cảnh báo theo Nghị quyết của Quốc hội14. Xuất nhập khẩu có xu hướng phục hồi, tháng sau cao hơn tháng trước, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất siêu khoảng 28 tỷ USD. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm (sản lượng lúa năm 2023 ước đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022, xuất khẩu gạo 8,34 triệu tấn, giá trị đạt 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%, cao nhất từ trước đến nay). Cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới15; Việt Nam được Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng “Ổn định”, là một trong hai nước ở châu Á - Thái Bình Dương được nâng hạng; giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 01 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2020- 2022. Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong 02 năm liên tiếp (2022, 2023)
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 3,42 triệu tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm 2022; số dư huy động tiền gửi ngân hàng của Nhân dân tiếp tục tăng, đến ngày 27/12/2023 đạt hơn 13,6 triệu tỷ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2022. Giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2023 là gần 676 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, ước đạt 95% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2022 khoảng 3,58%, về số tuyệt đối cao hơn khoảng 146 nghìn tỷ đồng; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt kết quả tích cực trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu bị thu hẹp, đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1%18; vốn FDI thực hiện tăng 3,5%, đạt gần 23,2 tỷ USD, cao nhất trong 05 năm qua, cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Vốn đầu tư ra nước ngoài đăng ký luỹ kế đạt 22,1 tỷ USD; lợi nhuận chuyển về nước đạt 2 tỷ USD. Có 217,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại hoạt động, tăng 4,5% so với năm 2022. Đã đón 12,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế, vượt xa mục tiêu 8 triệu lượt khách. Cơ cấu lại nền kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh; tích cực thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, ước cả năm 2023 tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 16,5% GDP. Đầu tư công được cơ cấu lại theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các dự án có tính lan tỏa cao, tạo động lực phát triển, liên kết vùng. Hiệu quả hoạt động và kết quả kinh doanh, đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước cơ bản được cải thiện, hiệu quả, doanh thu, lợi nhuận, nộp NSNN tăng so với cùng kỳ.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển, đạt kết quả rõ nét hơn. Toàn bộ các chỉ tiêu kế hoạch về xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, thể hiện rõ bản chất tốt đẹp của chế độ ta, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Nhiều giá trị văn hoá truyền thống và di sản văn hoá của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển, được cộng đồng quốc tế công nhận43; Việt Nam lần thứ 2 trúng cử trở thành thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; đời sống nhân dân được cải thiện tốt hơn; số hộ gia đình có thu nhập không đổi và tăng lên năm 2023 đạt 94,1% (năm 2022 là 85,5%); thu nhập bình quân của người lao động đạt 7,1 triệu đồng/tháng, tăng 6,9%.
Đã trình Trung ương ban hành Nghị quyết mới về chính sách xã hội. Công tác giảm nghèo tiếp tục là điểm sáng, được quốc tế đánh giá cao; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,1% (còn 2,93%)46, trong đó hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm 3,2% (còn 17,82%). Kiểm soát tốt các loại dịch bệnh; chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên; y học cổ truyền tiếp tục được quan tâm phát triển; tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế từng bước được khắc phục. Lĩnh vực lao động, việc làm chuyển biến tích cực; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ước cả năm là 2,76% (chỉ tiêu Quốc hội giao là dưới 4%); thực hiện hiệu quả các chính sách, chế độ hỗ trợ cho người lao động, nhất là lao động bị mất việc, giảm giờ làm. Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, giáo dục thanh, thiếu niên, phát huy vai trò người cao tuổi, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, phòng, chống bạo lực gia đình... tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Các chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng được chú trọng. Phong trào thể thao quần chúng được thúc đẩy mạnh mẽ; thể thao thành tích cao đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác thông tin, truyền thông được tăng cường, nhất là truyền thông chính sách, góp phần củng cố niềm tin và tạo đồng thuận xã hội.