Năm 2023, nhờ sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sâu sát, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của UBND tỉnh cùng với đồng thuận, nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh, tỉnh Bình Định đã đạt được kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
- Về sản xuất nông, lâm, thủy sản: Giá trị tăng thêm toàn ngành tăng 3,17% so cùng kỳ; trong đó nông nghiệp tăng 4,19%, lâm nghiệp tăng 0,82%, thủy sản tăng 2,15%.
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 154.275 ha, tăng 0,2%. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt hơn 693.000 tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ. Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt 6.825 ha, vượt 158,2% kế hoạch; trong đó, chuyển đổi 4.538 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn hiệu quả (như lạc, ngô, rau màu...) và triển khai phương án sản xuất thử nghiệm sản phẩm chè Tiến vua tại xã An Toàn, huyện An Lão. Ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển; các dự án chăn nuôi quy mô trang trại, ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học được triển khai thực hiện gắn với công tác phòng, chống dịch bệnh. Sản lượng khai thác thủy sản đạt 273.193,1 tấn, tăng 3,2% so cùng kỳ; sản lượng nuôi trồng đạt 13.406,9 tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ. Thực hiện nghiêm tục IUU và chính sách hỗ trợ ngư dân được triển khai thực hiện.
Đặc biệt, trong năm 2023, UBND tỉnh đã thu hút đầu tư một số dự án sản xuất, chế biến lớn trên lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có Trung tâm Giết mổ gia súc, gia cầm và Chế biến thực phẩm San Hà, Dự án nuôi tôm công nghệ cao xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ và đang hoàn thiện thủ tục đầu tư Nhà máy Chế biến sâu nông sản của Công ty Cổ phần Vinanutrifood (huyện Tây Sơn), hỗ trợ Công ty CP Tập đoàn KIDO xây dựng chuỗi liên kết thu mua, sản xuất lạc, mô hình gà thả đồi trên địa bàn huyện Tây Sơn và Hoài Ân. Đây là yếu tố quan trọng giúp nâng cao hiệu quả cạnh tranh và giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh thời gian tới, góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho người dân, tạo tiền đề vững chắc phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh nhanh và bền vững.
Công tác xây dựng nông thôn mới được đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đã tổ chức kiểm tra, thẩm định kết quả xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao năm 2022 cho 16 xã theo kế hoạch; chỉ đạo huyện Phù Mỹ và huyện Tây Sơn hoàn thiện các tiêu chí về đích nông thôn mới năm 2023. Đến nay, toàn tỉnh có 85/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 76,58%; 17/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt tỷ lệ 20%; có 05 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới, đạt tỷ lệ 45,45%; Toàn tỉnh hiện có 354 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường, sinh thái, ứng phó biển đổi khí hậu tiếp tục quan tâm chỉ đạo.
- Về sản xuất công nghiệp, xây dựng:
+ Về sản xuất công nghiệp: Nhờ có các giải pháp linh hoạt, hiệu quả và sự phối hợp của các ngành, địa phương đã giúp các doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp của tỉnh duy trì đà tăng trưởng. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 6,82%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,5% so với cùng kỳ.
Kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tiếp tục được đầu tư hoàn thiện. Đã tập trung tháo gỡ khó khăn, chỉ đạo đẩy nhanh công tác GPMB, đầu tư xây dựng đưa 42 dự án đi vào hoạt động trong năm 2023 và quý I/2024, như: Nhà máy sản xuất dược phẩm Bidiphar công nghệ cao; Nhà máy điện gió Nhơn Hội 2; Mở rộng Nhà máy may của Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam; Nhà máy chế biến gỗ nội - ngoại thất cao cấp Thiên Bắc Nhơn Hội; Nhà máy chế biến gỗ, nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học rắn Hoài Nhơn; đặc biệt đã khánh thành Nhà máy sản xuất nhũ và màng mỏng công nghệ cao của Tập đoàn Kurz.
Cùng với theo dõi, đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi để các công trình, dự án trọng điểm sớm hoàn thành, đi vào hoạt động, UBND tỉnh đã tổ chức các Hội nghị xúc tiến, kêu gọi thu hút đầu tư, tiếp và làm việc với các tổ chức, doanh nghiệp, đối tác đến khảo sát, tìm hiểu, đăng ký đầu tư vào tỉnh và đã tổ chức các Đoàn công tác xúc tiến, thu hút đầu tư tại các quốc gia; nhờ đó công tác thu hút đầu tư của tỉnh đạt những kết quả tích cực. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thu hút mới 75 dự án, tổng vốn đăng ký gần 15.000 tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch năm (gồm 69 dự án trong nước, vốn đăng ký 13.709 tỷ đồng và 06 dự án FDI, vốn đầu tư là 46,2 triệu USD). Trong đó, có 19 dự án trong KKT và các KCN; 56 dự án ngoài KKT và các KCN. Lũy kế đến nay, tại KKT và các KCN có 405 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 148.720 tỷ đồng (41 dự án FDI với vốn đăng ký trên 888,2 triệu USD), vốn đầu tư thực hiện khoảng 48.353 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 32,5% tổng vốn đăng ký).
+ Về xây dựng: Giá trị tăng thêm ngành xây dựng tăng 18,74% so với cùng kỳ. Trong năm, hầu hết các dự án, công trình đã được quan tâm hoàn thành sớm công tác chuẩn bị đầu tư, đấu thầu và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng. Công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị và xây dựng, mở rộng các khu dân cư, nhà ở xã hội được quan tâm thực hiện.
- Về hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch:
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng 15,1% so với cùng kỳ. Các ngành, các địa phương đã tập trung triển khai các biện pháp bình ổn giá, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời hàng hóa, nguyên vật liệu thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, được tăng cường. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2023 tăng 2,19% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu đạt 1,6 tỷ USD, bằng 97,2% so với cùng kỳ. Hàng hóa thông qua cảng biển đạt trên 12,86 triệu tấn, bằng 95% so với cùng kỳ.
Hoạt động du lịch tăng trưởng và phát triển mạnh, lượng khách du lịch đến tỉnh đạt trên 5 triệu lượt khách, tăng 21,4% so với cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch tăng 25% so với cùng kỳ. Trong năm, Tỉnh đã tổ chức ký kết các thỏa thuận hợp tác về phát triển du lịch với các địa phương, các hãng hàng không, công ty lữ hành lớn trong cả nước; đã tổ chức nhiều chương trình, lễ hội như: Lễ hội Du lịch 2023, Chung kết Hoa hậu Thế giới Việt Nam, Giải chạy VnExpress Marathon, Giải đua thuyền buồm quốc tế và ván chèo đứng Quy Nhơn,... tạo điểm nhấn, thu hút đông đảo du khách đến với Bình Định.
- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh là 13.828 tỷ đồng, tăng 1,3% so với dự toán năm và bằng 88% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa (trừ tiền sử dụng đất; thu cổ tức, lợi nhuận được chia và lợi nhuận còn lại, xổ số kiến thiết) đạt 7.500 tỷ đồng, vượt 8,2% dự toán năm, tăng 5,1% so với cùng kỳ; tiền sử dụng đất đạt 5.600 tỷ đồng, vượt 1,8% dự toán năm và bằng 84,9% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương 18.300 tỷ đồng, đạt 97,9% dự toán năm, bằng 91,4% so với cùng kỳ.
- Về thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển: Giá trị giải ngân vốn đầu tư công đến cuối tháng 11/2023 là 7.192 tỷ đồng, đạt 94,25% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; xếp thứ 14/63 địa phương cả nước và thứ 2 Khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung Trong đó, giải ngân vốn 03 chương trình mục tiêu quốc gia đạt tỷ lệ 58,2%; trong đó vốn năm 2022 kéo dài đạt 81,7% và vốn năm 2023 đạt 51%. Trong năm, các ngành chức năng và các chủ đầu tư đã tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công.
- Các hoạt động văn hoá - xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực; đã tổ chức chu đáo cho Nhân dân vui Xuân đón Tết Nguyên đán Quý Mão – 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống của đại bộ phận nhân dân trong tỉnh cơ bản ổn định; quốc phòng - an ninh được giữ vững; triển khai quyết liệt các biện pháp kiềm chế tai nạn giao thông.