Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghi; đồng chủ trì còn có các Phó Chủ tịch: đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đồng chí Lâm Hải Giang phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Đồng chí Lê Hoàng Nghi, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 11 năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Theo đó trong tháng 10/2023, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và phát triển, đạt được những kết quả nổi bật: Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh duy trì mức tăng trưởng ổn định so với cùng kỳ. Diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Mùa tăng 3,8% so với cùng kỳ. Tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt 258,2% kế hoạch năm. Công tác trồng rừng gỗ lớn được tích cực triển khai. Sản lượng khai thác thủy sản biển tăng 6,3% so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 5,39% so cùng kỳ; luỹ kế 10 tháng chỉ số IIP tăng 1,79%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,5% so cùng kỳ; luỹ kế 10 tháng tăng 16,3%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 159,3 triệu USD tăng 6,7% so cùng kỳ; Lũy kế 10 tháng đạt 1.610,4 triệu USD, giảm 7,2% so cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu ước 1.251,6 triệu USD, giảm 6,9%; nhập khẩu ước đạt 358,8 triệu USD, giảm 8,4%. Hàng hoá thông qua cảng biển đạt 1.370 nghìn TTQ tăng 29,1% so cùng kỳ. Tính chung 10 tháng, ước đạt 10.394 nghìn TTQ, giảm 11,8% so với cùng kỳ. Tính đến cuối tháng 10, tổng lượng khách du lịch đến tỉnh khoảng 4,56 triệu lượt, tăng 21,5% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch tăng 25,6% so với cùng kỳ. Tỉnh đã và đang đẩy mạnh quảng bá xúc tiến để đưa Bình Định là địa phương đón khách du lịch MICE của khu vực miền Trung và cả nước, trong 10 tháng năm 2023 Bình Định đã tổ chức hơn 176 hội nghị, hội thảo thu hút gần 38.185 lượt khách. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,33% so với tháng trước và tăng 2,93% so với cùng kỳ; bình quân 10 tháng, chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,19% so cùng kỳ. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến tháng 10/2023 là 9.468,4 tỷ đồng, đạt 69,4% dự toán năm và giảm 30% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa (trừ tiền sử dụng đất; xổ số kiến thiết; thu cổ tức, lợi nhuận được chia và lợi nhuận còn lại) là 5.336,2 tỷ đồng, đạt 77% dự toán năm, giảm 8,9%. Riêng thu tiền sử dụng đất toàn tỉnh là 3.460 tỷ đồng (trong đó: Ngân sách tỉnh là 1.360 tỷ đồng; Ngân sách cấp huyện là 2.100 tỷ đồng) đạt 62,9% dự toán năm, bằng 59,5% so với cùng kỳ. Các hoạt động văn hóa – xã hội; công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hoạt động hiệu quả được quan tâm chỉ đạo thực hiện; từng bước xây dựng hoàn thiện chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cơ bản ổn định.
Sau khi ý kiến tham gia của các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và UBND các huyện; ý kiến của các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và thành viên dự họp, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương tập trung triển khai thực hiện Chương trình công tác trọng tâm năm 2023 đã được UBND tỉnh phê duyệt bảo đảm tiến độ, chất lượng các nội dung, không để tồn đọng, nhất là rà soát, khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ tồn đọng còn lại của các tháng còn lại của năm 2023.
Đồng thời giao cụ thể các sở, ngành như sau:
1. Giao UBND các huyện, Thị xã, thành phố:
- Tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn năm 2023 dựa trên các chỉ tiêu chủ yếu đã được UBND tỉnh giao từ đầu năm và Nghị quyết HĐND cùng cấp giao. Đồng thời, chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thống kê khẩn trương rà soát, tính toán kỹ lưỡng, xây dựng hệ thống chỉ tiêu kế hoạch và nhiệm vụ giải pháp cụ thể phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn năm 2024.
- Lưu ý công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh.
- Tích cực xúc tiến thu hút đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư lấp đầy các cụm công nghiệp trên địa bàn; đồng thời, tổ chức làm việc với chủ đầu tư các cụm công nghiệp trên địa bàn, yêu cầu các đơn vị thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
- Chủ động đẩy mạnh thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng các khu tái định cư, khu cải táng phục vụ các công trình, dự án trọng điểm; chịu trách nhiệm chính về tiến độ triển khai thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các công trình, dự án đi qua địa bàn.
- Đẩy mạnh thực hiện công tác đầu tư, xây dựng cơ bản, giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là giải ngân các Chương trình mục tiêu quốc gia; tổ chức các đoàn công tác đến các xã, phường, thị trấn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia để giám sát, đôn đốc tiến độ thực hiện, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cấp cơ sở, nhất là trong giải ngân các chương trình. Ưu tiên bố trí nguồn vốn thực hiện các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, có tiến độ triển khai thực hiện công tác GPMB, đầu tư xây dựng tốt, hiệu quả
- Đẩy mạnh các biện pháp tăng thu ngân sách, nhất là thu thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh, thu tiền sử dụng đất; nuôi dưỡng các nguồn thu mới, nguồn thu còn dư địa; tăng cường công tác quản lý thu và chống thất thu ngân sách nhà nước. Theo dõi, quản lý cân đối, hài hòa giữa công tác thu và chi ngân sách các cấp; điều hành đảm bảo tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả,...
- Quan tâm, chú trọng thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống và giải quyết các yêu cầu chính đáng của người dân. Làm tốt công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời đến người dân về các chủ trương, chính sách, các dự án lớn trên địa bàn để người dân hiểu và đồng thuận. Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, chăm lo các đối tượng chính sách, người có công; chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững.
- Đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính. Chỉ đạo đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nghiêm túc đạo đức công vụ, thái độ làm việc thân thiện, chu đáo, tận tình, coi người dân, doanh nghiệp như khách hàng, không nhũng nhiễu gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp
2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư :
Tập trung theo dõi, đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và vốn các Chương trình MTQG; xem xét, đề xuất điều chuyển thông báo vốn thanh toán sang các dự án, công trình có khối lượng hoàn thành và tỷ lệ giải ngân, thanh toán tốt hơn; kịp thời tham mưu đề xuất xử lý các các đơn vị, chủ đầu tư yếu kém, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các công trình, dự án.
- Chủ trì, phối hợp với sở, ngành, địa phương tập trung công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, dịch vụ, xây dựng của địa phương, nhất là các ngành công nghiệp có lợi thế như chế biến nông, lâm, thủy sản, súc sản, sản xuất vật liệu xây dựng, kết hợp với trình độ công nghệ cao, công nghệ sạch, tiết kiệm nguyên liệu, ít tốn năng lượng và thân thiện với môi trường. Tích cực kêu gọi, thu hút các dự án có quy mô lớn (kể cả thu hút các DN ngoài nước) vào Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu, cụm công nghiệp.
- Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo yêu cầu giải trình của các Bộ, ngành Trung ương liên quan.
- Tập trung đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; rút ngắn thời gian giải quyết, quy trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đầu tư; công khai, minh bạch thủ tục hành gắn với thúc đẩy việc đề xuất phân cấp, phân quyền các thủ tục hành chính phù hợp với từng đơn vị, địa phương.
3. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Phối hợp với các ngành, địa phương chỉ đạo sản xuất vụ Mùa theo kế hoạch; tăng cường hỗ trợ người dân sản xuất, thu hoạch nông sản trong điều kiện mưa bão, lũ lụt sắp tới, nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
- Quan tâm kêu gọi đầu tư, xây dựng các Nhà máy chế biến gia súc, gia cầm, thực phẩm, nông sản, lâm sản, thủy sản,… góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp.
- Đẩy mạnh hoạt động chăn nuôi theo hướng trang trại, chăn nuôi tập trung, quy mô lớn gắn với tiêm phòng vắc xin, phòng ngừa dịch bệnh.
- Triển khai quyết liệt các biện pháp bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng, khai thác gỗ, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Chú trọng phát triển trồng rừng gỗ lớn, gắn chứng chỉ FSC để phục vụ xuất khẩu.
- Tăng cường hoạt động khai thác thủy sản gắn với các biện pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường; tạo điều kiện thuận lợi mở rộng và thu hút đầu tư mới các nhà máy chế biến thủy sản tại các địa phương ven biển.
- Tổ chức triển khai hướng dẫn địa phương thực hiện hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phấn đấu thực hiện hoàn thành kế hoạch xây dựng nông thôn mới trong năm 2023. Rà soát, củng cố và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với thúc đẩy phát triển hoạt động du lịch trải nghiệm làng nghề, du lịch cộng đồng; chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh. Đồng thời, khẩn trương triển khai thí điểm Đề án phát triển sản phẩm chè Tiến vua tại xã An Toàn, huyện An Lão.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai nhiệm vụ Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2023; Phương án ứng phó thiên tai năm 2023; triển khai phòng chống giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét trong mùa mưa lũ năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Đẩy nhanh công tác bàn giao, đưa vào vận hành các công trình cấp nước sạch, vận động đấu nối cấp nước cho người dân sử dụng.
4. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường
- Triển khai quyết liệt, đồng bộ phương án xử lý vấn đề môi trường trên địa bàn tỉnh, nhất là thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trong sinh hoạt ở khu vực nông thôn, khu vực tập trung đông dân cư, ven biển. Tập trung triển khai nghiêm túc, kịp thời ý kiến Thông báo số 343/TB-UBND ngày 14/09/2023 của UBND tỉnh về kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục tham mưu, đề xuất các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh như: Phê duyệt dự án đầu tư đối với 02 dự án “Nhà máy xử lý chất thải rắn tại Bãi chôn lấp Long Mỹ, thành phố Quy Nhơn” và “Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại thị xã Hoài Nhơn”; phát hành Sổ tay truyền thông môi trường 2023; hướng dẫn các xã thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao năm 2023... báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
- Phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan đẩy mạnh công tác quản lý tài nguyên khoáng sản.
Tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan triển khai các tục về cấp mỏ vật liệu phục vụ thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh và dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua tỉnh Bình Định.
- Tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thực hiện kết nối liên thông cơ sở dữ liệu về đất đai với cơ quan thuế. Nâng cao chất lượng và mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần, sử dụng dịch vụ bưu chính công ích trong gửi và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Giám sát chặt chẽ việc thực hiện các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao và công tác giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân.
5. Giao Sở Công Thương
- Tăng cường việc gặp gỡ, đối thoại, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, kịp thời giải quyết (hoặc tham mưu đề xuất) tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án công nghiệp, thương mại, năng lượng tái tạo,… nhất là các dự án trong kế hoạch đưa vào hoạt động năm 2023, dự án Nhà máy gạch, ngói Takao (Tây Sơn);...
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành có liên quan đẩy mạnh việc hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm, nhất là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực địa phương như: Bò, lợn, gà, bưởi, dừa, quýt, xoài, ớt... cả trong ngắn hạn và dài hạn; nghiên cứu mở rộng thị trường tiêu thụ trong tỉnh, trong và ngoài nước; hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; tiếp tục đề xuất tổ chức trưng bày, triển lãm các sản phẩm OCOP của tỉnh tại các sự kiện trong và ngoài nước.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là cơ chế hỗ trợ để sớm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các Cụm công nghiệp được quy hoạch, định hướng di dời ra khỏi khu dân cư, nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất tập trung, bảo vệ môi trường. Trước mắt, ưu tiên thực hiện di dời các doanh nghiệp trong CCN Nhơn Bình, CCN Quang Trung (TP. Quy Nhơn) và CCN Gò Đá Trắng (TX. An Nhơn).
Đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành còn lại.