Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh, Nguyễn Tuấn Thanh Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Lâm Hải Giang phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị.
Đồng chí Lê Hoàng Nghi, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 9 năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Theo đó trong tháng 7/2023, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và phát triển, đạt được những kết quả nổi bật: Các địa phương đã thu hoạch 34.442ha lúa vụ Hè, đạt 82,9% diện tích thực hiện, năng suất ước đạt 67,8tạ/ha, tăng 2 tạ/ha so cùng kỳ; triển khai gieo sạ 3.551 ha lúa vụ Mùa, đạt 97% so với kế hoạch; Tổng diện tích chuyển đổi lũy kế đến nay đạt 3.375,7 ha, tăng 27,7% so kế hoạch năm; giá lợn thịt, gà thịt tăng và duy trì ở mức tương đối cao cao nên người chăn nuôi mạnh dạn tái đàn. Sản lượng khai thác thủy sản 8 tháng đạt 187.398 tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ; sản lượng nuôi trồng ước đạt 8.540 tấn, giảm 2,3% so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất công nghiệp có dấu hiệu khởi sắc, chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 0,17% so với tháng trước và tăng 6,89% so cùng kỳ; luỹ kế 8 tháng tăng 0,92% so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 9.191,2 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ; luỹ kế 8 tháng ước đạt 68.584,3 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ. Kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu ước đạt 125,1 triệu USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ; tính chung 8 tháng, ước đạt 980,2 triệu USD, giảm 12,8% so cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước 8 tháng năm 2023 ước đạt 7.173,4 tỷ đồng, đạt 52,6% dự toán năm, giảm 33,5% so với cùng kỳ. Đã giải ngân đầu tư công ước đạt 60,37% kế hoạch Chính phủ giao. Tính chung 8 tháng, cả tỉnh ước đón trên 3,89 triệu lượt, tăng 21,4% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch đến tháng 8/2023 ước đạt 12.833 tỷ đồng, tăng 26,3% so với cùng kỳ.
Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực của các ngành và các địa phương, đồng thời chỉ đạo các ngành, các địa phương tập trung phấn đấu từ nay đến cuối năm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong đó nhấn mạnh, đối với các dự án phải giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện để đưa vào hoạt động, đóng góp vào tăng trưởng của tỉnh; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, kiên quyết điều chỉnh kế hoạch vốn đối với những dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, quản lý tiến độ giải ngân cả nguồn vốn đầu tư của các địa phương. Về du lịch, chú ý tiêu chí xanh, sạch; đồng thời chỉ đạo các địa phương tuân thủ việc nhập dữ liệu định kỳ lên hệ thống để đi đến quản lý kinh tế - xã hội tỉnh bằng con số; Chủ tịch còn chỉ đạo, tiêu chí thu gom rác thải không những hướng đến đạt chỉ tiêu đề ra mà còn phải đảm bảo tất cả rác thải phải đu thu gom. Đồng thời nhất mạnh, cán bộ công chức tuân thủ nghiêm túc lề lối làm việc, giải quyết công việc hiệu quả,…
Sau khi ý kiến tham gia của các sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Cục Thống kê, của Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn và thị xã Hoài Nhơn,; ý kiến của các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương Tập trung triển khai thực hiện Chương trình công tác trọng tâm năm 2023 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 522/QĐ-UBND ngày 24/2/2023 bảo đảm tiến độ, chất lượng các nội dung, không để tồn đọng, nhất là rà soát, khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ tồn đọng còn lại của các tháng còn lại của năm 2023.
Đồng thời giao cụ thể các sở, ngành như sau:
1. Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Tiếp tục quán triệt nguyên tắc thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn dựa trên các chỉ tiêu chủ yếu đã được UBND tỉnh giao từ đầu năm và Nghị quyết HĐND cùng cấp giao; chỉ đạo tổ chức triển khai thống nhất, xuyên suốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh đối với kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu trên địa bàn quản lý. UBND tỉnh sẽ đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ hàng năm gắn với công tác thi đua, khen thưởng của UBND, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ yếu thông qua kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đã được phân giao.
- Tập trung phát huy hiệu quả những tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là điều kiện về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, các dư địa sẵn có… để quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, nhất là phát triển các sản phẩm OCOP, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch... đẩy mạnh công tác kết nối cung - cầu hàng hóa, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân; tư vấn, giúp đỡ người dân tiếp cận các mô hình sản xuất mới hiệu quả, các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước để nâng cao giá trị sản xuất, cải thiện thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng.
- Đẩy mạnh thực hiện công tác đầu tư, xây dựng cơ bản, giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là giải ngân 3 chương trình mục tiêu quốc gia; ưu tiên bố trí nguồn vốn thực hiện các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, có tiến độ triển khai thực hiện công tác GPMB, đầu tư xây dựng tốt, hiệu quả.
- Đẩy mạnh các biện pháp tăng thu ngân sách, nhất là thu thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh, thu tiền sử dụng đất; nuôi dưỡng các nguồn thu mới, nguồn thu còn dư địa; tăng cường công tác quản lý thu và chống thất thu ngân sách nhà nước. Theo dõi, quản lý cân đối, hài hòa giữa công tác thu và chi ngân sách các cấp; điều hành đảm bảo tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả,...
- Quan tâm, chú trọng thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống và giải quyết các yêu cầu chính đáng của người dân. Làm tốt công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời đến người dân về các chủ trương, chính sách, các dự án lớn trên địa bàn để người dân hiểu và đồng thuận. Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, chăm lo các đối tượng chính sách, người có công; chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững.
2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì, phối hợp với sở, ngành, địa phương tập trung công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, dịch vụ, xây dựng của địa phương, nhất là các ngành công nghiệp có lợi thế như chế biến nông, lâm, thủy sản, súc sản, sản xuất vật liệu xây dựng, kết hợp với trình độ công nghệ cao, công nghệ sạch, tiết kiệm nguyên liệu, ít tốn năng lượng và thân thiện với môi trường. Tích cực kêu gọi, thu hút các dự án có quy mô lớn (kể cả thu hút các DN ngoài nước) vào Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu, cụm công nghiệp.
- Đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư công, nhất là 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; công tác thẩm định dự án, cấp phép đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi rút ngắn các thủ tục đầu tư để triển khai nhanh các công trình, dự án, nhất là những công trình dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh; kịp thời tham mưu đề xuất xử lý các các đơn vị, chủ đầu tư yếu kém, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các công trình, dự án.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thực hiện rà soát các nguồn vốn kéo dài 2022 sang năm 2023 để điều chuyển tất cả nguồn vốn còn lại chưa giải ngân này sang bố trí cho các công trình trọng điểm và các công trình được bố trí từ nguồn đất đã có khối lượng mà chưa có nguồn thu để chi, báo cáo đề xuất UBND tỉnh; đồng thời, kiểm tra rà soát từng chương trình, dự án được bố trí kế hoạch vốn năm 2023, chủ động trình cấp thẩm quyền điều chỉnh vốn các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ; phấn đấu hết quý III/2023 giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023 đạt trên 60%, đến hết quý IV/2023 đạt trên 90% (riêng kế hoạch vốn năm 2022 được cấp thẩm quyền cho phép kéo dài sang năm 2023 đạt 100%) và đến hết ngày 31/01/2024 phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch vốn năm 2023.
- Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ và giải trình ý kiến thẩm định của các Bộ, ngành Trung ương về Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, báo cáo đề xuất UBND tỉnh theo quy định.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tiếp tục tham mưu đề xuất giải quyết kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn; các công trình, dự án trọng điểm đang triển khai trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với sở, ban, ngành liên quan tiếp tục rà soát, tham mưu đề xuất UBND tỉnh báo cáo tình hình khó khăn, vướng mắc về sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh phục vụ Đoàn công tác do thành viên Chính phủ chủ trì, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023, hoàn thành báo cáo UBND tỉnh trước ngày 17 hàng tháng.
- Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan và UBND thành phố Quy Nhơn xem xét kiến nghị của Công ty Cổ phần Tập đoàn AMACCAO về việc đề xuất đầu tư dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện trên địa bàn tỉnh.
3. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Phối hợp với các địa phương chỉ đạo sản xuất vụ Mùa theo kế hoạch, đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất trong cao điểm mùa khô, phấn đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2023. Tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa và sử dụng giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất gắn với phát huy các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
- Quan tâm kêu gọi đầu tư, xây dựng các Nhà máy chế biến gia súc, gia cầm; Nhà máy chế biến thực phẩm, thực phẩm chức năng; Nhà máy chế biến thủy sản (tôm, cá, cá ngừ đại dương…); Nhà máy chế biến nông, lâm sản,… nhằm phát huy lợi thế nguồn nguyên liệu sẵn có tại các địa phương, góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp. Chủ động phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Trung tâm Giết mổ gia súc, gia cầm và Chế biến thực phẩm San Hà Bình Định tại xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát; dự án chế biến sâu thực phẩm, nguyên liệu, dược phẩm, mỹ phẩm của Công ty CP Thực phẩm Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood).
- Đẩy mạnh hoạt động chăn nuôi theo hướng trang trại, chăn nuôi tập trung, quy mô lớn gắn với tiêm phòng vắc xin, phòng ngừa dịch bệnh; chú trọng phát triển các khu chăn nuôi tập trung tại các địa phương có thế mạnh như thị xã An Nhơn, các huyện Hoài Ân, Phù Cát, Phù Mỹ… trở thành vùng chăn nuôi công nghệ cao của tỉnh, hướng đến xuất khẩu. Tập trung triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép, quản lý nuôi chim yến và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến trên địa bàn tỉnh Bình Định theo Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 14/08/2023 của UBND tỉnh.
- Triển khai quyết liệt các biện pháp bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng, khai thác gỗ, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Chú trọng phát triển trồng rừng gỗ lớn, gắn chứng chỉ FSC để phục vụ xuất khẩu, nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp để khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn; khảo sát, xây dựng Phương án rà soát, điều chỉnh quy hoạch lâm nghiệp theo cơ cấu 3 loại rừng tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hoàn thành trong quý III/2023.
- Tăng cường hoạt động khai thác thủy sản gắn với các biện pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; thúc đẩy phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường; tạo điều kiện thuận lợi mở rộng và thu hút đầu tư mới các nhà máy chế biến thủy sản tại các địa phương ven biển. Tập trung thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ và khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo theo quy định (IUU).
- Theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành (Phù Mỹ); phương án nạo vét luồng tàu, nhằm tạo điều kiện thuận lợi đi lại, phục vụ du lịch trên đầm Thị Nại. Khẩn trương thực hiện Đề án di dời tàu thuyền tại Cảng cá Quy Nhơn ra Đề Gi.
- Phối hợp đẩy mạnh triển khai Kế hoạch xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023; chú trọng công tác giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới theo kế hoạch vốn phân bổ. Rà soát, củng cố và phát triển các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh gắn với thúc đẩy phát triển hoạt động du lịch trải nghiệm làng nghề, du lịch cộng đồng.
- Chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành Phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2023 trên địa bàn tỉnh, tham mưu UBND tỉnh ban hành theo quy định.
- Chủ trì, xây dựng Đề án kiện toàn công tác quản lý vận hành, khai thác công trình cấp nước tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh, xây dựng phương án giao, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn, báo cáo UBND tỉnh để xem xét, chỉ đạo giải quyết.
4. Giao Sở Công Thương:
- Tăng cường việc gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp, nhằm đồng hành, lắng nghe, trao đổi, hỗ trợ các doanh nghiệp, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, kịp thời giải quyết (hoặc tham mưu đề xuất) tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án công nghiệp, thương mại, năng lượng tái tạo,… nhất là các dự án dự kiến đi vào hoạt động năm 2023, dự án điện gió ngoài khơi của Tập đoàn PNE,...
- Chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan thúc đẩy phát triển lĩnh vực dịch vụ cảng và Logistics trên địa bàn tỉnh; quan tâm kêu gọi đầu tư vào các dự án trọng điểm như: Cảng nước sâu và Trung tâm logistics tại huyện Phù Mỹ; Cảng cạn ICD, Logistics tại huyện Vân Canh; Cảng cạn ICD, Logistics tại huyện Tuy Phước;…
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành có liên quan đẩy mạnh việc hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm, nhất là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực địa phương như: Lợn, gà, bưởi, dừa, quýt, xoài, ớt... cả trong ngắn hạn và dài hạn; nghiên cứu mở rộng thị trường tiêu thụ trong tỉnh, trong và ngoài nước; chú trọng liên kết với các đơn vị lữ hành, nhà hàng, khách sạn, khu, điểm du lịch,... để tiêu thụ nông sản cho người dân; hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; tiếp tục đề xuất tổ chức trưng bày, triển lãm các sản phẩm OCOP của tỉnh tại các sự kiện trong và ngoài nước.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là cơ chế hỗ trợ để sớm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các Cụm công nghiệp được quy hoạch, định hướng di dời ra khỏi khu dân cư, nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất tập trung, bảo vệ môi trường,... tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND tỉnh.
- Chủ trì, làm việc với chủ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp đề nghị cam kết về tiến độ đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật; tiến độ lấp đầy diện tích đất công nghiệp trong cụm công nghiệp; tính toán suất đầu tư, đánh giá lợi thế, mức độ đã đầu tư để xác định khung giá cho thuê đất gắn với hạ tầng kỹ thuật phù hợp, trong đó lưu ý tính toán cụ thể đối với các cụm công nghiệp có hỗ trợ từ vốn ngân sách nhà nước đầu tư hạ tầng kỹ thuật; đề nghị chủ đầu tư có nhiều phương thức thu tiền cho thuê đất gắn với hạ tầng kỹ thuật và các loại phí có liên quan.
5. Giao Sở Xây dựng:
- Theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh thực hiện các công tác liên quan đến quy hoạch, quản lý quy hoạch. Theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai lập, trình thẩm định, phê duyệt các đồ án Quy hoạch như: Quy hoạch chung đô thị Phước Sơn, huyện Tuy Phước; Quy hoạch chung đô thị Phước Hoà, huyện Tuy Phước; Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ; Quy hoạch xây dựng vùng huyện huyện Hoài Ân; tổ chức thẩm định, trình phê duyệt Quy chế quản lý kiến trúc đô thị Hoài Nhơn theo quy định.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các dự án xây dựng, bất động sản, nhà ở xã hội, phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tiến độ và chất lượng. Tiếp tục kiểm tra, rà soát, xử lý đối với chung cư, nhà ở cũ do nhà nước quản lý, đặc biệt là các nhà ở, công trình đã xuống cấp, hư hỏng, không đảm bảo an toàn sử dụng, đề xuất phương án cải tạo, sửa chữa, xử lý, sắp xếp theo quy định. Rà soát, phân loại, đề xuất quản lý diện tích sử dụng chung nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các dự án phát triển đô thị trên địa bàn, đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định; gia tăng giá trị sản xuất xây dựng trên địa bàn.
- Theo dõi, đôn đốc UBND thị xã An Nhơn hoàn thiện nội dung và trình UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung Chương trình phát triển đô thị thị xã An Nhơn; đôn đốc UBND huyện Tuy Phước lập đề án, trình UBND tỉnh công nhận xã Phước Sơn đạt chuẩn đô thị loại V.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý đô thị, trật tự và chất lượng xây dựng trên địa bàn tỉnh. Tập trung triển khai ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại các Hội nghị về Công tác quản lý đô thị, trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh; Nâng cao chất lượng các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra hoạt động đầu tư, kinh doanh liên quan bất động sản; hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng các dự án NƠXH, nhà ở thương mại; hoạt động đầu tư xây dựng các hạng mục, công trình thuộc dự án phát triển đô thị, phát triển du lịch, các dự án/công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
- Chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, đôn đốc UBND thành phố Quy Nhơn khẩn trương chấn chỉnh tình trạng vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trương, nhất là ở các khu phố ẩm thực, đi bộ và các nhà hàng, quán ăn dọc đường Xuân Diệu, đảm bảo trật tự, ngăn nắp, văn minh; chấp hành nghiêm về trật tự giao thông đô thị (không được để xe gắn máy, bảng hiệu, bàn ghế,... ở lòng, lề đường), đảm bảo cho du khách đi lại, ăn uống thuận lợi, lịch sự, nâng cao hình ảnh du lịch Quy Nhơn - Bình Định. Đồng thời, hướng dẫn UBND thành phố Quy Nhơn quy hoạch khu vực làm nhà hàng trên sông, đầm theo quy định; thực hiện đấu thầu, đấu giá về đất đai, mặt nước để tạo điều kiện cho các cơ sở tham gia đầu tư xây dựng kinh doanh phục vụ khách du lịch bình đẳng, văn minh, tuân thủ quy định nhà nước.
- Chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành liên quan và UBND thành phố Quy Nhơn khẩn trương triển khai thủ tục tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị du lịch – văn hóa – thể thao Hồ Phú Hòa, thành phố Quy Nhơn.
Đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành còn lại.