Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia
Thứ ba - 25/07/2023 10:40
Ngày 18/7/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Theo đó, mục tiêu, định hướng và giải pháp thực hiện Quy hoạch đã được quy định như sau: 1. Mục tiêu phát triển 1.1. Mục tiêu tổng quát Phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia bao gồm dự trữ chiến lược (dự trữ quốc gia); dự trữ sản xuất, dự trữ thương mại, vận tải, lưu thông phân phối, đáp ứng các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, môi trường, đảm bảo dự trữ, cung ứng đầy đủ, an toàn, liên tục cho phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng. Đảm bảo sức chứa dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu cả nước đạt 75 - 80 ngày nhập ròng, phấn đấu đạt 90 ngày nhập ròng; đảm bảo sức chứa dự trữ khí đốt đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và khí nguyên liệu cho các ngành năng lượng và công nghiệp. 1.2. Mục tiêu cụ thể a) Về hạ tầng dự trữ - Hạ tầng dự trữ xăng dầu + Hạ tầng dự trữ sản xuất: Đảm bảo hạ tầng dự trữ dầu thô, nguyên liệu và sản phẩm theo thiết kế các nhà máy sản xuất và chế biến xăng dầu hoạt động ổn định, đáp ứng tối thiểu 20 ngày nhập ròng trong giai đoạn 2021 - 2030, đến 25 ngày nhập ròng giai đoạn sau năm 2030. + Hạ tầng dự trữ thương mại: Đảm bảo hạ tầng dự trữ thương mại ổn định nhu cầu thị trường trong nước với sức chứa tăng thêm từ 2.500 - 3.500 ngàn m3 trong giai đoạn 2021 - 2030, đạt sức chứa tới 10.500 ngàn m3 giai đoạn sau năm 2030, đáp ứng 30 - 35 ngày nhập ròng. + Hạ tầng dự trữ quốc gia: Đảm bảo hạ tầng phục vụ dự trữ quốc gia với sức chứa từ 500 - 1.000 ngàn m3 sản phẩm xăng dầu và 1.000 - 2.000 ngàn tấn dầu thô, đáp ứng 15-20 ngày nhập ròng trong giai đoạn 2021 - 2030; đảm bảo sức chứa từ 500 - 800 ngàn m3 sản phẩm xăng dầu và 2.000 - 3.000 ngàn tấn dầu thô, đáp ứng 25 - 30 ngày nhập ròng trong giai đoạn sau năm 2030. - Hạ tầng dự trữ khí đốt + Đảm bảo hạ tầng dự trữ đối với LPG sức chứa tới 800 ngàn tấn giai đoạn 2021 - 2030 và tới 900 ngàn tấn giai đoạn sau năm 2030. + Đảm bảo hạ tầng dự trữ LNG đủ năng lực nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường; góp phần đảm bảo cung cấp nhu cầu khí nguyên liệu cho năng lượng và các ngành công nghiệp với công suất kho tới 20 triệu tấn/năm giai đoạn 2021 - 2030 và tới 40 triệu tấn/năm giai đoạn sau năm 2030.
Ảnh minh hoạ
b) Về hạ tầng cung ứng Phát triển hạ tầng cung ứng xăng dầu, khí đốt đáp ứng nhu cầu vận tải bằng đường ống từ nguồn cung ứng (nhà máy lọc dầu, kho đầu mối xăng dầu, trạm phân phối LPG và kho LNG nhập khẩu) tới các trung tâm, hộ tiêu thụ công nghiệp và dân dụng. 2. Định hướng phát triển 2.1. Định hướng phát triển hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu - Xây dựng hệ thống dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu phân bố tương ứng với nhu cầu sản xuất và tiêu thụ xăng dầu của các vùng, các địa phương; tối ưu về chi phí đầu tư, quản lý và vận hành. - Phát triển hạ tầng dự trữ dầu thô, nguyên liệu đảm bảo ổn định sản xuất. Quy mô, tiến độ đầu tư phù hợp với công suất thiết kế và kế hoạch sản xuất. - Phát triển mới hệ thống dự trữ xăng dầu quy mô phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của từng vùng, địa phương theo từng giai đoạn tại các khu vực có lợi thế về cảng biển nước sâu và thuận lợi về kết nối với hệ thống cung ứng, đáp ứng nhu cầu dự trữ thương mại và dự trữ quốc gia. - Cải tạo, nâng cấp và thay mới hệ thống tuyến ống xăng dầu hiện có, đầu tư mới và hiện đại hóa phương tiện vận tải xăng dầu (các phương tiện vận tải đường biển, đường sông, đường bộ, đường sắt). - Đầu tư chiều sâu, nâng cấp hệ thống công nghệ của hệ thống kho và đường ống theo hướng tự động hóa. Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào pha chế xăng dầu, sử dụng nhiên liệu sạch, nâng cao mức độ an toàn phòng cháy chữa cháy và vệ sinh môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khai thác kho. - Phát triển đồng bộ phương tiện vận tải đường thủy, phương tiện vận tải đường bộ theo hướng hiện đại phù hợp với hạ tầng giao thông, đảm bảo an toàn, hiệu quả. - Phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu quy mô lớn ở các tuyến đường mới, các khu đô thị mới, có lộ trình giảm số cửa hàng xăng dầu quy mô nhỏ lẻ. Tích hợp các dịch vụ tiện ích (nạp điện, sửa chữa bảo dưỡng xe, bán hàng tự động, ăn uống, bách hóa, bãi đỗ xe nghỉ qua đêm...) trong quá trình cải tạo, nâng cấp và xây mới cửa hàng xăng dầu. 2.2. Định hướng phát triển hạ tầng dự trữ, cung ứng khí đốt - Phát triển hệ thống dự trữ, cung ứng khí đốt đồng bộ với xuất nhập khẩu, khai thác, vận chuyển, chế biến dầu khí. - Đầu tư xây dựng hệ thống kho chứa và đường ống vận chuyển khí thiên nhiên hóa lỏng, khí dầu mỏ hóa lỏng từ kho đầu nguồn tới các hộ tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu nhiên liệu cho năng lượng, phân bón, công nghiệp, giao thông vận tải và dân dụng. 3. Giải pháp thực hiện quy hoạch 3.1. Về cơ chế, chính sách - Hoàn thiện cơ chế, chính sách về lĩnh vực xăng dầu, khí đốt nhằm đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng dự trữ, cung ứng chủ yếu là hình thức xã hội hóa, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng. - Ưu tiên dành quỹ đất, mặt nước để phát triển hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt theo quy hoạch. - Xây dựng, ban hành, hoàn thiện cơ chế chính sách hợp lý để thực hiện tốt nhiệm vụ dự trữ quốc gia; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ tồn chứa hàng dự trữ quốc gia. - Nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về tài chính cho các dự án đầu tư kho xăng dầu dự trữ quốc gia từ vốn ngân sách. - Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp thông lệ quốc tế và tình hình phát triển của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. - Nghiên cứu sửa đổi, xây dựng, ban hành quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật về xăng dầu, khí đốt dự trữ quốc gia; hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý, giám sát, điều hành, điều phối sử dụng xăng dầu, khí đốt dự trữ quốc gia. 3.2. Giải pháp về sử dụng đất Sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm, không để lãng phí đất đai, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất chuyên trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên và khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. 3.3. Về nguồn vốn đầu tư - Bố trí ngân sách nhà nước để đảm bảo mục tiêu về dự trữ quốc gia đối với sản phẩm xăng dầu, dầu thô, khí đốt. - Đa dạng hóa hình thức đầu tư, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư nhằm thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia phát triển cơ sở hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt. - Đẩy mạnh hoạt động tái cấu trúc vốn, thoái vốn các doanh nghiệp xăng dầu, dầu khí nhà nước; xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, dự án chậm tiến độ; tập trung nguồn vốn cho các dự án có hiệu quả kinh tế cao. - Đa dạng hóa các hình thức vay vốn: ngân hàng, tín dụng xuất khẩu, vay ưu đãi của chính phủ, phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế. 3.4. Về khoa học và công nghệ - Xây dựng, ban hành hệ thống quy chuẩn/tiêu chuẩn sản phẩm/hạ tầng LNG (cảng, đường ống, tàu, xà lan, xe). Rà soát và bổ sung các quy chuẩn/tiêu chuẩn về xây dựng các hạ tầng kỹ thuật dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia. - Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ nhằm làm chủ công nghệ đối với hệ thống dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt, phục vụ phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên, môi trường. - Triển khai mạnh mẽ và đồng bộ giải pháp chuyển đổi số, triển khai các hệ thống giám sát sử dụng Internet vạn vật, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và blockchain đối với công tác quản lý, khai thác hạ tầng cung ứng xăng dầu, khí đốt nhằm tận dụng các tiến bộ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tăng cường hiệu quả quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường, phòng cháy, chữa cháy. 3.5. Về môi trường và phòng chống cháy, nổ - Kiểm soát chặt chẽ quá trình lưu thông xăng dầu, khí đốt từ khâu nhập hàng đến quá trình tồn chứa tại kho và xuất sản phẩm đi tiêu thụ. Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, các quy định về phòng cháy chữa cháy, ứng phó sự cố tràn dầu và bảo vệ môi trường. Bổ sung, sửa đổi các tiêu chuẩn về môi trường cho phù hợp với tiêu chuẩn môi trường Việt Nam; xây dựng mục tiêu dài hạn về môi trường theo hướng phù hợp với các tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam, khu vực và thế giới. - Thực hiện các giải pháp phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, các giải pháp phòng chống cháy nổ ngay từ quá trình thiết kế, xây dựng công trình hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu. - Hạn chế tối đa việc phát triển hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt tại những vị trí có nguy cơ ảnh hưởng đến rừng tự nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên, di tích và di sản văn hóa đã được xếp hạng, phù hợp với phân vùng bảo vệ môi trường quốc gia - Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến kiến thức về an toàn, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường đến mọi cán bộ công nhân viên. 6. Về phát triển nguồn nhân lực - Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực thiết kế, xây dựng, vận hành hệ thống dự trữ và cung ứng (hệ thống kho, hệ thống vận tải...) đảm bảo hiệu quả, an toàn. - Tổ chức đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ kỹ thuật và quản lý trong lĩnh vực năng lượng nói chung, xăng dầu, dầu khí nói riêng ngang tầm các nước trong khu vực và thế giới. 7. Về hợp tác quốc tế - Đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế, tăng cường công tác hợp tác quốc tế với các đối tác chiến lược, công ty và tổ chức trong khu vực và thế giới; khuyến khích và thu hút đầu tư nước ngoài đầu tư hạ tầng dự trữ xăng dầu, khí đốt. - Hoàn thiện thể chế, chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh thu hút đầu tư nước ngoài tham gia phát triển hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt. - Phát triển các trung tâm kết nối với các nước nhập khẩu dầu thô, sản phẩm xăng dầu và khí thiên nhiên để nâng cao trình độ, năng lực dự trữ và sản phẩm xăng dầu trong khu vực và trên thế giới. - Tích cực tham gia các hiệp ước, tổ chức, liên minh dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu trong khu vực và trên thế giới. Quyết định có hiệu lự thi hành kể từ ngày ký ban hành./.
Phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính liên thông trong lĩnh vực Đầu tư tại Việt Nam thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Kế hoạch và Đầu tư