Tham dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, 2020 là năm đặc biệt, bởi những khó khăn không lường trước được nhưng cũng có những bước tiến ngoạn mục.
Năm 2020 nói riêng, giai đoạn 2016 - 2020 nói chung, ngành Thông tin và Truyền thông tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ. Toàn ngành đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận với việc tập trung thực hiện chiến lược cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Ba đột phá chiến lược được tập trung chỉ đạo thực hiện tốt trong ngành, đạt được nhiều kết quả khả quan, như: Hệ thống hóa cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia tiếp tục được xây dựng hiện đại, rộng khắp. Mạng lưới bưu chính viễn thông phát triển nhanh chóng, vững chắc. Công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ với nhiều thành tựu trong ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước và đời sống xã hội.
Đặc biệt, chương trình chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh của Việt Nam đã lan tỏa đến mọi ngõ ngách của xã hội, Từ trung ương đến địa phương. Báo chí đã khẳng định được vai trò vị trí của mình trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc; phản ánh dòng chảy của xã hội Việt Nam, góp phần tạo đồng thuận niềm tin xã hội và khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng.
Riêng đối với lĩnh vực báo chí tuyên truyền, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện quy hoạch báo chí theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, triển khai sắp xếp tinh gọn các cơ quan báo chí. Hiện, tính đến cuối năm 2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí (năm 2016 có 859 cơ quan báo chí). Báo chí thể hiện trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, tạo nên khát vọng Việt Nam hùng cường.
Một số chỉ tiêu trong năm 2021 của ngành là: Báo chí thể hiện trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, niềm tin xã hội, tạo nên khát vọng Việt Nam hùng cường; tỷ lệ người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được tiếp cận ít nhất một loại hình báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu năm 2021 đạt 95% và năm 2025 đạt 100%. Tỷ lệ người sử dụng mạng xã hội Việt Nam so với nước ngoài năm 2021 là 0,83; năm 2025 là 1,22. Tỷ lệ bản sách bình quân đầu người năm 2021 đạt 4,5 và năm 2025 đạt từ 5 đến 5,5. Tỷ lệ sách xuất bản điện tử năm 2021 đạt 10%, năm 2025 đạt 15%. Tỷ lệ chuyển đổi số số cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, cơ quan truyền thông đa phương tiện năm 2021 đạt 75%, năm 2025 đạt 90%.
Bên cạnh đó, ngành hướng tới mục tiêu: Hạ tầng số được đầu tư trước, đi cùng nhịp với các nước trên thế giới về ứng dụng công nghệ mới, triển khai thương mại 5G với các thiết bị "Make in Việt Nam'' theo đúng lộ trình. Mỗi người dân một điện thoại thông minh; phổ cập điện thoại di động thông minh với mục tiêu tỷ lệ thuê bao băng rộng di động trên 100 dân năm 2021 đạt trên 80%, năm 2025 đạt 100%. Cơ bản hoàn thành phát triển Chính phủ điện tử với việc hoàn thành 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và 2 cơ sở dữ liệu quốc gia lớn là dân cư và đất đai; phát triển nền công nghiệp ICT Make in Việt Nam...
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, năm 2021 là năm đầu của nhiều giai đoạn quan trọng với Việt Nam như 5 năm để vượt qua thu nhập trung bình thấp, 10 năm trở thành nước thu nhập trung bình cao, 25 năm để thành nước phát triển, thu nhập cao, định hướng xã hội chủ nghĩa. "Và con đường để đạt mục tiêu đó là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số,"./.
Tác giả bài viết: Xuân Hoàng
Nguồn tin: baoquocte.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn