Đẩy mạnh đầu tư công
Theo Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Định, trong thời gian qua, Bình Định đẩy mạnh việc đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng.
Hàng loạt dự án đã hoàn thiện trong giai đoạn 2016 – 2020 như Quốc lộ 19 (đoạn từ Cảng Quy Nhơn đến giao Quốc lộ 1); đường phía tây tỉnh (ĐT.638); đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội nối dài; đường Hoàng Văn Thụ nối dài… Hiện dự án đường ven biển qua địa phận tỉnh đang triển khai đầu tư xây dựng.
Bên cạnh các dự án đầu tư nội tỉnh, Bình Định còn có những dự án đầu tư của Trung ương như Cảng hàng không Phù Cát đã thực hiện mở rộng sân đỗ máy bay, đáp ứng 7 vị trí, nhà ga được xây dựng mới hiện đại. Đến nay, Cảng hàng không Phù Cát đã hoàn tất thủ tục và thực hiện các chuyến bay quốc tế; hãng hàng không Bamboo Airways đăng kí thành lập tại Bình Định.
Dự án Hầm Cù Mông trên Quốc lộ 1 theo hình thức BOT đã được thi công hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng… Các dự án trên góp phần tạo diện mạo mới về kết cấu hạ tầng giao thông cho tỉnh nhà.
Ngoài việc đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nhằm nâng cao chất lượng vận tải và rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương, Bình Định còn hướng đến tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất, mở rộng thị trường; đầu tư, đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh…
Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh này cho biết, các ngành công nghiệp chủ lực của Bình Định như dệt may, bia, thuốc tân dược, chế biến gỗ, sản xuất và phân phối điện giữ vững tốc độ tăng trưởng.
Nhiều dự án đang được triển khai tại Bình Định. (Ảnh: Khải An)
Một số ngành công nghiệp mới như năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến công nghệ cao… từng bước hình thành và có chiều hướng phát triển tốt; một số dự án có qui mô công suất lớn được đầu tư và đưa vào hoạt động, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành.
Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hàng năm 8,84%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 7,92% .
Ngoài ra, Bình Định đã chủ trương chấm dứt đầu tư xây dựng dự án Tổ hợp Lọc, hóa dầu tại Khu kinh tế Nhơn Hội; hoàn thành việc Điều chỉnh tổng thể qui hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội đến năm 2040, trong đó bổ sung Khu Công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ Becamex - Bình Định (2.308 ha) và hoàn thiện qui hoạch chi tiết, kế hoạch sử dụng đất các khu chức năng.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và hoàn thành các công trình kết cấu hạ tầng trong Khu kinh tế. Công tác xúc tiến thu hút đầu tư vào Khu kinh tế được chú trọng, một số dự án công nghiệp đã và đang được triển khai xây dựng.
Phát triển công nghiệp, du lịch và logistics
Từ 2016 đến nay, Bình Định đã có 4.300 doanh nghiệp đăng kí thành lập mới, với tổng vốn đăng kí 33.000 tỉ đồng; nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên 7.500 doanh nghiệp, tăng 15% (tổng vốn đăng kí kinh doanh 78.750 tỉ đồng, vốn đăng kí bình quân 10,5 tỉ đồng/doanh nghiệp).
Bình Định tập trung sớm đưa Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Becamex Bình Định đi vào hoạt động. (Ảnh: VGP)
Đồng thời thu hút được 30 dự án có vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép đầu tư, với vốn đăng kí mới là 307,6 triệu USD. Nâng tổng số dự án có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh là 80 dự án, với số vốn đăng kí 709,3 triệu USD.
Ngoài ra, đã có hàng loạt dự án du lịch nghỉ dưỡng đi vào hoạt động như dự án Quần thể resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp Nhơn Lý; Quần thể du lịch, lịch sử tâm linh chùa Linh Phong; Khu du lịch Kỳ Co; Khu dã ngoại Trung Lương và Crown Retreat Quy Nhon Resort; Khu nghỉ dưỡng và biệt thự Aurora; Casa Marina Resort (Bãi Xép, Ghềnh Ráng)...
Theo kế hoạch, đến năm 2025, Bình Định đặc chỉ tiêu, đến năm 2025, cơ cấu kinh tế: công nghiệp - xây dựng 31,8%, dịch vụ 39,6%, nông, lâm nghiệp, thủy sản 23,4%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 5,2%; GRDP bình quân đầu người đạt trên 3.900 USD; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 16.000 tỉ đồng, phấn đấu cân đối ngân sách trên địa bàn; Tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 6.000 triệu USD.
Theo đó, Bình Định xác định trụ cột tăng trưởng là phát triển công nghiệp với việc đẩymạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tạo động lực phát triển nhanh nền kinh tế của tỉnh.
Trong đó, tập trung nguồn lực, tạo điều kiện tốt nhất để xây dựng và đưa Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Becamex Bình Định đi vào hoạt động; tích cực thu hút các nhà đầu tư, lấp đầy các khu công nghiệp hiện có và có kế hoạch phát triển các khu công nghiệp mới.
Một góc TP Quy Nhơn - Bình Định. (Ảnh: Nguyễn Dũng).
Đồng thời, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các dự án công nghệ thông tin của các doanh nghiệp TMA, FPT… đang đầu tư trên địa bàn tỉnh; thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp (start up) đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ thông tin (ITC), trí tuệ nhân tạo (AI) gắn với khởi nghiệp sáng tạo và ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển các ngành công nghiệp chế biến gắn với sản phẩm nông - lâm - thủy sản, hình thành các "cụm sản xuất nông - công nghiệp ở nông thôn".
Song song đó, Bình Định cũng tiến hành đồng bộ từ qui hoạch địa điểm, qui hoạch sản phẩm đến đầu tư, quản lí hoạt động du lịch hướng đến phát triển bền vững. Tích cực quảng bá du lịch trong nước và ngoài nước, lấy điểm nhấn là: "Quy Nhơn - thành phố du lịch sạch ASEAN", "Quy Nhơn - điểm đến du lịch"; có chính sách ưu đãi để thu hút những doanh nghiệp lữ hành quốc tế.
Ngoài ra, địa phương này cũng đẩy mạnh dịch vụ cảng và logistics, bao gồm cảng biển và cảng hàng không. Tập trung khai thác hiệu quả cụm Cảng Quy Nhơn hiện có gắn với phát triển hệ thống cảng cạn (ICD) và hiện đại hóa dịch vụ cảng, tối đa hóa công suất.
Đồng thời, nghiên cứu xác định địa điểm và kêu gọi đầu tư xây dựng cảng mới có công suất lớn và đa năng. Khai thác tốt vận tải hàng không; xúc tiến việc qui hoạch xây dựng khu công nghiệp sản xuất gia công hàng điện tử - viễn thông gần sân bay nhằm tận dụng lợi thế vận tải hàng không của Cảng hàng không Phù Cát.