- Thưa ông, trong thu hút đầu tư, việc thu hút đầu tư FDI đóng vai trò rất quan trọng, vậy ông có thể phân tích cụ thể về đầu tư FDI vào Bình Định thời gian qua?
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Bình Định có 2 dự án (DA) có vốn đầu tư FDI được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, gồm: DA Nhà máy sản xuất sản phẩm đồ gỗ do Công ty TNHH TRIO (Việt Nam) đầu tư tại thôn Vĩnh Thành (xã Cát Tài, huyện Phù Cát), tổng vốn đầu tư 434.782 USD; DA Nhà máy chế biến nông sản RRF VN tại Bình Định do Công ty TNHH Red River Foods Việt Nam đầu tư, tổng vốn đăng ký 1,5 triệu USD.
Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) ra thông báo đáp ứng điều kiện cho 5 lượt nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào các doanh nghiệp của tỉnh, với tổng vốn 10,25 triệu USD.
Đến nay, lũy kế toàn tỉnh hiện có 83 DA có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 979,94 triệu USD. Trong đó, 34 DA trong khu kinh tế và khu công nghiệp với vốn đăng ký 746,76 triệu USD, 49 DA ngoài khu kinh tế và khu công nghiệp với vốn đăng ký 233,18 triệu USD.
FDI là nguồn vốn đầu tư quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bình Định, giúp bổ sung nguồn vốn đầu tư, tăng cường xuất khẩu, tạo thêm việc làm, tăng thu ngân sách cùng nhiều lợi ích khác. Đồng thời, giúp môi trường đầu tư thụ hưởng được phong cách quản lý, tổ chức nhân sự, xây dựng thương hiệu… từ đó góp phần xây dựng môi trường đầu tư chuyên nghiệp, hội nhập sâu rộng.
Chẳng hạn như thông qua việc quảng bá thông tin, các DA như: Avani Quy Nhơn Resort và Spa thuộc sở hữu Tập đoàn Minor International, Quy Nhon Maia Beach Resort đầu tư tại Khu du lịch biển Nhơn Lý - Cát Tiến của Tập đoàn VinaCapital… đã thu hút rất nhiều đoàn khách quốc tế đến với tỉnh. Các DA sản xuất như: Green Feed, Việt - Úc, Cargill, BigC... cũng góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Năm nay, Bình Định cũng đón tiếp một số công ty, tập đoàn lớn đến để đầu tư như: Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản), Tập đoàn PNE (CHLB Đức), Công ty Cammsys (Hàn Quốc)… Đây là những công ty, tập đoàn lớn, có thương hiệu mạnh, có mặt tại nhiều quốc gia, hứa hẹn tạo nên những “cú hích” mới cho bức tranh thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại tỉnh.
Tuy nhiên, một điều rõ ràng và dễ thấy là dòng vốn FDI đầu tư tại tỉnh vẫn còn có những hạn chế nhất định. Trong đó, đa số DA đầu tư vào tỉnh có quy mô vừa và nhỏ; chưa nhiều DA về công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, đầu tư phát triển hạ tầng và chuyển giao công nghệ.
- Thưa ông, trong thời gian ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc thu hút đầu tư FDI vào Bình Định gặp những khó khăn, thách thức nào? Hiện nay, dịch bệnh dần được kiểm soát tốt hơn, vậy Bình Định làm gì để tái khởi động lại nền kinh tế?
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều đoàn doanh nghiệp nước ngoài đã nhận lời mời và dự kiến đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Bình Định phải hủy hoặc trì hoãn kế hoạch, khiến tỉnh “bỏ lỡ” không ít cơ hội trong thu hút đầu tư FDI như kế hoạch.
Hiện nay, một số doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Bình Định cũng đã cho các chuyên gia về nước hoặc chuyên gia “mắc kẹt” chưa thể nhập cảnh, dẫn đến việc sản xuất bị đình trệ, gián đoạn; cộng thêm những ảnh hưởng do việc mua linh kiện, thiết bị bị gián đoạn nên chậm hoàn thành DA đầu tư.
Khi dịch bệnh dần được kiểm soát tốt hơn thì tái khởi động nền kinh tế là điều cần thiết. Với góc độ quản lý xúc tiến đầu tư, Sở KH&ĐT đã và đang triển khai hàng loạt các hoạt động để mời gọi nhà đầu tư tham gia vào các DA lớn, trọng điểm mà tỉnh đã chuẩn bị, nhất là DA nhanh mang lại nguồn thu cho ngân sách và đón nhà đầu tư, trong đó có đầu tư FDI.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Định đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ các công trình, DA giao thông trọng điểm để tạo thuận lợi về điều kiện cơ sở hạ tầng, thu hút nhà đầu tư lớn vào tỉnh. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai DA hạ tầng công nghiệp như DA Khu công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định do Công ty CP Becamex Bình Định đầu tư trên diện tích 1.000ha ở xã Canh Vinh (huyện Vân Canh), tổng vốn hơn 3.333 tỷ đồng, để “làm tổ” cho nhà đầu tư lớn như nhà đầu tư FDI.
Ngoài ra, hiện các cơ quan liên quan đang tổ chức mời gọi một số DA theo phương thức đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện DA, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư DA sử dụng đất. Đáng chú ý là DA Trung tâm Trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ có mục tiêu xây dựng mới một khu đô thị hiện đại về tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan; đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội với tính chất chính là đô thị trí tuệ nhân tạo; khu ở, đất công cộng - dịch vụ đô thị, cây xanh mặt nước và hạ tầng kỹ thuật.
- Thưa ông, mới đây, trong chuyến công tác tại Bình Định, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Bộ KH&ĐT Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, làn sóng đầu tư mới đã xuất hiện và Việt Nam đứng trước cơ hội mới, hứa hẹn sự gia tăng mạnh về kết quả thu hút dòng vốn đầu tư DA FDI, vậy Bình Định có sự chuẩn bị như thế nào để đón “sự dịch chuyển”này?
Trước diễn biến của dịch Covid làm các dòng vốn dịch chuyển sang nước ta, để chuẩn bị đón đầu dòng vốn đầu tư, tỉnh Bình Định đã chủ động xây dựng cách thức thu hút đầu tư mới. Đó là tập trung xây dựng thu hút đầu tư các nhóm chuỗi cung ứng, mô hình mạng lưới cung ứng, có tính liên kết an toàn và hiệu quả, bền vững nhằm tăng lấp đầy tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật bổ sung danh mục mời gọi đầu tư, phù hợp với nhu cầu đầu tư, quy hoạch phát triển chung của tỉnh và sự chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế. Bên cạnh áp dụng các chính sách ưu đãi theo quy định của Chính phủ, tỉnh sẽ nghiên cứu, đề xuất thêm một số ưu đãi khác cho nhà đầu tư như: hỗ trợ đào tạo lao động, phí cầu đường, quỹ đất sạch, nguồn cung cấp điện nước…
Hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về Bình Định sẽ được đầu tư đồng bộ, liên thông với các lĩnh vực lao động, đất đai, thuế, hải quan, tín dụng, ngoại hối… bằng nhiều thứ tiếng nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh.
Thời gian tới, địa phương tiếp tục tập trung mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh đến đầu tư các DA then chốt vào các lĩnh vực mũi nhọn như: du lịch - dịch vụ, hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, cảng biển, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất phần mềm… Ưu tiên thu hút các DA có công nghệ hiện đại, có hàm lượng tri thức cao, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh cao.
Tỉnh cũng sẽ tập trung mời gọi các nhà đầu tư lớn có khả năng lôi kéo, thúc đẩy các DA phụ trợ; chú trọng nhóm các nhà đầu tư vừa và nhỏ nhưng có công nghệ sạch và công nghệ cao của Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, NewZealand, châu Âu và các quốc gia phát triển để đảm bảo môi trường bền vững.
Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính sẽ tiếp tục được cải thiện, ưu tiên tập trung ở các khâu như: đăng ký kinh doanh, cấp phép xây dựng, cấp phép đầu tư, giải quyết thủ tục giao đất… Đồng thời, xác định trách nhiệm cụ thể của từng cán bộ, từng cơ quan, cải tiến cung cách làm việc nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.
Trân trọng cảm ơn ông!
Tác giả bài viết: Báo Pháp Luật VIệt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn