Trong những tháng đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống và sinh hoạt của đại bộ phận người dân, nhưng nhờ sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Bình Định, sự vào cuộc quyết liệt, quên mình của lực lượng tuyến đầu chống dịch (y tế, công an, quân sự…), đặc biệt là sự đồng thuận, ủng hộ, chia sẽ và đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và phát triển. Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 tăng 6,14% so với cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá; các hoạt động thương mại, dịch vụ, văn hóa - xã hội được bảo đảm; đời sống của đại bộ phận nhân dân trong tỉnh cơ bản ổn định; quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Trong những tháng còn lại của năm 2021, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội rất nặng nề; để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn, duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Đối với thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tập trung quán triệt, triển khai kịp thời, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương về hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, như: Gia hạn thời hạn nộp thuế, phí và tiền thuê đất; miễn, giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay, tiếp cận nguồn vốn vay; chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội (giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất); hỗ trợ giảm giá điện, tiền điện, nước, cước viễn thông...; giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh nhất các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sớm vượt qua khó khăn, duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh.
- Tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là về nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong và ngoài nước, tìm kiếm các thị trường mới thay thế cho các thị trường truyền thống đang bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp khai thác hiệu quả chính sách ưu đãi đến từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) Việt Nam đã tham gia.
- Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quy trình, thủ tục cấp phép đầu tư, mặt bằng sản xuất, thực hiện các quy định phòng, chống dịch bệnh,... giúp các doanh nghiệp giảm thời gian đi lại, chi phí trung gian, nâng cao hiệu quả sản xuất, năng lực cạnh tranh.
- Khẩn trương rà soát các nội dung kiến nghị cụ thể của các hiệp hội, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết trả lời theo quy định, với tinh thần “tạo mọi điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh”; trường hợp vượt quá thẩm quyền thì khẩn trương tổng hợp, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh (qua Sở Công Thương) để xem xét, chỉ đạo.
Đối với sở Công Thương:
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh thành lập Tổ công tác đặc biệt của tỉnh do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng, cùng các thành viên là đại diện các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, kéo dài.
- Chủ trì, hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng các kịch bản, lộ trình phục hồi sản xuất tương ứng với diễn biến của dịch bệnh Covid-19 để có kế hoạch bố trí sản xuất – kinh doanh phù hợp.
Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan tăng cường công tác thu hút đầu tư, nhất là các dự án đầu tư quy mô lớn để tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp của tỉnh. Tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các khâu thẩm định, phê duyệt dự án, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án.
Sở Giao thông vận tải: Chủ trì, phối hợp Sở Công Thương, Công an tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu, sản phẩm... đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn Khu kinh tế Nhơn Hội; theo dõi, đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án tại các Khu công nghiệp, Khu kinh tế Nhơn Hội; tăng cường công tác hướng dẫn, theo dõi, giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của các doanh nghiệp tại các Khu công nghiệp, Khu kinh tế Nhơn Hội đảm bảo theo quy định.
Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ về nghiệp vụ, kỹ thuật để các doanh nghiệp chủ động test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan căn cứ số lượng vaccine được phân bổ cho địa phương trong thời gian đến, xây dựng phương án tiêm phòng vaccine Covid-19 ưu tiên cho người lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân; xem xét các ý kiến kiến nghị của doanh nghiệp về công tác phòng, chống dịch Covid-19, tình hình thực tế tại địa phương và rà soát các quy định hiện hành, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh.
Sở Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Sở Y tế, Giao thông vận tải, Công Thương, Công an tỉnh xây dựng bản đồ các “vùng xanh”, “luồng xanh” thông tin kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc vận chuyển hàng hóa được thuận lợi, đảm bảo an toàn công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.
Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh:
- Tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ các quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; đẩy mạnh công tác tuyên truyền người lao động, nâng cao nhận thức về phòng, chống dịch Covid-19, khai báo y tế,...; phối hợp với ngành y tế để tập huấn test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho cán bộ y tế của doanh nghiệp; bố trí phòng cách ly y tế đảm bảo tiêu chuẩn để kịp thời thực hiện cách ly, xử lý các ca nghi nhiễm theo quy định.
- Phối hợp kịp thời, hiệu quả với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của Tỉnh cho các doanh nghiệp, đảm bảo công khai, minh bạch, không lợi dụng trục lợi chính sách của Nhà nước; quan tâm đảm bảo tốt quyền lợi và hỗ trợ cho người lao động.
- Xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo 4 an toàn: công nhân an toàn, nhà máy an toàn, giao thông an toàn, nhà ở an toàn; chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu sản xuất, thị trường tiêu thụ, phương án vận chuyển, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất kinh doanh.