Cảng biển là bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng hàng hải, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược, cần ưu tiên đầu tư bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng – an ninh và an sinh xã hội, thích ứng biển đổi khí hậu; góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo, tăng cường hợp tác quốc tế về biển, duy trì môi trường hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.
Mục tiêu quy hoạch cảng biển đến năm 2030 như sau: Phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030.
Và tầm nhìn đến năm 2050: Phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại ngang tầm với khu vực và thế giới, đáp ứng tiêu chí cảng xanh; đáp ứng đầy đủ, hiệu quả nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước, là trụ cột chính có vai trò động lực, dẫn dắt, phát triển thành công kinh tế hàng hải, góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia biển mạnh và nước phát triển, thu nhập cao. Đồng thời nâng năng lực hệ thống cảng biển đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 4 % đến 4,5%/năm; hành khách tăng trưởng bình quân từ 1,2 % đến 1,3%/năm.
Về quy hoạch hệ thống cảng biển:
Theo phân nhóm cảng biển, hệ thống cảng biển Việt Nam gồm 05 nhóm: Nhóm cảng biển số 1 có 05 cảng biển (Hải Phòng, Quảng Nình, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình); nhóm cảng biển sô 2 có 6 cảng biển (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế); nhóm cảng biển số 3 có 8 cảng biển (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận); nhóm cảng biển số 4 có 5 cảng biển (TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương và Long An); nhóm cảng biển số 5 có 12 cảng biển (Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu và Kiêng Giang).
Đối với cảng biển Bình Định thuộc Nhóm cảng biển số 3, được quy hoạch như sau:
- Khu bến Quy Nhơn – Thị Nại – Đống Đa: Phạm vi quy hoạch từ vùng đất và vùng nước từ thượng lưu cầu Đống Đa ra ngoài mũi Quy Nhơn. Với chức năng phục vụ phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bình Định và khu vực Tây Nguyên, có các bến container, tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí, bến cảng khách. Quy mô: cỡ tàu container, tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 50.000 tấn (tàu đến 70.000 tấn giảm tải, kết hợp tiếp nhận tàu khách); tàu hàng lỏng/khí đến 10.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện.
- Khu bến Nhơn Hội: Quy hoạch từ vùng đất và vùng nước từ cầu Thị Nại ra phía biển. Với chức năng là phục vụ trực tiếp Khu kinh tế Nhơn Hội, có các bến container, tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí, bến khách, phát triển phù hợp với nhu cầu thị trường, năng lực nhà đầu tư.
- Các khu bến khác: Các bến phao (hàng lỏng) tại Quy Nhơn sẽ được di dời về khu bến cảng Đống Đa phù hợp với tiến trình mở rộng cảng Quy Nhơn. Bến cảng Phù Mỹ phục vụ kinh tế, công nghiệp năng lượng, luyện kim).
- Các khu neo đậu chuyển tải, tránh, trú bão: Khu neo đậu trú bão tại Đầm Thị Nại cho tàu trọng tải đến 3.000 tấn; khu neo đậu chuyển tải, tránh trú bão tại vịnh Làng Mai và khu vực khác có đủ điều kiện.
Theo phân loại cảng biển, quy mô, chức năng hệ thống cảng biển Việt Nam gồm 04 loại: Cảng biển đặc biệt (có 02 cảng biển là cảng biển Hải Phòng và Bà Rịa – Vũng Tàu); cảng biển loại I (có 15 cảng biển là Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ, Long An, Trà Vinh); cảng biển loại II (có 06 cảng biển là Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận, Hậu Giang, Đồng Tháp); và cảng biển loại III (có 13 cảng biển là Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Phú Yên, Bình Dương, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang, Kiêng Giang, Bạc Liêu, Cà Mau).
Theo phân loại bến cảng, được chia làm 02 loại: Loại theo chủng loại hàng hóa xếp dỡ (bến cảng tổng hợp, bến cảng container, bến cảng hàng rời, bến cảng hàng lỏng/khí và bến cảng khách); và loại theo phạm vi hoạt động kinh doanh (bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa và bến cảng không kinh doanh dịch vụ xếp dở hàng hóa).
Về nhu cầu sử dụng đất và mặt nước: Tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 33.600 ha và tổng nhu cầu sử dụng mặt nước phát triển hệ thống cảng biển theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 606.000 ha.
Về nhu cầu vốn đầu tư: Đến năm 2030 khoảng 313.000 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh daonh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa), được huy động chủ yếu từ nguồn ngoài ngân sách, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác. Nguồn vốn ngân sách nhà nước tập trung cho hạ tầng hàng hải công cộng, khu vực trọng điểm, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư.
Một số giải pháp thực hiện quy hoạch: Giải pháp về cơ chế chính sách; về huy động vốn đầu tư; về môi trường, khoa học và công nghệ; về phát triển nguồn nhân lực; về hợp tác quốc tế; về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.