Theo đó, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp với nguyên tắc sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất; một số nội dung được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong Chỉ thị như sau:
Thứ nhất, các doanh nghiệp với vai trò là chủ thể của quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh, phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thống nhất phương án sản xuất, lưu thông hàng hóa, đi lại và ăn ở của người lao động, phương án phải bảo đảm an toàn tuyệt đối phòng, chống dịch trong tình hình dịch bệnh còn diễn biễn phức tạp.
Thứ hai, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với trách nhiệm là cơ quan trực tiếp quản lý doanh nghiệp trên địa bàn, khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo phục hồi sản xuất, phân công nhiệm vụ cụ thể để triển khai kế hoạch, thông qua phương án sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn, bảo đảm vừa duy trì sản xuất kinh doanh vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chủ động phối hợp với Bộ Y tế để phân bổ kịp thời vắc xin tiêm phòng cho người lao động tại các doanh nghiệp.
Thứ ba, Bộ Y tế khẩn trương ban hành các quy định cụ thể về giãn cách, xét nghiệm trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; quy định về điều kiện sản xuất và cách thức xử lý khi phát hiện người lao động trong khu, cụm công nghiệp nhiễm COVID-19,…
Thứ tư, Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn các địa phương bảo đảm lưu thông hàng hóa, phục vụ tốt cho quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm của các tập thể;…
Thứ năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp, Khu Kinh tế.
Thứ sáu, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công an và các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia, lao động nước ngoài được nhập cảnh và thực hiện cách ly theo quy định của Bộ Y tế.
Thứ bảy, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát, kịp thời hướng dẫn các chính sách, quy định về miễn giảm thuế, triển khai để ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất, tín dụng cho các doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính Phủ.
Trước đó, vào ngày 20/9/2021, UBND tỉnh đã tham dự Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì Hội nghị. Tại điểm cầu Bình Định có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh; lãnh đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham dự Hội nghị này.
Dịp này, UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét áp dụng các biện pháp như: Hạ lãi suất ngân hàng, khoanh nợ các khoản vay, hỗ trợ vốn vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; miễn giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp; miễn giảm và gia hạn nộp thuế, phí và lệ phí cho các doanh nghiệp; chỉ đạo giảm giá điện, nước và các chi phí dịch vụ liên quan khác, nhất là dịch vụ cảng biển, logistic, ...; ưu tiên cung cấp nguồn vắc xin phòng chống Covid-19 cho người lao động tại Khu kinh tế, KCN, nhằm duy trì, ổn định sản xuất của các doanh nghiệp để đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ xây dựng và triển khai thực hiện các quy định phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất trên phạm vi cả nước, phân bổ và đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho toàn bộ người lao động; có quy định, hướng dẫn cụ thể về quy trình, thời hạn các cơ quan y tế địa phương phối hợp với doanh nghiệp trong việc đánh giá, phân luồng, tách F0, F1 ra khỏi môi trường làm việc theo hướng hạn chế việc doanh nghiệp phải ngừng hoạt động. Cho phép doanh nghiệp chủ động triển khai các phương án tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện của từng doanh nghiệp; xem xét lại mô hình "3 tại chỗ" do chi phí vận hành quá cao.