Tham dự buổi làm việc còn có lãnh đạo các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và lãnh đạo UBND thành phố Quy Nhơn.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Ngô Hoàng Nam Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn cho biết, 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế- xã hội của thành phố tiếp tục có bước phát triển khá, hoàn thành đạt và vượt 11/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024 theo phân kỳ đề ra. Tổng giá trị. sản xuất tăng 9,7% 1 . Tổng giá trị sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất toàn tỉnh (chiếm 37,1%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 15,7%; kim ngạch xuất khẩu đạt 582,5 triệu USD, tăng 25,7%; hàng hoá thông qua cảng biển đạt 7,5 triệu tấn, tăng 40,9%; lượng khách du lịch đến thành phố đạt 5,1 triệu lượt khách, tăng 106% so với cùng kỳ. Công tác quy hoạch, xây dựng, chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công, đảm bảo an sinh xã hội được chú trọng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác cải cách hành chính (nhất là giải quyết thủ tục hành chính), hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản lý của bộ máy chính quyền ngày càng nâng cao về chất lượng... Tính đến ngày 10/6/2024, tổng số nhiệm vụ của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao cho UBND thành phố là 94 nhiệm vụ. Kết quả thực hiện như sau: Đã hoàn thành 33 nhiệm vụ (đạt tỷ lệ 35%); đang xử lý 61 nhiệm vụ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, thành phố Quy Nhơn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Thu ngân sách chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế nhất là đối với lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, khách sạn... Mật độ đô thị khá cao, ảnh hưởng đến công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị; hệ thống hạ tầng còn hạn chế, nhất là hạ tầng phục vụ phát triển thương mại, dịch vụ, kinh tế đêm. Công trình, dự án trọng điểm, tạo điểm nhấn cho thành phố còn ít. Công tác bồi thường, GPMB các công trình, dự án trọng điểm còn chậm. Công tác quản lý đất đai, xây dựng tuy được duy trì thường xuyên; tuy nhiên tình trạng vi phạm vẫn còn xảy ra trên địa bàn một số phường, xã. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, buôn bán vẫn còn xảy ra, nhất là tại khu vực Quảng trường Nguyễn Tất Thành, bệnh viện, trường học.... Đạo đức công vụ, trách nhiệm của một số cán bộ, công chức tại một số bộ phận, đơn vị, địa phương vẫn còn chưa tốt. Công tác tổ chức triển khai thực hiện một số chương trình, nhiệm vụ trọng tâm của UBND thành phố còn chưa kịp thời và chưa được các đơn vị, địa phương tập trung giải quyết. Công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo một số vụ việc còn kéo dài, tồn đọng.
Thành phố Quy Nhơn cũng đề xuất một số kiến nghị với Lãnh đạo UBND tỉnh và các sở ngành liên quan: sớm hoàn thành việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 495/QĐ-TTg ngày 14/4/2015. Đồng thời phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 phường Nhơn Bình, Nhơn Phú và 12 phường nội thành để làm cơ sở triển khai các quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 trên địa bàn thành phố; UBND tỉnh quan tâm, lập quy hoạch điều chỉnh mở rộng nút giao thông ngã 5 Đống Đa - Trần Hưng Đạo; sớm xem xét, phê duyệt Đề án di dời các Doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Quang Trung và Đề án di dời các Doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Nhơn Bình; hỗ trợ đầu tư tuyến đê phía thượng nguồn sông Dinh (đoạn từ dập Phú Xuân đến cầu sông Ngang) theo cơ chế đã thực hiện tại dự án Hệ thống tiêu thoát lũ sông Dinh; ....
Tại buổi làm việc lãnh đạo một số sở ngành cũng có những ý kiến đóng góp và trao đổi với Thành phố Quy Nhơn.
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những kết quả đạt được trong phát triển KT-XH của thành phố Quy Nhơn trong 6 tháng đầu năm 2024. Là địa phonwg có tốc độ tăng trưởng xếp thứ 3 trong 11 huyện, thị xã, thành phố (chỉ xếp sau Tây Sơn và thị xã An Nhơn), cao hơn tốc độ tăng của tỉnh 0,7%. Để thành phố Quy Nhơn phát triển bứt phá và toàn diện hơn nữa, xứng tầm với những tiềm năng, lợi thế riêng có, với kỳ vọng: “thành phố Quy Nhơn có vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, có vai trò dẫn dắt, đi đầu cho sự đổi mới, phát triển của tỉnh Bình Định”; do đó, trong thời gian tới, bên cạnh những nhiệm vụ, giải pháp được đề cập trong báo cáo, tập thể lãnh đạo thành phố Quy Nhơn tiếp tục đổi mới cách nghĩ, cách làm; khẩn trương khắc phục hạn chế, bất cập; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tập trung triển khai tốt những nhiệm vụ chủ yếu như sau:
Tập thể lãnh đạo của thành phố Quy Nhơn tiếp tục đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tập trung thực hiện các giải pháp sáng tạo, đột phá để thúc đẩy tăng trưởng, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024 đã đề ra, tạo đà để thực hiện hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021- 2025. Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo, điều hành xử lý công việc; tích cực đề ra và thực hiện các nhiệm vụ công việc lớn, phục vụ sự phát triển chung của địa phương.
Tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; quyết tâm đưa dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đúng nghĩa. Rà soát, xây dựng đề án, chương trình phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch cụ thể, chi tiết gắn với quy hoạch chung của thành phố. Nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch phát triển hệ thống chợ, trung tâm thương mại, khu vui chơi, giải trí. Chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ, nhất là các loại hình dịch vụ thành phố có nhiều lợi thế, như: Cảng biển, dịch vụ logistics, kho bãi…
Tăng cường thực hiện công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng mở rộng không gian đô thị Quy Nhơn phù hợp với định hướng phát triển chung của tỉnh và thành phố, nhất là về phía bắc, đông bắc; chú trọng hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội theo các trục kết nối với các địa phương lân cận, khu vực ven vịnh Thị Nại và bán đảo Phương Mai, nhằm giảm tải áp lực hạ tầng, dân cư, môi trường,… tận dụng tối đa các tiềm năng, lợi thế của khu vực để phát triển toàn diện thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận; phấn đấu xây dựng thành phố Quy Nhơn trở thành đô thị văn minh, hiện đại hàng đầu khu vực miền Trung – Tây nguyên và cả nước.
Triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp bảo vệ môi trường. Chấn chỉnh, tăng cường thực hiện công tác quản lý đô thị, trật tự xây dựng, chất lượng công trình. Xây dựng thành phố Quy Nhơn ngày càng văn minh, hiện đại, “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”…
Triển khai quyết liệt kế hoạch chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả. Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hồ sơ, văn bản, tài liệu cho các phòng, ban, đơn vị, nhất là các phường, xã; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, nhằm nâng cao chất lượng xử lý công việc, đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới.
Quan tâm, chú trọng thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân. Làm tốt công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời đến người dân về các chủ trương, chính sách, các dự án lớn trên địa bàn để người dân hiểu và đồng thuận. Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tiếp tục củng cố, 6 kiện toàn mạng lưới khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Tiếp tục thực hiện tốt công tác giáo dục đào tạo, nhất là đào tạo bậc trung học cơ sở, tiểu học, mầm non; thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, chăm lo các đối tượng chính sách, người có công; chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Quan tâm đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao, trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa - lịch sử... phục vụ phát triển văn hóa - xã hội.
Tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện Đề án 06 để phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, lưu ý chú trong việc tái cấu trúc quy trình, thủ tục hành chính để cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh công tác số hóa, cấp kết quả điện tử để làm giàu Kho dữ liệu, phục vụ cho việc tái sử dụng dữ liệu, thông tin để thực hiện dịch vụ công trực tuyến; đồng thời, rà soát các chỉ tiêu theo “Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp” còn thấp, khẩn trương có giải pháp phù hợp để tổ chức thực hiện đảm bảo hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu quy định …