Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024
Thứ năm - 27/06/2024 16:53
Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 7,60% so với cùng kỳ (xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, thứ 04/14 tỉnh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ). Các hoạt động văn hoá - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống của đại bộ phận nhân dân trong tỉnh cơ bản ổn định; quốc phòng - an ninh được giữ vững; niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp ngày càng được nâng lên.
1. Về phát triển kinh tế
a) Về sản xuất nông, lâm, thủy sản; quản lý tài nguyên, môi trường
Trong 6 tháng đầu năm, các địa phương tập trung chăm sóc, thu hoạch cây trồng vụ Đông Xuân và xuống giống cây trồng vụ Hè Thu; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản. Đẩy mạnh tái đàn heo, phát triển đàn bò thịt chất lượng cao... gắn với thực hiện có hiệu quả tiêm phòng vaccine và phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản theo hướng bền vững gắn với các biện pháp bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác xa bờ.
- Về trồng trọt: Tổng diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm vụ Đông Xuân 2023 - 2024 đạt 78.023 ha, tăng 0,1% so với vụ Đông Xuân năm trước. Trong đó, diện tích gieo trồng lúa Đông Xuân đạt 46.788 ha, giảm 0,2%; năng suất lúa ước đạt 73,4 tạ/ha, tăng 2,1%; sản lượng lúa ước đạt 343.305 tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ. Tiến độ gieo trồng một số cây trồng khác vụ Đông Xuân như sau: cây ngô 2.306 ha, giảm 0,6%; cây lạc 8.853 ha, tăng 3,9%; rau các loại 5.659 ha, giảm 0,7%; đậu các loại 1.300 ha, tăng 13,1%.
Đối với vụ Hè Thu, đã gieo sạ được 37.495 ha lúa, hiện nông dân đang tiếp tục gieo sạ. Tiến độ gieo trồng một số cây trồng cạn vụ Hè Thu: Cây ngô đạt 2.839,6 ha, tăng 38,3%; cây lạc đạt 1.410,8 ha, tăng 21,7%; rau các loại đạt 3.629,7 ha, tăng 11,1%; đậu các loại đạt 173,5 ha, tăng 14,1%.
Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ đạt kết quả tích cực. Đối với chuyển đổi cơ cấu cây trồng: Tổng diện tích chuyển đổi đến nay đạt 5.633,2 ha (vụ Đông Xuân 2.645,5 ha, vụ Hè Thu 2.987,7 ha), đạt 81,8% so kế hoạch năm[1]. Đối với chuyển đổi sản xuất từ 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa/năm: Trong vụ Thu 2024, sơ bộ thực hiện chuyển đổi từ 3 vụ lúa sang 2 vụ với diện tích 4.419,8 ha, đạt 98,2% kế hoạch năm, tập trung chuyển đổi mạnh ở các huyện Phù Cát 2.231,5 ha, Phù Mỹ 498,3 ha, thị xã Hoài Nhơn 1.332 ha, Vĩnh Thạnh 358 ha.
- Về chăn nuôi: Trong 6 tháng đầu năm, công tác quản lý kiểm soát chăn nuôi, phát triển tái đàn gắn với phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh luôn được tăng cường và phát huy hiệu quả.
Tính đến tháng 6/2024, đàn lợn toàn tỉnh hiện có trên 710.870 con, tăng 5,8%; đàn bò trên 304.950 con, tăng 0,2%; đàn gia cầm trên 10,2 triệu con, giảm 1,4%, trong đó đàn gà 8,3 triệu con, giảm 1,2% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 20.089 tấn, tăng 0,9%; thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 71.105 tấn, tăng 6,3%; thịt gia cầm xuất chuồng ước đạt 14.866 tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm, nhờ chủ động triển khai công tác giám sát, tiêm phòng, phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì khống chế, không xảy ra dịch bệnh. Tổ chức tốt công tác tiêm phòng vaccine LMLM trâu bò đợt I/2024; duy trì tiêm phòng khép kín vaccine Cúm gia cầm. Hiện nay, đang tiêm phòng đại trà vaccine viêm da nổi cục trâu bò; tích cực phòng, chống nắng nóng cho đàn vật nuôi.
Về lâm nghiệp: Tình hình sản xuất lâm nghiệp trong tỉnh 6 tháng đầu năm tiếp tục đà tăng trưởng, diện tích rừng được quản lý chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh toàn tỉnh ổn định. Công tác trồng, chăm sóc, quản lý và phòng chống cháy rừng được quan tâm và chỉ đạo kịp thời. Diện tích rừng trồng đưa vào chăm sóc ước tính đạt 19.500 ha, tương đương so với cùng kỳ. Nhìn chung diện tích rừng được chăm sóc sinh trưởng và phát triển tốt. Tổng số gỗ khai thác ước tính đạt 531.821 m3, tăng 2,3% so với cùng kỳ.
Kết quả thực hiện trồng rừng cây gỗ lớn: Trong 6 tháng đầu năm không có diện tích trồng, chuyển hóa rừng cây gỗ lớn. Lũy kế đến nay, diện tích trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh là 9.882 ha.
Ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục mời gọi các doanh doanh nghiệp chế biến gỗ liên doanh, liên kết đầu tư trồng rừng để chủ động nguồn nguyên liệu, xây dựng mô hình tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo hình thức liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp sản xuất, chế biến với các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức trồng rừng để phát triển vùng nguyên liệu gỗ có chất lượng, năng suất ổn định, đáp ứng nhu cầu cho chế biến và xuất khẩu.
Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng: Trong 5 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng. Ngày 03/6/2024, xảy ra 01 vụ cháy tại Tiểu khu 326 xã Phước Thành và Tiểu khu 319 xã Phước An (rừng trồng Bạch đàn 4 năm tuổi trở lên). Bên cạnh đó đã xử lý kịp thời 17 vụ phá rừng, 3 vụ khai thác rừng, tổ chức phá bỏ 28,412 ha cây trồng trên đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trái phép.
- Về thủy sản: Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 146.597 tấn, tăng 3,0% so với cùng kỳ. Sản lượng khai thác ước đạt 139.888 tấn, tăng 2,9%, sản lượng nuôi trồng ước đạt 6.709 tấn, tăng 4,9%. Các mô hình nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao được khuyến khích nhân rộng tại các địa phương ven biển.
Toàn tỉnh tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 8349/UBND-TH ngày 07/11/2023 về việc thực hiện Công điện số 1058/CĐ-TTg ngày 04/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Tập trung rà soát, hoàn thiện Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu Âu lần thứ 5.
Về thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác trên vùng biển xa theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Từ đầu năm đến nay đã phê duyệt 165 tàu cá đủ điều kiện tham gia khai thác hoặc dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tiếp nhận 3.962 hồ sơ đề nghị hỗ trợ (trong đó 3.185 hồ sơ nhiên liệu, 777 hồ sơ bảo hiểm); hỗ trợ (05 đợt) cho 3.971 hồ sơ (trong đó hồ sơ đề nghị hỗ trợ chi phí nhiên liệu 3.554 hồ sơ, hồ sơ đề nghị hỗ trợ bảo hiểm 417 hồ sơ).
- Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục triển khai có hiệu quả. Các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện các tiêu chí ở các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024, củng cố và nâng cao chất lượng các xã đã được công nhận đạt chuẩn trên địa bàn. Trong 6 tháng đầu năm UBND tỉnh đã ban hành Quyết định công nhận 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023; 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 01 xã (Phước Quang) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Đến tháng 6/2024, toàn tỉnh có 90/113 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 79,6%); có 20/90 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt tỷ lệ 22,2%); 01/90 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (đạt tỷ lệ 1,1%); có 05/11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới (đạt tỷ lệ 45,5%); đang chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ để đề xuất huyện Tây Sơn và Phù Mỹ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.
- Công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản (đất, đá, cát…), kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp khai thác đất, đá, cát… trái phép hoặc không đúng quy định gây lãng phí tài nguyên, thất thu ngân sách, ô nhiễm môi trường. Phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của các huyện, thị xã, thành phố.
UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ phương án xử lý vấn đề môi trường trên địa bàn tỉnh, nhất là trong vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý rác, chất thải, nước thải cả trong sản xuất và sinh hoạt; nâng cao chất lượng công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản; đẩy mạnh thực hiện công tác chuyển đổi số trong quản lý đất đai; kiểm tra, xử lý kiên quyết các vụ vi phạm về đất đai, tài nguyên khoáng sản, rừng và đất rừng.
b) Về sản xuất công nghiệp, xây dựng
- Về sản xuất công nghiệp: Trong 6 tháng đầu năm, bối cảnh trong nước cũng như thế giới có những biến động khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen; lạm phát diễn ra ở nhiều quốc gia, chính sách tiền tệ thắt chặt ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế trong năm 2024; việc gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn còn ảnh hưởng, làm giảm đà phục hồi các hoạt động kinh tế - đầu tư - thương mại. Giá hàng hóa thiết yếu vẫn còn ở mức cao, đồng thời tình hình căng thẳng, xung đột giữa các nước lớn đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tăng 11,6%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,65% so với cùng kỳ (kế hoạch năm 2024 tăng 7,0 - 7,7%). Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,43%; khai khoáng tăng 13,86%; sản xuất và phân phối điện giảm 0,63%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải tăng 12,46% so với cùng kỳ.
Năm 2024, trên địa bàn tỉnh dự kiến có 64 dự án sản xuất công nghiệp đi vào hoạt động. Tính chung trong 6 tháng đầu năm đã có 17 dự án đầu tư hoàn thành và đi vào hoạt động. Một số dự án trọng điểm đã đi vào hoạt động trong thời gian qua như: Nhà máy sản xuất gạch ngói của Công ty Cổ phần Takao Bình Định; Nhà máy thuỷ điện Nước Lương của Công ty CP Thủy điện Nước Lương; Nhà máy sản xuất viên nén gỗ (Wood Pellet) Nguyệt Anh của Cty CP Nguyệt Anh...
Bên cạnh việc tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp đang triển khai trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã tổ chức gặp gỡ làm việc, nắm bắt tình hình, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tiếp tục được triển khai thực hiện; đã khánh thành giai đoạn I Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định.
Trong tháng 3/2024, tại TP. Quy Nhơn diễn ra Hội chợ Quốc tế hàng phong cách ngoài trời (Q-Fair 2024) quy tụ trên 100 doanh nghiệp triển lãm sản phẩm ngoài trời uy tín của Việt Nam và các nước, vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Pháp, Tây Ban Nha…với hơn 1.000 gian hàng. Đây là kênh xúc tiến thương mại hiệu quả giúp các doanh nghiệp ngành gỗ phát triển thị trường, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành một ngành kinh tế quan trọng; xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế; phấn đấu để Việt Nam nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Theo Phương án phát triển Cụm công nghiệp (CCN) tỉnh Bình Định đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh có 68 CCN với tổng diện tích 3.470 ha, bình quân 51 ha/CCN. Trong 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh đồng ý chủ trương thành lập 04 CCN, mở rộng 02 CCN. Đến nay, có 46/68 CCN với tổng diện tích 1.525 ha được quyết định thành lập; có 37/46 CCN đi vào hoạt động với tổng diện tích đất công nghiệp 922,7 ha. Trong 6 tháng đầu năm 2024, có 09 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 694,6 tỷ đồng tỷ đồng, tổng diện tích 29,7 ha; đến nay, đã thu hút 380 dự án đăng ký đầu tư với diện tích đất thuê và có chủ trương đầu tư 738,3 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân các CCN đã đi vào hoạt động 80%; bình quân 1,9 ha/dự án, chủ yếu các ngành nghề thế mạnh của tỉnh; trong đó, có 250 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh; tổng vốn đầu tư của các dự án trong các CCN 16.548,2 tỷ đồng, vốn thực hiện 8.647,4 tỷ đồng, đạt 52,3% với suất đầu tư bình quân 43,5 tỷ đồng/dự án... phù hợp với mục tiêu đầu tư xây dựng CCN để thu hút, di dời các DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác vào đầu tư sản xuất kinh doanh.
Các chương trình khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện. Hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tiếp tục phát triển ổn định. Các sản phẩm của các làng nghề đã đáp ứng phần lớn nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh.
- Về xây dựng: Giá trị tăng thêm của ngành xây dựng tăng 7,52% so với cùng kỳ. UBND tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị về “Nâng cao chất lượng công tác quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và phát triển nhà ở, khu đô thị, khu dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh”. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm đã đưa vào sử dụng 622 căn hộ nhà ở xã hội (đạt 100% kế hoạch 6 tháng đầu năm và đạt 44,43% so với kế hoạch năm 2024).
Ngoài ra, ngành xây dựng đã chủ động tham mưu đề xuất các nội dung liên quan đến công tác quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị An Nhơn, điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị thị xã An Nhơn, xây dựng Chương trình phát triển đô thị huyện Tuy Phước, Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hoài Ân, Quy hoạch chung khu vực Đầm Trà Ổ, huyện Phù Mỹ...; đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, nhất là thành phố Quy Nhơn, các thị xã An Nhơn, Hoài Nhơn, huyện Tây Sơn trong công tác lập quy hoạch, quản lý, triển khai quy hoạch, hạ tầng đảm bảo đồng bộ, hiện đại, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh, địa phương; triển khai các kế hoạch thực hiện các giải pháp đột phá để nâng cao tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung và nâng cao tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
c) Về thương mại, dịch vụ, du lịch, tài chính
Trong 6 tháng đầu năm, thị trường hàng hóa trong tỉnh khá sôi động, phong phú, lưu thông thông suốt, sức mua tăng. Trong 6 tháng đầu năm, có nhiều sự kiện và lễ hội lớn như: Tết Nguyên đán, Giỗ Tổ Hùng Vương, nghỉ Lễ 30/4 và 01/5, các lễ hội văn hóa, du lịch, thể dục - thể thao, các hội chợ triển lãm… nên nhu cầu tiêu dùng, giải trí của người dân tăng cao, góp phần thúc đẩy các hoạt động thương mại, dịch vụ khởi sắc trở lại, đặc biệt dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống.
UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, kích cầu du lịch, dịch vụ, đặc biệt là tổ chức các chương trình, hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội du lịch Hè năm 2024. Triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm trên địa ban tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa; quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực địa phương gắn với hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân, nhất là các sản phẩm OCOP. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đảm bảo tình hình lưu thông hàng hóa, giá cả thị trường, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, xử lý kiên quyết các trường hợp kinh doanh hàng hóa không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, hàng nhập lậu, không có nguồn gốc xuất xứ hoặc đầu cơ, găm hàng để trục lợi. Chỉ đạo đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến, mở rộng thị trường du lịch, trong đó chú trọng thị trường du lịch nội địa gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng các dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp và cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 58.333,4 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ. Trong đó, phân theo ngành kinh tế như sau: Thương nghiệp đạt 44.870,4 tỷ đồng, tăng 11,3%; Khách sạn, nhà hàng đạt 8.326,9 tỷ đồng, tăng 29,4%; dịch vụ lữ hành đạt 450,8 tỷ đồng, tăng 61,2%; Dịch vụ tiêu dùng khác đạt 4.685,2 tỷ đồng, tăng 21,5% so với cùng kỳ.
Đối với hoạt động xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2024 có sự tăng trưởng vượt bậc, đà tăng trưởng này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới nhờ được hỗ trợ bởi sự phục hồi từ các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc… và những nỗ lực trong việc đẩy mạnh ký kết hợp đồng của các doanh nghiệp xuất khẩu để mở rộng, đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu khác. Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 887 triệu USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 53,8% kế hoạch năm.
Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh đều đã tăng, trong đó: mặt hàng Hàng thủy sản đạt 58,4 triệu USD, tăng 3,7%, mặt hàng gỗ đạt 199 triệu USD, tăng 31,4% sản phẩm từ gỗ (nội - ngoại thất) đạt 249 triệu USD, tăng 24%, sản phẩm từ chất dẻo (hàng nhựa giả mây) đạt 125,9 triệu USD, tăng 49,1%, mặt hàng sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 44 triệu USD, tăng 1%, gạo đạt 29,2 triệu USD, tăng 7,1%. Riêng chỉ có mặt hàng giày dép các loại đạt 1,3 triệu USD, giảm 36,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 207,5 triệu USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ.
Về du lịch: Trong 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức nhiều chương trình, lễ hội quảng bá hình ảnh du lịch, quê hương con người Bình Định đến với các du khách, người dân trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt một số sự kiện mang tầm quốc tế như Tuần lễ Thể thao, Văn hóa và Du lịch Bình Định 2024 với điểm nhấn là các giải đua tuyền UIM - ABP Aquabike World Championship và UIM F1H2O World Championship Grand Prix of Binh Dinh, Giải thi đấu Teqball thế giới năm 2024... với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, hấp dẫn, thu hút đông đảo công chúng trong và ngoài tỉnh, khách quốc tế, góp phần quảng bá thương hiệu, hình ảnh vùng đất và con người Bình Định đồng thời thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn. Thành phố Quy Nhơn tiếp tục được vinh danh thành phố Du lịch sạch ASEAN 2024.
Bên cạnh đó, các khu, điểm du lịch đã chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ, tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động đặc sắc để mang lại các trải nghiệm hấp dẫn, mới mẻ cho du khách, góp phần nâng cao hiệu quả thu hút du khách. Lũy kế 6 tháng đầu năm, ngành du lịch Bình Định ước đón được trên 5,6 triệu lượt khách, tăng 106,1% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch ước đạt 15.001 tỷ đồng, tăng 96,9% so với cùng kỳ.
Bên cạnh thu hút du khách đến với tỉnh nhà, ngành du lịch đã tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh du lịch tại các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú; kiểm tra hoạt động vận tải khách du lịch và hoạt động của hướng dẫn viên du lịch; tạo hình ảnh về một không gian đẹp nhằm nâng cao hiệu quả thu hút du khách trong và ngoài nước.
Dịch vụ vận chuyển hành khách đạt trên 23,7 triệu hành khách, tăng 19,9% và luân chuyển 2.438 triệu hành khách.km, tăng 24,8% so với cùng kỳ. Vận tải hàng hoá đạt trên 16,8 triệu tấn, tăng 4,4%; luân chuyển đạt 2.345 triệu tấn.km, tăng 3,1% so với cùng kỳ.
Về hoạt động tài chính, tín dụng, tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất huy động và cho vay; triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời và có hiệu quả các giải pháp, cơ chế, chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Đến ngày 31/5/2023, tổng nguồn vốn huy động tại địa phương là 107.590 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ; tổng dư nợ ước đạt 106.520 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ (trong đó nợ xấu chiếm khoảng 1,1% so với tổng dư nợ). Đối với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội: Đến nay, tổng dư nợ đạt 6.858 tỷ đồng, tăng 274 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 4,2% so với 31/12/2023, với gần 107 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Dư nợ tập trung một số chương trình tín dụng sau: Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 2.005 tỷ đồng; Hộ cận nghèo 906 tỷ đồng; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 900 tỷ đồng; Hộ nghèo 750 tỷ đồng; Học sinh sinh viên 810 tỷ đồng; Hộ mới thoát nghèo 539 tỷ đồng; Nhà ở xã hội 595 tỷ đồng; Sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 161 tỷ đồng
Về thu, chi ngân sách: Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp chủ yếu điều hành dự toán ngân sách địa phương năm 2024 trên địa bàn tỉnh, tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, tạo nguồn thu ổn định, vững chắc cho ngân sách. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm ước đạt 6.377,8 tỷ đồng, đạt 42,5% dự toán năm và tăng 30,2% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa (trừ tiền sử dụng đất; xổ số kiến thiết; thu cổ tức, lợi nhuận được chia và lợi nhuận còn lại) là 3.518,9 tỷ đồng, đạt 44,0% dự toán năm, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Riêng thu tiền sử dụng đất ước đạt 2.300 tỷ đồng, đạt 37,6% dự toán năm, tăng 85,6%; thu xuất nhập khẩu là 355 tỷ đồng, đạt 78,9% dự toán năm, tăng 70,9% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương là 8.996,9 tỷ đồng, đạt 43,3% dự toán năm, tăng 7,0% so với cùng kỳ; trong đó chi thường xuyên là 4.447,9 tỷ đồng, đạt 45% dự toán năm, tăng 10% so với cùng kỳ.
d) Về đầu tư phát triển
- Đầu tư toàn xã hội: Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm là 18.968 tỷ đồng, tăng 9,0% so với cùng kỳ, bao gồm: vốn khu vực Nhà nước là 7.041 tỷ đồng, tăng 5,0%; khu vực ngoài Nhà nước là 11.414 tỷ đồng, tăng 12,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 512 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ.
- Đầu tư công: Ngay từ đầu năm, thực hiện các Quyết định giao kế hoạch vốn của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định phân bổ và giao toàn bộ kế hoạch đầu tư công năm 2024 nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đến từng chủ đầu tư (đạt 100% kế hoạch Hội đồng nhân dân tỉnh giao), tạo điều kiện cho các đơn vị, địa phương chủ động triển khai có hiệu quả hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn. Tiếp tục đẩy mạnh huy động các nguồn vốn nhằm đáp ứng nhu cầu chi đầu tư phát triển, tập trung xây dựng hoàn thành các công trình trọng điểm của tỉnh.
Trong 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều Hội nghị về triển khai, chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã tăng cường kiểm tra, chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn qua địa bàn tỉnh); tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công các công trình, dự án: đường ven biển (đoạn Cát Tiến - Diêm Vân, Quốc lộ 1D - Quốc lộ 19 mới), các tuyến đường kết nối với đường ven biển, Đập dâng Phú Phong, các dự án tại Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa và các công trình trên lĩnh vực văn hóa, lịch sử...
Đối với việc thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan chủ trì chương trình mục tiêu quốc gia phối hợp với các đơn vị, địa phương kịp thời tập hợp các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị, địa phương để đề xuất/kiến nghị các cấp có thẩm quyền tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình. UBND tỉnh tiếp tục duy trì các Tổ công tác liên ngành của tỉnh tiến hành kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện và đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nội dung các chương trình tại các địa phương thụ hưởng trên địa bàn tỉnh.
Giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý đến 13/6/2024 là 2.855,8 tỷ đồng. So với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (7.365,6 tỷ đồng), tỷ lệ giải ngân đạt 38,77%; so với Kế hoạch Hội đồng nhân dân tỉnh giao (8.967,6 tỷ đồng), tỷ lệ giải ngân đạt 31,85% kế hoạch vốn. Trong đó, giải ngân nguồn vốn ngân sách địa phương là 30,57%, trong đó từ nguồn thu tiền sử dụng đất là 28,98%. Ngoài ra, giá trị giải ngân một số nguồn vốn khác như sau: Vốn Trung ương hỗ trợ theo mục tiêu là 39,35%; Vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia đạt 32,52%; Vốn nước ngoài (ODA) đạt 52,65% kế hoạch năm. So với cùng kỳ, tỷ lệ giải ngân cao hơn 1,99%.
Ước đến 30/6/2024, giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 do tỉnh quản lý là 3.934,1 tỷ đồng, đạt 53,41% kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 43,87% kế hoạch vốn do HĐND tỉnh giao. So với cùng kỳ, giá trị giải ngân cao hơn 812,6 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân cao hơn 11,36%.
e) Về thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp
Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư trong các tháng đầu năm 2024 tiếp tục được đẩy mạnh. Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã tổ chức đoàn xúc tiến đầu tư tại Thái Lan để mời gọi các dự án đầu tư trên các lĩnh vực du lịch, cảng biển, logistics... Vào ngày 29/3/2024, tỉnh tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định năm 2024 với sự tham gia của Lãnh đạo Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, các Cơ quan ngoại giao trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Hội nghị còn có sự tham gia của hơn 500 đại biểu là các Tỷ phú, các Tập đoàn, các Nhà đầu tư đến từ các nước Trung Đông, UAE, EU, Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Thái Lan… và các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên cả nước. Song song với Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định năm 2024, UBND tỉnh còn tổ chức các buổi làm việc doanh nghiệp một số quốc gia như: Israel, Hàn Quốc, UAE, Thái Lan... đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Bình Định.
Về đầu tư nước ngoài (FDI): Trong 6 tháng đầu năm chưa phát sinh dự án mới trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, toàn tỉnh có 89 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 1,18 tỷ USD; trong đó có 41 dự án trong Khu kinh tế và Khu công nghiệp (KKT, KCN) với tổng vốn đăng ký 931,9 triệu USD và 48 dự án ngoài Khu kinh tế và Khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký 245,4 triệu USD.
Về đầu tư trong nước: Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thu hút mới 24 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký là 2.960 tỷ đồng. Trong đó có 08 dự án trong KKT, KCN với tổng vốn đầu tư 374,1 tỷ đồng; 09 dự án trong CCN với tổng vốn đầu tư 694,6 tỷ đồng; 07 dự án ngoài KKT, KCN, CCN với tổng vốn đầu tư 1.891,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay đã thực hiện điều chỉnh 34 dự án với vốn đầu tư tăng thêm 692,4 tỷ đồng. Ước 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh thu hút được 27 dự án, đạt 27% kế hoạch cả năm.
Một số dự án lớn đã được chấp thuận chủ trương trong thời gian qua như: dự án Khu nhà ở kết hợp chỉnh trang đô thị tại khu vực phía Nam và phía Bắc đường Tăng Bạt Hổ, thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước của Liên danh Công ty CP Phú Tài và Công ty CP Đầu tư An Phát Land với tổng vốn đầu tư 861 tỷ đồng; Khu sản xuất, chế biến nông, lâm sản tập trung của Công ty Cổ phần Vinanutrifood Bình Địnhvới tổng vốn đầu tư 495 tỷ đồng...
Về phát triển doanh nghiệp: Trong 6 tháng đầu năm đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 600 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 5.000 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, tăng 9,13% về số doanh nghiệp đăng ký (cùng kỳ có 471 doanh nghiệp thành lập mới) và giảm 24,7% về vốn đăng ký (tổng vốn đăng ký cùng kỳ là 4.269 tỷ đồng). Trong kỳ có 35 doanh nghiệp giải thể, 425 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và 195 doanh nghiệp hoạt động trở lại.
g) Về phát triển kinh tế - xã hội miền núi
Tiếp tục triển khai có hiệu quả các Chương trình MTQG; các chính sách định canh, định cư, lồng ghép các chương trình, dự án giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, giải quyết đất đất ở, đất sản xuất cho người dân thuộc các huyện miền núi. Công tác giảm nghèo và an sinh xã hội miền núi tiếp tục được đảm bảo, tạo điều kiện cho Nhân dân tiếp cận ngày càng tốt hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản. Nhiều chính sách, xã hội được đi vào cuộc sống, đóng vai trò là đòn bẩy hỗ trợ các đối tượng yếu thế vươn lên, giúp người dân thấy được quyền lợi từ đó chung sức đồng lòng phát huy tiềm năng lợi thế phát triển kinh tế - xã hội. Mức thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đã được cải thiện. 2. Về văn hoá - xã hội
a) Hoạt động văn hoá, thông tin, thể dục thể thao, báo chí, phát thanh truyền hình tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, phát huy vai trò định hướng tư tưởng và dư luận xã hội. Đã tổ chức chu đáo các hoạt động mừng Đảng mừng Xuân; chào mừng Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam; Lễ Kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa; chương trình ngày hội Người Bình Định lần thứ VIII năm 2024 tại thành phố Hồ Chí Minh; Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ XVII năm 2024...; tuyên truyền các sự kiện chính trị lớn của đất nước, của tỉnh.
Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục triển khai rộng khắp, gắn kết với nhiều cuộc vận động, phong trào và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, qua đó góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa và dịch vụ văn hóa được triển khai thực hiện thường xuyên. Các hoạt động nghệ thuật, lễ hội dân gian truyền thống, thể dục thể thao quần chúng được tổ chức với nhiều nội dung đặc sắc, phong phú, góp phần nâng cao bản sắc văn hóa dân tộc và đời sống tinh thần cho nhân dân. Bên cạnh đó, phong trào thể dục - thể thao tiếp tục được duy trì; thể thao thành tích cao được quan tâm đầu tư và phát triển.
b) Về giáo dục và đào tạo: Đã hoàn thành nhiệm vụ năm học 2023 – 2024. Triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đã hoàn thành biên soạn tài liệu giáo dục địa phương lớp 5, lớp 9 và lớp 12; tổ chức tốt kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2023 - 2024; tập trung hoàn tất công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.
Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia tiếp tục đạt hiệu quả tốt. Nề nếp, kỷ cương trong dạy và học, trong kiểm tra đánh giá thi cử nghiêm túc, có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến tháng 6/2024, toàn tỉnh có 421/626 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 67,25%. Công tác bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực, đội tuyển học sinh giỏi lớp 12 của tỉnh tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia có 47 học sinh đạt giải, tăng 11 giải so với năm học trước (trong đó có 02 giải nhất, 03 giải nhì, 18 giải ba và 24 giải khuyến khích).
Công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ tiếp tục được duy trì vững chắc. Công tác xã hội hóa giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh, tạo được sự chuyển biến tích cực để thu hút các nguồn lực của xã hội, sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân đến sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn tỉnh.
c) Về y tế: Công tác phòng, chống dịch bệnh được tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả. Đảm bảo đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, công tác y tế dự phòng, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tiếp tục được quan tâm. Duy trì thường xuyên hoạt động truyền thông về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giám sát các nguy cơ ô nhiễm thực phẩm trong cộng đồng.
Thường xuyên chỉ đạo, giám sát, kiểm tra các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai thực hiện, tuân thủ các quy trình chuyên môn, kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình khám bệnh; triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ và cải thiện các điều kiện phục vụ sinh hoạt của người bệnh; nâng cao tinh thần trách nhiệm và phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế, đi đôi với đảm bảo vệ sinh môi trường và tạo dựng cảnh quan cơ sở y tế “xanh, sạch, đẹp” hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
d) Về tình hình lao động, giải quyết việc làm, an sinh xã hội: 6 tháng đầu năm, đã tạo việc làm mới cho trên 21.714 lao động, đạt 66,8% kế hoạch năm. Trong đó có 618 lao động đi làm việc tại nước ngoài (Nhật Bản 573 người, Hàn Quốc 7 người, Đài Loan 22 người, các nước khác 16 người), đạt 77,25% kế hoạch cả năm (kế hoạch năm 2024 là 800 người). Cho vay giải quyết việc làm: 6 tháng đầu năm 2024, các địa phương phê duyệt 11.122 dự án với tổng số tiền cho vay 615 tỷ đồng, qua đó đã giải quyết việc làm cho khoảng 13.000 lao động.
Tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các địa phương đã quan tâm rà soát phối hợp với các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác. Sáu tháng đầu năm 2024, tuyển sinh đào tạo nghề cho 8.275 người (trình độ cao đẳng 71 người, trung cấp 384 người, trình độ sơ cấp 6.669 người, dưới 3 tháng 1.151 người). Thực hiện Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 3.661 học sinh, sinh viên vay vốn ưu đãi học nghề với số tiền 158,1 tỷ đồng.
Công tác bảo trợ được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng. Nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, các cấp, các ngành, các địa phương đã tổ chức hoạt động cứu trợ, chăm lo đời sống các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; thăm hỏi các đơn vị làm nhiệm vụ trực Tết, các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, với tổng số kinh phí hơn 53,5 tỷ đồng và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã trao tặng với tổng số tiền trên 71,5 tỷ đồng.
Công tác giảm nghèo tiếp tục được quan tâm, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị công tác giảm nghèo giai đoạn 2024-2025; chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, dự án hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn nhằm góp phần cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo để hộ nghèo, hộ cận nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo trong năm 2024.
Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tiếp tục được quan tâm, triển khai thực hiện, trong đó đang đẩy mạnh thực hiện các nội dung thuộc Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; Chương trình Bảo vệ trẻ em...; tổ chức thăm và tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6...
e) Về khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông: Công tác quản lý nhà nước về công nghệ, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng được tăng cường. Các hoạt động trải nghiệm tại Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo được tổ chức ngày càng hiệu quả, thu hút đông đảo du khách.
Ngày 25/01/2024, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 19/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Mai vàng Bình Định. Việc cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Mai vàng Bình Định là một bước đột phá, khẳng định sự khác biệt của Mai vàng Bình Định so với mai trồng ở các địa phương khác, mở ra nhiều cơ hội cho người trồng mai trong tỉnh.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Ngành Thông tin và truyền thông đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức Chuyển đổi số năm 2024; trong đó tập trung các chuyên đề tập huấn kiến thức cơ bản về chuyển đổi số và nâng cao kiến thức, nghiệp vụ quản lý nhà nước trên nền tảng chuyển đổi số cho các cấp lãnh đạo từ cấp tỉnh đến cấp xã; tổ chức lớp bồi dưỡng nâng cao về an toàn thông tin cho cán bộ chuyên trách CNTT trong các cơ quan nhà nước.
Thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử gắn với các nhiệm vụ thuộc Đề án 06; trong đó, đưa vào sử dụng thử nghiệm Kho dữ liệu số dùng chung và các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành; đã thực hiện kết nối thử nghiệm Hệ thống thông tin nguồn tỉnh Bình Định với Hệ thống thông tin nguồn Trung ương đối với 101/159 Đài truyền thanh cấp xã; tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến đạt 78%, tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt 79.06%, tăng so hơn so với cùng kỳ năm 2023 và đạt chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao.
g) Hoạt động đối ngoại: Có nhiều cố gắng đổi mới và ngày càng mở rộng đến các địa phương, đối tác nước ngoài. Các đoàn khách ngoại giao, khách quốc tế đến tỉnh thăm, làm việc đều được đón tiếp chu đáo, trọng thị; công tác tuyên truyền, hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch ra nước ngoài, đôn đốc triển khai thực hiện các nội dung ký kết hợp tác với các địa phương, đối tác nước ngoài luôn được chú ý quan tâm; tổ chức nhiều sự kiện quan trọng tại tỉnh với quy mô lớn, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp, đối tác nước ngoài và các cơ quan, đơn vị trong nước. 3. Các hoạt động khối nội chính
a) Về xây dựng chính quyền và cải cách hành chính:
Đến nay, tỉnh Bình Định đã hoàn thành việc triển khai nhân viên bưu chính công ích thay thế công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và 100% Bộ phận cấp huyện. Đáng chú ý, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh đã thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của UBND thành phố Quy Nhơn và Bảo hiểm xã hội tỉnh kể từ ngày 01/4/2024. Triển khai thực hiện 25/43 nội dung về phân cấp, ủy quyền quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực theo Nghi quyết số 168/QN-CP ngày 29/12/2022 của Chính phủ. UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo kiểm tra hoạt động công vụ tỉnh, ban hành Kế hoạch và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là tại cấp xã. Ban hành Kế hoạch thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh đến năm 2025, với 11 chỉ tiêu cần thu hút, tập trung trong các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển; đồng thời, phê duyệt nhu cầu thu hút bác sĩ, dược sĩ vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế, với 175 chỉ tiêu; phê duyệt chính sách hỗ trợ một lần đối với 15 bác sĩ, dược sĩ và hỗ trợ thuê nhà hằng tháng đối với 49 bác sĩ, dược sĩ.
b) Công tác phòng, chống tham nhũng, thanh tra, kiểm tra tiếp tục được chỉ đạo triển khai theo kế hoạch, tập trung vào các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư, xây dựng cơ bản, tài chính - ngân sách và những vụ việc nổi cộm, bức xúc có dấu hiệu tiêu cực, vi phạm pháp luật. Công tác tiếp dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo thực hiện theo quy chế và giải quyết kịp thời các vụ việc bức xúc, khiếu nại đông người.
c) Quốc phòng an ninh được bảo đảm, công tác huấn luyện quân sự, giáo dục quốc phòng tiếp tục triển khai theo kế hoạch. Công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân của tỉnh đã hoàn thành 100% chỉ tiêu được giao, chất lượng tân binh được nâng cao; bảo vệ an toàn các ngày Lễ lớn của tỉnh và của đất nước. Các lực lượng chức năng đã chủ động nắm bắt tình hình, phát hiện, xử lý kịp thời nhiều vụ việc liên quan đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm được tăng cường; đã tổ chức nhiều đợt cao điểm ra quân tấn công, trấn áp các loại tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội và kiềm chế tai nạn giao thông. 4. Nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm:
4.1. Tiếp tục thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội theo hướng đổi mới về tư duy, nhận thức, cách hiểu, cách làm của cả hệ thống chính quyền theo tinh thần“làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá”; tăng cường tính chủ động, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong chỉ đạo, điều hành xử lý công việc.
Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; các Văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ, ngành Trung ương; các Chỉ thị, Nghị quyết của Tỉnh uỷ, Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ và Nghị quyết của HĐND tỉnh. Đặc biệt thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ, Nghị quyết số 75/NQ-HĐND ngày 06/12/2023 của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Quyết định số 4647/QĐ-UBND ngày 14/12/2023 và Công văn số 9495/UBND-TH ngày 14/12/2023 của UBND tỉnh về chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, quyết tâm, nỗ lực, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 đã đề ra.
4.2. Về sản xuất nông, lâm, thủy sản và quản lý tài nguyên, môi trường
Tập trung chỉ đạo chăm sóc, thu hoạch lúa vụ Hè Thu; triển khai kế hoạch sản xuất vụ Mùa theo kế hoạch; đồng thời, chuẩn bị các điều kiện để triển khai sản xuất vụ Đông Xuân 2024 - 2025. Tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản; triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn và các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thúc đẩy các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, nhằm tăng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp. Đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, xây dựng hoàn thành các tiêu chí còn lại ở các xã đăng ký hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2024, hướng dẫn lập hồ sơ trình xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới theo đúng quy định; đồng thời có giải pháp củng cố, duy trì các địa phương đã được công nhận. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), kịp thời phát hiện, tôn vinh, phát triển các sản phẩm tiêu biểu tại các địa phương, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò. Kịp thời phát hiện, xử lý, dập tắt ổ dịch, không để lây lan diện rộng. Tiếp tục triển khai tiêm phòng vaccine phòng bệnh gia súc, gia cầm. Đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, mở rộng đàn heo, nuôi gà đồi gắn với khuyến khích thu hút đầu tư các Nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; nhà máy chế biến và xuất khẩu thịt, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất ngành chăn nuôi.
Tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là công tác phòng, chống, ngăn chặn có hiệu quả nạn sử dụng xung điện, xiếc máy, chất nổ trong khai thác thủy sản. Tiếp tục chỉ đạo phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, hiệu quả. Triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển; thực hiện có hiệu quả các giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không theo quy định (IUU). Chuẩn bị chu đáo nội dung và các điều kiện có liên quan để tổ chức Lễ hội tinh hoa đất biển Bình Định năm 2024.
Tập trung đẩy mạnh công tác chuẩn bị đất, cây giống, triển khai kế hoạch trồng rừng năm 2024. Chú trọng các dự án trồng rừng cảnh quan, rừng phòng hộ; đẩy mạnh trồng rừng cây gỗ lớn gắn chứng chỉ FSC để phục vụ xuất khẩu; nghiên cứu Đề án kinh doanh tín chỉ carbon rừng; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ phá rừng, khai thác gỗ trái phép và triển khai quyết liệt phương án phòng, chống cháy rừng.
Triển khai quyết liệt, đồng bộ phương án xử lý vấn đề môi trường trên địa bàn tỉnh, nhất là trong vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý rác, chất thải, nước thải cả trong sản xuất và sinh hoạt; Kế hoạch quản lý chất thải rắn giai đoạn 2023 - 2025 định hướng đến năm 2030. Triển khai hiệu quả các nội dung Kế hoạch ra quân năm cao điểm xử lý vi phạm lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh kiểm tra và có biện pháp xử lý đối với tổ chức, cá nhân lấn chiếm đất đai, vi phạm bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất ở các khu, cụm công nghiệp, làng nghề và khu dân cư. Chú trọng thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà/công trình cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo quy định.
Tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn năm 2024, thực hiện các biện pháp tưới tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên các giải pháp đảm bảo nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng các công trình cung cấp nước sạch phục vụ người dân. Đồng thời, triển khai xây dựng kế hoạch phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai năm 2024, trong đó chú ý tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án thuỷ lợi, giao thông, công trình vượt lũ...
4.3. Về sản xuất công nghiệp, xây dựng
Các cấp, cách ngành tăng cường gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, nắm bắt được tình hình sản xuất kinh doanh, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động và kiến nghị của doanh nghiệp để kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án lớn sớm hoàn thành và đi vào hoạt động, tạo ra giá trị mới về sản xuất công nghiệp năm 2024. Phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng cuối năm 2024 đạt từ 7,5 – 8,0%.
Rà soát, đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp (CCN) tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng và nâng cao hiệu quả hoạt động các CCN, tạo điều kiện mặt bằng thuận lợi trong thu hút đầu tư, nhất là các CCN đang đầu tư xây dựng dở dang. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các Cụm công nghiệp như: CCN Nhơn Bình, CCN Quang Trung (TP. Quy Nhơn) và CCN Gò Đá Trắng (TX. An Nhơn).
Tổ chức triển khai các đề án khuyến công năm 2024 đã được phê duyệt. Ngành Công Thương phối hợp các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở công nghiệp nông thôn kiểm tra tình hình thực hiện đề án khuyến công năm 2024 đã được phê duyệt.
Đảm bảo cung ứng điện ổn định phục vụ tốt cho phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp; tổ chức kiểm tra giám sát việc thực hiện tiết kiệm điện của khách hàng sử dụng điện trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra phòng, chống cháy nổ trong mùa nắng nóng để bảo vệ tài sản và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tăng cường công tác quản lý đô thị, trật tự và chất lượng xây dựng trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục rà soát, chuẩn hóa xây dựng các khu đô thị mới, khu tái định cư trên địa bàn tỉnh gắn với xây dựng hạ tầng đô thị thông minh, hiện đại, đô thị kiểu mẫu. Kiểm tra, rà soát, xử lý đối với chung cư, nhà ở cũ do nhà nước quản lý, đặc biệt là các nhà ở, công trình đã xuống cấp, hư hỏng, không đảm bảo an toàn sử dụng, đề xuất phương án cải tạo, sửa chữa, xử lý, sắp xếp theo quy định.
Tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho người dân được mua nhà ở xã hội và tiếp cận vốn vay.
4.4. Về thương mại, dịch vụ, du lịch
Tiếp tục phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch. Đôn đốc các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, nhất là các mặt hàng chủ lực của tỉnh và các mặt hàng đang có thị trường tiêu thụ. Chuẩn bị chu đáo hàng hóa, nhất là hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu thiết yếu cho Nhân dân. Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp; kiểm tra việc niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tại các chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tư nhân; thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn; xử lý kiên quyết những trường hợp kinh doanh hàng hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không có nguồn gốc xuất xứ, đầu cơ tăng giá để thu lợi bất chính
Tăng cường tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến đầu tư về du lịch gắn với đa dạng hóa sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các địa phương Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; chuẩn bị chu đáo các điều kiện để tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao lớn trong dịp hè, như: Chuỗi sự kiện du lịch hè 2024, Chương trình Đại Nhạc hội, Giải chạy VnExpress Marathon Quy Nhơn 2024,… Phấn đấu 6 tháng cuối năm thu hút trên 2,4 triệu lượt khách du lịch; doanh thu du lịch trên 9.750 tỷ đồng.
Tăng cường quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, chú trọng vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Xây dựng chương trình, kịch bản để tổ chức các hoạt động văn hóa - du lịch theo Kế hoạch đề ra, như: Liên hoan Câu lạc bộ Nghệ thuật bài Chòi dân gian Bình Định mở rộng, Liên hoan võ thuật quốc tế, các hoạt động hè,... nhằm tạo tác động lan tỏa, thu hút du khách đến Bình Định. Nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển kinh tế ban đêm, trọng tâm là các hoạt động vui chơi, giải trí về đêm tại thành phố Quy Nhơn. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch. Tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các ngành dịch vụ bưu chính - viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải... để phục vụ tốt hơn cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện hiệu quả các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa; đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh. Tập trung hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm, nhất là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực địa phương như: Lợn, gà, bưởi, dừa, quýt, xoài, ớt... cả trong ngắn hạn và dài hạn; chú trọng liên kết với các đơn vị lữ hành, nhà hàng, khách sạn, khu, điểm du lịch,... để tiêu thụ nông sản cho người dân. Nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm; hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
4.5. Về tài chính, thu ngân sách:Tiếp tục theo dõi, đôn đốc thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước từng tháng, quý theo Kế hoạch đã đề ra nhằm đảm bảo thực hiện hoàn thành Nghị quyết của HĐND tỉnh và Quyết định của UBND tỉnh về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Kịp thời điều chỉnh kịch bản thu chi ngân sách nhà nước cho phù hợp với tình hình thực tế.
Tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp tăng thu ngân sách, nhất là thu thuế công thương nghiệp - ngoài quốc doanh, thu tiền sử dụng đất, các khoản thu khác; kích thích tạo nguồn thu mới; tăng cường công tác quản lý thu và chống thất thu ngân sách nhà nước. Tập trung tháo gỡ các vướng mắc về các vấn đề liên quan đến giá đất cụ thể để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo các quy định mới của Trung ương.Điều hành chi chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định, đảm bảo cân đối thu chi, phù hợp quy định pháp luật và tình hình thực tế địa phương.
Đối với các đơn vị tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất, khẩn trương rà soát, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với các lô đất ở đã hoàn tất các hồ sơ, thủ tục theo quy định.
4.6. Trên lĩnh vực thu hút đầu tư và đầu tư phát triển: Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Tập trung xúc tiến, thu hút các dự án có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; kịp thời nắm bắt, xử lý khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhất là thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Huy động mọi nguồn vốn nhằm đáp ứng yêu cầu chi đầu tư; đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ nhằm tăng nguồn cho đầu tư các công trình trọng điểm trên địa bàn.
Tập trung đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; theo dõi, đôn đốc tiến độ chuẩn bị đầu tư, đấu thầu, giải phóng mặt bằng và tiến độ thi công xây dựng hoàn thành một số công trình, dự án trọng điểm của tỉnh về giao thông, thủy lợi, y tế, văn hóa... Thực hiện tốt 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến hết quý III/2024 đạt trên 60%; đến hết quý IV/2024 đạt trên 90% (riêng kế hoạch vốn năm 2023 được cấp thẩm quyền cho phép kéo dài sang năm 2024 đạt 100%) và đến hết ngày 31/01/2025 phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch vốn năm 2024.
Quyết liệt giải phóng mặt bằng, thúc đẩy tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm, đẩy nhanh việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo tinh thần lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút mọi nguồn lực xã hội. Tập trung tháo gỡ dứt điểm khó khăn về cung ứng vật liệu thi công, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư, lựa chọn nhà thầu các dự án, công trình trọng điểm, các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn.
4.7. Tập trung tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, hoàn thành việc tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2024-2025. Chỉ đạo nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập trong các trường phổ thông trong đó có chất lượng dạy và học tiếng Anh trong nhà trường; đẩy mạnh thực hiện công tác chuyển đổi số trong giáo dục. Thực hiện tốt các hoạt động hè cho giáo viên và học sinh; khẩn trương xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp trong dịp hè và các nội dung công việc có liên quan nhằm phục vụ tốt cho khai giảng năm học mới và triển khai thực hiện nhiệm vụ học kỳ I năm học 2024 – 2025.
4.8. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa và dịch vụ văn hóa. Đẩy mạnh phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu; phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao. Chuẩn bị chu đáo nội dung tổ chức các hoạt động Ngày Gia đình Việt Nam 28 tháng 6. Tăng cường công tác quản lý báo chí và các hoạt động xuất bản trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
Tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Văn hóa và Thể thao xây dựng hồ sơ khoa học Võ cổ truyền Bình Định trình UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; xây dựng “Đề án phát triển thành phố Quy Nhơn trở thành trung tâm văn hóa phía Nam của vùng” theo Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 của Chính phủ.
4.9. Tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả công tác y tế dự phòng; chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh; đảm bảo an toàn trong tiêm chủng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giảm quá tải trong khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh. Tập trung chỉ đạo rà soát, sửa chữa, mua sắm kịp thời trang thiết bị y tế, đầu tư, nâng cấp các cơ sở y tế gắn với thu hút, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tăng cường công tác quản lý nhà nước và tạo điều kiện thúc đẩy y tế tư nhân phát triển theo quy định của pháp luật. Tăng cường phối hợp y tế công - tư trong cung ứng dịch vụ y tế.
4.10. Thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa và bảo đảm an sinh xã hội. Chú trọng đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm; xuất khẩu lao động. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và giảm nghèo bền vững. Chỉ đạo thực hiện tốt chính sách đối với người có công với nước, chính sách đối với hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số; kịp thời giúp đỡ, cứu trợ các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và cứu tế xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em. Tổ chức tốt các hoạt động nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sỹ. Thực hiện chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở, hỗ trợ về giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, tổ chức điều dưỡng tập trung, điều dưỡng tại nhà cho đối tượng có công theo đúng tiến độ; chú trọng hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp và người có thu nhập thấp.
4.11.Tập trung triển khai kế hoạch chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh đồng bộ, hiệu quả.Tập trung triển khai các nhiệm vụ thuộc dự án Đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng của mô hình chính quyền điện tử tỉnh giai đoạn 2021 – 2025; các nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2024, Tiếp tục xây dựng, định hướng nội dung thông tin, tuyên truyền định kỳ hàng tháng, phát sinh theo hướng dẫn và ý kiến chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh.
Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống; ứng dụng khoa học và công nghệ cho các sản phẩm OCOP phát triển thành hàng hóa với năng suất cao, chất lượng tốt được sản xuất ở quy mô lớn, phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu. Tiếp tục triển khai Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2025; Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc; Đề án tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
4.12. Tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền các cấp; tăng cường phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đồng bộ trên các lĩnh vực cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06, nhất là trong công tác giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Ban hành Kế hoạch và chỉ đạo việc tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt việc cải thiện, nâng cao kết quả các Chỉ số PAR index, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh trong năm 2024. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, nhất là tại các đơn vị cấp xã. Triển khai thực hiện hiện quả công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025.
Chỉ đạo kiên quyết, có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tập trung giải quyết kịp thời, đúng chính sách, pháp luật các vụ khiếu nại, tố cáo của công dân, không để xảy ra khiếu kiện đông người, vượt cấp, gây mất trật tự, an toàn xã hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến và giáo dục pháp luật. Thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại các cơ quan, đơn vị.
4.13. Tăng cường công tác quốc phòng an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2024 theo kế hoạch. Tăng cường chỉ đạo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, tín dụng đen và các tệ nạn xã hội khác; triển khai kế hoạch bảo vệ các ngày lễ lớn của đất nước và tỉnh; thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ theo Đề án 06 của Chính phủ. Tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông, phòng chống cháy nổ, đảm bảo an toàn lao động
Phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính liên thông trong lĩnh vực Đầu tư tại Việt Nam thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Kế hoạch và Đầu tư