Ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Thứ hai - 22/07/2024 14:54
Nhằm xác định nhiệm vụ của các bộ, ban, ngành và địa phương trong việc triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 16/7/2024;
* Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra các chính sách và giải pháp thực hiện Quy hoạch như sau: 1. Thu hút nguồn vốn cho phát triển hạ tầng giao thông hàng không - Cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không theo lộ trình quy hoạch đã được phê duyệt, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư phát triển hạ tầng giao thông hàng không và các hạ tầng liên quan tại khu vực. Tăng cường sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương để bố trí nguồn lực thực hiện khả thi, hiệu quả các mục tiêu của quy hoạch. - Huy động tối đa nguồn vốn của xã hội đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các cảng hàng không mới. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế đầu tư nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không đang khai thác theo phương thức đối tác công tư và các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. - Nghiên cứu, xây dựng cơ chế cho phép các đơn vị hàng không dân dụng được đầu tư, vận hành, khai thác công trình trên đất, tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Bộ Quốc phòng quản lý tại các cảng hàng không, sân bay lưỡng dụng bảo đảm đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai và các quy định của pháp luật khác có liên quan. - Tiếp tục nghiên cứu cơ chế phân cấp đầu tư, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông hàng không theo yêu cầu của Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước. 2. Phát triển nguồn nhân lực - Tiếp tục tổ chức hoặc cử nhân sự trong lĩnh vực hàng không tham dự các khóa đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ trong nước và nước ngoài; phối hợp với các cơ sở đào tạo, huấn luyện chuyên ngành tăng cường phát triển nguồn nhân lực ngành hàng không dân dụng, bảo đảm cả về chất lượng cũng như số lượng. - Tiếp tục phát triển đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên sâu, trình độ cao để tham gia vào việc xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, giải quyết các vấn đề kỹ thuật, công nghệ phức tạp trong phát triển hàng không dân dụng. - Có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường hợp tác với các đối tác, các tổ chức quốc tế nhằm phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực hàng không dân dụng. 3. Phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ - Hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về hàng không (vận tải, hạ tầng, phương tiện, người điều khiển, doanh nghiệp...), chú trọng công tác bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin đối với hệ thống thông tin, sử dụng các phần mềm để hỗ trợ lập kế hoạch đầu tư và bảo trì công trình. - Tiếp tục đầu tư, phát triển các hệ thống phần mềm phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hàng không, làm cơ sở phát triển và sử dụng có hiệu quả cơ chế một cửa quốc gia để phục vụ người dân và doanh nghiệp. - Đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại, đặc biệt là những thành tựu công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng nền tảng số trong quá trình xây dựng, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng hàng không (trong đó ưu tiên cho hạ tầng kỹ thuật bảo đảm hoạt động bay) và lĩnh vực cung cấp dịch vụ vận tải, logistics. - Phát triển đội tàu bay phù hợp với nhu cầu thị trường, hạ tầng cảng hàng không, năng lực khai thác, bảo dưỡng của các hãng hàng không và năng lực giám sát an toàn khai thác tàu bay của nhà chức trách hàng không. 4. Bảo đảm an sinh xã hội Nghiên cứu đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không tại vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo; các cảng hàng không có hoạt động quân sự thường xuyên và các cảng hàng không khác trong hệ thống để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, công tác khẩn nguy, cứu trợ. 5. Bảo vệ môi trường - Tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường, thực hiện các giải pháp nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phòng chống thiên tai. - Thực hiện việc xây dựng bản đồ tiếng ồn cho các cảng hàng không lớn; cung cấp, trao đổi thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn phục vụ cảnh báo, dự báo trong hoạt động hàng không dân dụng và phòng chống thiên tai. - Phát triển đội tàu bay theo hướng sử dụng các thế hệ tàu bay áp dụng công nghệ mới, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường. - Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, bảo vệ môi trường trong xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống cảng hàng không, đáp ứng các tiêu chí công trình xanh. - Tăng cường hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế trong công tác nghiên cứu, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. 6. Bảo đảm nguồn lực tài chính - Nghiên cứu xây dựng cơ chế tài chính để doanh nghiệp cảng hàng không và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bảo đảm hoạt động bay đủ năng lực tự đầu tư, quản lý và khai thác các công trình hạ tầng cảng hàng không và công trình kỹ thuật bảo đảm hoạt động bay. - Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các chính sách về giá, phí dịch vụ hàng không dân dụng để nâng cao hiệu quả khai thác đường bay, tăng tính hấp dẫn đối với các doanh nghiệp kinh doanh hàng không, thu hút hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư các cảng hàng không. 7. Bảo đảm quốc phòng, an ninh - Nghiên cứu phát triển các sân bay chuyên dùng tại các đảo, quần đảo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh và chủ quyền biển đảo. - Tiếp tục tăng cường chủ động phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ chủ quyền và thực hiện quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia về biển, đảo. 8. Phát triển công nghiệp hàng không - Khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia cung ứng vật tư, phụ tùng, sản phẩm từng công đoạn...; liên doanh, liên kết trong và ngoài nước để huy động vốn, chuyển giao công nghệ, tiếp cận và áp dụng công nghệ, phương tiện kỹ thuật hàng không tiên tiến. - Tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư vào công nghiệp sản xuất hàng không, phát triển dịch vụ bảo dưỡng tàu bay; từng bước nghiên cứu phát triển, sản xuất phương tiện kỹ thuật hàng không. 9. Hợp tác quốc tế - Tăng cường liên kết, hợp tác với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực và các quốc gia có ngành hàng không phát triển; liên kết chuyển giao công nghệ quản lý, đầu tư xây dựng; tăng cường phối hợp trong công tác đào tạo, huấn luyện nâng cao trình độ, học tập trao đổi kinh nghiệm giữa các nước. - Phát triển các đường bay quốc tế trực tiếp giữa các cảng hàng không của Việt Nam với các cảng hàng không đầu mối của các quốc gia nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển, tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành./.
Phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính liên thông trong lĩnh vực Đầu tư tại Việt Nam thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Kế hoạch và Đầu tư