Trong giai đoạn tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, trong khi đó kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn rủi ro, đặt ra nhiều thách thức cho quá trình phát triển bền vững, thêm vào đó có diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, do đó nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn 2021 - 2025 hết sức nặng nề. Để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, vượt qua khó khăn, thách thức, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo, ngày 13/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025, đồng thời tiến hành xây dựng Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025 để phê duyệt và triển khai thực hiện ngay khi Kế hoạch được cấp có thẩm quyền thông qua.
Cụ thể, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025 phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2016 - 2020, các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và dự báo tình hình trong nước, thế giới, khu vực trong giai đoạn tới tác động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; từ đó xác định mục tiêu phát triển của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 phù hợp với mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.
Trên cơ sở tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các năm 2016 - 2019 và dự kiến kế hoạch năm 2020, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đánh giá toàn diện việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2016 - 2020 trên tất cả các ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, quản lý; trong đó cần bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được thông qua tại Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và HĐND các cấp về phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2016 - 2020; đánh giá đầy đủ, thực chất, chính xác các kết quả đạt được, các yếu kém, khó khăn, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm và bài học kinh nghiệm để có biện pháp khắc phục cho giai đoạn tới, trong đó có đánh giá các tác động của thiên tai, dịch bệnh như đại dịch Covid-19.
Về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương nghiên cứu, xác định những vấn đề cơ bản, trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu như: Bối cảnh xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu chủ yếu cùng một số cân đối lớn và các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu bao gồm việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy phát triển các vùng và khu kinh tế theo quy hoạch đã được phê duyệt, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, cải cách tư pháp, củng cố quốc phòng - an ninh, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế...
Trên cơ sở các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ chủ yếu đó, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cụ thể hóa các cơ chế, giải pháp, chính sách để thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025. Cơ chế, giải pháp, chính sách phải bảo đảm sự thống nhất về nguyên tắc, mục tiêu chung, đồng thời phải phù hợp với điều kiện thực tiễn và trình độ phát triển của từng ngành và từng địa phương