1. Về sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, quản lý tài nguyên, môi trường
Trọng tâm sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tháng 02/2021 là tập trung sản xuất các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau quả... đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Chủ động có biện pháp phòng, chống rét, dịch bệnh đối với vật nuôi và cây trồng, bảo vệ phát triển sản xuất hiệu quả, kịp thời để không làm ảnh hưởng đến nguồn cung ứng thực phẩm. Tiếp tục chỉ đạo tổ chức tốt các đợt ra quân khai thác hải sản, chủ động các biện pháp hỗ trợ ngư dân phòng tránh rủi ro, yên tâm vươn khơi bám biển trong mùa khai thác hải sản.
Về trồng trọt: Trong tháng 02/2021, ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện gieo sạ, chăm sóc cây trồng vụ Đông Xuân 2020-2021. Đến nay, toàn tỉnh đã gieo sạ 47.486 ha lúa, đạt 99,1% kế hoạch, giảm 1,4% so với cùng kỳ. Hiện nay, lúa Đông Xuân sinh trưởng và phát triển khá tốt. Tiến độ gieo trồng một số cây trồng cạn như sau: Cây ngô đạt 2.120 ha, tăng 1,5%; lạc đạt 7.838 ha, tăng 5,5%; rau các loại đạt 5.413 ha, tăng 2,8%; đậu các loại đạt 1.132 ha, tăng 1,4% so với cùng kỳ. Tính đến cuối tháng 02, dung tích toàn bộ các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh là 559 triệu m3, đạt 95% dung tích thiết kế.
Trong tháng 02, tình hình chăn nuôi nhìn chung ổn định, bệnh dịch tả heo châu Phi, dịch cúm gia cầm và một số dịch bệnh khác được kiểm soát chặt chẽ nên không phát sinh. Công tác tái đàn heo tiếp tục được đẩy mạnh ngay từ đầu năm. Chương trình phát triển chăn nuôi gà thả đồi tại các huyện miền núi và huyện Hoài Ân đã mang lại hiệu quả, đàn gà sinh trưởng, phát triển tốt, các hộ chăn nuôi đã xuất bán gà trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, được thị trường ưa chuộng, đánh giá cao. Đến cuối tháng 02, đàn heo của tỉnh trên 669.850 con, tăng 10,8%; đàn bò trên 296.350 con, tăng 0,8%; đàn gia cầm trên 8,7 triệu con, tăng 4,3% so với cùng kỳ.
Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu sức mua về thực phẩm tăng cao, nguồn cung thịt bò hơi, lợn hơi và gia cầm dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn và xuất bán ngoài tỉnh. Sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng 2 tháng đầu năm 2021 ước đạt 18.650,3 tấn, tăng 13,9% so với cùng kỳ; thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 7.005,2 tấn, tăng 7,3%; thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 297,2 tấn, tăng 2,8%; thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 4.235 tấn, tăng 5,7%; trong đó, thịt gà hơi xuất chuồng ước đạt 3.413 tấn, tăng 6,6% so với cùng kỳ.
Về lâm nghiệp: Sản xuất lâm nghiệp trong tháng 02 tập trung chủ yếu là công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Hiện nay, các đơn vị đang chuẩn bị để thực hiện chăm sóc rừng trồng lần 1 theo kế hoạch. Diện tích rừng đang thực hiện khoán bảo vệ là 121.250 ha, giảm 0,8% so với cùng kỳ. Sản lượng gỗ khai thác tháng 02 ước đạt 45.020 m3, tăng 0,4% so với cùng kỳ. Ngành Kiểm lâm phối hợp với các ngành, các địa phương thực hiện nghiêm túc công tác bảo vệ và phát triển rừng, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, tổ chức lực lượng chốt chặn các trạm. Trong tháng, trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng, phá rừng, chiếm đất lâm nghiệp.
Về thủy sản: Tháng 02 nằm trong dịp Tết Nguyên đán nên số lượng tàu tham gia khai thác thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, sản lượng khai thác thủy sản tháng 02 giảm nhẹ so với cùng kỳ (giảm 1,1%).
Lũy kế từ đầu năm đến nay, sản lượng thủy sản ước đạt 25.051,2 tấn, tăng 0,8%. Trong đó sản lượng khai thác thuỷ sản ước đạt 24.885 tấn, tăng 0,8%, trong đó sản lượng khai thác cá ngừ đại dương ước đạt 1.730 tấn, giảm 20,9% so với cùng kỳ; sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 166,1 tấn, tăng 4% so với cùng kỳ. Công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các khu vực trọng điểm vẫn được duy trì thường xuyên, liên tục, hiệu quả.
Công tác khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) tiếp tục triển khai thực hiện. Đã tổ chức 09 đợt tuần tra kiểm soát ngăn chặn tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp tại khu vực đầm Thị Nại và cửa biển Quy Nhơn, không phát hiện trường hợp vi phạm.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục triển khai có hiệu quả. Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh đã họp cho ý kiến về công nhận 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 và đề nghị Trung ương xem xét thẩm định, công nhận huyện Tuy Phước đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
Công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường, sinh thái trên địa bàn tỉnh tiếp tục được tăng cường. Trong tháng đã giao đất 02 trường hợp, diện tích 0,33 ha; cho thuê đất 05 trường hợp, diện tích 68,84 ha; giao đất 12 khu dân cư, diện tích 15,23 ha; gia hạn khu dân cư 09 trường hợp, diện tích 1,45 ha. Xây dựng giá đất ở cụ thể tái định cư, giá đất ở theo giá thị trường để thu tiền sử dụng đất và xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất để phục vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng của 04 công trình, dự án. Tổ chức thẩm định Kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của 11 huyện, thị xã, thành phố.
2. Về sản xuất công nghiệp
Hai tháng đầu năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 bùng phát ở một số địa phương trong nước nhưng hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, nguồn cung ứng nguyên liệu sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp được đảm bảo. Tết Nguyên đán Tân Sửu diễn ra trong tháng 02 nên thời gian sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong tháng ngắn hơn so với cùng kỳ. Vì vậy ngay từ đầu tháng, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo nguồn hàng cung ứng đủ và kịp thời ra thị trường. Sau Tết, nhìn chung các doanh nghiệp đều hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định trở lại.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) hai tháng đầu năm tăng 7,05% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm ngành công nghiệp khai khoáng tăng 5%; nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,07%; nhóm ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 100,88%; nhóm ngành hoạt động cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải giảm 3,65%.
Bên cạnh một số ngành sản xuất có sự tăng trưởng như ngành chế biến thực phẩm tăng 7,04%, dệt may tăng 11,23%... thì một số ngành còn gặp khó khăn, phải thu hẹp quy mô sản xuất. Nhóm ngành sản xuất đồ uống, sản xuất da… tiếp tục chịu tác động tiêu cực do dịch Covid-19, chỉ số sản xuất giảm lần lượt 2,42% và 2,5%. Mặc dù chưa thể hồi phục như trước khi xảy ra dịch Covid-19 nhưng các khó khăn của 2 ngành từng bước được khắc phục, dần ổn định sản xuất. Ngoài ra, nhóm ngành chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế gỗ gặp khó khăn do Cảng Quy Nhơn đang thiếu container rỗng chứa hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, dự báo ngành này sẽ sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại.
3. Về thương mại, dịch vụ, tài chính
Trong tháng 02, tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định, lưu thông thông suốt, các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên thị trường đa dạng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán, không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá gây bất ổn thị trường. Tại thị trường miền núi, vùng sâu vùng xa nhờ thực hiện phương án bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tổ chức bán hàng bình ổn tại các điểm cố định, lưu động nên đã cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho bà con.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 02 ước đạt 6.897 tỷ đồng, giảm 4,1% so với tháng trước và tăng 6,5% so với cùng kỳ. Tính chung 02 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 14.087 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ. Xét theo ngành hàng, doanh thu bán lẻ hàng hóa 02 tháng đầu năm ước đạt 11.911 tỷ đồng, tăng 6,2%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 1.523 tỷ đồng, tăng 7,3%; doanh thu dịch vụ lữ hành ước đạt 7,3 tỷ đồng, giảm 29,8%; doanh thu hoạt động dịch vụ ước đạt 645 tỷ đồng, giảm 0,1% so với cùng kỳ. Trong 02 tháng đầu năm, Cục Quản lý thị trường đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra 155 vụ; phát hiện vi phạm và xử lý 43 vụ; thu nộp ngân sách nhà nước trên 240 triệu đồng.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 02 tăng 2,02% so với tháng trước và tăng 2,32% so cùng kỳ. Bình quân 2 tháng đầu năm 2021 tăng 1,05% so với cùng kỳ.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 02 ước đạt 74,7 triệu USD, giảm 26,4% so với tháng trước và tăng 3,7% so cùng kỳ. Tính chung 02 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 176,1 triệu USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ; đặc biệt kim ngạch xuất khẩu thủy hải đã tăng trở lại sau thời gian suy giảm do tác động của dịch Covid-19, đạt 11,5 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ, chiếm 6,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu khác của tỉnh có sự tăng trưởng trong thời gian qua như: Xuất khẩu sản phẩm gỗ tăng 13,4%; gỗ tăng 3,4%; gạo tăng 20,4% so với cùng kỳ. Trong khi đó hàng dệt may giảm 40,1% so với cùng kỳ.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 02 ước đạt 24,7 triệu USD, giảm 40,7% so với tháng trước và tăng 3,6% so cùng kỳ. Tính chung 02 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 66,3 triệu USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ.
Về du lịch: Dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 01 đã tác động tiêu cực đến lĩnh vực du lịch làm cho lượng khách đến tỉnh giảm mạnh, tỷ lệ khách hủy phòng khách sạn lên đến 50% - 60% và hủy tour du lịch lên đến 70% - 80%. Đến cuối tháng 02, ngành du lịch của tỉnh đón được trên 538.000 lượt khách, giảm 0,9% so với cùng kỳ, trong đó khách du lịch quốc tế giảm đến 80%. Tổng doanh thu du lịch 02 tháng đầu năm đạt khoảng 663 tỷ đồng, giảm 6,5% so với cùng kỳ.
Dịch vụ vận chuyển hành khách 02 tháng đầu năm ước đạt 5,2 triệu hành khách, giảm 14,5% và luân chuyển 510,7 triệu hành khách.km, giảm 14% so với cùng kỳ. Vận tải hàng hoá ước đạt 5,5 triệu tấn, tăng 15,9%; luân chuyển 716 triệu tấn.km, tăng 12,8% so với cùng kỳ.
Hàng hoá thông qua cảng biển tháng 02 ước đạt 852 nghìn TTQ, giảm 14,9% so với cùng kỳ. Tính chung 02 tháng đầu năm, hàng hoá thông qua cảng biển ước đạt 1,85 triệu TTQ, tăng 5,6% so với cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách nhà nước đến cuối tháng 02 là 2.259 tỷ đồng, đạt 21,4% dự toán năm và tăng 35,7% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa (trừ tiền sử dụng đất; xổ số kiến thiết; thu cổ tức, lợi nhuận được chia và lợi nhuận còn lại) là 1.092 tỷ đồng, đạt 18,8% dự toán năm, giảm 10,1% so với cùng kỳ. Riêng thu tiền sử dụng đất là 953 tỷ đồng, đạt 28,9% dự toán năm, tăng 169,3% so với cùng kỳ; thu xuất nhập khẩu là 157,7 tỷ đồng, đạt 20% dự toán năm, tăng 169,4% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương là 3.042 tỷ đồng, đạt 19,9% dự toán năm, tăng 41,1% so với cùng kỳ. Trong đó, chi thường xuyên là 1.132 tỷ đồng, đạt 16,6% dự toán năm, giảm 6,9% so với cùng kỳ.
Tổng nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tính đến cuối tháng 02 đạt 74.577 tỷ đồng, tăng 12,62%; tổng dư nợ đạt 84.905 tỷ đồng, tăng 1,1% so với cùng kỳ, trong đó nợ xấu chiếm tỷ lệ 1,65% so với tổng dư nợ.
4. Về thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp
Về đăng ký kinh doanh: Trong tháng 02 đã tiến hành cấp Giấy chứng nhận đăng ký cho 52 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 285 tỷ đồng, so với cùng kỳ giảm 11,8% về số doanh nghiệp đăng ký và giảm 24% về vốn đăng ký. Thực hiện cấp đăng ký cho 57 Chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh; đăng ký thay đổi 194 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện; giải thể và chấm dứt hoạt động 12 trường hợp; tạm ngừng hoạt động 21 trường hợp.
Về đầu tư trong nước: Trong 02 tháng đầu năm đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 15 dự án với tổng vốn đầu tư trên 23.768 tỷ đồng, trong đó có 03 dự án trong KKT và KCN với tổng vốn đăng ký trên 48 tỷ đồng; 12 dự án ngoài KKT và KCN với tổng vốn đầu tư trên 23.720 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước tăng 2,14 lần về số dự án và 25 lần về tổng vốn đầu tư.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Trong 02 tháng đầu năm chưa phát sinh dự án mới trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, toàn tỉnh có 83 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 984 triệu USD.
5. Về thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển
Ngành Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tham mưu UBND tỉnh giao Kế hoạch đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương năm 2021 ngay từ đầu năm và thông báo chi tiết đến từng Chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động triển khai có hiệu quả hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn.
Trong tháng các Chủ đầu tư tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm của tỉnh. Tiếp tục nâng cao chất lượng quản lý về xây dựng cơ bản; đẩy mạnh việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn đã giao.
Tính đến cuối tháng 02, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý là 1.322 tỷ đồng tỷ đồng, đạt 14,84% kế hoạch năm. Trong đó, giải ngân nguồn vốn đầu tư tập trung là 110 tỷ đồng, đạt 19,85%; nguồn cấp quyền sử dụng đất là 243 tỷ đồng, đạt 7,37%; vốn xổ số kiến thiết là 12,3 tỷ đồng, đạt 11,21% kế hoạch năm. Ngoài ra, giá trị giải ngân một số nguồn vốn khác như sau: Vốn Trung ương hỗ trợ theo mục tiêu là 845,7 tỷ đồng, đạt 53,63%; vốn nước ngoài (ODA) là 90,3 tỷ đồng, đạt 14,7% kế hoạch năm…
6. Về văn hoá - xã hội
Về giáo dục và đào tạo: Ngành Giáo dục và Đào tạo đã triển khai kịp thời và nghiêm túc các chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, học viên sau Tết Nguyên đán đến hết ngày 28/02/2021. Thường xuyên kiểm tra tình hình phòng, chống dịch bệnh trong các cơ sở giáo dục. Một số hoạt động phải tập trung đông cán bộ, giáo viên, học sinh đã được tạm hoãn và chỉ tổ chức lại vào thời gian thích hợp.
Về văn hóa và thể thao: Tổ chức thành công các Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và đón giao thừa Xuân Tân Sửu 2021; Lễ kỷ niệm 232 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (1789-2021) và tổ chức thực hiện biểu tượng linh vật năm 2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các lễ hội đã thực hiện giảm quy mô, thời gian tổ chức, hạn chế các hoạt động tập trung đông người, đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả ở một số địa phương. Các hoạt động thể thao quần chúng, các giải thi đấu thể thao trong tỉnh được triển khai theo kế hoạch.
Về y tế: Ngành Y tế đã tập trung chủ yếu thực hiện kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh; tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các Bệnh viện, Trung tâm y tế giám sát, điều tra dịch tễ kịp thời, không để phát sinh dịch bệnh; đồng thời, tuyên truyền, vận động hạn chế đến mức tối đa việc tập trung nhiều người tại lễ hội, lễ tang, nghi lễ tôn giáo, tiệc mừng... Đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm dịch bệnh Covid-19.
Về lao động, việc làm, an sinh xã hội: Công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách tiếp tục được thực hiện. Nhân dịp Tết Nguyên đán, các cấp, các ngành đã tổ chức các hoạt động cứu trợ, chăm lo đời sống các gia đình chính sách, người có công, người nghèo, gia đình bị thiệt hại ở các vùng lũ, đồng bào dân tộc thiểu số; thăm hỏi các đơn vị làm nhiệm vụ trực Tết, các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn… với tổng số tiền hơn 50 tỷ đồng. Ngoài ra, trong thời gian trước Tết, nhiều tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã có những nghĩa cử cao đẹp, tham gia quyên góp và trực tiếp hỗ trợ, cứu trợ cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ bị thiệt hại tại các vùng lũ lụt… trên 126.700 suất quà, với tổng số tiền trên 52,2 tỷ đồng, góp phần làm ấm lòng những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong dịp đón Tết cổ truyền của dân tộc