1. Về sản xuất nông, lâm ngư nghiệp, quản lý tài nguyên, môi trường
Về trồng trọt: Trong tháng 7/2021, các địa phương trong tỉnh tập trung thu hoạch cây trồng vụ Hè và chăm sóc lúa vụ Thu, chuẩn bị tốt các điều kiện về giống, vật tư, phân bón để triển khai sản xuất các loại cây trồng vụ Mùa theo kế hoạch. Trong vụ Hè Thu, do thời tiết nắng nóng kéo dài và xảy ra khô hạn cục bộ, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo người dân chỉ sản xuất cây lúa ở vùng có đủ nước tưới suốt vụ, diện tích không đủ nước tưới chuyển sang cây trồng cạn sử dụng ít nước tưới nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế như: Ngô, lạc,…
Đến cuối tháng 7/2021, diện tích lúa vụ Hè Thu đã thu hoạch đạt 6.251 ha/41.278 ha, đạt 15,1% kế hoạch. Dự kiến diện tích lúa vụ Hè thu hoạch xong vào đầu tháng 8/2021; lúa vụ Thu đang giai đoạn trỗ - chắc xanh, bắt đầu thu hoạch rộ khoảng từ ngày 10/8/2021. Tiến độ thu hoạch một số cây trồng cạn chính như sau: Cây ngô 1.447 ha, đạt 48,3%; cây lạc 757 ha, đạt 42,3%; cây vừng 1.290 ha đạt 47,9% diện tích thực hiện.
Về nguồn nước tưới: Tính đến cuối tháng 7, dung tích các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đo được 150/590 triệu m3, đạt 25,4% thiết kế, tăng 25% so với cùng kỳ; trong đó, các hồ chứa do Công ty TNHH Khai thác CTTL Bình Định quản lý là 141/549 triệu m3, đạt 25,6% thiết kế, các hồ chứa do địa phương quản lý đạt 09/41 triệu m3, đạt 23% thiết kế. Hiện nay nguồn nước tại các hồ chứa đang được điều tiết phù hợp với tình hình thời tiết để phục vụ tưới phục vụ sản xuất vụ Mùa.
Về chăn nuôi: Đối với bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò, đến nay đã cơ bản khống chế được dịch bệnh trên địa bàn 02 xã Cát Thành và Cát Khánh, huyện Phù Cát (02 xã đầu tiên phát và bị ảnh hưởng nặng nhất trên địa bàn tỉnh). Đã thực hiện tiêm vaccine phòng bệnh cho trâu, bò với tỷ lệ khoảng 85% tổng đàn. Trong thời gian tới, dịch bệnh tiếp tục có xu hướng giảm và tiến tới kiểm soát được dịch bệnh.
Tính đến cuối tháng 7, đàn trâu của tỉnh ước đạt 17.930 con, giảm 2,4%; đàn bò ước đạt 295.450 con, tăng 1,5%; đàn heo 659.745 con, tăng 5,2%; đàn gia cầm ước đạt 8,3 triệu con, tăng 2,5% so với cùng kỳ.
Tính chung 7 tháng năm 2021, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 982,2 tấn, tăng 2% so cùng kỳ; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 22.549,3 tấn, tăng 1,8%; sản lượng sữa bò sản xuất đạt 6.605,2 tấn, tăng 3,9%; sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng đạt 69.638,3 tấn, tăng 7,6%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 13.569,1 tấn, tăng 3,3%; trong đó, thịt gà hơi xuất chuồng đạt 10.527 tấn, tăng 3,9%. Giá thịt heo hơi đang ở mức 53.000 - 57.000 đồng/kg, giảm 4.000 đồng so tháng trước, là mức giá thấp nhất trong 2 năm qua; giá các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hơi tương đối ổn định.
Về lâm nghiệp: Các đơn vị lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sản xuất 103 triệu cây giống các loại, đang triển khai chuẩn bị các điều kiện về đất, vật tư kỹ thuật, thiết kế rừng trồng để triển khai niên vụ trồng rừng năm 2021 khi có mưa. Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 572.600 m3, tăng 2,8% so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu là gỗ rừng trồng làm nguyên liệu giấy.
Công tác phòng, chống cháy rừng và ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo chặt chẽ. Các Hạt Kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật phát sinh.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 02 vụ cháy rừng với diện tích trên 02 ha; 11 vụ phá rừng với diện tích 1,6 ha.
Về thuỷ sản: Tháng 7/2021, thời tiết biển tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản. Tuy nhiên, giá nhiên liệu tăng làm cho phí tổn mỗi chuyến biển ngày càng cao. Mặt khác, số lượng thuyền viên tham gia hoạt động khai thác thiếu hụt nên một số tàu thuyền phải nằm bờ.
Hiện nay, vùng nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh người nuôi đang thu hoạch tôm vụ 1. Đối với vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến, người nuôi đang thu hoạch theo hình thức đánh tỉa thả bù. Một số vùng nuôi thủy sản nước ngọt đã và đang thu hoạch. Nuôi cá lồng biển, tôm hùm thương phẩm được duy trì ổn định.
Tổng sản lượng thủy sản 7 tháng năm 2021 trên địa bàn tỉnh đạt 154.910,2 tấn, bằng so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 149.835,5 tấn, giảm 0,1% (khai thác cá ngừ đại dương sản lượng đạt 7.418 tấn, giảm 8,3% so cùng kỳ); sản lượng nuôi trồng ước đạt 5.074,7 tấn, tăng 4,4% (tôm thẻ chân trắng ước đạt 3.475,6 tấn, tăng 5,1% so cùng kỳ).
Sản lượng giống tôm thẻ chân trắng 7 tháng năm 2021 ước đạt 4.383,3 triệu con, tăng 28,5% so cùng kỳ.
Công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các khu vực trọng điểm vẫn được duy trì thường xuyên, liên tục, hiệu quả. Công tác khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) tiếp tục triển khai thực hiện. Tiếp tục tổ chức các đợt tuần tra, kiểm soát ngăn chặn tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp tại khu vực đầm Thị Nại và cửa biển Quy Nhơn, tiến hành xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm.
Về thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới: Đã tích cực đôn đốc, kiểm tra các xã đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2021. Tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
Công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường, sinh thái triển khai tích cực. Trong tháng 7, cơ quan có thẩm quyền đã giao đất 10 dự án, diện tích 25,6 ha; cho thuê đất 02 dự án, diện tích 0,43 ha; giao đất 04 khu dân cư, diện tích 10,46 ha; phê duyệt 09 phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư với tổng kinh phí gần 1.945 tỷ đồng.
2. Về sản xuất công nghiệp
Từ cuối tháng 6 đến nay, tỉnh ta liên tiếp ghi nhận những trường hợp dương tính với Covid-19. Trong bối cảnh tình hình dịch diễn biến phức tạp, các biện pháp ưu tiên cho phòng chống dịch ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Để ứng phó kịp thời với diễn biến của dịch bệnh, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các ngành, các địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch tích cực, chủ động; tổ chức lại sản xuất tại các doanh nghiệp đảm bảo công tác phòng dịch; không để đứt gãy, gián đoạn cung ứng nguyên liệu và sản phẩm hàng hóa; dừng hoạt động các nhà máy, xí nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh không an toàn.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 giảm 1,8% so với tháng 6 và tăng 7,92% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,82% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,38%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 71,56%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,04%; công nghiệp khai khoáng giảm 5,25%;
Trong các ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh, ngành may mặc hiện gặp nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu dùng thấp, đơn hàng bị cắt giảm, sản xuất bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đầu ngành đã chủ động được nguyên vật liệu và có thị trường xuất khẩu truyền thống nên vẫn ổn định được sản xuất. Ngoài ra, hoạt động chế biến dăm gỗ gặp nhiều khó khăn từ đầu năm đến nay do giá giảm, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp nên chỉ số sản xuất ngành chế biến gỗ giảm 13,58%. Tuy nhiên, điểm sáng là một số doanh nghiệp đã chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, tập trung sản xuất khung cửa gỗ, khung lò sưởi… với lượng đơn hàng lớn và ổn định hơn.
Các chương trình khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu…
3. Về thương mại, dịch vụ, tài chính
Hoạt động thương mại, dịch vụ tháng 7/2021 đã chịu ảnh hưởng lớn do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Các cơ sở dịch vụ ăn uống (nhà hàng, quán ăn…) không được phục vụ tại chỗ và chỉ được bán mang đi; các đơn vị kinh doanh vận tải tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách từ tỉnh Bình Định đi một số địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Lâm Đồng… và ngược lại; đồng thời siết chặt kiểm soát tại các chốt trên các tuyến Quốc lộ 1A, 1D, 19, 19C. Các dịch vụ vui chơi giải trí đóng cửa, dịch vụ y tế hoạt động hạn chế, các phòng khám quy mô nhỏ đóng cửa; hầu hết các cơ sở đào tạo, trung tâm ngoại ngữ, cơ sở mầm non, nhà trẻ và cơ sở dạy hè cho học sinh đều đóng cửa và chỉ một số cơ sở dạy học theo hình thức online, dịch vụ kinh doanh bất động sản đóng băng.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 đạt 5.962,7 tỷ đồng, giảm 15,3% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 43.810 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 37.666 tỷ đồng, tăng 4,1%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 4.090,7 tỷ đồng, giảm 5,6%; doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 18,8 tỷ đồng, giảm 18,4%; doanh thu hoạt động dịch vụ đạt 2.034,7 tỷ đồng, giảm 7,3% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2021 tăng 4,41% so với cùng kỳ. Bình quân 7 tháng năm 2021 tăng 3,09% so với cùng kỳ.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 7/2021 đạt 92,1 triệu USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 764,7 triệu USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ. Các nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ: Sản phẩm từ chất dẻo tăng 82%; sản phẩm gỗ tăng 53,3%; hàng thuỷ sản tăng 39,2%; gạo tăng 20%. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 7 đạt 22,7 triệu USD, giảm 21,4% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 227,6 triệu USD, tăng 33,1% so với cùng kỳ.
Về du lịch, trong tháng 7, cả tỉnh đón được 6.000 lượt khách, giảm 99% so với cùng kỳ. Lũy kế 7 tháng năm 2021, ngành du lịch đón trên 1,18 triệu lượt khách, giảm 29,8% so với cùng kỳ (trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 77.640 lượt, khách nội địa ước đạt 1,1 triệu lượt). Tổng doanh thu du lịch đến tháng 7/2021 ước đạt 1.611 tỷ đồng, giảm 20,9% so với cùng kỳ.
Trong tháng 7, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh đã tạm ngừng hoạt động. Đối với các doanh nghiệp vận tải hàng hóa vẫn được phép hoạt động tuy nhiên phải tuân thủ các nguyên tắc an toàn trong phòng chống dịch, thực hiện giải pháp test nhanh Covid-19 cho tài xế vào giao nhận hàng trong tỉnh, đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai tiêm vắc xin ưu tiên cho nhóm tài xế trên địa bàn, nhằm đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo hàng hóa lưu thông bình thường. Tính chung 7 tháng đầu năm, dịch vụ vận chuyển hành khách đạt 15,1 triệu hành khách, giảm 8,4% và luân chuyển 1,48 tỷ hành khách.km, giảm 10,3% so với cùng kỳ. Vận tải hàng hóa chung 7 tháng đạt hơn 15,8 triệu tấn, tăng 6,9%, luân chuyển đạt 2,09 tỷ tấn.km, tăng 3,1% so với cùng kỳ. Hàng hoá thông qua cảng biển 7 tháng đầu năm đạt 8,5 triệu tấn, tăng 18,3% so với cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm là 8.094,2 tỷ đồng, đạt 76,6% dự toán năm, tăng 45,9% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa (trừ tiền sử dụng đất; xổ số kiến thiết; thu cổ tức, lợi nhuận được chia và lợi nhuận còn lại) là 4.171,6 tỷ đồng, đạt 71,7% dự toán năm và tăng 19,1% so với cùng kỳ. Riêng thu tiền sử dụng đất là 3.049,3 tỷ đồng, đạt 92,4% dự toán năm, tăng 82,9% so với cùng kỳ. Chi ngân sách nhà nước là 8.781,7 tỷ đồng, đạt 57,5% dự toán năm, tăng 11,1% so với cùng kỳ; trong đó chi thường xuyên 4.611,6 tỷ đồng, đạt 67,7% dự toán năm, bằng so với cùng kỳ.
Về hoạt động tài chính, tín dụng, đến ngày 31/7/2021, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh là 79.350 tỷ đồng, tăng 7,6%; tổng dư nợ là 87.940 tỷ đồng, tăng 5,4% so với tháng 12/2020; trong đó, nợ xấu chiếm tỷ lệ khoảng 1,31% so với tổng dư nợ.
4. Về thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển
Trong tháng 7, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vốn ngân sách địa phương. Đồng thời, để tập trung nguồn lực đầu tư cho các dự án trọng điểm của tỉnh, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung kế hoạch vốn năm 2021 theo hướng điều chỉnh giảm kế hoạch vốn các dự án giải ngân chậm để bổ sung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt.
Tính đến cuối tháng 7, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý là 2.861 tỷ đồng, đạt 44,93% kế hoạch năm. Trong đó, giải ngân nguồn vốn đầu tư tập trung là 240,7 tỷ đồng, đạt 43,21%; nguồn cấp quyền sử dụng đất là 1.024,5 tỷ đồng, đạt 31,05%; vốn xổ số kiến thiết là 41 tỷ đồng, đạt 37,28% kế hoạch năm. Ngoài ra, giá trị giải ngân một số nguồn vốn khác như sau: vốn Trung ương hỗ trợ theo mục tiêu là 1.358 tỷ đồng, đạt 86,12%; vốn nước ngoài (ODA) là 162,5 tỷ đồng, đạt 26,44% kế hoạch năm.
5. Về thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp
Về đầu tư nước ngoài (FDI): Trong tháng không phát sinh dự án mới. Lũy kế 7 tháng đầu năm, có 03 dự án FDI được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký 40,34 triệu USD; có 5 lượt đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp với tổng vốn 13,82 triệu USD. Đến nay, cả tỉnh có 86 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1,04 tỷ USD; trong đó có 38 dự án trong KKT và KCN với tổng vốn đăng ký 804,35 triệu USD và 48 dự án ngoài KKT và KCN với tổng vốn đăng ký 242,6 triệu USD.
Về đầu tư trong nước: Trong tháng 7/2021, cơ quan có thẩm quyền đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 06 dự án với tổng vốn đầu tư là 1.695,7 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thu hút được 47 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 28.733,5 tỷ đồng, trong đó có 10 dự án trong KKT và KCN với tổng vốn đăng ký trên 2.252,1 tỷ đồng; 37 dự án ngoài KKT và KCN với tổng vốn đầu tư trên 26.481,3 tỷ đồng.
Về phát triển doanh nghiệp: Từ đầu năm đến nay, có 636 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 6.390 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, tăng 8,7% về số doanh nghiệp và 50% về vốn đăng ký. Cấp đăng ký cho 449 Chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh; đăng ký thay đổi khoảng 1.460 doanh nghiệp, chi nhánh, VPĐD; giải thể và chấm dứt hoạt động 202 trường hợp; tạm ngừng hoạt động 388 trường hợp, hoạt động trở lại 291 doanh nghiệp.
6. Về văn hoá - xã hội
Về giáo dục và đào tạo: Đã hoàn thành công tác tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022. Hoàn thành việc chấm thi và công bố kết quả kỳ thi THPT năm 2021 (đợt 1). Tổ chức bồi dưỡng đối với lãnh đạo, giáo viên sử dụng sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 năm học 2021 – 2022.
Về văn hóa và thể thao: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động văn hóa, hoạt động thể thao, giải đấu thể thao tạm dừng tổ chức. Trong tháng chủ yếu tập trung tuyên truyền các sự kiện, các ngày lễ lớn của tỉnh và cả nước.
Về y tế: Trước tình hình dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, ngành Y tế đã tập trung thực hiện kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh; tiếp tục chỉ đạo giám sát, điều tra dịch tễ kịp thời; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế phục vụ điều trị bệnh; tạm dừng một số hoạt động không thiết yếu; đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện ngiêm túc quy định 5K, hạn chế đến tập trung đông người... Triển khai tiêm phòng vắc xin Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch. UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 30/7/2021 về thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh để phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; trong đó, thị xã An Nhơn một số địa phương phải áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg Thủ tướng Chính phủ.
Tính đến 30/7/2021, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện trên 124 trường hợp mắc Covid-19. Hiện nay, các cơ quan chức năng đã và đang khẩn trương khoanh vùng, truy vết các trường hợp có liên quan đến các ca nhiễm nêu trên và khu vực có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh.
Về an sinh xã hội: Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã thực hiện chi trả trên 7,6 tỷ đồng cho trên 5.100 người thuộc đối tượng. Tổ chức hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động.
Về công tác người có công: Triển khai huy động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn tỉnh. Tổ chức Kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ; tổ chức các hoạt động thăm hỏi, gặp mặt người có công, viếng nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm liệt sỹ...
Về thông tin và truyền thông: Tiếp tục thực hiện tuyên truyền phòng, chống dịch và các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Tăng cường theo dõi, xử lý kịp thời các đối tượng đưa tin sai sự thật về tình hình dịch Covid-19 trên mạng xã hội.