1. Về sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, quản lý tài nguyên và môi trường
Về trồng trọt: Trong tháng 8/2021, các địa phương trong tỉnh tập trung thu hoạch các loại cây trồng vụ Hè Thu và gieo trồng, chăm sóc các loại cây trồng vụ Mùa. Để đảm bảo năng suất, sản lượng cây trồng trong điều kiện nắng nóng kéo dài gây thiếu nước tưới, ngành nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát tình hình nguồn nước, khả năng tưới, triển khai các giải pháp tưới tiết kiệm và tập trung chuyển đổi những diện tích sản xuất lúa bị thiếu nước sang sản xuất các loại cây trồng cạn phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế.
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Hè Thu đạt 57.824 ha, tăng 5,7%; trong đó diện tích lúa đạt 41.278 ha, tăng 8,4% so với cùng kỳ. Sản lượng lúa ước đạt 265.898 tấn, tăng 8,1% so với cùng kỳ; năng suất ước đạt 64,4 tạ/ha, giảm 0,3% so với cùng kỳ.
Đến cuối tháng 8, toàn tỉnh đã gieo sạ được 4.470 ha lúa vụ Mùa, giảm 34,5% so với cùng kỳ. Diện tích gieo trồng một số cây trồng cạn khác như: Cây ngô đạt 2.938 ha, giảm 4,9%; cây lạc đạt 1.708 ha, tăng 3,8%; rau các loại đạt 4.530 ha, giảm 8,9% so với cùng kỳ. Về diện tích cây trồng cạn vụ Mùa đã xuống giống: Cây ngô đạt 1.005 ha, giảm 29,2% so cùng kỳ; cây lạc đạt 506 ha, giảm 25,1%; rau các loại đạt 2.298 ha, tăng 9,1%.
Về nguồn nước tưới: Tính đến cuối tháng 8, dung tích toàn bộ các hồ chứa nước do Công ty TNHH Khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh quản lý tích trữ 92 triệu m3, đạt 16,8% dung tích thiết kế; các hồ thuỷ lợi do địa phương quản lý tích trữ 09 triệu m3, đạt 21,8% dung tích thiết kế. Hiện nay, nguồn nước tại các hồ chứa cơ bản đáp ứng ổn định nước tưới đến hết vụ Thu.
Về chăn nuôi: Đến nay, bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò đã giảm mạnh, chỉ còn xuất hiện nhỏ lẻ ở một vài địa phương. Tính đến cuối tháng 8, dịch bệnh đã xuất hiện ở 829 thôn thuộc 144 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thị xã, thành phố. Ngành nông nghiệp đã chủ động tổ chức triển khai các biện pháp giám sát, điều trị, tiêm phòng, phòng, chống dịch; đã tiêm phòng viêm da nổi cục đạt tỷ lệ 88,9% tổng đàn. Đến nay, dịch bệnh viêm da nổi cục ở bò trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát, tình trạng bò bệnh suy kiệt và chết, chủ yếu xảy ra ở bê chưa tiêm phòng và bò già đang bị bệnh, điều trị lâu ngày không qua khỏi.
Tính đến cuối tháng 8, đàn trâu của tỉnh ước đạt 17.865 con, giảm 2,9%; đàn bò ước đạt 295.700 con, tăng 1,2%; đàn lợn 647.590 con, tăng 1,6%; đàn gia cầm ước đạt 8,5 triệu con, tăng 3,9% so với cùng kỳ.
Trong tháng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thịt gia cầm hơi xuống thấp, gây ảnh hưởng đến tình hình chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh, nhất là chăn nuôi gà. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh mở rộng quy mô nuôi gà giống để cung cấp cho các cơ sở nuôi gà thịt, nên tổng đàn gà tăng khá.
Về lâm nghiệp: 8 tháng năm 2021, các đơn vị lâm nghiệp đã sản xuất được 90,6 triệu cây giống các loại; đã chăm sóc 21.799 ha rừng trồng, tăng 0,6% so với cùng kỳ. Công tác chăm sóc rừng trồng được triển khai theo đúng lịch thời vụ, tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Tổng số gỗ khai thác ước đạt 645.926 m3, giảm 2,3% so với cùng kỳ; sản lượng gỗ khai thác giảm chủ yếu do dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến sản xuất. Công tác phòng, chống cháy rừng và ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm chỉ đạo chặt chẽ; từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 03 vụ cháy rừng với diện tích 22,6 ha; 14 vụ chặt phá rừng với diện tích 5 ha.
Về thuỷ sản: Trong tháng 8, tình hình thời tiết tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản trên biển. Lũy kế 8 tháng năm 2021, sản lượng thủy sản khai thác ước đạt hơn 178.787 tấn, tăng 0,2% so với cùng kỳ; sản lượng nuôi trồng ước đạt 6.127 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ.
Công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các khu vực trọng điểm vẫn được duy trì thường xuyên, liên tục, hiệu quả. Công tác khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) tiếp tục triển khai thực hiện. Tiếp tục tổ chức các đợt tuần tra, kiểm soát ngăn chặn tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp tại khu vực đầm Thị Nại và cửa biển Quy Nhơn, tiến hành xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm.
Công tác quản lý hệ thống giám sát hành trình tàu cá đã được thực hiện thường xuyên, liên tục, trực theo dõi 24/24 tại trạm bờ: trong tháng 8, đã phát hiện và cảnh báo 24 tàu/26 lượt tàu vượt ra ngoài vùng tự do đánh bắt của Việt Nam, lũy kế từ đầu năm đến nay đã phát hiện và cảnh báo 53 tàu/58 lượt; đã phát hiện và cảnh báo 10 lượt tàu cá mất kết nối trên biển 10 ngày, lũy kế từ đầu năm đến nay đã phát hiện và cảnh báo 49 tàu/51 lượt tàu cá.
Về thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới: Đã tích cực đôn đốc, kiểm tra 06 xã đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2021. Đến nay, các xã Mỹ Thành, Mỹ An huyện Phù Mỹ đạt 17/19 tiêu chí; xã Bình Tân, huyện Tây Sơn đạt 18/19 tiêu chí; xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân đạt 16/19 tiêu chí; xã An Tân, huyện An Lão đạt 17/19 tiêu chí; xã Bình Thành, huyện Tây Sơn đạt 19/19 tiêu chí. Các xã này đang tích cực xây dựng hoàn thành các tiêu chí trước ngày 30/9/2021 để lập hồ sơ, thủ tục trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt công nhận theo quy định. Đối với 08 xã đăng ký thực hiện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đến nay có 08/08 xã cơ bản đạt 12/13 tiêu chí; dự kiến các xã sẽ hoàn thành 13/13 tiêu chí và hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình công nhận trong năm 2021. Tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
Công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường, sinh thái: Trong tháng đã giao đất 06 trường hợp, diện tích 8,23 ha; cho thuê đất 17 trường hợp, diện tích 18,14 ha; giao đất khu dân cư 06 trường hợp, diện tích 13,47 ha; gia hạn khu dân cư 03 trường hợp, diện tích 1,46 ha; gia hạn thuê đất 01 trường hợp, diện tích 2,59 ha. Xây dựng giá đất ở để bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng 17 công trình, dự án.
2. Về sản xuất công nghiệp
Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các biện pháp ưu tiên cho phòng, chống dịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là các doanh nghiệp trong vùng dịch nguy cơ cao. Nhiều doanh nghiệp nằm trên địa bàn thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ phải tạm dừng sản xuất do không thể đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch “3 tại chỗ”; một số doanh nghiệp thiếu hụt lao động do công nhân lo sợ dịch bệnh không làm việc, công suất nhà máy sụt giảm; việc lưu thông nguyên liệu, hàng hóa xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ giảm đáng kể đối với nhóm ngành thực phẩm, đồ uống, may mặc, in ấn ảnh hưởng lớn đến sản xuất công nghiệp hộ cá thể...
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 giảm 1,77% so với tháng 7 và tăng 4,84% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,38% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,4%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 59,8%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,1%; công nghiệp khai khoáng giảm 5,2%. Trong tháng, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, góp phần tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp của tỉnh trong những tháng cuối năm 2021.
Trong các ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh, ngành may mặc hiện gặp nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu dùng thấp cả về xuất khẩu lẫn nội địa, đơn hàng bị cắt giảm. Sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn là quần áo đồng bộ giảm 2,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đầu ngành đầu tư từ khâu nguyên liệu, thiết kế, may mặc tạo ra giá trị gia tăng cao, thị trường xuất khẩu ổn định và có xu hướng ngày càng mở rộng. Đây là hướng đi phù hợp cho các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay.
Hoạt động chế biến dăm gỗ gặp nhiều khó khăn từ đầu năm 2021 đến nay, giá bán hạ thấp, thị trường xuất khẩu thu hẹp, chỉ số sản xuất ngành chế biến gỗ giảm 10,4%. Tuy nhiên, điểm sáng là một số doanh nghiệp đã chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, tập trung sản xuất khung cửa gỗ, khung lò sưởi xuất khẩu với lượng đơn hàng lớn và ổn định.
Bên cạnh một số ngành công nghiệp gặp nhiều khó khăn thì ngành ngành sản xuất và phân phối điện tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong các tháng vừa qua. Đây là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất và đóng góp đáng kể trong tốc độ tăng chung toàn ngành công nghiệp. Bên cạnh thủy điện, các dự án điện mặt trời, điện gió đi vào hoạt động trong quý 4/2020 đã góp phần nâng sản lượng điện sản xuất 8 tháng năm 2021 tăng 146,6% so với cùng kỳ.
Các chương trình khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu…
3. Về thương mại, dịch vụ, tài chính
Hoạt động thương mại, dịch vụ tháng 8/2021 đã chịu ảnh hưởng lớn do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Các cơ sở dịch vụ ăn uống (nhà hàng, quán ăn…) không được phục vụ tại chỗ và chỉ được bán mang đi; các đơn vị kinh doanh vận tải tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách từ tỉnh Bình Định đi một số địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng… và ngược lại; đồng thời, siết chặt kiểm soát tại các chốt kiểm soát dịch bệnh trên tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 1D, Quốc lộ 19, 19C. Các dịch vụ vui chơi giải trí đóng cửa, dịch vụ y tế hoạt động hạn chế, các phòng khám quy mô nhỏ đóng cửa; hầu hết các cơ sở đào tạo, trung tâm ngoại ngữ, cơ sở mầm non, nhà trẻ và cơ sở dạy hè cho học sinh đều đóng cửa và chỉ một số cơ sở dạy học theo hình thức online.
Trong điều kiện khó khăn nhưng các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ người dân, đảm bảo không bị đứt gãy nguồn cung, bình ổn giá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước đạt 5.916 tỷ đồng, giảm 5,8% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 49.664 tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 43.045 tỷ đồng, tăng 3,6%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 4.436 tỷ đồng, giảm 10,1%; doanh thu dịch vụ lữ hành ước đạt 18,8 tỷ đồng, giảm 24,8%; doanh thu hoạt động dịch vụ ước đạt 2.164 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2021 tăng 4,43% so với cùng kỳ. Bình quân 8 tháng năm 2021 tăng 3,25% so với cùng kỳ.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 8/2021 ước đạt 99 triệu USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 873,1 triệu USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ. Các nhóm hàng tăng so với cùng kỳ: Sản phẩm gỗ tăng 46,1%; hàng thuỷ sản tăng 42,2%; sắn và sản phẩm từ sắn (chủ yếu tinh bột sắn) tăng 11,2%; xuất khẩu gạo tăng 8,4%... Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 8 ước đạt 20,3 triệu USD, giảm 35,1% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 256,7 triệu USD, tăng 26,9% so với cùng kỳ.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch phải tạm ngừng hoạt động. Trong tháng, ngành du lịch chủ yếu tập trung thực hiện kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở lưu trú và khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc thành lập các cơ sở cách ly y tế tập trung tại khách sạn trong phòng, chống dịch Covid-19 do người được cách ly tự nguyện chi trả.
Trong tháng 8, UBND tỉnh đã chỉ đạo tiếp tục tạm dừng hoặc tổ chức lại các hoạt động vận tải hành khách đường bộ, đường thủy như: xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách liên tỉnh, tàu thuyền, xe vận tải hành khách công cộng, xe mô tô; trừ các trường hợp: phục vụ công tác phòng chống dịch, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia, vận chuyển công dân theo chỉ đạo của tỉnh. Công tác vận tải hàng hóa phải đảm bảo thông suốt và an toàn phòng chống dịch theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải, Sở Y tế. Đối với hoạt động giao thương, cung ứng hàng hóa thiết yếu, nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất: tăng cường khai thác các nguồn hàng, đảm bảo lưu thông thông suốt nhằm cung ứng đầy đủ, kịp thời hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống Nhân dân cũng như nguyên, nhiên vật liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất không bị đứt gãy.
Tính chung 8 tháng, dịch vụ vận chuyển hành khách ước đạt 15,2 triệu hành khách, giảm 20,1% và luân chuyển 1,48 tỷ hành khách.km, giảm 22% so với cùng kỳ. Vận tải hàng hóa tính chung 8 tháng ước đạt hơn 16,9 triệu tấn, tăng 1%, luân chuyển đạt 2,36 tỷ tấn.km, tăng 0,5% so với cùng kỳ. Hàng hoá thông qua cảng biển 8 tháng ước đạt 9,5 triệu TTQ, tăng 15% so với cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách nhà nước 8 tháng năm 2021 là 8.677 tỷ đồng, đạt 82,2% dự toán năm, tăng 36,2% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa (trừ thu tiền sử dụng đất; xổ số kiến thiết; thu cổ tức, lợi nhuận được chia và lợi nhuận còn lại) là 4.429 tỷ đồng, đạt 85% dự toán năm, tăng 30,5% so với cùng kỳ. Riêng thu tiền sử dụng đất là 3.292 tỷ đồng, đạt 99,8% dự toán năm, tăng 61,2% so với cùng kỳ; thu hoạt động xuất nhập khẩu là 808 tỷ đồng, đạt 102,3% dự toán năm, tăng 127,4% so với cùng kỳ. Chi ngân sách nhà nước là 9.806 tỷ đồng, đạt 64,2% dự toán năm, tăng 5,7% so với cùng kỳ; trong đó, chi thường xuyên 5.116 tỷ đồng, đạt 75,1% dự toán năm, giảm 7% so với cùng kỳ.
Về hoạt động tài chính, tín dụng, đến ngày 31/8/2021, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh là 78.290 tỷ đồng, tăng 6,18%; tổng dư nợ là 86.810 tỷ đồng, tăng 4,04% so với tháng 12/2020; trong đó, nợ xấu chiếm tỷ lệ khoảng 1,2% so với tổng dư nợ.
4. Về thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển
Trong tháng 8 đã hoàn thành việc xây dựng, báo cáo Trung ương về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022. Để tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh về giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, đánh giá tình hình thực hiện 8 tháng năm 2021 và đề ra kế hoạch thực hiện các tháng còn lại trong năm.
Tính đến cuối tháng 8, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý là 3.130 tỷ đồng, đạt 49,14% kế hoạch năm. Trong đó, giải ngân nguồn vốn đầu tư tập trung là 263 tỷ đồng, đạt 47,11%; nguồn cấp quyền sử dụng đất là 1.218 tỷ đồng, đạt 36,9%; vốn xổ số kiến thiết là 48 tỷ đồng, đạt 43,57% kế hoạch năm. Ngoài ra, giá trị giải ngân một số nguồn vốn khác như sau: Vốn Trung ương hỗ trợ theo mục tiêu là 1.372 tỷ đồng, đạt 87,02%; vốn nước ngoài (ODA) là 180 tỷ đồng, đạt 29,36% kế hoạch năm.
Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch đầu tư công năm 2021, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương quyết liệt triển khai mạnh mẽ các biện pháp khoanh vùng để dập dịch, cố gắng phấn đấu đến cuối quý III/2021 sẽ cơ bản khống chế được dịch bệnh, tạo mọi cơ chế, điều kiện để khôi phục lại tiến độ thi công các dự án, phấn đấu hoàn thành giải ngân kế hoạch đề ra; đồng thời, rà soát các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp để điều chỉnh sang cho các dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh, kể cả việc điều chuyển vốn từ chủ đầu tư này sang chủ đầu tư khác.
5. Về thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp
Về đầu tư nước ngoài (FDI): Trong tháng 8 không phát sinh dự án mới. Lũy kế 8 tháng đầu năm 03 dự án FDI được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký 40,34 triệu USD; có 6 lượt đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp với tổng vốn 17,14 triệu USD. Đến nay, cả tỉnh có 86 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1,05 tỷ USD; trong đó có 38 dự án trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký 804 triệu USD và 48 dự án ngoài Khu kinh tế, Khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký 245 triệu USD.
Về đầu tư trong nước: Trong tháng 8/2021 đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 07 dự án với tổng vốn đầu tư là 4.277 tỷ đồng; trong đó có 02 dự án đầu tư trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư 373 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thu hút được 57 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 33.400 tỷ đồng, trong đó có 12 dự án trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 2.625 tỷ đồng; 45 dự án ngoài Khu kinh tế, Khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư trên 30.775 tỷ đồng.
Về phát triển doanh nghiệp: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 674 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 7.453 tỷ đồng, tăng 1,8% về số doanh nghiệp đăng ký và tăng 59% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, có 217 doanh nghiệp giải thể và chấm dứt hoạt động; 418 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và 306 doanh nghiệp hoạt động trở lại.
6. Về văn hoá - xã hội
Về giáo dục và đào tạo: Đã tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT (đợt 2) năm 2021 tại các điểm thi trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn đảm bảo an toàn, đúng quy chế và các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn tỉnh cà 2 đợt thi đạt 98,54% (17.349/17.606 thí sinh dự thi). Tiếp tục rà soát các điều kiện cần thiết để chuẩn bị tổ chức khai giảng năm học mới 2021-2022, đặc biệt là chuẩn bị thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 ở lớp 2 và lớp 6.
Về văn hóa và thể thao: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động văn hóa, hoạt động thể thao, giải đấu thể thao tạm dừng tổ chức. Trong tháng chủ yếu tập trung tuyên truyền các sự kiện, các ngày lễ lớn của tỉnh và cả nước.
Về y tế: Trước tình hình dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, ngành Y tế đã thực hiện kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh; tiếp tục chỉ đạo giám sát, điều tra dịch tễ kịp thời; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế phục vụ điều trị bệnh; tạm dừng một số hoạt động không thiết yếu; đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện ngiêm túc quy định 5K, hạn chế đến tập trung đông người... Triển khai tiêm phòng vắc xin Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch.
Tính đến cuối tháng 8, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện trên 591 trường hợp mắc Covid-19; trong đó, đã chữa khỏi: 388 trường hợp, tử vong: 06 trường hợp. Hiện nay, các cơ quan chức năng đã và đang khẩn trương khoanh vùng, truy vết các trường hợp có liên quan đến các ca nhiễm nêu trên và khu vực có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh.
Về an sinh xã hội: Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã hướng dẫn 3.070 doanh nghiệp triển khai nhanh chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 71.407 lao động với tổng số tiền được giảm khoảng 20,5 tỷ đồng. Đối với việc hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, đến nay 11/11 huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát, thực hiện chi trả và lập danh sách phê duyệt 10.523 người, kinh phí hỗ trợ trên 15,7 tỷ đồng. Đối với việc hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh Bình Định đã giải ngân cho 16 doanh nghiệp đang sử dụng 918 lao động có nhu cầu vay vốn để trả lương ngừng việc, với số tiền trên 4,9 tỷ đồng.
Các chính sách hỗ trợ cho những trường hợp khác được quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ đang tiếp tục được các sở, ngành, địa phương tiến hành, đảm bảo không bỏ sót và đáp ứng yêu cầu công khai, đúng đối tượng, đúng quy định. Tổ chức chu đáo các hoạt động thăm, tặng quà gia đình chính sách, các đồng chí lão thành cách mạng, Anh hùng lực lượng vũ trang, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh và viếng Nghĩa trang liệt sĩ nhân dịp kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02/9.
Về thông tin và truyền thông: Tiếp tục thực hiện tuyên truyền phòng, chống dịch và các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Tăng cường theo dõi, xử lý kịp thời các cá nhân đưa tin sai sự thật về tình hình dịch Covid-19 trên mạng xã hội.