1. Về sản xuất nông, lâm, thủy sản, quản lý tài nguyên và môi trường
Về trồng trọt: Đến cuối tháng 10, toàn tỉnh đã gieo sạ 6.691 ha lúa vụ Mùa, giảm 12% so với cùng kỳ. Nguyên nhân diện tích gieo sạ lúa vụ Mùa giảm do người dân tăng cường chuyển dịch mùa vụ nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất (chuyển từ 03 vụ sang 02 vụ lúa/năm). Diện tích gieo trồng một số cây trồng cạn vụ Mùa như sau: Cây ngô đạt 2.285 ha, giảm 5,3%; cây lạc đạt 654 ha, giảm 14,9%; rau các loại đạt 4.793 ha, giảm 4,4%; đậu các loại đạt 76 ha, giảm 18,7% so với cùng kỳ.
Các địa phương trong tỉnh đã bắt đầu thu hoạch lúa vụ Mùa được 1.974 ha, đạt 28,4% diện tích thực hiện. Diện tích thu hoạch một số cây trồng cạn như sau: Cây ngô 1.051 ha/2.283 ha (đạt 46%); cây lạc 581 ha/801 ha (đạt 88,9%); rau các loại 3.946 ha/4.717 ha (đạt 83,7%), đậu các loại 41 ha/72 ha (đạt 56%).
Về nguồn nước tưới: Đến ngày 28/10/2021, dung tích các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đo được 220/592 triệu m3 đạt 37,2% dung tích thiết kế, tăng 41% so với cùng kỳ; trong đó, các hồ chứa do Công ty TNHH Khai thác CTTL Bình Định quản lý đạt 197/551 triệu m3, đạt 35,7% thiết kế, các hồ chứa do địa phương quản lý đạt 24/40 triệu m3, đạt 59,8% thiết kế.
Về chăn nuôi: Đến nay, dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã được kiểm soát trên toàn tỉnh; không xuất hiện thêm trâu, bò mới mắc bệnh. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định công bố hết dịch bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò trên địa bàn tỉnh; ban hành quy định hỗ trợ phát triển tái đàn bò trên địa bàn tỉnh nhằm khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động phục hồi, duy trì và phát triển tái đàn bò sau dịch bệnh. Đối với các loại dịch bệnh khác cơ bản được kiểm soát, chỉ xảy ra cục bộ ở một vài nơi và đã được khống chế, xử lý kịp thời. Lực lượng thú y các địa phương đang đẩy mạnh triển khai tiêm phòng vacxin trên đàn gia súc, gia cầm đợt 2/2021 theo kế hoạch.
Trong tháng 10, giá một số sản phẩm chăn nuôi (gà, lợn, trứng…) trên thị trường tiếp tục có xu hướng giảm, trong đó giá lợn hơi đang giảm sâu và ở mức thấp nhất trong vòng 02 năm qua (dao động quang mức 40.000 - 42.000 đồng/kg).
Tính đến cuối tháng 10, đàn bò của tỉnh đạt trên 295.630 con, tăng 0,2%; đàn heo 637.620 con, giảm 2,4%; đàn gia cầm đạt gần 8,4 triệu con, tăng 3,3% so với cùng kỳ.
Về lâm nghiệp: Đến nay, tổng sản lượng gỗ khai thác ước đạt 1,12 triệu m3, tăng 1,7% so với cùng kỳ. Công tác phòng chống cháy rừng và ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo chặt chẽ. Các Hạt Kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật phát sinh.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 04 vụ cháy rừng với diện tích 25,9 ha; 21 vụ phá rừng với diện tích 16,2 ha.
Về thuỷ sản: Trong tháng 10 xuất hiện các cơn bão trên biển Đông, phạm vi ảnh hưởng chủ yếu ở khu vực Bắc Trung bộ nên hoạt động khai thác thủy sản của tỉnh chưa bị ảnh hưởng của bão. Giá nhiên liệu và một số mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ khai thác thời gian gần đây tăng cao gây khó khăn cho ngư dân; tuy nhiên, chính sách khuyến khích hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa đã tạo động lực cho ngư dân tích cực sản xuất, duy trì được số lượng và cường độ hoạt động khai thác.
Tổng sản lượng khai thác thủy sản 10 tháng năm 2021 ước đạt 231.226,7 tấn, tăng 2,4%; trong đó sản lượng khai thác cá ngừ đại dương đạt 9.411 tấn, giảm 6,1% so với cùng kỳ. Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 11.363,7 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ.
Công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các khu vực trọng điểm vẫn được duy trì thường xuyên, liên tục, hiệu quả. Công tác khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) tiếp tục triển khai thực hiện.
Công tác hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản ở vùng biển xa theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được triển khai, từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng đã phê duyệt hỗ trợ 9.712 hồ sơ với số tiền hơn 681,6 tỷ đồng.
Về thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện; các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện các tiêu chí ở các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021, củng cố và nâng cao chất lượng các xã đã được công nhận đạt chuẩn trên địa bàn. Đang đề nghị Trung ương xem xét thẩm định, công nhận huyện Tuy Phước đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020; triển khai thực hiện một số nội dung còn lại của tiêu chí môi trường của huyện Phù Cát để đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí cấp huyện.
Công tác phòng chống thiên tai: UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai phương án phòng, chống lụt, bão trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp theo các Công điện, Chỉ thị của UBND tỉnh; trong đó, tăng cường rà soát, thống kê lên danh sách cụ thể các hộ gia đình sinh sống trong vùng có nguy cơ cao, thường xuyên phải di dời khi có bão lụt để có phương án ứng phó phù hợp, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân. Đối với các hồ chứa xuống cấp, hư hỏng nặng, hạn chế tích nước trong năm 2021 phải thường xuyên kiểm tra, chuẩn bị tốt phương án “bốn tại chỗ” để kịp thời ứng phó khi có sự cố. Thực hiện các biện pháp bảo vệ sản xuất, thu hoạch lúa theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, thu hoạch sớm hoa màu, các hồ nuôi tôm, cá... đảm bảo tránh thiệt hại trong mùa mưa bão. Tăng cường công tác quản lý tàu thuyền trên sông, trên biển, khi có thông báo về thiên tai phải tổ chức kiểm đếm tàu thuyền và hướng dẫn cho các thuyền trưởng di chuyển đến vùng an toàn.
Công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường: Trong tháng đã cho thuê đất 16 trường hợp, diện tích 58 ha; giao đất 12 khu dân cư, diện tích 13,2 ha; gia hạn thuê đất 06 trường hợp, diện tích 3,8 ha; phê duyệt 03 phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư với tổng kinh phí hơn 5,4 tỷ đồng; xây dựng giá đất ở để bồi thường, giải phóng mặt bằng 05 dự án.
2. Về sản xuất công nghiệp, xây dựng
Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 6493/UBND-VX ngày 13/10/2021 về việc tạm thời điều chỉnh một số biện pháp để kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, áp dụng từ ngày 15/10/2021. Đến nay, tỷ lệ người dân được tiêm vaccine Covid-19 ngày càng cao; lưu thông hàng hóa thuận lợi hơn; nhiều ngành dịch vụ bắt đầu hoạt động trở lại từ ngày 15/10/2021 là điều kiện để hoạt động sản xuất công nghiệp phục hồi và tăng trưởng trở lại
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 8,8% so với tháng trước và tăng 4,24% so với cùng kỳ; lũy kế 10 tháng tăng 5,67% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,74%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 49,48%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,09%; riêng ngành khai khoáng giảm 3,25% so với cùng kỳ.
Hiện nay, ngành may mặc gặp nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu dùng thấp cả về xuất khẩu lẫn nội địa, bị ép giá bán, đơn hàng bị cắt giảm, sản xuất bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch bệnh. Sản lượng sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn là quần áo đồng bộ giảm 6,13% so cùng kỳ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dự báo tình hình sẽ cải thiện hơn trong các tháng cuối năm.
Hoạt động chế biến dăm gỗ gặp nhiều khó khăn từ đầu năm 2021 đến nay, giá bán hạ thấp, thị trường xuất khẩu thu hẹp, chỉ số sản xuất ngành chế biến gỗ giảm 11,32%. Điểm sáng là một số doanh nghiệp đã chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, tập trung sản xuất khung cửa gỗ, khung lò sưởi xuất khẩu với lượng đơn hàng lớn và ổn định.
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng Khu kinh tế Nhơn Hội, các khu, cụm công nghiệp và các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện. Các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp tiếp tục được triển khai xây dựng theo kế hoạch. Trong tháng, UBND tỉnh tổ chức làm việc với Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam và Tập đoàn PNE (Đức) về đề xuất đầu tư dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Bình Định với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4,8 tỷ USD.
3. Về thương mại, dịch vụ, tài chính
Hoạt động thương mại tháng 10/2021 đảm bảo lượng hàng hóa dồi dào, chủng loại đa dạng, được tổ chức lưu thông, thông suốt trên địa bàn tỉnh, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. UBND tỉnh cũng cho phép các cơ sở lưu trú trên địa bàn được hoạt động trở lại khi đáp ứng các điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước đạt 7.286 tỷ đồng, tăng 19,3% so với tháng trước và tăng 3,1% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 62.935 tỷ đồng, tăng 0,9% so với cùng kỳ. Xét theo ngành hàng, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 55.013 tỷ đồng, tăng 4,1%; dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 5.357 tỷ đồng, giảm 17,6%; dịch vụ lữ hành đạt 19,7 tỷ đồng, giảm 38,7%; hoạt động dịch vụ khác đạt 2.545 tỷ đồng, giảm 14,2% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 0,07% so với tháng trước. Bình quân 10 tháng năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,34% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 10 ước đạt 91,5 triệu USD, giảm 11,8% so với tháng trước; tính chung 10 tháng ước đạt 1,08 tỷ USD, tăng 21,4% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng xuất khẩu tăng so với cùng kỳ như: hàng thuỷ sản tăng 43%; gạo tăng 33,6%; sản phẩm gỗ tăng 42,4%... Trong khi đó, hàng dệt may giảm 12,2%; gỗ giảm 3,2% so với cùng kỳ.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 10 ước đạt 36 triệu USD, giảm 32% so với tháng trước; tính chung 10 tháng ước đạt 371,8 triệu USD, tăng 28,8% so với cùng kỳ.
Trước diễn biến mới của dịch Covid-19, Sở Giao thông vận tải đã có phương án tổ chức hoạt động vận tải trong tình hình mới, đáp ứng việc lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh và an sinh xã hội. Các tuyến đường vận chuyển hành khách như đường hàng không, đường sắt và đường bộ đã hoạt động lại trong tháng tuy nhiên lượng khách đi lại chưa nhiều.
Dịch vụ vận chuyển hành khách 10 tháng năm 2021 ước đạt 16,4 triệu hành khách, giảm 32,7% và luân chuyển 1,58 tỷ hành khách.km, giảm 34,3% so với cùng kỳ. Vận tải hàng hoá ước đạt 20,1 triệu tấn, giảm 3%; luân chuyển 2,95 tỷ tấn.km, giảm 1,8% so với cùng kỳ. Hàng hoá thông qua cảng tháng biển 10 tháng năm 2021 ước đạt 11,9 triệu tấn, tăng 11,9% so với cùng kỳ.
Về du lịch: Tính đến cuối tháng 10, tổng lượng khách du lịch đến tỉnh ước đạt khoảng 1,19 triệu lượt khách, giảm 36,3% so với cùng kỳ (trong đó khách quốc tế ước đạt hơn 77.700 lượt, giảm 43,7%; khách nội địa ước đạt 1,87 triệu lượt, giảm 54% so với cùng kỳ). Tổng doanh thu du lịch 10 tháng ước đạt 1.616 tỷ đồng, giảm 30,1% so với cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến ngày 25/10/2021 là 10.375 tỷ đồng, đạt 98,2% dự toán năm và tăng 13,8% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa (trừ tiền sử dụng đất; xổ số kiến thiết; thu cổ tức, lợi nhuận được chia và lợi nhuận còn lại) là 5.405 tỷ đồng, đạt 92,9% dự toán năm, tăng 6,7%; thu tiền sử dụng đất là 3.636 tỷ đồng, đạt 110,2% dự toán năm, tăng 8%; thu xuất nhập khẩu là 1.151 tỷ đồng, đạt 145,7% dự toán năm, tăng 121,5% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách nhà nước là 12.630 tỷ đồng, đạt 82,7% dự toán năm, giảm 3,8% so với cùng kỳ; trong đó chi thường xuyên là 6.461 tỷ đồng, đạt 94,9% dự toán năm, giảm 6,1% so với cùng kỳ.
Về hoạt động tài chính, tín dụng: Các tổ chức tín dụng đã tập trung đánh giá, xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhằm hỗ trợ khách hàng và tránh phát sinh nợ xấu. Đến cuối tháng 10, tổng nguồn vốn huy động tại địa phương là 79.830 tỷ đồng, tăng 8,3% so với tháng 12 năm 2020; tổng dư nợ là 87.440 tỷ đồng, tăng 4,8% so với tháng 12 năm 2020, trong đó nợ xấu chiếm 0,9% so với tổng dư nợ.
4. Về thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển
Đã thực hiện điều chuyển kế hoạch vốn năm 2021 từ các dự án chậm tiến độ sang thanh toán khối lượng hoàn thành cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, các công trình đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, nhất là các công trình trọng điểm về giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục... để đảm bảo đúng tiến độ hoàn thành trong năm 2021. Bên cạnh đó, tập trung thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư để sớm triển khai thi công một số dự án quan trọng của tỉnh như: Dự án xây dựng tuyến đường ven biển (ĐT.639), đoạn từ Quốc lộ 1D đến Quốc lộ 19 mới; tuyến đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn; các tuyến đường kết nối các địa phương với đường ven biển; đập dâng Hà Thanh 1…
Tính đến ngày 25/10/2021, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý là 3.991 tỷ đồng, đạt 62,68% kế hoạch năm. Trong đó, giá trị giải ngân vốn ngân sách tỉnh là 2.260 tỷ đồng, đạt 54,11%; vốn ngân sách trung ương là 1.731 tỷ đồng, đạt 79,02% (vốn trong nước đạt 93,56%; vốn nước ngoài đạt 41,72%). Ước đến 31/10/2021, giá trị giải ngân vốn đầu tư công đạt 66,61%, trong đó vốn ngân sách tỉnh là 60,1%; vốn ngân sách trung ương là 93,56%.
Bên cạnh công tác chỉ đạo thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh, UBND tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng, báo cáo Trung ương về kế hoạch đầu tư công năm 2022.
5. Về thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Trong tháng tỉnh chưa có thêm dự án FDI. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 03 dự án FDI được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký 40,3 triệu USD; có 7 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn điều chỉnh tăng 32,2 triệu USD và 6 lượt nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp với tổng vốn 17,1 triệu USD.
Đến nay, cả tỉnh có 86 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1,05 tỷ USD; trong đó có 38 dự án trong KKT và KCN với tổng vốn đăng ký 804,3 triệu USD và 48 dự án ngoài KKT và KCN với tổng vốn đăng ký 242,6 triệu USD.
Về đầu tư trong nước: Trong tháng 10/2021, toàn tỉnh thu hút thêm 07 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn thu hút 3.151 tỷ đồng, trong đó có 04 dự án đầu tư trong Khu Kinh tế Nhơn Hội và Khu công nghiệp. Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thu hút 73 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư trên 41.631 tỷ đồng (51 dự án ngoài Khu Kinh tế và Khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư 32.987,6 tỷ đồng; 22 dự án trong Khu Kinh tế và Khu công nghiệp tổng vốn đầu tư: 8.643,4 tỷ đồng). Đồng thời, thực hiện tăng vốn 12 dự án với tổng vốn tăng thêm 27.555 tỷ đồng.
Về quản lý, phát triển doanh nghiệp: UBND tỉnh đã chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021. Trong 10 tháng năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 794 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 10.507 tỷ đồng; giảm 10% về số doanh nghiệp đăng ký và tăng 59,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Bên cạnh đó có 251 doanh nghiệp giải thể và chấm dứt hoạt động; 464 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và 340 doanh nghiệp hoạt động trở lại.
6. Về văn hoá - xã hội
Về giáo dục và đào tạo: Tiếp tục chỉ đạo việc tổ chức dạy và học theo hướng thích ứng linh hoạt, đảm bảo an toàn. Ngành Giáo dục đã chủ động xây dựng các kịch bản năm học 2021-2022 trong điều kiện dịch bệnh tương ứng với 4 mức độ nguy cơ: nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, nguy cơ, bình thường mới. Tùy điều kiện cụ thể của mỗi địa phương để triển khai dạy học trực tiếp đối với “vùng xanh”; dạy học trực tuyến qua internet và trên truyền hình, hướng dẫn học sinh tự học với nơi dịch bệnh phức tạp theo phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”.
Về văn hóa và thể thao: Đã tổ chức Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Tiếp tục tuyên truyền các sự kiện, các ngày lễ lớn của tỉnh và cả nước. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động thể thao, giải đấu thể thao tạm dừng tổ chức.
Về y tế: Trong tháng phát sinh một số ổ dịch mới tại thành phố Quy Nhơn và huyện Phù Cát. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, ngành Y tế đã thực hiện kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh; tiếp tục chỉ đạo giám sát, điều tra dịch tễ kịp thời; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế phục vụ điều trị bệnh; đồng thời, triển khai tiêm phòng vắc xin Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch.
Tính từ ngày 28/6/2021 đến 25/10/2021, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 1.604 trường hợp mắc COVID-19; trong đó: 1.382 trường hợp đã khỏi bệnh được xuất viện, 17 trường hợp tử vong, 205 trường hợp đang điều trị tại các cơ sở y tế trong tỉnh. Số người được tiêm ít nhất 01 liều vắc xin phòng chống Covid-19 là 699.442 người, trong đó có 86.962 người tiêm đủ 02 liều.
Về an sinh xã hội: Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã hướng dẫn 3.070 doanh nghiệp triển khai nhanh chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 71.407 lao động với tổng số tiền được giảm khoảng 20,5 tỷ đồng. Đối với việc hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, đến nay 11/11huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát, thực hiện chi trả và lập danh sách phê duyệt 44.565 người, kinh phí hỗ trợ trên 66,8 tỷ đồng. Ngoài ra ngân sách tỉnh đã bổ sung, uỷ thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh 50 tỷ đồng để cho người lao động vay nhằm chuyển đổi việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
Hiện nay toàn tỉnh có khoảng 100.000 người trở về từ vùng dịch với khoảng 60-70% là người lao động, trong đó có gần 13.000 lao động tự do trở về từ các tỉnh phía Nam có nhu cầu tìm việc làm và hơn 3.700 người muốn đi học nghề. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương nắm bắt nhu cầu việc làm của người lao động, hỗ trợ giải quyết việc làm đồng thời kết nối với các tỉnh thành phía Nam để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng, thông tin đến người lao động có nguyện vọng quay trở lại làm việc và xây dựng kế hoạch đào tạo, chuyển đổi nghề, bồi dưỡng nghề.
Các chính sách hỗ trợ cho những trường hợp khác được quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ đang được tiếp tục thực hiện.
Về khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông: Đã tiến hành nghiệm thu các đề tài nghiên cứu theo kế hoạch, chuẩn bị triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2022. Tiếp tục thực hiện tuyên truyền phòng, chống dịch và các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em” để cung cấp, hỗ trợ máy tính, các thiết bị, nền tảng công nghệ, dịch vụ viễn thông cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19