1. Về sản xuất nông, lâm, thủy sản, quản lý tài nguyên và môi trường
Trong tháng 01, ngành Nông nghiệp tập trung chủ yếu vào gieo sạ và chăm sóc cây trồng vụ Đông Xuân 2021-2022. Tính đến cuối tháng 01, dung tích toàn bộ các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh đạt 586 triệu m 3 , đạt 99% dung tích thiết kế, tăng 4,1% so với cùng kỳ.
Về trồng trọt: Tính đến nay, diện tích lúa vụ Đông Xuân trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 47.049 ha, đạt 98,7% so với kế hoạch. Diện tích chưa gieo sạ khoảng 636 ha, tập trung ở chân ruộng trũng và ở xã vùng cao Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh. Lúa chân ruộng cao giai đoạn làm đòng; chân ruộng 3 vụ/năm giai đoạn cuối đẻ nhánh; chân 2 vụ đang gieo sạ - đẻ nhánh rộ. Tiến độ gieo trồng một số cây trồng cạn như sau: Cây ngô 1.886 ha/2.410 ha; cây lạc 6.579 ha/7.970 ha; rau các loại 3.478 ha/5.631 ha; đậu các loại 1.084 ha/880 ha. Hiện nay, người dân đang tiếp tục làm đất, gieo trồng các cây trồng cạn vụ Đông Xuân theo kế hoạch.
Về chăn nuôi: Tình hình chăn nuôi tiếp tục phát triển ổn định, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh được kiểm soát chặt chẽ, không phát sinh dịch bệnh. Ngành Thú y tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng và tham gia thực hiện công tác phòng ngừa, xử lý khi xảy ra dịch bệnh, tiêm phòng đầy đủ, vệ sinh tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại, bảo vệ môi trường, cộng đồng dân cư. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò, giai đoạn 2022-2030; Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022 trên địa bàn tỉnh.
Về lâm nghiệp: Sản xuất lâm nghiệp trong tháng 01 tập trung chủ yếu là công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Hiện nay, các đơn vị đang chuẩn bị thực hiện công tác chăm sóc rừng đợt 1 năm 2022 theo đúng lịch thời vụ, tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Ngành Kiểm lâm phối hợp với các ngành, các địa phương thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, bảo vệ rừng, tăng cường
công tác tuần tra, kiểm tra rừng vùng giáp ranh giữa các huyện trong và ngoài tỉnh; đẩy mạnh công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Trong tháng trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng, có 02 vụ phá rừng với diện tích 0,2ha.
Về thủy sản: Sản lượng khai thác thủy sản tháng 01 ước đạt 11.294,4 tấn, tăng 2% so với cùng kỳ; trong đó sản lượng khai thác cá ngừ đại dương đạt 798,5 tấn, giảm 6,1% so cùng kỳ. Tiếp tục triển khai công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản; duy trì và củng cố phong trào toàn dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở các xã, phường ven đầm, ven biển; tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức
người dân trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các địa phương nhất là tại các khu vực trọng điểm trong thời điểm trước Tết Nguyên đán. Trong tháng, đã tổ chức kiểm tra 33 lượt tàu rời cảng và 10 lượt tàu cập cảng đảm bảo đạt tỷ lệ kiểm tra theo quy định; đã làm việc với Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT kiểm tra tình hình triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU) trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được triển khai theo kế hoạch. Trong tháng, huyện Tuy Phước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Ngoài ra, đoàn công tác Trung ương đã kiểm tra thực tế kết quả xây dựng nông thôn mới huyện Phù Cát và thống nhất trình Hội đồng thẩm định nông thôn mới Trung ương xem xét cho ý kiến và đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
2. Về sản xuất công nghiệp, xây dựng
Bước vào năm 2022, tiếp nối đà phục hồi từ những tháng cuối năm 2021, một số ngành chủ lực của tỉnh đã có sự tăng trưởng đáng kể như nhóm chế biến thủy sản, dệt may, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế, sản xuất và phân phối điện... Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 01/2022 tăng 9,85% so với cùng kỳ, trong đó ngành khai khoáng giảm 10,82%; ngành chế biến, chế tạo tăng 8,69%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 31,48%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 8,65%. Đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hầu hết các ngành chiếm tỷ trọng lớn có tốc độ tăng trưởng cao so cùng kỳ. Tận dụng cơ hội từ hiệp định EVFTA và sự phục hồi kinh tế ở các nước Châu Âu, đơn hàng xuất khẩu mặt hàng thủy sản vào khu vực này tăng cao, phần khác ghi nhận dịch chuyển đơn hàng từ các doanh nghiệp thủy sản ở miền Nam, sản lượng sản xuất cá phi lê tăng 44,5%, tôm đông lạnh tăng 71,9% so cùng kỳ. Một số sản phẩm khác tăng so cùng kỳ như: Sữa tăng 29,6%; thức ăn gia súc tăng 10,9%. Ngoài ra, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 31,48%; trong đó điện sản xuất tăng 46,3%, tăng cao cả thủy điện và điện năng lượng tái tạo; điện thương phẩm tăng 4% so với cùng kỳ.
Các chương trình khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện. Hoạt động sản xuất tại các làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh khá sôi động, nhất là các mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của người dân như: Bánh tráng, bún các loại, nem chả, thịt chế biến, bánh kẹo, mứt, tranh ảnh nghệ thuật, đồ thủ công mỹ nghệ...
Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022, hầu hết các doanh nghiệp đã giải quyết cho người lao động nghỉ Tết từ ngày 31/01/2022 (tức 29 Tết); sau Tết Nguyên đán, phần lớn các doanh nghiệp trở lại hoạt động sản xuất từ ngày 07/02/2022 (tức mùng 7 Tết). Các doanh nghiệp đã chi trả tiền lương tháng 12/2021 theo quy định và một số doanh nghiệp đã linh hoạt cho ứng trước tiền lương tháng 01/2022; đồng thời, chuẩn bị chu đáo tiền thưởng và quà Tết cho người lao động trước khi nghỉ Tết, trong đó đa số các doanh nghiệp đều có mức thưởng Tết trung bình là 01 tháng lương. Các doanh nghiệp trong thời gian nghỉ Tết đều có phân công người trực và quan tâm chú trọng công tác phòng chống cháy, nổ, sắp xếp gọn gàng vật tư, thiết bị... không xảy ra sự cố gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
3. Về thương mại, dịch vụ, tài chính
Tháng 01/2022 là tháng cao điểm chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 nên nhu cầu mua sắm tại các chợ truyền thống, siêu thị và trung tâm thương mại nhộn nhịp và sôi động hơn những tháng trước. Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, nhiều doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã chủ động nhập hàng mới, tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, giá cả hợp lý với nhiều loại mặt hàng giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng và phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương cân đối cung cầu hàng hoá, ổn định thị trường hàng hóa và giá cả, bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Nguồn cung hàng hóa dồi dào về số lượng, phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng và lưu thông hàng hóa, không có hiện tượng khan hiếm gây “sốt” giá hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết. Hoạt động thương mại miền núi được quan tâm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Công ty CP Tổng hợp các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão đã dự trữ đưa các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ Tết cho đồng bào dân tộc thiểu số, đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của đồng bào, góp phần ổn định giá cả thị trường miền núi.
Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tháng 01 ước đạt 8.431 tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 15,8% so với cùng kỳ. Các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã có kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết như bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá, hoa quả... kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với những tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp Tết để đầu cơ, ép giá, đưa tin thất thiệt nhằm gây bất ổn thị trường, trục lợi bất chính, chống vận chuyển và kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01 tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 3,01% so với cùng kỳ. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 08 nhóm có chỉ số tăng, 03 nhóm có chỉ số giảm so với tháng trước. Nguyên nhân CPI tháng 01 tăng do đây là tháng giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần nên nhu cầu mua sắm các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng.
Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trước Tết được tăng cường góp phần đáng kể ổn định thị trường và giá cả hàng hoá. UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tập trung kiểm tra các mặt hàng thiết yếu tiêu dùng phục vụ Tết về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, định lượng bao gói, nhãn hiệu; kiểm tra chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm tra và ngăn chặn hàng giả, hàng lậu nhất là các mặt hàng rượu ngoại, thuốc lá ngoại nhập lậu, đồ chơi trẻ em nguy hiểm; kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc sản xuất, buôn bán, vận chuyển tàng trữ và sử dụng các loại pháo trái phép. Qua đợt kiểm tra cao điểm trước Tết, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã phát hiện, xử lý 122 vụ vi phạm. Hành vi vi phạm: 14 vụ buôn bán hàng cấm, hàng trái phép; 107 vụ gian lận thương mại; 01 vụ hàng giả. Thu, nộp ngân sách Nhà nước hơn 01 tỷ đồng.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 01 ước đạt 119,4 triệu USD, giảm 17,7% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu sản phẩm từ sắn tăng 206,3%; sản phẩm từ chất dẻo tăng 9,8%; gỗ tăng 7,2%... Kim ngạch nhập khẩu tháng 01 ước đạt 38,6 triệu USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ. Trong tháng 01, một số nhóm hàng nhập khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ gồm: Thủy sản tăng 19,2%; gỗ nguyên liệu tăng 12%; dệt may tăng 11,1%...
Vận chuyển hành khách tháng 01 ước đạt 2.331,2 nghìn hành khách, giảm 10,1% so với cùng kỳ; luân chuyển đạt 235,1 triệu hành khách.km, giảm 6,6% so cùng kỳ. Vận chuyển hàng hóa ước đạt 3.003 nghìn tấn, tăng 8,3% so với cùng kỳ; luân chuyển ước đạt 447,9 triệu tấn.km, so với cùng kỳ tăng 26,8%. Để đáp ứng nhu cầu đi lại trước Tết, các ngành chức năng làm việc với các doanh nghiệp vận tải huy động nhiều lượt xe khách phục vụ trong dịp này, số lượng xe tăng hơn so với cùng kỳ, nhu cầu đi lại của người dân được đáp ứng đầy đủ và thuận tiện hơn so với các
năm trước. Hàng hóa thông qua cảng biển ước đạt 1,17 triệu TTQ, tăng 16,6% so với cùng kỳ.
Về du lịch, chuẩn bị triển khai các hoạt động quảng bá, giới thiệu du lịch Quy Nhơn - Bình Định tại các lễ hội, sự kiện diễn ra trong dịp Lễ, Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Khách du lịch đến Bình Định tháng 01 ước đạt hơn 250.000 lượt khách, giảm 32,6% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch tháng 01 ước đạt trên 338 tỷ đồng, giảm 22,7% so với cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh tính đến ngày 26/01/2022 là 1.335 tỷ đồng, đạt 11,9% dự toán năm và tăng 49,8% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa (trừ tiền sử dụng đất; xổ số kiến thiết; thu cổ tức, lợi nhuận được chia và lợi nhuận còn lại) là 427,5 tỷ đồng, đạt 7,1% dự toán năm, tăng 2,7%; thu tiền sử dụng đất là 789,2 tỷ đồng, đạt 19,7% dự toán năm, tăng 107,2%; thu xuất nhập khẩu là 110,7 tỷ đồng, đạt 12,2% dự toán năm, tăng 30,1% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách nhà nước là 900,7 tỷ đồng, đạt 5,5% dự toán năm, tăng 2,6% so với cùng kỳ.
Tổng nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đến 31/01/2022 là 81.850 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ; tổng dư nợ tín dụng là 91.600 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ (trong đó nợ xấu chiếm tỷ lệ khoảng 0,33% so với tổng dư nợ).
4. Về thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển
Kế hoạch đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương năm 2022 đã được UBND tỉnh giao ngay từ đầu năm tại Quyết định số 5079/QĐ-UBND ngày 20/12/2021. Trên cơ sở đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thông báo chi tiết kế hoạch vốn năm 2022 đến từng Chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển thực hiện trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh là 8.648,3 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 2.795,8 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 5.852,5 tỷ đồng.
Ngay sau Hội nghị triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ và HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các chủ đầu tư dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh cam kết tiến độ hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án khởi công mới năm 2022 và cam kết tiến độ giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 đã được giao. Phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022.
Trong tháng, các cấp, các ngành, các chủ đầu tư đã thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh. Công tác quy hoạch, xây dựng các khu dân cư, nhà ở cho các hộ nghèo, gia đình chính sách và chỉnh trang đô thị tiếp tục được quan tâm thực hiện. Lãnh đạo tỉnh đã tăng cường kiểm tra, đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng dự án Khu Công nghiệp Becamex Bình Định sớm hoàn thành đi vào hoạt động, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp của tỉnh.
5. Về thu hút đầu tư
Về đầu tư nước ngoài (FDI): Trong tháng chưa phát sinh dự án mới trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 86 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 1,08 tỷ USD; trong đó có 38 dự án trong KKT và KCN với tổng vốn đăng ký 843,3 triệu USD và 48 dự án ngoài KKT và KCN với tổng vốn đăng ký 245,5 triệu USD.
Về đầu tư trong nước: Trong tháng 01, toàn tỉnh thu hút 08 dự án với tổng vốn đầu tư 63,11 tỷ đồng (07 dự án ngoài KKT, KCN, tổng vốn đầu tư: 40,52 tỷ đồng; 01 dự án trong KKT, KCN, tổng vốn đầu tư: 22,59 tỷ đồng). Đồng thời, thực hiện tăng vốn 01 dự án với tổng vốn tăng thêm 710,84 tỷ đồng.
Về quản lý, phát triển doanh nghiệp: UBND tỉnh đã chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.
6. Về văn hóa – xã hội
Về giáo dục và đào tạo: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức việc dạy và học linh hoạt theo từng trường và từng địa phương. Theo đó, những địa phương nằm trong vùng nguy cơ thấp học sinh học trực tiếp tại trường. Các lớp có ca F0 hoặc trường nằm trong vùng nguy cơ cao sẽ duy trì hình thức học trực tuyến. Các trường tổ chức dạy và học trực tiếp tuân thủ nghiêm quy định về phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện nghiêm túc quy định 5K trong trường học. Đến nay, tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành kỳ thi học kỳ 1 năm học 2021-2022.
Về văn hóa – thể thao: Các hoạt động văn hoá, thông tin, văn nghệ, thể dục thể thao, báo chí, phát thanh truyền hình chuẩn bị mừng Đảng mừng Xuân, đón tết Nhâm Dần 2022 được các ngành, địa phương quan tâm. Ngành Văn hóa và Thể thao và các địa phương đã tập trung thực hiện chỉnh trang đô thị, dọn dẹp vệ sinh môi trường phục vụ Tết; trang trí, cổ động trực quan trên các tuyến đường chính tại thành phố Quy Nhơn và các thị xã, thị trấn trong tỉnh; tổ chức trưng bày linh vật Xuân Nhâm Dần tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn), tuyến đường hoa mai tại xã Nhơn An, TX An Nhơn góp phần tạo điểm nhấn nổi bật phục vụ khách tham quan du lịch trong dịp Tết. Tuyên truyền trực quan Lễ kỷ niệm 233 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa; kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi tình hình lương, thưởng Tết dương lịch và Tết nguyên đán năm 2022. Hầu hết các doanh nghiệp thực hiện tốt việc trả lương cho người lao động, không có doanh nghiệp nợ lương người lao động; chưa có tình trạng đình công, lãn công xảy ra trên địa bàn tỉnh. Rà soát, tổng hợp kết quả điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2021, kết quả tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 4,28%, giảm 0,8% so với năm 2020. Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022, các cấp, các ngành, các địa phương đã tổ chức hoạt động cứu trợ, chăm lo đời sống các gia đình chính sách, người có công, người nghèo, gia đình bị thiệt hại ở các vùng lũ, đồng bào dân tộc thiểu số; thăm hỏi các đơn vị làm nhiệm vụ trực Tết, các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn… với tổng số tiền hơn 70 tỷ đồng.
Ngành Y tế tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới và các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng... Tiếp tục đẩy mạnh việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân theo phương châm “Nhanh nhất, hiệu quả nhất và an toàn nhất”. Tính đến nay, tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 mũi vacxin là 99,2%, tỷ lệ người dân đã được tiêm chủng đủ 2 mũi vắc-xin là 93,7%, tiêm nhắc lại cho 72.619 người; trẻ từ 12 đến 17 tuổi tiêm mũi 1 đạt 96,6%, tiêm mũi 2 đạt 30,9%.
Ngành Khoa học và Công nghệ, Thông tin và truyền thông tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Tổ hợp không gian khoa học. Tập trung tuyên truyền chủ trương về thúc đẩy sản xuất; chống kinh doanh, sản xuất hàng giả; chống buôn lậu, kiểm soát giá cả thị trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ngăn ngừa các thông tin sai lệch gây tác động xấu đến sản xuất kinh doanh và tâm lý người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.