Năm 2021, tỉnh ta triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp; trong đó, đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 với biến thể Delta đã gây ảnh hướng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của đại bộ phận người dân trên cả nước nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng.
Cùng với triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các ngành, các cấp ra sức khắc phục khó khăn, phát huy thuận lợi, triển khai đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh, nhất là thực hiện mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nên đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2021 đã đề ra; an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng - an ninh được củng cố; đời sống nhân dân cơ bản ổn định; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền được tăng cường; niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp ngày càng được nâng lên, cụ thể:
Kết quả thực hiện 19 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội, như sau: Có 15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 04 chỉ tiêu chưa đạt so với kế hoạch (gồm: Chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm địa phương (GRDP); Chỉ số sản xuất công nghiệp; Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới và Số giường bệnh trên 1 vạn dân).
I. Tình hình và kết quả thực hiện trên các lĩnh vực phát triển kinh tế
1. Về sản xuất nông, lâm, thủy sản, quản lý tài nguyên và môi trường
Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2021 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 27.093,5 tỷ đồng, tăng 3,1% so với cùng kỳ (trong đó: Nông nghiệp đạt 15.794,8 tỷ đồng, tăng 3,7%; Lâm nghiệp đạt 1.446,4 tỷ đồng, tăng 2,3%; Thủy sản đạt 9.852,3 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ).
Về trồng trọt: Giá trị sản xuất ước đạt 7.051,4 tỷ đồng, tăng 2,1% so với cùng kỳ. Công tác chuẩn bị sản xuất, phòng chống dịch bệnh và chỉ đạo sản xuất được thực hiện tốt trong năm. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 154.139 ha, tăng 0,7% so với cùng kỳ; trong đó, diện tích lúa cả 3 vụ ước đạt 95.955 ha, tăng 2% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng lúa ước đạt 637.733 tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ; năng suất bình quân ước đạt 66,4 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha so với cùng kỳ. Đây là năm đạt năng suất lúa cao nhất từ trước đến nay.
Trong năm đã chuyển đổi trên đất lúa ước đạt 3.819 ha, tăng 350 ha so với cùng kỳ; trong đó, chuyển đổi sang trồng lạc, rau màu mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững. Thực hiện chuyển đổi trên đất trồng sắn, trồng mía sang cây trồng cạn mang lại hiệu quả kinh tế cao, các mô hình chuyển đổi hiệu quả đã được các địa phương nhân rộng, như: Chuyển đổi trồng lạc, ngô, mè (huyện Tây Sơn); trồng lạc xen sắn (huyện Phù Cát); trồng rau màu (huyện Phù Mỹ). Đã thực hiện chuyển đổi 177ha từ đất sản xuất 3 vụ lúa sang sản xuất 2 vụ lúa/năm, lũy kế đến nay đã chuyển đổi được 3.912ha, đạt 43,8% kế hoạch.
Về cánh đồng mẫu lớn: Toàn tỉnh đã thực hiện 270 cánh đồng mẫu lớn, tăng 06 cánh đồng so với cùng kỳ; trong đó có 266 cánh đồng lúa (vụ Đông Xuân 150 cánh đồng, vụ Thu 116 cánh đồng) và 04 cánh đồng lạc; tổng diện tích là 13.189 ha, tăng 331 ha so với cùng kỳ. Đã triển khai 09 mô hình khuyến nông, với 20 điểm trình diễn gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, thâm canh cây trồng trên đất chuyển đổi... Tổng diện tích cây lâu năm toàn tỉnh ước đạt 19.676,5 ha, tăng 0,3% so với cùng kỳ.
Về chăn nuôi: Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2021 ước đạt 8.305,5 tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ. Trong năm 2021, tuy bị tác động xấu bởi dịch Covid-19 và dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò, nhưng hoạt động chăn nuôi trong tỉnh tiếp tục duy trì phát triển. Công tác quản lý kiểm soát chăn nuôi, phát triển tái đàn gắn với phòng, chống dịch bệnh luôn được tăng cường và phát huy hiệu quả. Để khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động phục hồi, duy trì và phát triển tái đàn bò sau dịch bệnh viêm da nổi cục bò và ổn định giá cả bò hơi, cân bằng cung cầu thị trường, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển tái đàn bò trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí khoảng 45 tỷ đồng, hỗ trợ người chăn nuôi có trâu, bò bị bệnh chết, tiêu hủy và với lãi suất 0% trong thời gian 12 tháng; đến nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện giải ngân hơn 65% nguồn kinh phí cho các hộ dân vay tái đàn 2.500 con bò, giúp bà con chăn nuôi sớm khôi phục sản xuất.
Trong năm, ngành chăn nuôi đã phát huy hiệu quả chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm heo hơi tại thị trường Đà Nẵng, góp phần tiêu thụ ổn định heo hơi trong điều kiện dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, đã tăng cường khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất chăn nuôi trong tỉnh mở rộng chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm với người dân; đồng thời, xây dựng các cửa hàng thịt sạch, an toàn thực phẩm cung cấp người tiêu dùng.
Đến nay, đàn heo trong tỉnh có trên 658.800 con, giảm 1,2%; đàn bò trên 297.900 con, tăng 0,4%; đàn gia cầm trên 9,1 triệu con, tăng 3,7%; trong đó, đàn gà trên 6,8 triệu con, tăng 5,1% so với cùng kỳ. Năm 2021, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 36.179 tấn, tăng 2,3%. Sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng ước đạt 125.965 tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 24.287 tấn, tăng 8,2% so với cùng kỳ.
Về lâm nghiệp: Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp ước đạt 1.446,4 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ. Diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 17.230 ha, tăng 0,5% so với cùng kỳ. Đã chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các dự án trồng rừng, diện tích rừng trồng được chăm sóc là 45.359 ha, tăng 0,4%. Toàn tỉnh đã khai thác trên 1,46 triệu m3 gỗ, tăng 0,7% so với cùng kỳ. Thực hiện Kế hoạch trồng mới 01 tỷ cây xanh giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh, đến nay các địa phương đã trồng được 20 ha cây phân tán, tương đương với 20.000 cây. Độ che phủ rừng tính đến 31/12/2021 là 56,5% (đạt 100% so với kế hoạch).
Công tác phòng, chống cháy rừng, phá rừng, xử lý lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật được các cấp, các ngành chỉ đạo triển khai quyết liệt. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 05 vụ cháy rừng với diện tích 25,9 ha; 37 vụ chặt phá rừng với diện tích 2,6ha; kiểm tra, ngăn chặn 08 vụ khai thác rừng trái pháp luật…
Về thủy sản: Giá trị sản xuất toàn ngành thủy sản ước đạt 9.852,3 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước đạt 270.232,4 tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ; trong đó, sản lượng khai thác ước đạt 258.136,3 tấn, tăng 2,3% (trong đó sản lượng khai thác cá ngừ đại dương ước đạt 11.303,5 tấn, giảm 4%), sản lượng nuôi trồng ước đạt 12.096,1 tấn, tăng 5,1%. Hoạt động đánh bắt cá ngừ đại dương tiếp tục được duy trì; các mô hình nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao đang được khuyến khích nhân rộng tại các địa phương ven biển, đặc biệt là mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kính của Tập đoàn Việt Úc, sản lượng nuôi tôm công nghệ cao ước đạt 1.760 tấn. Đã hoàn thành Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ.
Công tác khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) tiếp tục triển khai thực hiện. Công tác quản lý hệ thống giám sát hành trình tàu cá đã được thực hiện thường xuyên, liên tục, trực theo dõi 24/24 tại trạm bờ để phát hiện và cảnh báo tàu vượt ra ngoài vùng tự do đánh bắt của Việt Nam. Từ đầu năm đến nay đã phát hiện và cảnh báo 66 tàu/81 lượt vượt ra ngoài vùng tự do đánh bắt của Việt Nam, 57 tàu/63 lượt tàu cá mất kết nối trên biển 10 ngày.
Thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ ngư dân hoạt động khai thác trên các vùng biển xa, đến nay, toàn tỉnh có 3.140 tàu cá được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện tham gia khai thác vùng biển xa. Trong năm 2021, UBND tỉnh đã phê duyệt 10.304 hồ sơ đề nghị hỗ trợ với tổng số tiền là 730,1 tỷ đồng.
Công tác xây dựng nông thôn mới: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện; các ngành, các cấp tập trung triển khai thực hiện các tiêu chí ở các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021, củng cố và nâng cao chất lượng các xã đã được công nhận đạt chuẩn trên địa bàn. Đã đề nghị Trung ương xem xét thẩm định, công nhận huyện Tuy Phước đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020; triển khai thực hiện một số nội dung còn lại đối với tiêu chí môi trường của huyện Phù Cát để đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí cấp huyện. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 04/11 đơn vị cấp huyện (huyện Tuy Phước, thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và thị xã Hoài Nhơn) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đạt chuẩn nông thôn mới; 84 xã được công nhận đạt chuẩn đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 74,33%, trong đó riêng năm 2021 có 06 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân số tiêu chí/xã đến nay là 16,6 tiêu chí.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được triển khai đến các doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất... Trong năm công nhận khoảng 45 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh năm 2021; lũy kế đến nay có 125 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Các sản phẩm tiềm năng được đánh giá cao gồm sản phẩm Gà giống Cao Khanh, Gà giống Minh Dư, Dầu dừa tinh khiết Ngọc An...
Công tác quản lý tài nguyên và môi trường, ứng phó với biển đổi khí hậu: Trong năm 2021, đã giao đất 23 dự án, diện tích 41,69ha; cho thuê đất 123 trường hợp, diện tích 563ha; thu hồi đất 09 trường hợp, diện tích 48,9ha; giao đất 78 khu dân cư, diện tích 108ha; gia hạn giao đất 47 khu dân cư, diện tích 25ha… Phê duyệt 77 phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, với tổng kinh phí 297 tỷ đồng. Cùng với chỉ đạo đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để sớm triển khai các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án trọng điểm về giao thông, thủy lợi, UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản (đất, đá, cát…), bảo vệ môi trường, sinh thái; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số khu, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, khu dân cư,…; kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp khai thác đất, đá, cát… trái phép hoặc không đúng quy định gây lãng phí tài nguyên, thất thu ngân sách, ô nhiễm môi trường.
2. Về sản xuất công nghiệp - xây dựng
Về sản xuất công nghiệp: Trong năm 2021, do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư; số lượng các đơn hàng sụt giảm, chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy, một số ngành hàng gặp khó khăn về giá bán, thu hẹp quy mô sản xuất… Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp đã linh hoạt chuyển đổi sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu thụ, mở rộng các thị trường mới, đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại các thị trường tiềm năng, nhờ đó đã thúc đẩy sản xuất công nghiệp địa phương phát triển. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 51.886,5 tỷ đồng, tăng 7,65% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,56%, tuy chưa đạt so với kế hoạch đề ra (7 - 7,5%) nhưng nhìn chung tình hình sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ, góp phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,86%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 47,96%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải tăng 0,85%; công nghiệp khai khoáng giảm 1,66% so với cùng kỳ.
Một số sản phẩm công nghiệp có sản lượng lớn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, như: Sản lượng điện sản xuất tăng 96,5%; tấm lợp kim loại tăng 38,9%; bàn bằng gỗ các loại 23,58%; ghế khác có khung bằng gỗ tăng 15,7%; phi lê tăng 33,1%, tôm đông lạnh tăng 21,63%; quặng inmenit và tinh quặng inmenit tăng 6,2%... Tuy nhiên, vẫn còn một số sản phẩm chủ lực của tỉnh tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 gây thiếu hụt nguồn nguyên liệu, sụt giảm nhu cầu trong nước và quốc tế, như: Chế biến dăm gỗ; sản xuất thuốc, hóa và sản phẩm hóa chất; tinh bột sắn, thức ăn gia cầm, bê tông,...
Để kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của tỉnh sớm phục hồi và phát triển trong điều kiện bình thường mới, UBND tỉnh đã thành lập Tổ Công tác, tổ chức Hội nghị hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; kịp thời giải quyết các kiến nghị theo thẩm quyền và xem xét, kiến nghị các nội dung thuộc thẩm quyền của Trung ương để góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm thuộc các nhóm ngành quan trọng, chủ lực của tỉnh. Đã chỉ đạo điều chỉnh một số biện pháp để kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”. Hiện nay, tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin phòng Covid-19 ngày càng cao; lưu thông hàng hóa thuận lợi hơn; nhiều ngành dịch vụ bắt đầu hoạt động trở lại từ ngày 15/10/2021 là điều kiện thuận lợi để hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Năm 2021, toàn tỉnh đã thực hiện 27 chương trình, đề án khuyến công quốc gia và địa phương, với tổng kinh phí 5,3 tỷ đồng, trong đó có 22 chương trình, đề án khuyến công địa phương. Việc triển khai các chương trình, đề án khuyến công trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cấp máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất… Công tác tư vấn phát triển công nghiệp tiếp tục được quan tâm chú trọng, với nội dung tư vấn như thực hiện lập báo cáo kiểm toán năng lượng, giám sát các công trình điện, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, xây dựng các dự án, đề án.... Hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tiếp tục phát triển ổn định, đã bổ sung thêm một số mặt hàng, sản phẩm của địa phương, góp phần làm phong phú thêm số lượng, chủng loại hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của đại bộ phận người dân, nhất là ở khu vực nông thôn; trong đó, một số sản phẩm làng nghề tiêu biểu như: Gỗ mỹ nghệ, gốm mỹ nghệ, thảm xơ dừa, rượu bàu đá... đã được ưa chuộng tại thị trường trong nước và bước đầu xuất sang một số nước trong khu vực, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.
Về xây dựng: Giá trị sản xuất xây dựng năm 2021 ước đạt 17.671,6 tỷ đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ. Các cấp, các ngành, các chủ đầu tư đã thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh. Công tác quy hoạch, xây dựng các khu dân cư, nhà ở cho các hộ nghèo, gia đình chính sách và chỉnh trang đô thị tiếp tục được quan tâm thực hiện.
Về xây dựng khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp: UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo triển khai thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án đầu tư, kinh doanh tại KKT Nhơn Hội và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, giao mặt bằng cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và triển khai thực hiện dự án Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex Bình Định; đồng thời, tăng cường công tác quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, sinh thái và xử lý cưỡng chế dứt điểm các trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng nhà trái phép tại KKT, các KCN trên địa bàn tỉnh.
Năm 2021, tại KKT Nhơn Hội đã cấp mới 11 dự án, với vốn đăng ký 8.156 tỷ đồng; lũy kế đến nay có 117 dự án đăng ký đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 116.693 tỷ đồng; vốn thực hiện đạt khoảng 28.485 tỷ đồng, trong đó có 15 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký đầu tư 610 triệu USD. Tại các khu công nghiệp đã cấp mới 16 dự án, với tổng vốn đăng ký là 1.994 tỷ đồng; lũy kế đến nay có 277 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký 15.853 tỷ đồng, vốn thực hiện đạt 9.724 tỷ đồng, trong đó có 24 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 205 triệu USD.
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư tại các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục được chú trọng. Hiện nay, toàn tỉnh có 44/61 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư 2.843 tỷ đồng, vốn thực hiện 1.516,7 tỷ đồng. Các cụm công nghiệp đã thu hút được khoảng 371 dự án đăng ký đầu tư sản xuất, với diện tích đất thuê 545,3 ha; trong đó, có 268 dự án đã đi vào hoạt động, góp phần giải quyết lượng lớn nhu cầu lao động tại các địa phương, nhất là lao động nông thôn.
3. Về thương mại, dịch vụ, tài chính
Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch... trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm tăng trưởng tích cực nhờ các giải pháp kích cầu tiêu dùng, sức mua tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán năm 2021. Tuy nhiên, kể từ quý III/2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các cơ sở kinh doanh phải tạm đóng cửa, các đơn vị kinh doanh vận tải tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách từ tỉnh Bình Định đi các địa phương; đồng thời siết chặt kiểm soát tại các chốt trên tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 1D, Quốc lộ 19C nên hoạt động thương mại kém sôi động so với các tháng đầu năm.
Trong điều kiện khó khăn nhưng UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các siêu thị, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh thực hiện nhiều giải pháp để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ người dân, đảm bảo không bị đứt gãy nguồn cung, bình ổn giá. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ năm 2021 ước đạt 79.683,9 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ; trong đó: thương nghiệp ước đạt 68.632,4 tỷ đồng, tăng 7%; khách sạn, nhà hàng ước đạt 7.612,6 tỷ đồng, giảm 8%; dịch vụ ước đạt 3.418,1 tỷ đồng, giảm 8,8%; du lịch, lữ hành ước đạt 20,8 tỷ đồng, giảm 52,4% so với cùng kỳ.
Nhìn chung, hàng hoá trên địa bàn tỉnh phong phú, đa dạng, lưu thông thông suốt, giá cả ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Công tác tổ chức các chương trình khuyến mại, giảm giá, đưa hàng Việt về nông thôn, góp phần bình ổn giá cả thị trường, kích cầu tiêu dùng tại các địa phương luôn được chú ý tăng cường. Thương mại miền núi luôn được chú ý quan tâm, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho đồng bào được tổ chức phục vụ kịp thời. Công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường, chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ được quan tâm triển khai thường xuyên, góp phần bình ổn thị trường, bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng.
Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,33 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 451,4 triệu USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Hàng hóa thông qua cảng biển ước đạt trên 13,6 triệu tấn, đạt cao nhất từ trước đến nay, tăng 6,1% so với cùng kỳ. Hoạt động kinh doanh tài chính, ngân hàng, bưu chính, viễn thông... không ngừng phát triển cả về số lượng, lẫn chất lượng.
Hoạt động du lịch trong năm 2021 suy giảm đáng kể do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đến cuối năm 2021, lượng khách du lịch đến tỉnh đạt 1,22 triệu lượt khách, giảm 45,2% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 77.900 lượt khách, giảm 46,1%; khách nội địa ước đạt 1,14 triệu lượt khách, giảm 45,1% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch năm 2021 ước đạt 1.656 tỷ đồng, giảm 30,1% so với cùng kỳ.
Trong năm, đã tổ chức triển khai các chương trình kích cầu du lịch nội địa tại Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Ninh; liên kết phát triển du lịch Bình Định - TP Hồ Chí Minh, Bình Định - TP Hà Nội; tổ chức chương trình kích cầu du lịch “Người Bình Định đi du lịch Bình Định”… Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, đặc biệt là quảng bá thương hiệu Quy Nhơn - thành phố Du lịch sạch ASEAN 2020; chú trọng chỉnh trang cơ sở vật chất, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách…; đồng thời, theo dõi, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp trên địa bàn tỉnh sớm hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng.
Dịch vụ vận chuyển hành khách giảm đáng kể do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ước cả năm 2021 đạt trên 21,2 triệu hành khách, giảm 28,9% và luân chuyển đạt 2.061 triệu hành khách.km, giảm 29,3% so với cùng kỳ. Vận chuyển hàng hoá ước đạt trên 25,6 triệu tấn, tăng 2,6%; luân chuyển đạt 3.761 triệu tấn.km, tăng 2,9% so với cùng kỳ. Hàng hóa thông qua cảng biển ước đạt trên 13,6 triệu tấn, tăng 6,1% so với cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh trong năm ước đạt 13.707,3 tỷ đồng, vượt 29,8% dự toán năm và tăng 5,4% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa (trừ tiền sử dụng đất; xổ số kiến thiết; thu cổ tức, lợi nhuận được chia và lợi nhuận còn lại) là 6.917 tỷ đồng, vượt 19% dự toán năm, tăng 5,8%; thu tiền sử dụng đất là 5.255,9 tỷ đồng, vượt 59,3% dự toán năm, giảm 2,9%; thu xuất nhập khẩu là 1.300 tỷ đồng, vượt 64,6% dự toán năm, tăng 58% so cùng kỳ. Tổng chi cân đối ngân sách nhà nước ước thực hiện 17.350 tỷ đồng, vượt 13,7% dự toán năm và giảm 3,8% so với cùng kỳ, trong đó chi thường xuyên ước thực hiện 6.808,2 tỷ đồng, đạt 100% dự toán năm và giảm 1,3% so với cùng kỳ. Trong năm, ngân sách các cấp đã dành nguồn lực để chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch, với tổng số tiền trên 760 tỷ đồng, trong đó đã thực chi là 262,9 tỷ đồng và tạm ứng ngân sách là 497,1 tỷ.
Về hoạt động tài chính, tín dụng: Các tổ chức tín dụng đã tập trung đánh giá, xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhằm hỗ trợ khách hàng và tránh phát sinh nợ xấu. Ước đến ngày 31/12/2021, tổng nguồn vốn huy động tại địa phương khoảng 80.760 tỷ đồng, tăng 9,5%; tổng dư nợ khoảng 89.150 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ, trong đó nợ xấu chiếm khoảng 0,9% so với tổng dư nợ. Tổng dư nợ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 4.808 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ. Dư nợ tập trung một số chương trình tín dụng như sau: Hộ cận nghèo 1.050 tỷ đồng; hộ nghèo 721 tỷ đồng; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 702 tỷ đồng; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 608 tỷ đồng; hộ mới thoát nghèo 538 tỷ đồng; học sinh sinh viên 445 tỷ đồng; sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 421 tỷ đồng; nhà ở xã hội 138 tỷ đồng; dự án lâm nghiệp WB3 43 tỷ đồng;... Từ đầu năm đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, 90% dư nợ tín dụng chính sách được tập trung đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, giáo dục và đào tạo,...
4. Về thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển
Tổng vốn ĐTPT trên địa bàn tỉnh ước đạt 42.364,7 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ. Kế hoạch vốn NSNN do tỉnh quản lý chi đầu tư phát triển năm 2021 chủ yếu bố trí cho các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh để phục vụ phát triển kinh tế xã hội như: Đường vào ga Diêu Trì; Kè xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn); Nâng cấp, mở rộng đường và Sân bay Phù Cát... Trong năm các công trình trọng điểm nêu trên đã được khánh thành, đưa vào sử dụng, thực sự phát huy hiệu quả, tạo được sức lan tỏa và góp phần thu hút các dự án đầu tư của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước.
Trong năm 2021, UBND tỉnh đã tổ chức các Hội nghị trực tuyến, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Ngoài ra còn tăng cường chỉ đạo công tác xây dựng, đẩy nhanh tiến độ thi công của một số dự án trọng điểm của tỉnh đang triển khai như: Đường ven biển; hồ chứa nước Đồng Mít; kè chống sạt lở kết hợp bến cập tàu Cảng cá Tam Quan (giai đoạn 1); Khu Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt... Đồng thời, tập trung thực hiện công tác chuẩn bị thủ tục đầu tư, đất đai để triển khai thi công đường ven biển (đoạn Cát Tiến - Diêm Vân); đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn; hệ thống tiêu thoát lũ sông Dinh, huyện Vân Canh; hạ tầng cảng cá Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn; đập dâng Phú Phong, huyện Tây Sơn...
Tính đến ngày 30/11/2021, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý là 4.333 tỷ đồng, đạt 68,32% kế hoạch năm. Trong đó, giá trị giải ngân vốn ngân sách tỉnh là 2.440 tỷ đồng, đạt 60,54%; vốn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu là 1.616 tỷ đồng, đạt 95,28%; vốn nước ngoài là 276 tỷ đồng, đạt 44,92%. Ước đến ngày 31/12/2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 94,91% kế hoạch vốn giao, trong đó vốn ngân sách tỉnh 98,36%; vốn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu 100%; vốn nước ngoài 55,11%.
Bên cạnh công tác chỉ đạo thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
5. Về thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp
Trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh chỉ tổ chức các Hội thảo trực tuyến Xúc tiến đầu tư nhằm quảng bá tiềm năng và lợi thế của Bình Định, trực tiếp mời gọi doanh nghiệp Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản... đầu tư vào tỉnh. Đồng thời, cung cấp thông tin các dự án mời gọi đầu tư cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và các tổ chức cá nhân có liên quan.
UBND tỉnh đã quyết định đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, cắt giảm 07 ngày so với quy định (từ 32 ngày còn 25 ngày), tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Bình Định; đồng thời đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ và xúc tiến đầu tư của Chủ tịch UBND tỉnh nhằm kịp thời đề xuất tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư, tăng cường thu hút đầu tư tại chỗ và đầu tư mới vào tỉnh.
Về đầu tư nước ngoài (FDI): Đến nay, toàn tỉnh có 04 dự án đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư 80,3 triệu USD. Thực hiện 7 lượt điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn điều chỉnh tăng 32,23 triệu USD và 8 lượt nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp với tổng vốn 17,8 triệu USD. Đến nay, cả tỉnh có 86 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1,08 tỷ USD; trong đó có 38 dự án trong Khu kinh tế và các Khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký 843,3 triệu USD và 48 dự án ngoài Khu kinh tế và các Khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký 245,6 triệu USD.
* Trong tháng 11/2021, UBND tỉnh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy sản xuất nhũ và màng mỏng công nghệ cao tại Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định cho Tập đoàn Kurz. Nhà máy có tổng vốn đăng ký đầu tư 40 triệu USD, dự kiến hoàn thiện và hoạt động vào giữa năm 2023.
Về đầu tư trong nước: Đến nay, toàn tỉnh thu hút 82 dự án với tổng vốn đăng ký trên 101.616 tỷ đồng (trong đó có 26 dự án trong Khu kinh tế và các Khu công nghiệp, với tổng vốn đăng ký trên 8.950 tỷ đồng; 56 dự án ngoài Khu kinh tế và khu công nghiệp, với tổng vốn đăng ký trên 92.666 tỷ đồng).
Về quản lý, phát triển doanh nghiệp: UBND tỉnh đã chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021. Trong năm 2021, số lượng doanh nghiệp thành lập mới ước đạt 1.000 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký khoảng 12.500 tỷ đồng, giảm 7,7% về số doanh nghiệp đăng ký và tăng 10,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ; cấp đăng ký cho khoảng 620 chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh. Bên cạnh đó có 330 doanh nghiệp giải thể và chấm dứt hoạt động; 500 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và 350 doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Đến cuối năm 2021, trên địa bàn tỉnh có khoảng 8.200 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với vốn đăng ký bình quân 12,5 tỷ đồng/doanh nghiệp.
6. Về phát triển kinh tế - xã hội miền núi
Tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách định canh, định cư, lồng ghép các chương trình, dự án giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, giải quyết đất sản xuất cho người dân thuộc các huyện miền núi. Xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Nhìn chung, các chương trình, dự án và chính sách phát triển kinh tế - xã hội miền núi được triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo của 03 huyện miền núi còn 23,9%, giảm 5,44% so với cùng kỳ.
II. Về văn hóa – xã hội
Trong điều kiện kinh tế của tỉnh còn nhiều khó khăn, ngân sách địa phương còn hạn chế nhưng vẫn dành nguồn lực tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội, góp phần thiết thực vào việc bảo đảm an sinh xã hội, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân. Kết quả cụ thể như sau:
1. Về văn hoá, thể dục thể thao
Đã tổ chức thành công Chương trình nghệ thuật mừng Xuân Tân Sửu – 2021, chào mừng kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các ngày lễ lớn của đất nước và của tỉnh. Công tác bảo tồn các di sản văn hóa được chú trọng, đặc biệt là trùng tu, tôn tạo đối với các di tích có dấu hiệu xuống cấp. Bên cạnh đó đã kịp thời thông tin về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, các biện pháp phòng, chống dịch và chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động văn hóa, giải đấu thể thao dự kiến triển khai trong 6 tháng cuối năm phải tạm dừng tổ chức. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả ở một số địa phương. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa và dịch vụ văn hóa tiếp tục được tăng cường. Trong năm, Chính phủ đã đồng ý giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
2. Về giáo dục và đào tạo
Ngành giáo dục và đào tạo đã tổ chức tốt việc dạy và học, các kỳ thi, hội thi,... gắn với thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các trường học; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục. Đã tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2021 với tỷ lệ tốt nghiệp đạt 98,54%. Công tác triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đạt kết quả tích cực: 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ ngày; đã hoàn thành việc biên soạn tài liệu giáo dục địa phương lớp 2 và lớp 6 trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
Trong học kỳ I năm học 2021-2022, ngành Giáo dục đã chủ động xây dựng các kịch bản năm học trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 tương ứng với các mức độ nguy cơ khác nhau. Qua đó đã chỉ đạo tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến linh hoạt, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
3. Về hoạt động y tế
Các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai nghiêm túc, kịp thời, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch các cấp. Phát động phong trào “Tỉnh Bình Định đoàn kết, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”, huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân trong tỉnh tham gia phòng, chống dịch; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn; tổ chức tốt chiến dịch tiêm chủng vắc xin; tham gia hỗ trợ các tỉnh, thành phía Nam chống dịch và tổ chức đón một số đối tượng khó khăn người Bình Định từ các tỉnh, thành phía Nam về tỉnh… Từ đầu quý IV/2021, tỉnh đã tập trung xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai các kịch bản, phương án phòng chống dịch theo tinh thần Nghị quyết 128-NQ/CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế, cùng cả nước chuyển từ chiến lược “Zero Covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”, tập trung phục hồi và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống Nhân dân.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, nhất là các lực lượng tuyến đầu, cùng với sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực: tình hình dịch bệnh trên địa bàn cơ bản được kiểm soát, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh cao và tỷ lệ tử vong thấp. Từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên đến ngày 05/12/2021, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 5.505 trường hợp mắc Covid-19; trong đó có 3.197 trường hợp đã khỏi bệnh, 24 trường hợp tử vong và 2.284 trường hợp đang cách ly điều trị. Toàn tỉnh đã tiếp nhận trên 1,9 triệu liều vắc xin, đã tiêm được trên 1,57 triệu liều. Trong tỷ lệ tiêm 1 mũi đạt 88%, tiêm đủ 2 mũi đạt 58% (người trên 18 tuổi). Trong thời gian qua, tỉnh đã tổ chức đưa trên 4.500 người dân Bình Định bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tại các địa phương phía Nam về tỉnh Bình Định an toàn.
Công tác y tế dự phòng, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tiếp tục được quan tâm; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số toàn tỉnh. Duy trì thường xuyên hoạt động truyền thông về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giám sát các nguy cơ ô nhiễm thực phẩm trong cộng đồng.
Tiếp tục thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; lồng ghép việc thực hiện Tiêu chí quốc gia về y tế xã với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục duy trì 100% số xã trên toàn tỉnh đạt chuẩn quốc gia về y tế và trạm y tế có bác sỹ. Tiếp tục tăng cường quản lý và tạo điều kiện thuận lợi để hệ thống y tế ngoài công lập phát triển, nhất là đối với việc khám chữa bệnh ban đầu, tư vấn sức khỏe, chăm sóc y tế và cung ứng thuốc chữa bệnh cho nhân dân, góp phần giảm quá tải và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho Nhân dân tại các tuyến bệnh viện công lập cấp tỉnh và huyện, thị xã, thành phố.
4. Về lao động, việc làm, an sinh xã hội
Thực hiện các Nghị quyết số 68/NQ-CP và 126/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và 33/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai nhanh chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; hỗ trợ cho trên 17.000 đối tượng là người lao động, hộ kinh doanh; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất kịp thời đúng đối tượng.
Công tác triển khai Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng đã thực hiện kịp thời. Đã hỗ trợ tiền cho trên 96.000 lao động, với số tiền trên 234,354 tỷ đồng; giảm đóng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho trên 3.137 đơn, với số tiền trên 51,1 tỷ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Đến nay, các huyện, thị xã, thành phố đã rà soát, lập danh sách đối tượng và chi trả cho 62.277 lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và các đối tượng đặc thù khác với kinh phí trên 93 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân sách tỉnh đã bổ sung, uỷ thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh là 50 tỷ đồng để cho người lao động vay nhằm chuyển đổi việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
Ngoài các chính sách trên, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã phối hợp Tỉnh Đoàn, Liên đoàn lao động tỉnh và các tổ chức từ thiện, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh triển khai nhiều chương trình hỗ trợ người nghèo, người lao động, gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, bệnh nhân tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh… gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, góp phần giúp người dân trên địa bàn tỉnh giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh.
Trong năm mặc dù doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng hầu hết các doanh nghiệp thực hiện tốt việc trả lương cho người lao động, không có doanh nghiệp nợ lương người lao động; chưa có tình trạng đình công, lãn công xảy ra trên địa bàn tỉnh. Tiền lương bình quân của người lao động làm việc trong các doanh nghiệp khoảng từ 5,5 - 9 triệu đồng/tháng.
Công tác đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, chăm lo gia đình chính sách, người nghèo luôn được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm chú trọng. Tiếp tục triển khai hoạt động xuất khẩu lao động vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định, đã đưa 522 lao động tham gia xuất khẩu lao động, đạt 74,57% kế hoạch năm. Đã phê duyệt 6.837 dự án vay vốn tạo việc làm với số tiền 309 tỷ đồng, hỗ trợ việc làm cho 9.423 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề, bồi dưỡng nghề đạt 58%.
Công tác giảm nghèo tiếp tục được quan tâm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh theo chuẩn nghèo đa chiều còn 3,16%, giảm 0,95% so với năm 2020.
Công tác chăm sóc người có công được chú trọng; công tác bảo trợ, cứu trợ xã hội được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng; việc chăm lo đời sống hộ nghèo, chăm sóc, bảo vệ trẻ em... tiếp tục được quan tâm thực hiện. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho người già, người có công với nước, người có hoàn cảnh neo đơn và trao tặng học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội, Làng trẻ em SOS Quy Nhơn và trẻ em của Trường Chuyên biệt Quy Nhơn vào các dịp Lễ, Tết trong năm.
5. Về hoạt động khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông
Tiếp tục triển khai xây dựng dự án Tổ hợp Không gian Khoa học. Triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển, nâng cao năng lực hệ thống các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ, phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học và công nghệ; đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, từng bước thực hiện chuyển đổi số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số
Trong năm Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và UBND tỉnh ban hành Đề án thành lập Khu Công viên phần mềm Quang Trung – Bình Định. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em” để cung cấp, hỗ trợ máy tính, các thiết bị, nền tảng công nghệ, dịch vụ viễn thông cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đã khánh thành và đưa vào hoạt động Trung tâm Giám sát, Điều hành Đô thị thông minh tỉnh Bình Định.
6. Về hoạt động đối ngoại
Mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng trong năm 2021 công tác đối ngoại đã tổ chức triển khai thực hiện được nhiều nội dung công việc khá quan trọng và có ý nghĩa như: Đã hỗ trợ các tỉnh Nam Lào với số tiền hơn 7 tỷ đồng để đào tạo phát triển nguồn nhân lực, phòng chống Covid-19, xây dựng tường rào cổng ngõ cho các doanh trại quân đội gần biên giới Việt Nam; ký kết định hướng hợp tác kết nghĩa giữa huyện Vĩnh thạnh với thị trấn Yoshino, tỉnh Nara và tiếp nhận 10 nghìn cây anh đào của Hội hữu nghị Nhật - Việt tại Sakai tặng nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Nhật Bản. Công tác phi chính phủ nước ngoài có nhiều chuyển biến tích cực, trong năm đã có hơn 20 dự án, khoản viện trợ phi dự án với số tiền trên 2,1 triệu USD của các cá nhân, tổ chức nước ngoài cam kết hỗ trợ đã được triển khai thực hiện tại các địa bàn khó khăn và người yếu thế. Công tác hỗ trợ ngư dân của tỉnh bị nước ngoài bắt giữ, thả về do vi phạm lãnh hải trong quá trình đánh bắt thủy sản, người lao động Bình Định ở nước ngoài bị rủi ro, gặp nạn và hoạt động của người nước ngoài trên địa bàn tỉnh, nhất là công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19… luôn được quan tâm triển khai thực hiện kịp thời.