Trong khuôn khổ sự kiện có diễn đàn kinh tế “Giải pháp phù hợp về chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi số, mô hình kinh doanh, quản trị cho từng loại hình DN nhỏ và vừa (SMEs), Startups, tập đoàn và khu vực hành chính công theo xu hướng số 4.0” và Hội nghị “Kết nối, khảo sát xu hướng tất yếu về chuyển đổi mô hình, công nghệ của DN Startups, SMEs, tập đoàn và khu vực hành chính công”. Đây là sự kiện thuộc Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 do Bộ KH&CN triển khai tại 13 tỉnh, thành phố khu vực Nam trung bộ và Tây Nguyên trong 2 năm (2023 - 2024) nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi công nghệ - chuyển đổi số - mô hình quản trị cho SMEs, tập đoàn, Startups và khu vực hành chính công thực thi hiệu quả, kịp thời.
Tham dự sự kiện có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị xã thành phố, hội đoàn thể, bệnh viện, trường đại học, cao đẳng; các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các chuyên gia, nhà cố vấn, DN khởi nghiệp của tỉnh.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Hà - Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Bình Định là một trong những địa phương sớm có các hoạt động triển khai xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng kể. Tỉnh cũng ban hành các cơ chế tạo hành lang pháp lý cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh; đồng thời hình thành được mạng lưới nhà cố vấn khởi nghiệp, với tham gia tích cực của các hội đoàn thể, trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Thông qua các nội dung tham luận, bài học thực tiễn được các diễn giả trình bày trong hội nghị, Phó Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Hữu Hà hy vọng sẽ đem đến nhiều giá trị hữu ích, góp phần khai phóng các nguồn lực cho quá trình chuyển đổi số, kiến tạo nền kinh tế số bền vững, các DN sẽ tìm được hướng đi mới, kiểm nghiệm lại các cách thức vận hành tổ chức, mang đến giá trị cho công việc của các DN trong thời gian tới.
Tại sự kiện, đại biểu đã được các diễn giả trao đổi, làm rõ về một số giải pháp công nghệ phổ biến được nhiều DN lựa chọn hiện nay; tính cấp thiết của việc chuyển đổi mô hình kinh doanh của DN trong giai đoạn mới; chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ và những giá trị, hiệu quả đối với DN… Bên cạnh đó, các diễn giả, chuyên gia, DN về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đại diện lãnh đạo các sở, ngành trong và ngoài tỉnh còn tham gia trình bày các tham luận về nhiều chủ đề, như: Chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi số - chìa khóa để DN bứt phá; các chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp của tỉnh; chính sách hỗ trợ chuyển đổi số, ở khối hành chính công và DN địa phương - thực trạng và giải pháp; nhu cầu thực tiễn trong chuyển đổi mô hình, chuyển đổi công nghệ để tăng tốc DN khởi nghiệp; nhu cầu thực tiễn trong chuyển đổi mô hình, chuyển đổi công nghệ để tăng tốc DN khởi nghiệp…
Theo các chuyên gia, định hướng kinh tế Việt Nam đến năm 2045 là phát triển kinh tế thông qua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi cơ cấu phát triển hạ tầng KT-XH và xây dựng nền tảng kinh tế số. Chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ, mô hình quản trị đang là xu hướng tất yếu và là vấn đề quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia. Do đó, chuyển đổi số không còn là nhu cầu mà đang là điều bắt buộc đối với mọi tổ chức, DN, cơ quan nhà nước và từng cá nhân trong nền kinh tế số.
Sự kiện còn giới thiệu kết nối đến các DN, tổ chức một số giải pháp chuyển đổi số nổi bật, như: Phần mềm quản lý bán hàng all in one MENU; chuyển đổi số trong giáo dục thời đại 4.0 theo cách tiếp cận STEAM tại bậc học mầm non; ứng dụng nền tảng số UTT trong chuyển đổi số cho ngành vận tải du lịch; giải pháp nền tảng số toàn diện trong tiếp thị, truyền thông và thương mại điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hướng đến phát triển bền vững; hệ sinh thái từ rong biển và các chế phẩm tinh bột biến tính từ rong biển; giải pháp xử lý nước thải bằng công nghệ điện phân...