Ngày 6/9, UBND tỉnh Bình Định ban hành kế hoạch hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023. Theo đó, từ ngày 15/9 đến ngày 15/10, tỉnh Bình Định tổ chức nhiều chuỗi hoạt động tập trung vào phát động phong trào thi đua hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia; tổ chức phát động "Tháng 10 – Tháng tiêu dùng số".
Tỉnh Bình Định sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông về hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 trên địa bàn tỉnh với các nội dung tuyền truyền, phổ biến sâu rộng Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định về chuyển đổi số tỉnh Bình Định đến 2025, định hướng đến năm 2030.
Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân, toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Các hoạt động nổi bật gồm: tổ chức giới thiệu các cơ sở dữ liệu mới; thúc đẩy mua sắm trực tuyến qua sàn thương mại điện tử bằng cách khuyến khích, vận động các nhà bán hàng triển khai các chương trình khuyến mại, các chương trình tích điểm, tặng phiếu mua hàng... trên các nền tảng mua sắm trực tuyến nhằm thu hút khách hàng tham gia đặt hàng trên các nền tảng này; tổ chức ra quân phổ biến, hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, kỹ năng an toàn trên môi trường số...
Phát huy vai trò của đoàn viên, thanh niên
UBND tỉnh Bình Định cho biết, toàn tỉnh hiện đang cung cấp trực tuyến toàn trình đối với 851/1.829 thủ tục hành chính, cung cấp trực tuyến một phần đối với 374/1.829 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến. 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình, dịch vụ công trực tuyến một phần của tỉnh được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. 100% thủ tục hành chính có thu phí, lệ phí được cung cấp chức năng thanh toán trực tuyến.
Từ ngày 01/01/2021 đến ngày 15/6/2023, toàn tỉnh tiếp nhận tổng số 1.259.203 hồ sơ, trong đó có 249.154 hồ sơ được tiếp nhận bằng hình thức trực tuyến, đạt tỷ lệ 19.8%; trong đó, cấp tỉnh: 100.789/189.986 hồ sơ được tiếp nhận bằng hình thức trực tuyến, đạt tỷ lệ 53%; cấp huyện: 31.441/350.840 hồ sơ được tiếp nhận bằng hình thức trực tuyến, đạt tỷ lệ 9%; cấp xã: 116.924/718.377 hồ sơ được tiếp nhận bằng hình thức trực tuyến, đạt tỷ lệ 16.3%.
Triển khai thực hiện Đề án phát huy vai trò của đoàn viên, thanh niên trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến, tổ chức Đoàn các cấp đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân mở tài khoản dịch vụ công và nộp hồ sơ trực tuyến, đóng góp tích cực vào sự chuyển biến của việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh.
Một số chỉ tiêu đã cải thiện rõ rệt như: Số lượng tài khoản sử dụng Cổng Dịch vụ công được người dân trên địa bàn tỉnh tạo lập là 139.788 tài khoản (chưa bao gồm tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID); trong đó, số lượng tài khoản công dân do đoàn viên thanh niên hướng dẫn tạo lập là 133.136 tài khoản, chiếm 95%. Số lượng hồ sơ tiếp nhận trực tuyến của toàn tỉnh từ ngày 01/3/2023 đến ngày 01/8/2023 là 80.822 hồ sơ, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2022 (45.178 hồ sơ trực tuyến); trong đó, hồ sơ do đoàn viên thanh niên hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện chiếm 41% (32.888 hồ sơ).
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ của người đứng đầu
Để có được những kết quả nêu trên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo sát sao trong quá trình thực hiện; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ của người đứng đầu các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương về cải cách hành chính.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã có sự đổi mới về chỉ đạo, điều hành, phương thức tổ chức thực hiện, thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính, tập trung trên một số nội dung trọng tâm do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, những vấn đề còn nhiều vướng mắc, khó khăn trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Qua đó giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo điều hành. Một số mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình hành động đến nay đã đạt và vượt mức đề ra.
Công tác cải cách thể chế của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và khả thi, đáp ứng yêu cầu quản lý điều hành của chính quyền các cấp.
Việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số được đẩy mạnh đã phát huy hiệu quả tích cực, bảo đảm thông tin thông suốt, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Những kết quả đạt được trong cải cách hành chính đã góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp, qua đó đã phát huy nội lực, thu hút tốt nguồn lực bên ngoài, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hằng năm.
Tác giả bài viết: X.Hoàng
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn