Đồng chí Nguyễn Thành Hải, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội tháng 02, nhiệm vụ trọng tâm tháng 3 năm 2023. Theo đó tình hình kinh tế - xã hội của tình duy trì ổn định, các địa phương đã tập trung công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng cây trồng, bước đầu đạt kết quả tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng tăng 1,59% so tháng trước và tăng 5,74% so cùng kỳ; thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19% so cùng kỳ (lũy kế 2 tháng tăng 14%); lượng khách du lịch đến tỉnh đạt 478.600 lượt, tăng 31,8% so với cùng kỳ (lũy kế 2 tháng tăng 37,6%); Chỉ số giá tiêu dùng và tăng 3,25% so với cùng kỳ (lũy kế 2 tháng tăng 3,41%). Tổng thu ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm là 1.573,1 tỷ đồng, đạt 11,5% dự toán năm và giảm 42,3% so với cùng kỳ,…Các hoạt động văn hoá - xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống của đại bộ phận Nhân dân trong tỉnh cơ bản ổn định. Tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác trọng tâm và công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động bộ máy chính quyền các cấp được quan tâm đẩy mạnh, triển khai quyết liệt. Quốc phòng - an ninh được giữ vững; chủ động triển khai các giải pháp đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy, nổ, giảm thiểu tai nạn giao thông.
Sau khi ý kiến tham gia của các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và thành viên dự họp, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương tập trung rà soát, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Chương trình công tác trọng tâm năm 2023 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định 522/QĐ-UBND ngày 24/2/2023 bảo đảm tiến độ, chất lượng các nội dung, không để tồn đọng. Trong đó, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Dân tộc tỉnh khẩn trương trình dứt điểm các nội dung nhiệm vụ nợ đọng thuộc tháng 02; các sở, ban, ngành liên quan rà soát, khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ còn lại thuộc nhiệm vụ tháng 3 và quý I/2023.
Đồng thời giao cụ thể các sở, ngành như sau:
1. Giao UBND các huyện, Thị xã, thành phố:
- Triển khai công tác chỉ đạo, điều hành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bằng hệ thống số liệu chi tiết, cụ thể, cập nhật đến cấp xã. Rà soát, xây dựng các giải pháp sáng tạo, đột phá, nhất là các dư địa, điều kiện riêng có địa phương, công tác phát triển kết cấu hạ tầng,… để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương mình.
- Chủ động đẩy mạnh thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng các khu tái định cư, khu cải táng phục vụ các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn; tạo điều kiện công bằng nhất, tốt nhất và có lợi nhất cho người dân bị ảnh hưởng công tác giải phóng mặt bằng các dự án, nhằm thúc đẩy tiến độ các công trình, dự án, hạn chế phát sinh tranh chấp, khiếu kiện, ảnh hưởng đến an ninh – trật tự tại địa phương.
- Tập trung thực hiện công tác đầu tư, xây dựng cơ bản, giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là giải ngân 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong các khâu thẩm định, phê duyệt dự án; giao đất và bồi thường GPMB để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
- Tăng cường thực hiện công tác quy hoạch, quản lý trật tự đô thị, chất lượng xây dựng; triển khai các giải pháp quản lý cụ thể, hiệu quả để đưa công tác quy hoạch, quản lý đô thị, trật tự xây dựng đi vào nề nếp. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm trên lĩnh vực đất đai, xây dựng và trật tự xây dựng.
- Thực hiện nghiêm túc công tác bảo vệ môi trường; công tác thu gom, xử lý rác thải tại đô thị và nông thôn phải kịp thời, phù hợp, đảm bảo môi trường theo quy định.
- Tập trung đổi mới về tư duy, nhận thức, quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành xử lý công việc từ bị động sang chủ động theo tinh thần “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”; không ngồi chờ, không thụ động; tăng cường đi cơ sở, bám sát địa bàn, nắm chắc, sâu, kịp thời và toàn diện tình hình, để thực hiện tốt công tác tham mưu, đề xuất phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương.
- Đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính, làm việc theo tinh thần “làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá"; làm việc cụ thể, thực chất, không chung chung, chủ động theo sát cơ sở, giải quyết các nút thắt, điểm nghẽn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp an tâm sản xuất, phát triển.
2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư :
- Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu Kinh tế và các sở, ngành, địa phương tập trung công tác xúc tiến, thu hút đầu tư các dự án có quy mô lớn (kể cả thu hút các DN ngoài nước) tạo động lực, phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế như chế biến nông, lâm, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, sản xuất vật liệu xây dựng, kết hợp công nghệ cao, công nghệ sạch, tiêu tốn ít nguyên liệu, năng lượng và thân thiện với môi trường. Chuẩn bị chu đáo các điều kiện cần thiết để chào đón doanh nghiệp, nhà đầu tư vào tỉnh, với tinh thần học hỏi phương châm của tỉnh Nghệ An về "5 sẵn sàng" trong thu hút đầu tư gồm: Mặt bằng, hạ tầng thiết yếu, nguồn nhân lực, đổi mới, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh và sẵn sàng hỗ trợ để thu hút các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài.
- Chủ động đề xuất các giải pháp đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các Chương trình mục tiêu quốc gia; công tác thẩm định dự án, cấp phép đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi rút ngắn các thủ tục đầu tư để triển khai nhanh các công trình, dự án, nhất là những công trình dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các ngành và địa phương liên quan tổng hợp, rà soát lại hồ sơ, thủ tục pháp lý đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh (dự án đang và chưa triển khai). Trong đó, báo cáo rõ mục tiêu, quy mô đầu tư, diện tích sử dụng đất, tiến độ thực hiện, kết quả thực hiện dự án đến nay; xác định cụ thể dự án chậm hay không chậm tiến độ, việc chấp thuận chủ trương đầu tư đúng hay chưa đúng quy định, khẳng định cụ thể dự án đủ hay không đủ điều kiện để triển khai các bước tiếp theo và các nội dung liên quan khác, phân thành các nhóm dự án để giải quyết, xử lý, báo cáo đề xuất UBND tỉnh trước ngày 23/3/2023.
- Theo dõi công tác góp ý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố đối với dự thảo Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, để sớm tổng hợp hoàn thiện, báo cáo UBND tỉnh xem xét báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
- Khẩn trương tổ chức lấy ý kiến góp ý bằng văn bản đối với dự thảo Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, báo cáo đề xuất UBND tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với Cục Thuế tỉnh, các sở, ngành, địa phương có liên quan rà soát cập nhật danh sách các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh; xác định, chuẩn hóa các số liệu, dữ liệu doanh nghiệp; trên cơ sở đó, chia sẻ dữ liệu cho các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan để theo dõi, quản lý, sử dụng và góp ý hoàn thiện dữ liệu doanh nghiệp.
- Chủ trì, phối hợp với UBND thị xã Hoài Nhơn, các sở, ban, ngành có liên quan rà soát, tham mưu đề xuất giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn
3. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Tập trung chỉ đạo sản xuất hiệu quả, phòng trừ sâu bệnh, quyết tâm thực hiện thắng lợi vụ Đông - Xuân, đảm bảo năng suất, chất lượng cây trồng; đẩy mạnh triển khai kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa và sử dụng giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất gắn với phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp. Tham mưu đề xuất Đề án phát triển cây trồng chủ lực và cây ăn quả tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, báo cáo UBND tỉnh trong tháng 3/2023.
- Đẩy mạnh hoạt động chăn nuôi theo hướng trang trại, chăn nuôi tập trung, quy mô lớn gắn với công tác phòng ngừa dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi, bệnh tai xanh trên heo; khẩn trương tổ chức tiêm phòng vắc xin gia súc, gia cầm đợt I năm 2023 theo kế hoạch; nghiên cứu phát triển các khu chăn nuôi tập trung tại các địa phương có thế mạnh như thị xã An Nhơn, huyện Hoài Ân, huyện Phù Cát trở thành vùng chăn nuôi công nghệ cao của tỉnh gắn với công tác bảo vệ môi trường, nhằm nâng cao giá trị sản xuất, hướng đến xuất khẩu.
- Triển khai quyết liệt các biện pháp bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng, khai thác gỗ, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Tiếp tục thực hiện công tác chăm sóc rừng trồng, sản xuất cây giống phục vụ trồng rừng niên vụ 2023. Đôn đốc, đẩy mạnh công tác phát triển trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh, gắn chứng chỉ FSC để phục vụ xuất khẩu; trong đó, rà soát xác định lại diện tích rừng định hướng phát triển cây gỗ lớn và nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp để khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi; khảo sát, xây dựng Phương án rà soát, điều chỉnh quy hoạch lâm nghiệp theo cơ cấu 3 loại rừng tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, báo cáo đề xuất UBND tỉnh.
- Tăng cường hoạt động khai thác thủy sản gắn với các biện pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; thúc đẩy phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường; theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành (Phù Mỹ). Từng bước tiến hành điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản tại vùng biển xa bờ, vùng lộng của tỉnh để phục vụ công tác bảo vệ nguồn lợi và quản lý nghề cá trong thời gian đến. Rà soát, báo cáo kết quả khảo sát, nạo vét luồng tàu và phương án triển khai nhằm tạo điều kiện thuận lợi đi lại, góp phần phục vụ du lịch Đầm Thị Nại. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ và các giải pháp cấp bách về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo theo quy định (IUU), xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định; đồng thời, chuẩn bị chu đáo nội dung và các điều kiện có liên quan để làm việc với đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (lần thứ 4) theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 1214/UBND-TH ngày 08/3/2023.
- Phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan đề xuất Kế hoạch xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu năm 2023, huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023; đặc biệt tập trung triển khai các giải pháp đẩy mạnh công tác giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới theo kế hoạch vốn phân bổ; thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP theo kế hoạch. Rà soát, củng cố và phát triển các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh; trong đó, nghiên cứu, chọn lọc từ 01 đến 02 sản phẩm làng nghề truyền thống đặc trưng của mỗi địa phương, kêu gọi kết nối doanh nghiệp có nguồn lực tài chính để hỗ trợ đầu tư phát triển thành sản phẩm thương hiệu mạnh, tiêu biểu của địa phương, của tỉnh.
- Triển khai các giải pháp đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô sắp đến. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ban, ngành, địa phương liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng các công trình cung cấp nước sạch sinh hoạt, đáp ứng nhu cầu nước sạch của người dân, góp phần nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch trên địa bàn tỉnh.
- Rà soát tình hình cấp phép và quản lý tàu cá trên địa bàn tỉnh tại Chi cục Thủy sản thời gian qua, báo cáo UBND tỉnh trong tháng 3/2023.
4. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường
- Triển khai quyết liệt, đồng bộ phương án xử lý vấn đề môi trường trên địa bàn tỉnh, nhất là trong vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý rác, chất thải, nước thải cả trong sản xuất và sinh hoạt; tăng cường thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực xử lý rác thải, chất thải, nước thải. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường, dọn dẹp xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải chăn nuôi, cải tạo cảnh quan môi trường để nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển du lịch,... Phối hợp với Sở Tài chính theo dõi, đôn đốc các địa phương khẩn trương triển khai việc mua sắm ô tô chuyên dùng phục vụ công tác thu gom, vận chuyển rác thải.
- Chủ trì, tham mưu UBND tỉnh về Kế hoạch bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Triển khai Kế hoạch ra quân năm cao điểm xử lý vi phạm lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh. Phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ công tác kiểm tra, giám sát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được thành lập theo Quyết định số 685/QĐ-UBND ngày 09/5/2023 của UBND tỉnh.
- Rà soát tình hình kêu gọi đầu tư, xây dựng các nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh thời gian qua, báo cáo UBND tỉnh trong tháng 3/2023.
- Khẩn trương hoàn thành Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện trong tháng 3/2023. Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tăng cường thực hiện các giải pháp phát triển quỹ đất, đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn thu cho ngân sách.- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn tỉnh; đề xuất tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), nhằm bảo đảm chất lượng, khoa học, đồng bộ, khả thi, phản ánh ý chí, nguyện vọng của Nhân dân và đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
5. Giao Sở Công Thương
- Tăng cường việc gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp, nhằm đồng hành, lắng nghe, trao đổi, hỗ trợ các doanh nghiệp, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, kịp thời giải quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các cơ chế chính sách, vướng mắc tại địa phương và Trung ương.
- Chủ động xúc tiến, kêu gọi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh theo hướng công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện với môi trường. Khẩn trương rà soát, phân loại, hoàn thiện báo cáo thực trạng hoạt động các cụm công nghiệp, các khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp quản lý nhà nước, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/3/2023.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành có liên quan khẩn trương rà soát, xây dựng, triển khai phương án hỗ trợ người dân đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, nhất là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực địa phương như: Lợn, gà, bưởi, dừa, quýt, xoài, ớt... cả trong ngắn hạn và dài hạn; mở rộng thị trường tiêu thụ trong tỉnh, trong và ngoài nước; đưa sản phẩm của các địa phương (có chất lượng và giá cả hợp lý) đến với người tiêu dùng theo tinh thần “người Bình Định ưu tiên dùng hàng Bình Định”; thực hiện tốt công tác xúc tiến thương mại đảm bảo theo đúng chương trình, kế hoạch đề ra.
- Rà soát, chủ động làm việc định kỳ hàng tháng với các Hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương liên quan và tham mưu, đề xuất UBND tỉnh tham dự các Hội nghị của Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để nắm bắt tình hình, trao đổi, tăng cường kết nối cung - cầu thị trường, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với UBND các huyện Hoài Ân và An Lão tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng để sớm triển khai đầu tư xây dựng phần đường dây truyền tải điện 35kV kết nối Nhà máy thủy điện Đồng Mít, góp phần sớm đưa toàn bộ dự án đi vào vận hành, phát điện lên hệ thống lưới quốc gia.
- Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, các sở, ban, ngành có liên quan rà soát, tham mưu đề xuất giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Điện gió ngoài khơi tại tỉnh của Tập đoàn PNE, đảm bảo quy định.
6. Giao Sở Xây dựng
- Theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch theo tinh thần “quy hoạch phải đi trước một bước, có tầm nhìn xa, sát thực tế, khả thi, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của các khu vực, lĩnh vực cần quy hoạch”. Rà soát, cập nhật và đồng bộ hóa các quy hoạch vào quy hoạch chung của địa phương, của tỉnh; hạn chế việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý đô thị, trật tự và chất lượng xây dựng trên địa bàn tỉnh. Tiến hành rà soát, phân loại, nghiên cứu các Văn bản quy định, hướng dẫn của cấp thẩm quyền, đề xuất các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, báo cáo UBND tỉnh trong tháng 3/2023.
- Khẩn trương tham mưu đề xuất nội dung, tài liệu để tổ chức Hội nghị về công tác quản lý đô thị, trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh (dự kiến vào đầu tháng 4/2023); rà soát tiến độ thực hiện các dự án Nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn tỉnh, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/3/2023.
- Chủ trì, phối hợp với các sở có liên quan chuẩn bị chu đáo các nội dung, tài liệu phục vụ buổi làm việc của lãnh đạo tỉnh với 7 trường Đại học khối kỹ thuật vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/2023.
- Phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện Phù Mỹ, Phù Cát rà soát, xây dựng hoàn thiện các tiêu chí và tham mưu đề xuất công nhận cấp đô thị đối với các địa phương này, để có cơ sở kêu gọi nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng xử lý nước thải, môi trường,... Rà soát, chuẩn hóa xây dựng các khu đô thị mới, khu tái định cư trên địa bàn tỉnh gắn với xây dựng hạ tầng đô thị thông minh, hiện đại, đô thị kiểu mẫu, báo cáo UBND tỉnh trong tháng 3/2023.
- Khẩn trương hoàn chỉnh nội dung Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, báo cáo UBND tỉnh để xem xét trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành còn lại