Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Thứ sáu - 04/08/2023 08:33
Chiều ngày 02/8/2023, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh tổ chức phiên họp thẩm định quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định
Tham dự Hội nghị có thành viên Hội đồng thẩm định là đại diện các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia, ủy viên phản biện. Về phía tỉnh Bình Định có Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, quy hoạch có vai trò rất quan trọng trong phát triển đất nước nói chung và địa phương nói riêng, giúp chúng ta có con đường đi, định hướng cho phát triển với tư duy mới, tầm nhìn mới, cách tiếp cận mới, không gian mới, tạo động lực mới cho phát triển. Quy hoạch phải khai thác được hết các tiềm năng, giúp phát triển nhanh nhưng quy hoạch cũng phải thực hiện được, tính thực tiễn cao. Đồng thời cho biết, công tác quy hoạch là nhiệm vụ chính trị quan trọng và đang được các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai với tốc độ nhanh hơn.
Trình bày báo cáo tóm tắt Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Hồ Quốc Dũng cho biết, Là tỉnh ven biển thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Tỉnh Bình Định có vị trí địa kinh tế quan trọng, nằm ở trung điểm của trục giao thông đường sắt, đường bộ Bắc - Nam đồng thời là cửa ngõ ra biển gần và thuận lợi nhất của vùng Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan. Vị trí địa kinh tế này mang lại cho Bình Định điều kiện thuận lợi trong giao thương kinh tế với khu vực và quốc tế, trở thành điểm trung chuyển, quá cảnh hàng hóa dịch vụ cảng biển logictics, đồng thời là một trung tâm du lịch của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và của Vùng Tây Nguyên. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng trưởng bình quân đạt trên 6,2%/năm (2011-2020); thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2020 đạt 12.994 tỷ đồng, tăng gấp 3,2 lần so với năm 2011; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông lâm nghiệp và thủy sản; mô hình tăng trưởng chuyển mạnh từ chiều rộng sang chiều sâu và nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Tuy nhiên, thực tế phát triển của tỉnh cùng bối cảnh, tình hình mới và mục tiêu phát triển đất nước của thời kỳ chiến lược đến năm 2030 đặt ra yêu cầu cấp bách phải nhằm khắc phục những điểm yếu và phát huy những điểm mạnh của tỉnh. Do đó, Bình Định xác định rõ quy hoạch Tỉnh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là một trong số các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và là sản phẩm chung của cả nước, làm tốt Quy hoạch của tỉnh sẽ góp phần vào sự phát triển chung của Vùng và khu vực. Với tầm quan trọng của Quy hoạch tỉnh Bình Định theo chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ ngành Trung ương, tỉnh Bình Định đã tập trung, quyết liệt chỉ đạo thường xuyên, rà soát và từng bước hoàn thiện Quy hoạch trên cơ sở tích hợp các lĩnh vực, chuyên ngành trong công tác lập Quy hoạch tỉnh. Cập nhật những quy hoạch, định hướng chiến lược cấp quốc gia, cấp vùng theo từng chuyên ngành, lĩnh vực; đã cập nhật định hướng phát triển và kết nối với các tỉnh, thành lân cận đặc biệt là hệ thống giao thông, thương mại- dịch vụ - logicstic; kết nối các quần thể di tích, danh thắng cấp quốc gia, quốc tế để tôn tạo, phát huy giá trị và tạo động lực phát triển liên vùng. Ngoài ra, quy hoạch có sự kế thừa, tiếp nối và phát triển; có các định hướng phát triển đối với từng ngành, lĩnh vực theo từng giai đoạn; phân bổ và sử dụng đất đai, tài nguyên, không gian một cách hợp lý, hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Theo quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Định hướng sẽ trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại. Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, logistics và vận tải, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đô thị hóa. Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, cải thiện mạnh mẽ mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thuộc nhóm cao của cả nước. Có kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại, hệ thống đô thị phát triển theo hướng đô thị thông minh, kết nối thuận tiện với các trung tâm kinh tế của vùng, cả nước và quốc tế. Tập trung phát triển đô thị Quy Nhơn hiện đại về không gian, kiến trúc, khai thác tiềm năng, lợi thế đặc biệt về cảnh quan và khí hậu khu vực ven đầm Thị Nại; quy hoạch xây dựng Trung tâm hành chính mới của tỉnh tại Khu kinh tế Nhơn Hội. Kiên trì thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; bảo vệ hệ sinh thái và cảnh quan thiên nhiên; thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; bảo tồn và phát huy tốt bản sắc, các nét đẹp văn hoá các dân tộc; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Quy hoạch đưa ra 5 trụ cột và 3 đột phá phát triển. Trong đó, 05 trụ cột chính là:
- Tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp 4.0, trọng tâm là công nghiệp chế biến chế tạo giá trị cao. Chú trọng đầu tư phát triển công nghiệp sản xuất thép, điện gió ngoài khơi, công nghiệp chế biến sâu nông, lâm, thuỷ sản, sản xuất dược phẩm, linh kiện điện tử, bán dẫn, công nghiệp công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, tạo nền tảng và góp phần quyết định thúc đẩy tăng trưởng và phát triển cho tỉnh.
- Phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Xây dựng Bình Định trở thành điểm đến hấp dẫn, thuộc nhóm du lịch hàng đầu khu vực với những nét đặc trưng: du lịch biển, du lịch văn hóa đặc sắc và các sản phẩm du lịch đặc thù riêng của tỉnh như du lịch khám phá khoa học, du lịch gắn với võ cổ truyền, bài chòi dân gian Bình Định, ẩm thực... Tập trung phát triển, quảng bá thương hiệu du lịch, lấy điểm nhấn là “Quy Nhơn - điểm đến hàng đầu của châu Á”; hình thành, phát triển các tuyến du lịch mới.
- Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản dựa trên công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, chuyển từ số lượng sang chất lượng. Chú trọng ứng dụng KHCN để hiện đại hoá và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; đẩy mạnh chăn nuôi công nghệ cao, thực hành khai thác, nuôi trồng thuỷ sản và trồng rừng bền vững; nâng cấp chuỗi giá trị nông nghiệp thông qua thu hút các nhà đầu tư lớn vào các khâu trong chuỗi giá trị từ nuôi trồng, sản xuất đến chế biến, phân phối.
- Phát triển đô thị nhanh và bền vững, đô thị hóa trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Xây dựng đô thị thông minh, phát triển đô thị gắn với hình thành, phát triển đô thị khoa học, thung lũng sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo và trí tuệ nhân tạo (AI), các trường đại học. Phát triển, mở rộng TP Quy Nhơn về phía Đông Bắc, lấy đầm Thị Nại làm trung tâm; xây dựng Trung tâm hành chính mới của tỉnh tại KKT Nhơn Hội (phân khu C). Tiếp tục phát triển khu đô thị mới Nhơn Hội và các đô thị trên địa bàn theo quy hoạch; xây dựng chuỗi đô thị biển gắn với tuyến đường ven biển đoạn Cát Tiến - Đề Gi - Mỹ Thành - Lại Giang; phát triển các khu đô thị mới, các khu dân cư gắn với các KCN; nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông đường bộ (bao gồm cả đường bộ cao tốc), đường sắt (bao gồm cả đường sắt đô thị), nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát gắn liền với việc hình thành các khu đô thị dịch vụ.
- Phát triển mạnh mẽ dịch vụ cảng biển - logistics, khai thác hết tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển của tỉnh; nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, thúc đẩy dịch vụ cảng biển - logistics trở thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, XNK và thương mại; Đầu tư, nâng cấp và khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt nối Phù Cát - Nhơn Hội - Quy Nhơn. Tập trung khai thác hiệu quả cụm cảng Quy Nhơn gắn với phát triển hệ thống cảng cạn và hiện đại hóa dịch vụ cảng, tối đa hóa công suất hiện có; nghiên cứu địa điểm và kêu gọi đầu tư xây dựng cảng mới có công suất lớn và đa năng. Khai thác tốt vận tải hàng không; xúc tiến việc quy hoạch xây dựng KCN sản xuất gia công hàng điện tử, bán dẫn gần cảng hàng không nhằm tận dụng lợi thế vận tải hàng không của Cảng Hàng không Phù Cát. Nâng cấp Cảng Hàng không Phù Cát trở thành cảng hàng không quốc tế phục vụ cho phát triển KTXH của tỉnh và khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Xây dựng đô thị sân bay gắn với KCN Hòa Hội để phát triển công nghiệp điện tử, bán dẫn. Phát triển công nghiệp, đô thị, logistics dọc các tuyến cao tốc Bắc - Nam và cao tốc Quy Nhơn – Pleiku.
03 đột phá của tỉnh là:
- Xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông cho vùng phía Bắc tỉnh nhằm thúc đẩy cực tăng trưởng phía Bắc tỉnh; hình thành các tuyến giao thông quan trọng kết nối liên tỉnh, liên vùng; kết nối với cảng hàng không Phù Cát, cảng Quy Nhơn. Đồng thời, chú trọng nâng cấp, phát triển mạng lưới hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng thông tin, hạ tầng đô thị, công nghiệp, nhất là các đô thị trung tâm và khu kinh tế động lực của tỉnh.
- Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tái cơ cấu nền kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương. Theo đó, quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; khuyến khích ứng dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh và phát triển các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, thực hiện hiệu quả, toàn diện các mục tiêu chuyển đổi số trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, theo các mục tiêu của “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ. Trong đó, trọng tâm là nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).
- Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo định hướng phát triển của tỉnh, nhất là nhân lực CNTT, kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao; thực hiện chính sách thu hút lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh. Theo đó, thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch thu hút, đào tạo, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác với các trường Đại học hàng đầu trong việc đào tạo các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật & toán học (STEM), về Trí tuệ nhân tạo (AI).
Đồng thời Quy hoạch cũng đưa ra cấu trúc không gian theo mô hình 02 vùng – 03 cực phát triển – 03 hành lang kinh tế. Theo đó, Toàn tỉnh Bình Định được chia làm 02 vùng chính: Phân vùng Bắc gồm 04 đơn vị hành chính phía Bắc: Thị xã Hoài Nhơn, huyện Hoài Ân, huyện Phù Mỹ, huyện An Lão, được xác định là vùng phát triển bảo tồn rừng tự nhiên, phát triển du lịch sinh thái, sản xuất thiết bị phụ trợ phục vụ các dự án năng lượng tái tạo, chế biến gang thép, đóng tàu, cảng biển chuyên dùng, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản công nghệ cao. Phân vùng Nam gồm 07 đơn vị hành chính phía Nam: TP Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước, huyện Vân Canh, huyện Phù Cát, huyện Tây Sơn, huyện Vĩnh Thạnh; Là vùng động lực chính của tỉnh, phát triển đa ngành: công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ, vận tải biển, đô thị thông minh.
Trong 03 cực phát triển, Thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận được xác định là động lực chính, hạt nhân phát triển phía Tây Nam tỉnh Bình Định; Thị xã Hoài Nhơn là cửa ngõ phía Bắc đồng thời là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển phía Bắc tỉnh Bình Định; huyện Tây Sơn (Đô thị Tây Sơn dự kiến) là cửa phía Tây và là hạt nhân thúc đẩy phát triển phía Tây của tỉnh.
03 hành lang kinh tế: hành lang đô thị, công nghiệp: phát triển dọc theo QL1, kết nối các đô thị và CCN, KCN của Bình Định với các CCN, KCN dọc duyên hải miền Trung; Hành lang kinh tế biển: dọc tuyến đường ven biển (ĐT.639); Hành lang kinh tế Đông Tây: phát triển dọc theo các tuyến Giao thông Đông Tây của QL 19.
Các trục hành lang động lực:
- Tuyến quốc lộ 1: là trục phát triển kinh tế quan trọng kết nối Bình Định với Vùng KTTĐMT nói riêng và hệ thống đô thị cả nước chung. Dọc tuyến tập trung phát triển hệ thống thương mại dịch vụ lớn, công nghiệp (KCN Phú Tài, KCN Long Mỹ), dịch vụ hàng không gắn với sân bay Phù Cát, dịch vụ logistic tại Phước Lộc Tuy Phước và dịch vụ ga đường sắt gắn với ga tổng hợp Quy Nhơn.
- Tuyến quốc lộ 19: là trục động lực chính, quan trọng của toàn vùng. Đây là tuyến giao thông tạo ra sự kết nối mạnh mẽ, thông suốt giữa tỉnh Bình Định và các khu vực phía Tây (vùng Tây Nguyên và đặc biệt khu vực tiểu vùng sông Mê Công) thông qua cảng Quy Nhơn.
- Tuyến quốc lộ 19B: Là trục hỗ trợ kết nối KKT Nhơn Hội với các đô thị phía Tây của tỉnh. Phục vụ phát triển kinh tế công nghiệp, đô thị, du lịch.
- Tuyến quốc lộ 19C: Là trục hỗ trợ phát triển kinh tế phía Tây Nam của tỉnh Bình Định, kết nối với Phú Yên, tận dụng được ưu điểm mà mạng lưới đường quốc gia đang đem lại cho tỉnh Bình Định (cao tốc Bắc Nam).
- Tuyến quốc lộ 1D: là trục hỗ trợ phát triển kinh tế phía Đông Nam của tỉnh Bình Định, kết nối Bình Định với Phú Yên.
- Tuyến đường bộ ven biển ĐT.639: thúc đẩy kinh tế dọc hành lang ven biển, kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm của tỉnh dọc hành lang ven biển. Hình thành và phát triển không gian kinh tế biển bền vững.
- Tuyến đường tỉnh ĐT.638: Là trục hỗ trợ thúc đẩy phát triển vùng phía Tây của tỉnh Bình Định, kết nối KCN – Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định đến cảng Quy Nhơn.
- Tuyến đường tỉnh ĐT629, 630: là trục hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế vùng phía Tây của tỉnh Bình Định và làm tăng tính liên kết giữa chuỗi đô thị ven biển với các huyện miền núi
Tham gia ý kiến góp ý đối với quy hoạch, thành viên Hội đồng, chuyên gia phản biện đánh giá cao công tác xây dựng quy hoạch của tỉnh Bình Định; Nội dung, hồ sơ trình được xây dựng công phu, khoa học, cơ bản phù hợp với nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt tại Quyết định số 136/QĐ-TTg; đồng thời đề nghị cơ quan lập quy hoạch tiếp tục rà soát, hoàn thiện thêm.
Trong đó, Phương án phát triển các ngành được đề xuất trong kỳ quy hoạch cơ bản phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh Bình Định, bao gồm phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo (điện, điện tử, bán dẫn, gang thép, điện gió ngoài khơi, dược phẩm, hải sản công nghệ cao); phát triển du lịch biển cao cấp, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái; phát triển dịch vụ cảng biển và logistics; và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, việc xác định các ngành/phân ngành quan trọng còn dàn trải, không rõ ràng, thời gian thực hiện quy hoạch từ nay đến năm 2030 là không còn dài (chỉ còn 7 năm), đề nghị xem xét, lựa chọn một số phân ngành trong các ngành để tập trung đầu tư phát triển, tạo đột phát, động lực cho giai đoạn tiếp theo.
Về phương án tổ chức không gian cho các hoạt động kinh tế - xã hội, cần làm rõ phương án sắp xếp không gian phát triển cho các ngành công nghiệp, đô thị, du lịch để tránh sự xung đột, mâu thuẫn giữa các ngành, lĩnh vực. Phương án tổ chức không gian trong quy hoạch tỉnh Bình Định chưa thể hiện được các khu vực ưu tiên phát triển các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản (vùng nâu) và các khu vực ưu tiên phát triển du lịch, dịch vụ yêu cầu có môi trường trong lành (vùng xanh). Đối với không gian phát triển du lịch cần được bố trí ở vùng xanh, không bị ô nhiễm, không bị ảnh hưởng bởi các hoạt động sản xuất ở các vùng nâu (sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản…). Định hướng tổ chức không gian cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh được phân bố phân tán trên hầu hết địa bàn cấp huyện, đề nghị xem xét, đánh giá các tác động của việc phát triển công nghiệp đến môi trường, đặc biệt là đối với việc phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng tập trung vào đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội; hiện trạng sử dụng đất; hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn; phương hướng phát triển các ngành quan trọng; phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực;…
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cảm ơn Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, các chuyên gia đã có ý kiến góp trách nhiệm, tâm huyết; đồng thời rất mong tiếp tục nhận được các ý kiến thẩm định, góp ý quý báu của Hội đồng thẩm định và các chuyên gia để tỉnh Bình Định hoàn thiện Quy hoạch tỉnh một cách tốt nhất, mang tính khoa học và tính khả thi cao nhất, đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Cơ quan lập quy hoạch chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện triển khai lập theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch. Tỉnh Bình Định đã thực hiện khá nghiêm túc quy trình lập quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch, đồng thời đã quan tâm, chỉ đạo sát sao Cơ quan lập quy hoạch trong quá trình hoàn thiện quy hoạch trình Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh. Nội dung quy hoạch lần này đã thể hiện khá rõ nét về sự khát vọng phát triển của tỉnh; thể hiện được sự liên kết và đồng bộ trong định hướng phát triển kết cấu hạ tầng; việc sắp xếp, phân bổ không gian các hoạt động kinh tế - xã hội; về cơ bản, nội dung quy hoạch tỉnh đã đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch và Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ; đồng thời, Báo cáo kết quả đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch tỉnh Bình Định cũng đã được hoàn thiện theo ý kiến của chuyên gia tại Hội thảo tham vấn ý kiến, cơ bản đảm bảo yêu cầu theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Tại phiên họp thẩm định này, Hội đồng thẩm định đã thảo luận và biểu quyết bằng Phiếu đánh giá thông qua Quy hoạch tỉnh Bình Định với kết quả như sau:
- Đối với Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược: Thông qua không cần chỉnh sửa là 3/28 (đạt 10,7%). Thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa 25/28 (đạt 89,3%).
- Đối với Hồ sơ Quy hoạch: Thông qua không cần chỉnh sửa là 1/28 (đạt 3,6%). Thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa 27/28 (đạt 96,4%).
- Đối với Dự thảo báo cáo thẩm định: Thông qua không cần chỉnh sửa là 9/28 (đạt 32,1%). Thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa 19/28 (đạt 67,9%). Như vậy, Hội đồng thẩm định nhất trí thông qua Quy hoạch và Báo cáo kết quả đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch tỉnh Bình Định với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện.
Để sớm hoàn thiện nội dung quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ trưởng yêu cầu tỉnh Bình Định Nghiêm túc tiếp thu, giải trình và hoàn thiện Hồ sơ quy hoạch theo ý kiến tham gia thẩm định của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, ý kiến các chuyên gia phản biện, ý kiến của các cơ quan tại Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo kết quả đánh giá môi trường chiến lược và kết luận của Hội đồng thẩm định tại Báo cáo thẩm định; tập trung làm rõ và giải trình một số nội dung để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch như sau:
- Đề nghị bổ sung và làm rõ một số nội dung về quy trình lập quy hoạch như: Làm rõ sự phân công, phối hợp của Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc nghiên cứu, xây dựng quy hoạch; đề xuất nội dung để tích hợp vào quy hoạch; xử lý các vấn đề liên ngành, liên huyện.
- Đề nghị làm rõ hơn vai trò của Bình Định đối với vùng/quốc gia trong một số nội dung, như: Giá trị của tài nguyên du lịch văn hóa – lịch sử; cửa ngõ ra biển quan trọng; vai trò trong tổ hợp khu kinh tế ven biển; trung tâm nghiên cứu, đào tạo nhân lực và ứng dụng KHCN của vùng.
- Về quan điểm về phát triển: Đề nghị bổ sung quan điểm phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế cacbon thấp vào quy hoạch tỉnh; bổ sung quan điểm con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển, lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực phát triển.
- Về các đột phá phát triển, đề nghị xem xét, cân nhắc lựa chọn một số đột phá phát triển công nghiệp, du lịch hay đô thị, sử dụng các lợi thế về biển, các đầm Thị Nại, Đề Gi, Trà Ổ và các giá trị văn hóa, lịch sử.
- Đối với phương án phát triển ngành công nghiệp: Đề nghị xem xét, ưu tiên thúc đẩy ngành công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ phục vụ năng lượng tái tạo. Riêng đối với các dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn đề nghị làm rõ về công nghệ sản xuất, các vấn về môi trường và sinh kế cho người dân.
- Đối với phương án phát triển du lịch: Trong giai đoạn trước mắt (đến 2030) chỉ nên tập trung phát triển một số loại hình chính, được xác định là đặc sắc, khác biệt của Bình Định: Đề nghị xem xét, ưu tiên sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí - thể thao biển gắn với du lịch chữa bệnh nhằm tận dụng lợi thế về tài nguyên nước nóng của tỉnh; du lịch MICE; du lịch “Trải nghiệm cá voi vùng biển Đề Gi” và du lịch sinh thái cộng đồng “đầm Thị Nại”.
- Đối với ngành nông nghiệp: Đề nghị nên ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, xác định cụ thể các vùng sản xuất tập trung (cả trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản), gắn sản xuất với chế biến, xây dựng thương hiệu, ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị, liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường.
- Đối với lĩnh vực thủy sản đề nghị làm rõ khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phân vùng khai thác thủy sản, khu vực cấm khai thác, khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Định trong kỳ quy hoạch.
- Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, đề nghị bổ sung các giải pháp để phát triển lâm nghiệp thực sự trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật hiện đại, có hiệu quả cao.
- Về phương án tổ chức không gian cho các hoạt động kinh tế - xã hội, cần làm rõ phương án sắp xếp không gian phát triển cho các ngành công nghiệp, đô thị, du lịch để tránh sự xung đột, mâu thuẫn giữa các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là định hướng phát triển ở các khu vực có tiềm năng, lợi thế như khu vực ven biển, khu vực ven các đầm Thị Nại, Đề Gi, Trà Ổ.
- Đề nghị bổ sung nội dung về sắp xếp đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban thường vụ Quốc hội; công điện 616/CĐ-TTg ngày 04/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
- Đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Đề nghị thuyết minh làm rõ tính khả thi, đảm bảo đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP; làm rõ phương án bố trí không gian và giải pháp duy trì sản xuất của các cơ sở hiện có khi di dời các cụm công nghiệp Quang Trung và Nhơn Bình (thuộc thành phố Quy Nhơn) và CCN Gò Đá Trắng (thị xã An Nhơn).
- Đối với Khu kinh tế Nhơn Hội: Đề nghị làm rõ các nội dung cần điều chỉnh về phương án phát triển Khu kinh tế Nhơn Hội trong quy hoạch tỉnh so với Quyết định số 514/QĐ-TTg ngày 08/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
- Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị: Đề nghị thể hiện rõ không gian phát triển đô thị hiện nay và đến năm 2030; đề nghị làm rõ về sự chênh lệch rất lớn đối với diện tích đất đô thị đến năm 2030 theo phương án quy hoạch của tỉnh so với với chỉ tiêu đất đô thị do cấp quốc gia phân bổ theo Quyết định 326/QĐ-TTg.
- Về hạ tầng điện – năng lượng: Đề nghị rà soát phương án phát triển hạ tầng điện đảm bảo phù hợp với Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 893/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Về hạ tầng thủy lợi, cấp, thoát nước: Đánh giá tính khả thi của phương án nâng cao dung tích của hồ Định Bình thêm 150 triệu m3, hồ Núi Một thêm 40 triệu m3.
- Về dự án ưu tiên đầu tư: Đề nghị bổ sung các dự án ưu tiên phù hợp với phương án phát triển các ngành, lĩnh vực.
- Về nguồn vốn thực hiện quy hoạch: Đề nghị làm rõ tính khả thi của việc huy động các nguồn vốn để thực hiện quy hoạch.
- Về đánh giá môi trường chiến lược: Đề nghị rà soát, kiểm tra lại kết quả tính toán mức phát thải SO2, NOX, khí nhà kính đảm bảo phù hợp với thực tế. Cần bổ sung đánh giá tác động của các vấn đề về thiên tai; về sử dụng nước, chuyển nước giữa các lưu vực sông Kôn, sông Hà Thanh, sông Lại Giang, sông La Tinh; về khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đến môi trường; đánh giá tác động của vấn đề lũ, ngập lụt đến môi trường./.
Phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính liên thông trong lĩnh vực Đầu tư tại Việt Nam thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Kế hoạch và Đầu tư