Kết quả 01 năm thực hiện Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 14/5/2021 của Tỉnh ủy về phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Bình Định giai đoạn 2020-2025
Thứ tư - 13/07/2022 16:21
Ngày 20/6/2022, Ban Chỉ đạo Chương trình hành động số 10-CTr/TU của Tỉnh ủy đã báo cáo sơ kết 01 năm thực hiện Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 14/5/2021 của Tỉnh ủy về phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Bình Định giai đoạn 2020-2025, với các nội dung cụ thể sau:
I- KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN 1. Tăng cường công tác chỉ đạo của các cấp chính quyền đối với phát triển khoa học và công nghệ Công tác phổ biến, quán triệt, thông tin, tuyên truyền về phát triển khoa học và công nghệ đã được các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm, tăng cường, gắn với các hoạt động của công tác chỉ đạo, triển khai thông qua nhiều hình thức như: tổ chức truyên truyền trên Báo Bình Định, trang thông tin điện tử các sở, ban, ngành và đặc biệt là Chương trình phóng sự về khoa học và công nghệ phát sóng hàng tháng trên Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định... Các địa phương đã ban hành và bước đầu thực hiện có hiệu quả Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động theo tình hình thực tế tại địa phương; trong đó, đã dành sự quan tâm, tập trung nguồn lực cho công tác phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ. 2. Triển khai đồng bộ các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ 2.1. Về Khoa học xã hội và nhân văn Các nhiệm vụ nghiên cứu đã bám sát định hướng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Kết quả nghiên cứu đã cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, con người. Điển hình như đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh: “Đánh giá tình trạng dinh dưỡng và năng lực trí tuệ của học sinh tiểu học (4 - 10 tuổi) tại tỉnh Bình Định và đề xuất các giải pháp nâng cao tình trạng dinh dưỡng và năng lực trí tuệ của học sinh”. Dự kiến kết quả của đề tài cung cấp các luận cứ khoa học về tình trạng dinh dưỡng và năng lực trí tuệ của học sinh tiểu học từ 4 - 10 tuổi để từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp trong thời gian tới nhằm nâng cao thể lực và năng lực trí tuệ của trẻ em. UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục 02 đề tài nghiên cứu khoa học thực hiện trong năm 2022: “Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến giáo dục bậc Tiểu học - Thực trạng và đề xuất giải pháp”; Nghiên cứu bảo tồn phục trang, đạo cụ và mặt nạ tuồng hát bội Bình Định”. 2.2. Về Khoa học tự nhiên Các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên bước đầu đạt được những kết quả quan trọng trong công tác dự báo, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại do thời tiết bất lợi gây ra. Xây dựng, lắp đặt hệ thống tiếp nhận dữ liệu quan trắc môi trường tự động và liên tục, xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn thải, xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống các khu bảo tồn và các loài động, thực vật tỉnh Bình Định… bước đầu đem lại kết quả tốt, có thể ứng dụng lâu dài trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh. Đưa vào vận hành Hệ thống thông tin cảnh báo gồm hệ thống quan trắc lượng mưa, quan trắc dòng chảy và hệ thống cảnh báo thông tin đến cộng đồng khi xả lũ, phục vụ việc dự báo, cảnh báo sớm mưa lớn, lũ quét, ngập lụt và hạn hán. Điển hình như các nhiệm vụ “Xây dựng, lắp đặt và vận hành các trạm quan trắc tự động trên địa bàn tỉnh” với 6 trạm quan trắc môi trường tự động (không khí, nước mặt, nước ngầm, nước biển ven bờ) trên địa bàn tỉnh; “Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản (cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản)”. 2.3. Về Khoa học nông nghiệp Tập trung nghiên cứu khoa học nông nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dự báo sâu bệnh hại lúa trên địa bàn tỉnh và giải quyết các vấn đề phát sinh trong nông nghiệp thông qua thực hiện các đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh như “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình và thiết lập hệ thống nhân nhanh giống sắn sạch bệnh khảm lá bằng phương pháp nhân chồi ở tỉnh Bình Định”; “Phát triển bền vững chuỗi giá trị thịt lợn đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bình Định”; “Nghiên cứu chuyển giao một số mô hình chuyển đổi trên chân đất trồng mía kém hiệu quả sang sản xuất một số cây trồng phù hợp gắn liên kết chuỗi tại Bình Định” và “Nghiên cứu quy trình công nghệ bảo quản sau thu hoạch các loại trái cây đặc trưng trên địa bàn tỉnh Bình Định”. Ngoài ra còn đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu, phát triển sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi năng suất cao, thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh như: “Điều tra thực trạng các loài cây bản địa đã trồng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ giai đoạn 2011-2020 và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh Bình Định”, “Nghiên cứu khảo nghiệm và phát triển sản xuất các giống lúa gạo màu (đỏ, tím) dinh dưỡng cao theo hướng hữu cơ ở tỉnh Bình Định”; “Nghiên cứu phát triển cây lạc theo định hướng canh tác hữu cơ và chế biến các sản phẩm từ cây lạc theo chuỗi giá trị gia tăng để phát triển kinh tế và du lịch tại tỉnh Bình Định” và “Phân vùng điều kiện lập địa thích hợp trồng rừng sản xuất cây gỗ lớn cho cây keo lai trên địa bàn tỉnh Bình Định”. 2.4. Về Khoa học kỹ thuật và công nghệ Việc triển khai đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp được triển khai mạnh mẽ. Điển hình như đề tài “Nghiên cứu xây dựng và chuẩn hóa CSDL thông tin quy hoạch và hệ thống tra cứu trực tuyến” nhằm hỗ trợ cho việc tra cứu thông tin về hạ tầng, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư.
Triển khai nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật và công nghệ vào các lĩnh vực như nông nghiệp, cảng biển, chế biến thông qua các đề tài “Nghiên cứu giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực cảng biển theo hướng hiện đại và thông minh cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định”, “Ứng dụng công nghệ sinh học phân tử trong tuyển chọn, phục tráng giống lúa nếp Ngự tại xã Hoài Sơn, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định” và “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ chế biến một số sản phẩm thực phẩm từ quả bưởi của tỉnh Bình Định”… 2.5. Về Khoa học y, dược Triển khai các nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao các thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ mới trong y học để chẩn đoán và điều trị bệnh như đề tài: “Nghiên cứu các yếu tố tiên lượng và tỷ lệ đặt nội khí quản khó ở bệnh nhân phẫu thuật có gây mê toàn diện tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định”, “Nghiên cứu hiệu quả gây tê đám rối thần kinh cánh tay dưới hướng dẫn của siêu âm để phẫu thuật chấn thương chi trên và xương đòn tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định”. Đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khám chữa bệnh và y học dự phòng như ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc hỗ trợ chẩn đoán và tư vấn dự phòng, điều trị bệnh nám má tại Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa hoặc “Nghiên cứu ứng dụng định vị có dẫn đường kết hợp tiêu sợi huyết trong phẫu thuật xuất huyết não tự phát tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định”.
Từng bước hỗ trợ nâng cao hiệu quả, chất lượng của các sản phẩm có nguồn gốc thảo dược do Công ty Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định sản xuất, nuôi trồng trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu phát triển dạng bào chế hiện đại và đánh giá tác dụng của bài thuốc điều trị chấn thương toàn thân trong võ cổ truyền Bình Định; Nghiên cứu ứng dụng quy trình trồng theo tiêu chuẩn GACP-WHO) và chế biến sản phẩm thương mại cho cây dược liệu Đảng sâm (Codonopsis javanica (Blume) Hook.f.,) tại xã An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định.
Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các bài thuốc nam và hoàn thiện danh mục cây thuốc nam trên địa bàn tỉnh Bình Định thông qua đề tài “Xây dựng danh mục cây thuốc nam và bài thuốc nam trên địa bàn tỉnh Bình Định”. 2.6. Phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin của tỉnh Tỉnh Bình Định đang triển khai Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định tại Khu vực 2, phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn trên điện tích 54 ha với nòng cốt là Công ty FPT tại Bình Định. Hiện nay, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3926/QĐ-UBND ngày 23/9/2021 phê duyệt Đề án thành lập Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định. Hiện nay, số doanh nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh là 96 đơn vị (trong đó có 12 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phần mềm), tổng doanh thu ước đạt 400 tỷ đồng. Trong đó doanh thu từ hoạt động kinh doanh, phân phối các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin chiếm trên 80%. 2.7. Triển khai nghiên cứu ở một số lĩnh vực gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XX của Đảng bộ tỉnh Tiếp tục triển khai Kế hoạch Ứng dụng công nghệ thông tin ngành Du lịch tỉnh Bình Định giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025, trong đó định hướng đến năm 2025 phát triển đồng bộ hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với hệ trí thức Việt số hóa; thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo, cộng đồng doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước về du lịch, triển khai đề tài “Xây dựng mô hình phát triển du lịch văn hóa - sinh thái tại một số làng dân tộc thiểu số, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định” và đang xét duyệt một số nhiệm vụ về phát triển du lịch, ứng dụng AI để triển khai trong năm 2022. Các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20/9/2021 của Tỉnh ủy Bình Định về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 26/11/2020 của UBND tỉnh về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Bình Định. 2.8. Phát triển Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa và Trung tâm Trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ Tỉnh đang hoàn thiện trình Chính phủ triển khai thí điểm đề án “Phát triển Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” với định hướng phát triển Quy Nhơn thành một thành phố Khoa học hàng đầu của Việt Nam, trong tương lai là nơi tổ chức các hoạt động giao lưu, gặp gỡ của các nhà khoa học quốc tế; phát huy chất xám trong nghiên cứu khoa học, gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học và hoạt động phát triển công nghệ với sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; thu hút các nguồn lực trong nước và nước ngoài, tạo động lực thúc đẩy phát triển khoa học. Đối với nhiệm vụ hoàn chỉnh quy hoạch Khu đô thị Khoa học Quy Hòa và các khu vệ tinh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến đối với nội dung đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu Khu đô thị khoa học Quy Hòa. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 684/QĐ-UBND ngày 04/3/2022 về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Trung tâm trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ, thành phố Quy Nhơn. Hiện nay, đã thu hút được một số doanh nghiệp lớn đầu tư vào Khu đô thị Khoa học Quy Hòa và Trung tâm Trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ như: - Dự án Trung tâm trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ tại phường Trần Quang Diệu và phường Bùi Thị Xuân, thành phố Quy Nhơn: Dự án này sẽ đầu tư xây dựng mới một khu đô thị hiện đại về tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan; đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội với tính chất chính là đô thị trí tuệ nhân tạo, cụ thể: nghiên cứu, đào tạo, sản xuất phần mềm, hỗ trợ chuyển đổi số, cung cấp giải pháp an ninh mạng, an ninh xã hội, trí tuệ nhân tạo phục vụ con người, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị dịch vụ; khu ở, đất công cộng - dịch vụ đô thị, cây xanh mặt nước và hạ tầng kỹ thuật. - Dự án Công viên sáng tạo TMA về ngành công nghệ phần mềm của Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Tường Minh Bình Định do Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lệ đầu tư xây dựng xưởng sản xuất phần mềm kết hợp với đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu về công nghệ - kỹ thuật mới, Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo/Máy học, Ứng dụng IOT nhằm cung cấp phần mềm cho các đối tác trong và ngoài nước. 3. Ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao, công nghệ ưu tiên của tỉnh Ứng dụng công nghệ cao để đầu tư, nâng cấp xây dựng trang trại chăn nuôi tự động, khép kín, thân thiện với môi trường; chăn nuôi theo hướng hữu cơ, VietGAP; Đồng thời triển khai ứng dụng công nghệ 4.0 để đầu tư trang trại chăn nuôi hiện đại, tiên tiến, tạo sản phẩm sạch, năng suất, chất lượng cao tại Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư, Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh, trang trại bò sữa Vinamilk và một số doanh nghiệp sản xuất chăn nuôi heo giống. Phát triển sản xuất giống thủy sản chất lượng cao, ưu tiên phát triển giống các đối tượng nuôi chủ lực, giá trị kinh tế cao. Hiện nay, có 02 Công ty chuyên sản xuất giống tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao, có vốn đầu tư nước ngoài. Khuyến kích các địa phương xây dựng mô hình chăn nuôi gà đồi an toàn sinh học. Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong khai thác, bảo quản để nâng cao chất lượng thủy sản sau khi khai thác. Tiếp tục điều tra, thu thập, bảo tồn, lưu giữ, phục tráng, nghiên cứu đánh giá, tư liệu hóa, khai thác, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn gen cây trồng, vật nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học như “Ứng dụng công nghệ sinh học phân tử trong tuyển chọn, phục tráng giống lúa nếp Ngự tại xã Hoài Sơn, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định”. Tiếp tục đẩy mạnh áp dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn. Xây dựng vùng sản xuất trồng trọt tập trung theo hướng an toàn và áp dụng công nghệ cao như: Trồng theo hướng hữu cơ, VietGAP, hệ thống tưới tự động hoặc bán tự động gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các cánh đồng mẫu lớn, nhất là cánh đồng mẫu lớn liên kết với các doanh nghiệp sản xuất lúa giống. Tiếp tục duy trì 08 dự án cánh đồng lớn, dự án liên kết sản xuất lúa giống đã được UBND tỉnh phê duyệt với diện tích 982,3 ha; duy trì và phát triển 08 vùng sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP ở các huyện Tuy Phước, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn... Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Ứng dụng công nghệ vật liệu mới sợi composite để gia cường kết cấu nhịp một số cầu đang khai thác trên các tuyến quốc lộ ủy thác và đường tỉnh; vật liệu carboncor asphalt trong xây dựng và bảo trì hệ thống đường giao thông trên địa bàn tỉnh; vật liệu lớp phủ siêu mỏng tạo nhám để sửa chữa hư hỏng cục bộ mặt đường. Triển khai các ứng dụng Chương trình GovOne, phần mềm Quản lý cầu đường bộ VBMS trực tuyến… trong công tác quản lý, giám sát bảo trì đường bộ các tuyến quốc lộ ủy thác và hệ thống đường tỉnh. Về chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp: đã phê duyệt 29 chương trình, đề án khuyến công với tổng kinh phí hỗ trợ 5.220 triệu đồng. Trong đó, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 19 đề án với kinh phí hỗ trợ 4.364,5 triệu đồng, chiếm 83,6% tổng kinh phí hỗ trợ; hỗ trợ các lĩnh vực khác 10 đề án với kinh phí 855.5 triệu đồng. Về đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, mở rộng tiêu thụ hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử địa phương: Tổ chức triển khai các hoạt động phát triển thương mại điện tử năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bình Định như tổ chức Hội nghị tập huấn phổ biến kiến thức về thương mại điện tử cho cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong tỉnh; xây dựng, vận hành kênh bán hàng chuyên nghiệp với Website, Facebook…; ký kết chương trình hợp tác, hỗ trợ tỉnh Bình Định tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh trên các sàn thương mại điện tử; cung cấp, cập nhật thông tin về tiềm năng xuất khẩu của tỉnh và danh bạ doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên cổng thông tin xuất khẩu Việt Nam – Vietnamexport giúp tăng cường cơ hội giao thương cho các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh nhà; Tìm kiếm, hướng dẫn, hỗ trợ áp dụng các công nghệ phù hợp với điều kiện và nhu cầu phát triển các sản phẩm nông sản có thế mạnh của tỉnh; hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý sản phẩm nông sản, từng bước hiện đại hóa công tác sản xuất, ứng dụng công nghệ để quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất an toàn, kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi bán ra thị trường, bảo đảm nông sản được tiêu thụ trong chuỗi giá trị đáp ứng tiêu chuẩn trong nước và các nước nhập khẩu. Triển khai Đề án phát triển vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Bình Định. Qua đó, khuyến khích các dây chuyền công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, có mức tiêu hao năng lượng thấp, thân thiện với môi trường; từng bước cải tiến về công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của các đơn vị. 4. Xây dựng, phát triển thị trường khoa học và công nghệ Tiếp tục vận hành có hiệu quả Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị tỉnh Bình Định trên mạng internet (Techmart online) tại địa chỉ https://sancongnghe.binhdinh.vn theo mô hình sàn giao dịch và công nghệ thiết bị ảo nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm khoa học và công nghệ tỉnh Bình Định, đẩy mạnh hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ trên địa bàn tỉnh với các đối tác trong và ngoài nước. Đến nay đã cập nhật dữ liệu 89 doanh nghiệp đăng ký thông tin và thiết bị trên Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị ảo.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong những năm qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đến công tác xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm chủ lực của địa phương. Từ năm 2021 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ 12 sản phẩm đặc trưng của các huyện, thị xã, thành phố đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp dưới dạng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có gắn với tên địa danh. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng hồ sơ gia hạn 01 nhãn hiệu chứng nhận. Đồng thời, Sở Khoa học và Công nghệ đang triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ bắt đầu thực hiện từ năm 2022 với nhiệm vụ “Xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mai vàng của tỉnh Bình Định”. Công tác hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đối mới sáng tạo của tỉnh triển khai nhiều hoạt động cụ thể và sâu rộng, từng bước hình thành được hệ sinh thái khởi nghiệp, làm đòn bẩy đưa phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh phát triển. Nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh và ngoài tỉnh đã được hỗ trợ xây dựng mô hình kinh doanh, phát triển sản phẩm. Tiếp tục triển khai Đề án “Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Định giai đoạn 2019 - 2025” . Qua đó, tiếp tục hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Định, tuyển chọn và ươm tạo các ý tưởng, dự án nhằm hoàn thiện sản phẩm, hoàn thiện mô hình kinh doanh; Hình thành nhóm các nhà đầu tư khởi nghiệp, các nhà tư vấn khởi nghiệp nhằm hỗ trợ hiệu quả hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh. Trong năm 2021, Sở đã tham mưu UBND tỉnh thảnh lập Hội đồng tư vấn và đầu tư khởi nghiệp tỉnh Bình Định tại Quyết định số 4149/QĐ-UBND ngày 12/10/2021. 5. Tiếp tục đổi mới cơ chế về tổ chức, quản lý hoạt động khoa học và công nghệ, đầu tư tiềm lực khoa học và công nghệ Đổi mới và thực hiện tốt các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng, tôn vinh đội ngũ trí thức, cán bộ khoa học công nghệ, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao; chú trọng phát triển đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lý… Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức trẻ, tạo môi trường, điều kiện hoạt động để trí thức nghiên cứu, sáng tạo, cống hiến. Đầu tư, tăng cường tiềm lực một số tổ chức khoa học và công nghệ công lập đủ năng lực nghiên cứu, tiếp thu chuyển giao kết quả khoa học và công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; sắp xếp tinh gọn bộ máy đơn vị sự nghiệp công lập khoa học và công nghệ hướng đến mục tiêu tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng đội ngũ trí thức, nhân lực khoa học công nghệ, tỉnh đang xây dựng chính sách thu hút, đãi ngộ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2025. Qua đó, tỉnh sẽ có các chính sách thu hút, hỗ trợ nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động tay nghề cao vào làm việc tại các đơn vị trong và ngoài khu vực Nhà nước thuộc các lĩnh vực phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao, phát triển đô thị, kiến trúc, quy hoạch, quản lý đô thị, các ngành kỹ thuật... Chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu UBND tỉnh thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục để sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 14/2020/NQ-HĐND ngày 17/7/2020 của HĐND tỉnh ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Bình Định. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3268/QĐ-UBND ngày 04/08/2021 phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, tổng vốn đầu tư phát triển ngân sách tỉnh bố trí cho các dự án khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2025 là hơn 29,7 tỷ đồng. Năm 2021 đã bố trí hơn 5,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, vốn đầu tư công ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 bố trí cho ngành khoa học và công nghệ của tỉnh là 107 tỷ đồng (tại Quyết định số 3939/QĐ-UBND ngày 24/9/2021). Trong năm 2021, đã bố trí 12,2 tỷ đồng theo các Quyết định của UBND tỉnh. Tổng vốn đầu tư phát triển ngân sách tỉnh bố trí năm 2022 cho các dự án khoa học và công nghệ là 5,5 tỷ đồng. Phân bổ và giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Trung ương năm 2022 cho ngành khoa học và công nghệ của tỉnh là 94,8 tỷ đồng. Đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Bình Định theo quyết định 50/2020/QĐ-UBND ngày 03/8/2020 của UBND tỉnh. Trong năm 2021, đã hỗ trợ 170 triệu cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; 06 tháng đầu năm 2022, đã hỗ trợ 53 triệu đồng cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thuộc các đối tượng được hưởng chính sách. 6. Đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế về khoa học và công nghệ Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều biên bản hợp tác toàn diện với các trường đại học như Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, các Viện nghiên cứu đóng trên địa bàn tỉnh, trong nước và quốc tế nhằm triển khai các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu cho tỉnh về du lịch, công nghệ thông tin...; phát huy được tiềm năng nghiên cứu của đội ngũ nhân lực trình độ cao các trường đối với các vấn đề khoa học xã hội nhân văn, khoa học tự nhiên của tỉnh nhằm tham mưu, đề xuất cho tỉnh các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, Trung tâm ICISE đã tạo điều kiện cho những nhà khoa học trẻ đang làm việc ở nước ngoài về làm việc ở Viện Nghiên cứu Khoa học và Giáo dục liên ngành (IFIRSE). Trung tâm cũng đã thu hút và đào tạo những sinh viên có năng lực trong và ngoài nước để tham gia nghiên cứu và làm việc tại Viện IFIRSE như: Các bạn sinh viên Ấn Độ tham gia các dự án nhỏ online với nhóm Neutrino như Nikhil Krishna đã tốt nghiệp thạc sĩ ở đại học Jamia Millia, New Delhi; Đại học Karnataka; Sinh viên tốt nghiệp Thạc sĩ ở Viện hàn lâm khoa học Việt Nam; Đại học Fulbright; Học viên tốt nghiệp Thạc sĩ ở Pháp và hiện tại đang làm nghiên cứu sinh ở Geneva, Thuỵ sĩ… III. ĐÁNH GIÁ CHUNG 1. Ưu điểm - Hoạt động phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Bình Định đã có những khởi sắc như đã hình thành mới 03 doanh nghiệp khoa học và công nghệ (chỉ tiêu 10 doanh nghiệp khoa học và công nghệ được hình thành mới). - Đã hỗ trợ thương mại hóa 02 sản phẩm sáng tạo, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (chỉ tiêu 10 sản phẩm giai đoạn 2020 - 2025).
- Đã tiến hành tính toán Tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP của tỉnh năm 2020 là 31,87; năm 2021 ước tính 33,18% (thấp hơn so với chỉ tiêu 38 - 42% giai đoạn 2020 - 2025). - Thu hút được một số doanh nghiệp lớn đầu tư vào Khu đô thị Khoa học Quy Hòa và Trung tâm Trí tuệ nhân tạo – Đô thị phụ trợ. - Hoạt động nghiên cứu ứng dụng, nhất là ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất đời sống đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả một số cây trồng vật nuôi và sản phẩm hàng hóa được nâng cao; một số dự án khoa học và công nghệ đã hình thành được các sản phẩm trọng điểm của tỉnh như dược phẩm, sản phẩm nông nghiệp. - Hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh đã đổi mới tích cực về cơ chế, chính sách, các nghiên cứu khoa học gắn với nhu cầu thực tiễn, đáp ứng được các vấn đề cấp bách của tỉnh như cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số cải cách hành chính, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách làm nền tảng cho hỗ trợ phát triển khoa học, công nghệ của tỉnh, đã thu hút được sự tham gia của các thành tố trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chính sách hỗ trợ nhân lực có trình độ cao, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các công cụ nâng cao năng suất chất lượng, sở hữu công nghiệp…đã phát huy tác dụng. - Việc xây dựng Đề án “Phát triển Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” từng bước tạo cơ sở cho tỉnh hoàn chỉnh quy hoạch, kêu gọi đầu tư để từng bước xây dựng và hình thành Thung lũng sáng tạo Quy Nhơn. 2. Hạn chế, tồn tại Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chương trình hành động số 10-CTr/TU còn gặp phải một số khó khăn như: - Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai các nhiệm vụ, dự án nhất là việc tính toán Chỉ số tốc độ đổi mới công nghệ năm 2020-2021. - Một số đơn vị, địa phương chưa hiểu đúng mức về vai trò then chốt của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội, từ đó dẫn đến thiếu các giải pháp chỉ đạo cụ thể để đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ tại đơn vị, địa phương. - Số doanh nghiệp quan tâm đến ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ và đổi mới công nghệ vào sản xuất kinh doanh còn ít. - Công tác hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế; chưa có những ý tưởng, dự án mang tính đột phá; chưa huy động và kết nối được các nguồn lực trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ một cách hiệu quả cho khởi nghiệp sáng tạo. III. ĐỀ XUẤT KIẾN NGHỊ Để việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hành động số 10-CTr/Tuđáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra, Ban chỉ đạo đề xuất, kiến nghị một số nội dung cụ thể như sau: 1. Đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền của trung ương tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật về các cơ chế, chính sách phát triển khoa học và công nghệ. Sớm ban hành hướng dẫn việc giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để thúc đẩy ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống. 2. Tiếp tục hoàn thiện trình Chính phủ triển khai thí điểm đề án “Phát triển Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”. 3. Đẩy nhanh tiến trình để Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định tham gia vào chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung. 4. Tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư hạ tầng về công nghệ, nhất là công nghệ thông tin cho cấp xã để có thể triển khai đồng bộ việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý./.
Phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính liên thông trong lĩnh vực Đầu tư tại Việt Nam thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Kế hoạch và Đầu tư