1. Về sản xuất nông, lâm, thủy sản, quản lý tài nguyên, môi trường
Về trồng trọt: Diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm vụ Đông Xuân đạt 78.255 ha, giảm 0,4% so với vụ năm trước; trong đó, diện tích gieo sạ lúa đạt 47.603 ha, giảm 0,3%; năng suất lúa 69,7 tạ/ha, giảm 2,5%; sản lượng lúa 331.696 tấn, giảm 2,9% so với cùng kỳ. Nguyên nhân diện tích, năng suất và sản lượng giảm so với cùng kỳ là do ảnh hưởng của đợt mưa lớn bất thường từ ngày 30/3 đến ngày 01/4 đã làm một số diện tích lúa bị đổ ngã, ngập úng.
Đến nay, toàn tỉnh đã gieo sạ được 20.800 ha lúa vụ Hè Thu, đạt 49,8% kế hoạch, tăng 19,1% so với cùng kỳ. Tiến độ gieo trồng một số cây trồng cạn vụ Hè Thu: Cây ngô đạt 1.524 ha, tăng 28,8%; cây lạc đạt 972 ha, tăng 12,1%; rau các loại đạt 2.442 ha, tăng 90,3%; đậu các loại đạt 408,9 ha, tăng 3% so với cùng kỳ.
Về nguồn nước tưới: Nguồn nước tưới năm nay tương đối dồi dào. Đến giữa tháng 5, các hồ chứa nước trên địa bàn tích được 462 triệu m3, đạt 78% dung tích thiết kế, tăng 22% so với cùng kỳ.
Về chăn nuôi: Trong tháng 5, tình hình chăn nuôi trong tỉnh tiếp tục ổn định, công tác tái đàn vật nuôi được duy trì gắn với công tác phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh; đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trong nông hộ.
Số lượng đàn vật nuôi như sau: Đàn bò 297.600 con, tăng 0,3%; đàn heo 760.900 con, tăng 9,4%; đàn gia cầm trên 8,6 triệu con, tăng 2,4% so với cùng kỳ.
Sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng đạt 51.530 tấn, tăng 3,9%; thịt bò hơi xuất chuồng đạt 17.160 tấn, tăng 1,5%; thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 10.372 tấn, tăng 4,5%, trong đó thịt gà hơi xuất chuồng đạt 8.366 tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ.
Trong tháng, các ngành chức năng tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản; phối hợp với các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò, dịch tả heo Châu Phi.
Từ ngày 27 - 28/5/2022, UBND huyện Hoài Ân đã tổ chức Ngày hội Nông sản huyện Hoài Ân lần thứ nhất năm 2022, nhằm giới thiệu, quảng bá hơn 90 loại sản phẩm nông nghiệp của địa phương và của các đơn vị trong tỉnh, góp phần kết nối giao thương, tạo điều kiện để doanh nghiệp, doanh nhân với nông dân cùng hợp tác, liên doanh, liên kết trong chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Hoài Ân nói riêng và của tỉnh nói chung…
Về lâm nghiệp: Tổng sản lượng gỗ khai thác 5 tháng đầu năm đạt 352.704 m3, tăng 3% so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu là gỗ rừng trồng làm nguyên liệu giấy. Công tác chăm sóc rừng được triển khai theo đúng lịch thời vụ, tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt.
Hiện nay đang cao điểm vào mùa nắng nóng, ngành kiểm lâm đã chủ động phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, nhất là những vùng trọng điểm, có nguy cơ cháy rừng cao; thường xuyên theo dõi cấp dự báo cháy rừng; chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm phối hợp với địa phương và chủ rừng tổ chức tuần tra, kiểm soát, truy quét bảo vệ rừng; tổ chức lực lượng chốt chặn các điểm trọng yếu để ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản. Từ đầu năm đến nay không xảy ra vụ cháy rừng.
Về thuỷ sản: Trong tháng 5, tình hình thời tiết thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản. Sản lượng khai thác thủy sản 5 tháng đạt 103.270 tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ; trong đó khai thác cá ngừ đại dương đạt 6.004 tấn, tăng 9% so với cùng kỳ.
Công tác khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) tiếp tục triển khai thực hiện. Đã tổ chức kiểm tra 1.402 lượt tàu rời cảng đảm bảo đạt yêu cầu về số lượt kiểm tra theo quy định.
Về thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác trên các vùng biển xa theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Đã phê duyệt 3.888 hồ sơ đề nghị hỗ trợ với tổng kinh phí hỗ trợ là 274.277 triệu đồng.
Công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai theo kế hoạch. Các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện các tiêu chí ở các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022, củng cố và nâng cao chất lượng các xã đã được công nhận đạt chuẩn trên địa bàn. Trong tháng, huyện Phù Cát đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
Công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, biển, hải đảo và bảo vệ môi trường: Trong tháng đã cho thuê đất 07 trường hợp, diện tích 13,25 ha; giao đất 10 dự án, diện tích 173,2 ha; giao đất 06 khu dân cư, diện tích 17 ha; thu hồi đất 03 trường hợp, diện tích 0,5 ha; phê duyệt 19 phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư với tổng kinh phí hơn 62,2 tỷ đồng. Đã phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2022.
2. Về sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực so cùng kỳ, dần vượt qua những khó khăn do dịch Covid-19. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng 9,41% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,08% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,98%; nhóm ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 18,02%; nhóm ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,55%; trong khi đó nhóm ngành công nghiệp khai khoáng giảm 29,28%.
Tình hình sản xuất một số ngành công nghiệp tháng 5 như sau:
- Ngành công nghiệp khai khoáng: Khai thác quặng kim loại giảm 73,68% do các mỏ khai thác titan đang dần cạn kiệt, trong đó, một doanh nghiệp đã dừng khai thác và chế biến titan, dự báo ngành này sẽ còn giảm sâu trong thời gian tới; hoạt động khai khoáng khác tăng 5,48%.
- Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Nhiều nhóm ngành tăng cao như: Chế biến thực phẩm; sản xuất đồ uống; dệt; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế.
- Ngành sản xuất và phân phối điện: Lượng nước các hồ thủy điện tích trữ tốt đảm bảo cho hoạt động sản xuất và phân phối điện, ngoài ra, trong các tháng đầu năm xuất hiện một số đợt mưa lũ bất thường, góp phần tăng lượng nước tại các hồ thủy điện. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất điện năng lượng mặt trời đi vào hoạt động, đóng góp vào giá trị sản xuất của ngành điện. Trong đó: sản lượng điện sản xuất tăng 26,9% và sản lượng điện thương phẩm tăng 4,6%.
- Ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải: Khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 2,4%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 2,7%.
Các chương trình khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện. Hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tiếp tục phát triển ổn định. Các sản phẩm của các làng nghề đã đáp ứng phần lớn nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh.
Các Khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư, xây dựng nhà xưởng và hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, tăng thu nhập và an sinh xã hội.
3. Về tài chính, thương mại, du lịch, dịch vụ
Trong tháng 5, dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát nên các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hoạt động ổn định, tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì, lưu thông thông suốt. Bên cạnh đó, nhân các ngày lễ lớn, nhiều doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi với giá cả hợp lý nhằm kích cầu tiêu dùng đã thúc đẩy thị trường trong tỉnh sôi động, hàng hóa phong phú, không có hiện tượng sốt giá, khan hiếm hàng hóa xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2022 đạt 7.450 tỷ đồng, tăng 3,1% so với cùng kỳ; tính chung 5 tháng đầu năm đạt 37.505 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ. Thống kê theo ngành kinh doanh, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 30.901 tỷ đồng, tăng 11,2%; dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 4.731 tỷ đồng, tăng 27,6%; dịch vụ lữ hành đạt 33,5 tỷ đồng, tăng 84,1%; hoạt động dịch vụ đạt 1.840 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ.
Chỉ số giá cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tăng với mức tăng 0,48% so với tháng trước, tăng 3,12% so với cùng kỳ. Bình quân 5 tháng đầu năm, chỉ số CPI tăng 2,65% so với cùng kỳ.
Lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, theo dõi chặt chẽ tình hình giá cả thị trường hàng hóa; tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại; kiểm soát các thông tin gây bất ổn thị trường; xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi đầu cơ, găm hàng nhằm tăng giá để thu lời trái pháp luật.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt 705,8 triệu USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ. Các nhóm hàng xuất khẩu có sự tăng trưởng gồm: Xuất khẩu hàng thuỷ sản tăng 108,7%; hàng dệt may tăng 88,7%; sản phẩm từ chất dẻo tăng 20,1% so cùng kỳ... Riêng xuất khẩu gạo giảm 58,5%; giày dép giảm 29,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 161 triệu USD, giảm 6,9% so với cùng kỳ.
Về du lịch: Trong tháng 5, tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình lễ hội phục vụ du khách như: Khai mạc Lễ hội du lịch biển Quy Nhơn năm 2022 với chủ đề “Quy Nhơn - Thiên đường biển; lễ hội đường phố Quy Nhơn; giải chạy Merry Land Quy Nhơn Run 2022; Đêm võ đài Bình Định… Nhờ đó, lượng khách du lịch đến tỉnh tăng mạnh so với các tháng đầu năm, đạt trên 454.800 lượt, tăng 339,9% so với cùng kỳ (trong đó khách quốc tế đạt 6.900 lượt, tăng 122,5%; khách nội địa đạt 447.900 lượt, tăng 346,7%). Lũy kế từ đầu năm đến nay, ngành du lịch của tỉnh đón được trên 1,79 triệu lượt khách, tăng 53,6% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch đạt khoảng 3.003 tỷ đồng, tăng 89% so với cùng kỳ.
Ngành Du lịch đã tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh du lịch tại các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú; kiểm tra hoạt động vận tải khách du lịch và hoạt động của hướng dẫn viên du lịch; tạo hình ảnh về một không gian đẹp nhằm nâng cao hiệu quả thu hút du khách trong và ngoài nước.
Tính chung 5 tháng đầu năm, dịch vụ vận chuyển hành khách đạt 12,7 triệu lượt, tăng 4% và luân chuyển 1.252 triệu hành khách.km, tăng 3,9% so với cùng kỳ. Vận tải hàng hoá đạt 13,2 triệu tấn, tăng 10,2%; luân chuyển 1.882 triệu tấn.km, tăng 15,2% so với cùng kỳ. Hàng thông qua cảng biển 5 tháng đầu năm đạt gần 6,1 triệu tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách nhà nước là 6.005 tỷ đồng, đạt 53,3% dự toán năm, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa (trừ tiền sử dụng đất; thu cổ tức, lợi nhuận được chia và lợi nhuận còn lại, xổ số kiến thiết) là 2.891 tỷ đồng, đạt 47,8% dự toán năm, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Riêng thu tiền sử dụng đất là 2.602 tỷ đồng, đạt 65,1% dự toán năm, tăng 29,7% so với cùng kỳ; thu xuất nhập khẩu là 444 tỷ đồng, đạt 49,1% dự toán năm, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách nhà nước là 6.880 tỷ đồng, đạt 42,4% dự toán năm, tăng 7,3% so với cùng kỳ; trong đó chi thường xuyên là 3.253 tỷ đồng, đạt 40,8% dự toán năm, tăng 12,8% so với cùng kỳ.
Về hoạt động tài chính, tín dụng: Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh là 86.750 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ; tổng dư nợ là 96.350 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ; trong đó, nợ xấu chiếm khoảng 0,3% so với tổng dư nợ.
4. Về thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp
Về đầu tư nước ngoài (FDI): Trong tháng chưa phát sinh dự án mới. Tính đến nay, toàn tỉnh có 86 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 1,08 tỷ USD; trong đó có 38 dự án trong Khu kinh tế và Khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký 843,3 triệu USD và 48 dự án ngoài Khu kinh tế và Khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký 245,5 triệu USD.
Nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hàn Quốc – Việt Nam, UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức sự kiện “Gặp gỡ Hàn Quốc 2022” tại tỉnh với nhiều hoạt động nổi bật như: Tọa đàm “Gặp gỡ Bình Định - Hàn Quốc 2022” với chủ đề “Chung tay phát triển”; Hội nghị “Gặp gỡ Hàn Quốc 2022” với chủ đề “Hội tụ nguồn lực, chung tay phát triển”; triển lãm các gian hàng sản phẩm đặc trưng của các tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên và các doanh nghiệp Hàn Quốc...
Về đầu tư trong nước: Trong tháng đã thu hút mới 05 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 2.408 tỷ đồng; thực hiện tăng vốn 01 dự án với tổng vốn tăng khoảng 78 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thu hút được 29 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư trên 5.545 tỷ đồng, trong đó có 09 dự án trong Khu kinh tế và Khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 2.043 tỷ đồng; 20 dự án ngoài Khu kinh tế và Khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư trên 3.502 tỷ đồng.
Theo kết quả công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Việt Nam năm 2021, tỉnh Bình Định đạt 68,32 điểm, xếp thứ 11 và thuộc nhóm tốt. So với cùng kỳ đã tăng 26 bậc và 5,14 điểm (cùng kỳ xếp thứ 37 và đạt 63,18 điểm).
Về phát triển doanh nghiệp: Tính đến ngày 25/5/2022, đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 591 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 5.555 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, tăng 22,4% về số doanh nghiệp đăng ký và tăng 47,58% về vốn đăng ký. Cấp đăng ký cho 233 Chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh; đăng ký thay đổi 864 trường hợp; giải thể và chấm dứt hoạt động 202 trường hợp; tạm ngừng hoạt động 456 trường hợp, hoạt động trở lại 308 trường hợp.
5. Về thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển
Trong tháng 5, tiếp tục hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư các dự án được hỗ trợ từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của trung ương. Tiếp tục đẩy mạnh huy động các nguồn vốn nhằm đám ứng nhu cầu chi đầu tư phát triển, tập trung xây dựng hoàn thành các công trình trọng điểm của tỉnh.
Đến ngày 31/5/2022, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý là 2.800 tỷ đồng, đạt 35,5% kế hoạch năm. Trong đó, giải ngân nguồn vốn đầu tư ngân sách địa phương là 1.278 tỷ đồng, đạt 25,17%, vốn Trung ương hỗ trợ theo mục tiêu là 1.486 tỷ đồng, đạt 60,69%; vốn nước ngoài (ODA) là 35,9 tỷ đồng, đạt 10,37% kế hoạch năm…
Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm đầu tư, hoàn thiện; đã khởi công dự án Tuyến đường kết nổi từ phía Tây tỉnh (ĐT.638) đến đường ven biển (ĐT.639) trên địa bản huyện Phủ Mỹ; tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công các công trình, dự án: đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn qua địa bàn tỉnh), Khu Công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định, đường ven biển (đoạn Đề Gi - Mỹ Thành, Cát Tiến - Diêm Vân), đường Điện Biên Phủ nối dài đến Khu đô thị Diêm Vân, đường kết nối đường ven biển (ĐT.639) trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn, đường kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại, đập dâng Phú Phong và các công trình trên lĩnh vực văn hóa, lịch sử...
6. Về văn hoá - xã hội
Về giáo dục và đào tạo: Trong tháng đã hoàn thành các hoạt động chuyên môn để kết thúc năm học 2021-2022. Công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023 và Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đang được chuẩn bị khẩn trương, nghiêm túc, đúng tiến độ.
Về văn hóa và thể thao: Tổ chức các hoạt động kỷ niệm, tuyên truyền, triển lãm... 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả. Các hoạt động, phòng trào thể dục thể thao quần chúng được diễn ra theo kế hoạch. Các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổ chức các môn thi đấu trong Chương trình Đại hội Thể dục thể thao và tham gia Đại hội Thể dục thể thao cấp tỉnh. Tại SEA Games 31, VĐV Phạm Thị Hồng Lệ đạt huy chương vàng môn Điền kinh nội dung 10.000m và huy chương bạc ở nội dung 5.000m; VĐV Nguyễn Thị Hằng Nga bảo vệ thành công huy chương vàng ở hạng cân dưới 48 kg nữ môn KickBoxing.
Về y tế: Đến nay, dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, số ca mắc trong cộng đồng giảm mạnh, đời sống người dân đã ổn định trở lại sau thời gian khó khăn vì dịch. Công tác tiêm phòng vắc xin tiếp tục được triển khai, tính đến cuối tháng 5/2022, tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 mũi vacxin là 99,9%, tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi là 97%, đã tiêm nhắc lại cho trên 525.900 người, tiêm mũi bổ sung cho trên 368.200 người. Ngoài ra, tỷ lệ tiêm mũi 1 trẻ từ 12 đến 17 tuổi, đạt 99,4%; mũi 2 đạt 97,5%. Đã tổ chức tiêm mũi 1 vắc xin cho 33.746/169.534 trẻ từ 5 đến 11 tuổi.
Về lao động, việc làm, an sinh xã hội: Công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách tiếp tục được thực hiện. Trong tháng đã tiếp nhận và giải quyết chế độ trợ cấp cho 284 trường hợp người có công với cách mạng và thân nhân. Các Hội nghị, diễn đàn về hướng nghiệp; tư vấn xuất khẩu lao động; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý về an toàn, vệ sinh lao động… tiếp tục được duy trì và triển khai có hiệu quả. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tiếp tục được duy trì.
Về khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông: Đã tổ chức khánh thành dự án Tổ hợp không gian khoa học, Nhà mô hình vũ trụ và Bảo tàng khoa học tại Khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa, thành phố Quy Nhơn. Tiếp tục Triển khai Kế hoạch phát triển, nâng cao năng lực hệ thống các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ, phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học và công nghệ; đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.
7. Về công tác nội chính
Tháng 5/2022, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã tiếp nhận 11.081 hồ sơ thủ tục hành chính; trả kết quả của sở, ngành đã giải quyết là 7.372 hồ sơ, đạt tỷ lệ 66.5%; trong đó, có 7.369 hồ sơ TTHC giải quyết trước hạn và đúng hạn. UBND tỉnh đã ban hành 05 Quyết định công bố danh mục đối với 18 thủ tục hành chính được ban hành mới hoặc bãi bỏ, điều chỉnh bổ sung; ban hành 06 Quyết định phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết 18 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của các sở, ngành, địa phương; chỉ đạo triển khai các giải pháp thúc đẩy việc cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong thực hiện thủ tục hành chính.
Theo kết quả công bố Chỉ số cải cách hành chính (Chỉ số PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (Chỉ số SIPAS) năm 2021 của tỉnh có sự cải thiện hơn so với kết quả năm 2020, cụ thể: Chỉ số PAR INDEX đạt 86.7%, xếp vị trí 30 (năm 2020: đạt 83,97%, xếp vị trí 31) và Chỉ số SIPAS đạt 87.67%, xếp vị trí 23 (năm 2020: đạt 86.17%, xếp vị trí 29).
Tháng 05/2022, ngành thanh tra tiếp tục triển khai thực hiện các cuộc thanh tra theo kế hoạch năm 2022 và thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền. Công tác tiếp dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo thực hiện theo quy định, kịp thời giải quyết các vụ việc bức xúc, khiếu kiện đông người.
Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, công tác triển khai kế hoạch bảo vệ các ngày Lễ lớn của tỉnh và cả nước được chú trọng. Chỉ đạo triển khai công tác chuẩn bị diễn tập khu vực phòng thủ huyện An Lão, thị xã An Nhơn và thành phố Quy Nhơn. Tính chung 5 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 62 vụ tai nạn giao thông, làm chết 58 người, bị thương 40 người; so với cùng kỳ giảm 06 vụ, tăng 09 người chết và giảm 05 người người bị thương.
8. Công tác trọng tâm tháng 6
Trong tháng 6, yêu cầu các cấp, các ngành tập trung quán triệt và thực hiện những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; tập trung phòng chống dịch bệnh, phục hồi sản xuất đồng thời chú trọng chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:
a. Tập trung chỉ đạo chăm sóc lúa vụ Hè Thu và tăng cường công tác quản lý nguồn nước, triển khai các biện pháp tưới tiết kiệm để có đủ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt; theo dõi chặt chẽ tình hình sâu bệnh, sớm phát hiện, phòng trừ kịp thời; tăng cường diệt chuột để hạn chế thiệt hại cho sản xuất.
- Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tổ chức tuyên truyền đến người dân về công tác phòng ngừa và xử lý xảy ra khi dịch bệnh. Tập trung phục hồi đàn gia súc, đặc biệt là việc tái đàn lợn tại các nông hộ.
- Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022 triển khai thực hiện các nội dung, tiêu chí còn lại chưa đạt chuẩn và hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo đúng tiến độ.
- Tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU). Tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là công tác phòng, chống và ngăn chặn nạn sử dụng xung điện, xiếc máy, chất nổ trong khai thác thủy sản. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân theo quy định pháp luật. Chuẩn bị chu đáo các điều kiện tổ chức Lễ hội cá ngừ đại dương Bình Định.
- Tập trung đẩy mạnh công tác chuẩn bị đất, cây giống, triển khai kế hoạch trồng rừng năm 2022. Chú trọng các dự án trồng rừng cảnh quan, rừng phòng hộ. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, kiểm tra, xử lý các vụ phá rừng; triển khai quyết liệt phương án phòng chống cháy rừng.
b. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2022 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Nghiên cứu giải pháp giải quyết tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường. Tiếp tục cập nhật tình hình khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp và kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn, đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình thành lập và hoạt động. Đảm bảo cung ứng điện ổn định phục vụ tốt cho sản xuất công nghiệp, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện tiết kiệm điện của khách hàng trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra phòng, chống cháy nổ trong mùa nắng nóng để bảo vệ tài sản và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
c. Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển thương mại Bình Định năm 2022. Thúc đẩy phát triển các hoạt động thương mại, xuất khẩu, du lịch, dịch vụ. Đôn đốc các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng xuất khẩu; xây dựng Đề án phát triển hàng xuất khẩu tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chuẩn bị tổ chức Hội nghị kết nối cung – cầu hàng Việt Nam tại tỉnh Bình Định năm 2022; Hội chợ triển lãm sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của các tỉnh, thành phố tại Bình Định năm 2022. Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là đối với việc bình ổn giá cả thị trường, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; xử lý nghiêm những trường hợp kinh doanh hàng hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không có nguồn gốc xuất xứ, đầu cơ tăng giá để thu lợi bất chính… Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Tiếp tục triển khai các giải pháp mở cửa, kích cầu thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến đầu tư về du lịch, nhất là các hoạt động văn hóa - du lịch lớn, trong đó có các sự kiện có tác động lan tỏa, thu hút lượng lớn du khách tham dự.
4. Khẩn trương rà soát, hoàn thiện các thủ tục đầu tư đối với các dự án lớn của tỉnh. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm, đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, chủ động báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo xử lý những tồn tại, vướng mắc theo quy định.
Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công các dự án, công trình như: Các hạng mục thuộc dự án đường ven biển, các tuyến đường kết nối với đường ven biển, các dự án tại Khu đô thị Khoa học Quy Hòa...
Tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư phục vụ triển khai nhanh, hiệu quả dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn qua tỉnh Bình Định. Đôn đốc Nhà đầu tư khẩn trương triển khai dự án Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.
d. Các cấp, các ngành, địa phương chú trọng đôn đốc thực hiện các biện pháp chống thất thu ngân sách, nhất là thu nội địa để đảm bảo nhu cầu chi theo kế hoạch; nuôi dưỡng các nguồn thu mới, nguồn thu còn dư địa; tăng cường quản lý thu thuế, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế trên địa bàn tỉnh.
e. Chỉ đạo việc ôn tập và tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 theo kế hoạch. Tiếp tục phối hợp các trường đại học tổ chức tư vấn về công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022. Hướng dẫn tổng kết năm học 2021-2022 và xây dựng phương án tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2023-2023. Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình, trong đó tập trung chuẩn bị đội ngũ, cơ sở vật chất, chọn sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Đẩy mạnh phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu. Chuẩn bị chu đáo nội dung, đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch Covid-19 để tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể dục, thể thao, đặc biệt là các sự kiện văn hóa và thể thao lớn của tỉnh.
f. Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ về Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục triển khai tiêm vắc xin Covid-19 liều bổ sung, liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên; tiếp tục tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi đảm bảo đủ liều cơ bản theo số lượng vắc xin đã được Bộ Y tế phân bổ và tổ chức tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đảm bảo an toàn, hiệu quả, đúng tiến độ.
8. Tập trung triển khai quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin và cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các sở, ngành và địa phương. Triển khai tổ chức các lớp bồi dưỡng lãnh đạo cấp phòng, cấp sở và tổ chức kỳ thi nâng ngạch, thăng hạng chuyên viên chính. Chỉ đạo giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022; giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại. Thực hiện quyết liệt các biện pháp kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm an toàn giao thông.
g. Tập trung xây dựng các Báo cáo, Đề án đã được phân công, trình UBND tỉnh đảm bảo chất lượng, đúng thời gian quy định; tập trung chỉ đạo xây dựng báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022; đồng thời, rà soát các chế độ chính sách, các quy định hiện hành để chuẩn bị chu đáo các nội dung, tài liệu phục vụ tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2022, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIII.