Ông Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì Hội thảo; cùng chủ trì còn có Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, ông Nguyễn Tự Công Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng tổ chuyên trách triển khai thực hiện thoả thuận lập quy hoạch tỉnh.
Hội thảo với sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành như TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Tiến sĩ Trần Du Lịch, nguyên Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thành viên Hội đồng lý luận Trung ương, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia; TS. Nguyễn Bá Ân, Tổng Thư ký Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh; TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; Tham dự Hội thảo còn có đồng chí Lê Văn Thụy - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Đơn vị Tư vấn đã trình bày tổng quan về quy hoạch, theo đó mục tiêu đến 2030 của Bình Định sẽ là:
- Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021-2030 bình quân 8%, GRDP bình quân đầu người đạt 8.300 USD (theo giá hiện hành).
- Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh hơn dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, logistics và vận tải, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đô thị hóa; phát triển tất cả các lĩnh vực lấy nguyên tắc phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu.
- Là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và du lịch của vùng duyên hải miền Trung - Tây Nguyên; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.
- Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong nhóm cao của cả nước.
- Có mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại, hệ thống đô thị phát triển theo hướng đô thị thông minh, kết nối thuận tiện với các trung tâm kinh tế của vùng, cả nước và quốc tế, trong đó tập trung phát triển đô thị Quy Nhơn hiện đại về không gian, kiến trúc, khai thác tiềm năng, lợi thế đặc biệt về cảnh quan và khí hậu khu vực ven đầm Thị Nại; xây dựng Trung tâm hành chính mới của tỉnh tại Khu kinh tế Nhơn Hội.
- Giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đảm bảo môi trường; bảo tồn và phát huy tốt bản sắc, các nét đẹp văn hoá các dân tộc; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội
Đến năm 2050: Bình Định trở thành tỉnh phát triển khá với GRDP bình quân đầu người, tỷ lệ đô thị hóa cao hơn mức bình quân chung của cả nước; thuộc nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung; là trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam. Kinh tế phát triển bền vững dựa trên các trụ cột: khoa học và công nghệ; công nghiệp chế biến chế tạo; công nghiệp công nghệ thông tin; du lịch chất lượng cao; nông nghiệp hữu cơ và hệ thống logistics hiệu quả. Bình Định thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số theo Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh giúp Bình Định có một số ngành, sản phẩm có thương hiệu uy tín về công nghệ, du lịch, nông nghiệp, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước, quốc tế. Các giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh được bảo tồn, gìn giữ, phát huy hiệu quả, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội; quốc phòng, an ninh, bao gồm an ninh trên biển, và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được bảo đảm vững chắc
Các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong và ngoài tỉnh đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, mang tính khoa học và thực tiễn cao vào Quy hoạch tỉnh. Đã chỉ ra được thế mạnh, điểm yếu, thách thức, cơ hội và định hướng phát triển của Bình Định trong tương lai từ đó gợi mở cho tỉnh xu hướng phát triển mới các trụ cột, các trọng điểm đột phá, ngành kinh tế động lực và các giải pháp hữu hiệu có giá trị hiện thực cao thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định trong thời gian tới. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học tích cực tham gia đóng góp ý kiến tâm huyết, chuyên sâu để xây dựng Quy hoạch tỉnh có tính thống nhất, kế thừa, đặc biệt có tầm nhìn, có tính khả thi cao để tỉnh triển khai các bước tiếp theo đúng quy định.
Đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh rất tâm đắc và đánh giá cao, ghi nhận những ý kiến đóng góp sâu sắc, tâm huyết của các đại biểu để giúp tỉnh bổ sung hoàn chỉnh Quy hoạch tỉnh. Đồng chí yêu cầu Tư vấn cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư phải xác định được những trụ cột tăng trưởng, các khâu đột phá để tạo ra những khác biệt, thương hiệu riêng của tỉnh; Đồng thời, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đặc biệt là giải pháp về phát triển nguồn lực, xây dựng lại các kịch bản phát triển của tỉnh trong thời kỳ tới. Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng cũng mong muốn các đại biểu tiếp tục gửi nghiên cứu, góp ý để tỉnh xây dựng hoàn thiện quy hoạch.
Dự kiến trong tháng này Tỉnh sẽ tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh về Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.