Chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bình Định, giai đoạn 2022-2026
Thứ bảy - 24/12/2022 12:05
Căn cứ Nghị quyết số 33/2022/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh; ngày 20/12/2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 83/2022/QĐ-UBND Phê duyệt Chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bình Định, giai đoạn 2022-2026;
Theo đó, đối tượng áp dụng, nguyên tắc hỗ trợ, nội dung hỗ trợ và nguồn kinh phí thực hiện như sau: I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG Hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình (gọi chung là tổ chức, cá nhân) tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản trên địa bàn tỉnh. II.NGUYÊN TẮC HỖ TRỢ - Việc hỗ trợ phải công khai, minh bạch, đúng mức và đúng đối tượng. - Trong cùng một thời điểm, một nội dung có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác nhau, đối tượng thụ hưởng được lựa chọn áp dụng một chính sách ưu đãi, hỗ trợ cao nhất. Trong cùng một nội dung hỗ trợ, nếu đã được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương thì không được hưởng hỗ trợ của ngân sách tỉnh và ngược lại. - Tổ chức, cá nhân được thanh toán tiền hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước khi có đầy đủ hồ sơ theo quy định và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực về nội dung hồ sơ cung cấp. III. NỘI DUNG HỖ TRỢ 1. Hỗ trợ lĩnh vực trồng trọt 1.1. Điều kiện hỗ trợ a) Hỗ trợ sản xuất trồng trọt hữu cơ: - Danh mục, quy mô diện tích trồng trọt hữu cơ được hỗ trợ theo Quy định này, gồm: + Cây lúa: Diện tích sản xuất tối thiểu liền vùng là 2,0 ha; + Cây ăn quả: Diện tích sản xuất tối thiểu liền vùng là 1,0 ha; + Cây rau các loại: Diện tích sản xuất tối thiểu liền vùng là 0,5 ha. - Cam kết tổ chức sản xuất áp dụng theo nguyên tắc và tiêu chuẩn trồng trọt hữu cơ; - Có dự án đầu tưsản xuất, các nội dung hỗ trợ phải có trong dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; - Có cam kết bố trí vốn đối ứng để thực hiện các hạng mục trong dự án được phê duyệt (ngoài phần hỗ trợ của ngân sách nhà nước). b) Hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP): - Danh mục, quy mô diện tích áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP)được hỗ trợ theo Quy định này, gồm: + Cây trồng cạn hàng năm: Diện tích sản xuất tối thiểu liền vùng là 3,0 ha; + Cây ăn quả: Diện tích sản xuất tối thiểu liền vùng là 2,0 ha; + Cây rau các loại: Diện tích sản xuất tối thiểu liền vùng là 1,0 ha. - Cam kết áp dụng VietGAP trong sản xuất, sơ chế sản phẩm; - Có hợp đồng tiêu thụ hoặc phương án tiêu thụ sản phẩm; - Có dự án đầu tư sản xuất, các nội dung hỗ trợ phải có trong dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; - Có cam kết bố trí vốn đối ứng để thực hiện các hạng mục trong dự án được phê duyệt (ngoài phần hỗ trợ của ngân sách nhà nước). 1.2.Nội dung hỗ trợ a) Hỗ trợ sản xuất trồng trọt hữu cơ: - Hỗ trợ một lần 100% chi phí thuê tổ chức chứng nhận để đào tạo, cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về trồng trọt hữu cơ (cấp lần đầu hoặc cấp lại) nhưng không quá 80 triệu đồng/dự án. - Hỗ trợ 50% kinh phí mua phân bón hữu cơ và 100% kinh phí mua các vật tư (thuốc bảo vệ thực vật sinh học hoặc có nguồn gốc sinh học, chế phẩm sinh học xử lý đất và xử lý phân hữu cơ) theo định mức phê duyệt cho tổ chức, cá nhân để đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về trồng trọt hữu cơ, cụ thể như sau: + Cây lúa: Hỗ trợ tối đa 03 vụ liên tiếp nhưng không quá 10 triệu đồng/ha/vụ. + Cây rau các loại: Hỗ trợ tối đa 03 vụ liên tiếp nhưng không quá 12 triệu đồng/ha/vụ. + Cây ăn quả: Hỗ trợ tối đa 02 năm liên tiếp nhưng không quá 22 triệu đồng/ha/năm. b) Hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP): - Hỗ trợ một lần 100% chi phí thuê tổ chức chứng nhận để đào tạo, cấp Giấy chứng nhận sản phẩm VietGAP (cấp lần đầu hoặc cấp lại) nhưng không quá 60 triệu đồng/dự án. - Hỗ trợ 100% kinh phí mua vật tư (bao gồm: thuốc bảo vệ thực vật sinh học hoặc có nguồn gốc sinh học, chế phẩm sinh học xử lý đất và xử lý phân hữu cơ)theo định mức phê duyệt cho tổ chức, cá nhân để đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận sản phẩm VietGAP, cụ thể như sau: + Cây trồng cạn hàng năm: Hỗ trợ tối đa 03 vụ liên tiếp nhưng không quá 4 triệu đồng/ha/vụ. + Cây rau các loại: Hỗ trợ tối đa 03 vụ liên tiếp nhưng không quá 5 triệu đồng/ha/vụ. + Cây ăn quả: Hỗ trợ tối đa 02 năm liên tiếp nhưng không quá 8 triệu đồng/ha/năm. 2. Hỗ trợ lĩnh vực chăn nuôi 2.1. Điều kiện hỗ trợ a) Có dự án phát triển chăn nuôi lợn ứng dụng công nghệ cao, được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đáp ứng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; b) Chăn nuôi lợn trang trại quy mô vừa trở lên. 2.2. Nội dung hỗ trợ Hỗ trợ một lần kinh phí cho các đối tượng thực hiện Dự án chăn nuôi lợn ứng dụng công nghệ cao với những nội dung: a) Lắp đặt hệ thống làm mát, kiểm soát nhiệt độ tự động, bán tự động; lắp đặt hệ thống phân phối thức ăn, nước uống tự động, bán tự động: Mức hỗ trợ là 50% chi phí nhưng tối đa không quá 150 triệu đồng cho 01 dự án. b) Xây dựng và chứng nhận VietGAHP: Mức hỗ trợ là 100% chi phí nhưng tối đa không quá 40 triệu đồng cho 01 dự án. 3. Hỗ trợ lĩnh vực thuỷ sản 3.1. Điều kiện hỗ trợ a) Hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có tàu cá đăng ký tại Bình Định (gọi tắt là chủ tàu cá), có chiều dài lớn nhất của tàu từ 15 mét trở lên, hoạt động đánh bắt nghề câu cá ngừ đại dương thực hiện Quy trình công nghệ ứng dụng khí ni tơ nano trong bảo quản cá ngừ đại dương trên tàu câu theo quy định. b) Thiết bị hỗ trợ để thực hiện Quy trình công nghệ ứng dụng khí ni tơ nano trong bảo quản cá ngừ đại dương trên tàu câu lắp đặt trên tàu cá cho ngư dân phải là thiết bị mới 100%. c) Chủ tàu cá bán tàu cho tổ chức, cá nhân có hộ khẩu trong tỉnh yêu cầu chủ tàu cá mới phải có cam kết tiếp tục sử dụng Quy trình công nghệ ứng dụng khí ni tơ nano trong bảo quản cá ngừ đại dương trên tàu câu. d) Trường hợp bán tàu ra ngoài phạm vi tỉnh Bình Định, chủ tàu cá phải hoàn trả 100% kinh phí được tỉnh hỗ trợ. đ) Quản lý việc hỗ trợ đối với thiết bị shocker được chế tạo theo công nghệ Nhật Bản và hệ thống thiết bị tạo bọt khí ni tơ nano trên mỗi thiết bị lắp đặt trên tàu theo số seri. 3.2. Nội dung hỗ trợ Hỗ trợ một lần kinh phí sau đầu tư cho chủ tàu cá đánh bắt cá ngừ đại dương thực hiện Quy trình công nghệ ứng dụng khí ni tơ nano trong bảo quản sản phẩm cá ngừ đại dương trên tàu câu theo quy định, cụ thể như sau: a) Hỗ trợ 50% kinh phí mua mới shocker được chế tạo theo công nghệ Nhật Bản. Mức hỗ trợ tối đa 15 triệu/tàu. b) Hỗ trợ 50% kinh phí cải tạo, làm mới hầm bảo quản cá ngừ đại dương theo công nghệ tạo bọt khí ni tơ nano. Mức hỗ trợ tối đa 75 triệu/tàu. c) Hỗ trợ 50% kinh phí mua mới hệ thống thiết bị tạo bọt khí ni tơ nano, bao gồm:Bình chứa khí ni tơ có sẵn,máy tạo bọt khí ni tơ nano, hệ thống bơm tuần hoàn nước biển. Mức hỗ trợ tối đa 40 triệu/tàu. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 30/12/2022./.
Phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính liên thông trong lĩnh vực Đầu tư tại Việt Nam thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Kế hoạch và Đầu tư