TÌNH HÌNH THỰC HIỆN
1. Về phát triển kinh tế
a) Về sản xuất nông, lâm, thủy sản, quản lý tài nguyên và môi trường
Về trồng trọt: Trong thời gian qua, các địa phương trong tỉnh tập trung thu hoạch cây trồng vụ Hè Thu và gieo trồng, chăm sóc các loại cây vụ Mùa. Để đảm bảo năng suất, sản lượng cây trồng trong điều kiện nắng nóng kéo dài, ngành nông nghiệp đã tăng cường kiểm tra, rà soát tình hình nguồn nước, khả năng tưới, triển khai các giải pháp tưới tiết kiệm và chuyển đổi những diện tích sản xuất lúa bị thiếu nước sang sản xuất các loại cây trồng cạn phù hợp.
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Hè Thu đạt 60.334 ha, tăng 4,3%; trong đó diện tích lúa đạt 42.649 ha, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Sản lượng lúa ước đạt 280.562 tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ; năng suất ước đạt 65,8 tạ/ha, tăng 1,2 tạ/ha so với cùng kỳ. Năm nay, diện tích lúa Hè Thu tăng mạnh do đảm bảo được nguồn nước tưới. Trong vụ Hè Thu đã thực hiện chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa với diện tích 1.019 ha; thực hiện 59 cánh đồng mẫu lớn các loại cây trồng với tổng diện tích 3.805 ha; tiếp tục thực hiện 07 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giống với tổng diện tích 420 ha.
Đối với vụ Mùa, đến cuối tháng 9 toàn tỉnh đã gieo sạ được 4.282 ha lúa, giảm 38,5% so với cùng kỳ. Diện tích một số cây trồng cạn vụ Mùa như sau: cây ngô 1.989 ha, giảm 12,9%; cây lạc 523 ha, giảm 19,5%; rau các loại 4.849 ha, tăng 1,2% so với cùng kỳ.
Về chăn nuôi: Các ngành chức năng tiếp tục kiểm tra đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh ở các địa phương; phát hiện bệnh kịp thời, tăng cường giám sát dịch bệnh động vật: Dịch viêm da nổi cục ở bò, dịch tả lợn Châu Phi, dịch tả lợn tai xanh, lở mồm long móng, cúm gia cầm và các dịch bệnh khác... hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phát triển chăn nuôi, chăn nuôi an toàn sinh học giảm thiểu dịch bệnh; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao giai đoạn 2021-2025.
Tính đến cuối tháng 9, đàn trâu của tỉnh ước đạt 17.600 con, giảm 1,5%; đàn bò ước đạt 296.400 con, tăng 0,2%; đàn lợn 667.400 con, tăng 1,5%; đàn gia cầm ước đạt 8,8 triệu con, tăng 4% so với cùng kỳ.
Về lâm nghiệp: 9 tháng năm 2022, các đơn vị lâm nghiệp đã sản xuất được 162,2 triệu cây giống các loại, tăng 13,5% so với cùng kỳ; đã chăm sóc được 19.500 ha rừng trồng, tăng 76,6% so với cùng kỳ. Công tác chăm sóc rừng được triển khai theo đúng lịch thời vụ, tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Tổng số gỗ khai thác ước đạt 985.653 m3, tăng 1,4% so với cùng kỳ. Công tác phòng chống cháy rừng và ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm chỉ đạo; từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh không xảy ra vụ cháy rừng; có 17 vụ phá rừng với diện tích 7,8 ha.
Về thủy sản: Sản lượng khai thác thuỷ sản đạt 214.582 tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng khai thác cá ngừ đại dương đạt 9.602 tấn, tăng 4% so với cùng kỳ. Các mô hình nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao được khuyến khích nhân rộng tại các địa phương ven biển.
Công tác hỗ trợ cho ngư dân khai thác hải sản trên các vùng biển xa theo Quyết định 48/2010/QĐ-TT của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được thực hiện. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã giải quyết trên 10 nghìn hồ sơ đề nghị hỗ trợ với tổng số tiền hơn 832 tỷ đồng.
Công tác khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) tiếp tục triển khai thực hiện. Từ đầu năm đến nay, có 07 tàu/43 thuyền viên bị nước ngoài bắt giữ (06 tàu bị bắt giữ và 01 tàu bắt tịch thu tài sản rồi thả trên biển), các cơ quan chức năng đã thu hồi giấy phép khai thác thủy sản, gửi văn bản đề nghị Tổng cục Thủy sản đăng công khai trên website về danh sách các tàu khai thác bất hợp pháp (IUU) và xem xét loại khỏi danh sách được hưởng hỗ trợ theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Công tác quản lý hệ thống giám sát hành trình tàu cá đã được thực hiện thường xuyên, liên tục, trực theo dõi 24/24 tại trạm bờ. Từ đầu năm đến nay, đã phát hiện và cảnh báo 32 tàu/37 lượt tàu vượt ra ngoài vùng tự do đánh bắt của Việt Nam; đã phát hiện và cảnh báo 28 tàu/30 lượt tàu cá mất kết nối trên biển 10 ngày.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục triển khai có hiệu quả. Các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện các tiêu chí ở các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022, củng cố và nâng cao chất lượng các xã đã được công nhận đạt chuẩn trên địa bàn. Trong 9 tháng đầu năm, huyện Tuy Phước và huyện Phù Cát đã được công nhân đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn tỉnh hiện có 05 đơn vị cấp huyện và 83/113 xã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đạt chuẩn nông thôn mới; có 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh tiếp tục được tăng cường. Trong 9 tháng đầu năm 2022, cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện giao đất 59 dự án, diện tích 1.506 ha; cho thuê đất 81 trường hợp, diện tích 202 ha; thu hồi đất 06 trường hợp, diện tích 03 ha; giao đất 69 khu dân cư, diện tích 21 ha... Xây dựng giá đất ở cụ thể tái định cư, giá đất ở theo giá thị trường để thu tiền sử dụng đất và xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất để phục vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng 100 công trình, dự án. Tổ chức thẩm định Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của 11 huyện, thị xã, thành phố.
b) Về sản xuất công nghiệp, xây dựng
Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, các nhiệm vụ, giải pháp trong kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế được tập trung thực hiện đồng bộ; các doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ động hơn trong khâu nhập khẩu nguồn nguyên liệu sản xuất và tiêu thụ hàng hóa; có nhiều dự án đầu tư mới, mở rộng, đặc biệt là các dự án công nghiệp chế biến chế tạo, cùng với nhiều giải pháp để hỗ trợ sản xuất kinh doanh nên sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 9 tăng 7,92% so cùng kỳ; tính chung 9 tháng năm 2022 tăng 7,09% so với cùng kỳ (quý I tăng 6,36%; quý II tăng 6,32%; quý III tăng 7,24%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,73%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 22,19%; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,9%; công nghiệp khai khoáng giảm 30,29%. Trong các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá. Trong đó, nhóm ngành Sản xuất trang phục, Chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng lần lượt 21,59% và 27,27%. Đây là hai ngành có sự phục hồi và tăng trưởng tốt nhất trong năm 2022. Các doanh nghiệp đã ổn định sản xuất và tiếp cận thị trường đầu ra cho sản phẩm, trong đó xuất khẩu đang có xu hướng tăng mạnh.
Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác bồi thường, GPMB, bố trí tái định cư và xây dựng hạ tầng kỹ thuật để phục vụ thu hút đầu tư theo quy hoạch. UBND tỉnh tập trung đôn đốc các đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định; đồng thời, sớm hoàn thành đưa vào khai thác, vận hành các dự án điện năng lượng tái tạo, công nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng trưởng trong thời gian đến.
Các chương trình khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp tiếp tục được triển khai thực hiện; cơ quan có thẩm quyền phê duyệt 29 chương trình, đề án khuyến công với tổng kinh phí hỗ trợ 5,2 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 45 cụm công nghiệp đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 60,8%; đã thu hút 399 dự án đầu tư, trong đó có 281 dự án đã đi vào hoạt động. Tổng vốn đầu tư của các dự án trong các CCN khoảng 14.063 tỷ đồng, vốn thực hiện 5.580 tỷ đồng, đạt 39,7% với suất đầu tư trung bình 35,2 tỷ đồng/dự án... Hoạt động các cụm công nghiệp phù hợp với mục tiêu đầu tư xây dựng cụm công nghiệp nhằm thu hút, di dời các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã vào đầu tư sản xuất kinh doanh.
Hoạt động xây dựng: 9 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình; các doanh nghiệp và hộ dân cư cũng tiến hành khởi công xây dựng xưởng sản xuất, cơ sở kinh doanh, nhà ở... Công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị, xây dựng các khu dân cư, nhà ở xã hội, nhất là cho các hộ nghèo, gia đình chính sách tiếp tục được quan tâm thực hiện.
c) Về thương mại, dịch vụ, tài chính
Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục khởi sắc với nhiều hoạt động trong lĩnh vực du lịch được khôi phục, nhiều chương trình kết nối cung cầu, giao thương được tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đang dần phục hồi đã tác động tích cực đến thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng đang bị ảnh hưởng do giá thành của nhiều mặt hàng thiết yếu tăng hơn so với thời gian trước. Dù vậy, trên địa bàn tỉnh vẫn không có hiện tượng sốt giá, khan hiếm hàng hóa; nhìn chung, mặt bằng giá cả cơ bản vẫn được kiểm soát, bảo đảm nguồn cung đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước đạt 8.296 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 69.452 tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 56.812 tỷ đồng, tăng 13,1%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 9.001 tỷ đồng, tăng 60,4%; doanh thu dịch vụ lữ hành ước đạt 196 tỷ đồng, tăng 941%; doanh thu hoạt động dịch vụ ước đạt 3.442 tỷ đồng, tăng 43,1% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 tăng 2,9% so với cùng kỳ. Bình quân 9 tháng năm tăng 2,88% so với cùng kỳ.
Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt 1.264 triệu USD, đạt 93,6% kế hoạch năm và tăng 28,1% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ như: thủy sản tăng 87,5%; gỗ tăng 55,4%; hàng dệt may tăng 81,7%... Trong khi đó, xuất khẩu gạo giảm 29,4%; giày dép các loại giảm 28%... Tổng kim ngạch nhập khẩu 9 tháng ước đạt 356,8 triệu USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ.
Về du lịch: Thời gian qua, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình, lễ hội quảng bá hình ảnh du lịch, đất nước con người Bình Định đến với các du khách, người dân trong và ngoài tỉnh như: Lễ hội du lịch biển Quy Nhơn năm 2022; Vòng Chung kết Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2022 (Miss World Vietnam 2022); Đêm võ đài Bình Định; các giải chạy marathon… góp phần thu hút đông đảo du khách đến với Bình Định, với gần 3,5 triệu lượt khách, tăng 2 lần so với cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch đạt khoảng 11.579 tỷ đồng, tăng 6,17 lần so với cùng kỳ, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc của ngành du lịch Bình Định.
Bên cạnh tổ chức tốt các sự kiện, ngành du lịch đã tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành quy định trong hoạt động kinh doanh du lịch tại các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú; kiểm tra hoạt động vận tải khách du lịch và hoạt động của hướng dẫn viên du lịch; tạo hình ảnh về một không gian đẹp nhằm nâng cao hiệu quả thu hút du khách trong và ngoài nước.
Dịch vụ vận chuyển hành khách 9 tháng năm 2022 ước đạt 25,6 triệu hành khách, tăng 64% và luân chuyển trên 2.503 triệu hành khách.km, tăng 64,1% so với cùng kỳ. Vận tải hàng hoá ước đạt 24,5 triệu tấn, tăng 25,3%, luân chuyển ước đạt trên 3.409 triệu tấn.km, tăng 28,6% so với cùng kỳ. Hàng hóa thông qua cảng biển 9 tháng ước đạt 11 triệu tấn, tăng 2,3% so cùng kỳ.
Về hoạt động tài chính, tín dụng, tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất huy động và cho vay; triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời và có hiệu quả các giải pháp, cơ chế, chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Đến cuối tháng 9/2022, tổng nguồn vốn huy động tại địa phương là 88.900 tỷ đồng, tăng 9,7%, tổng dư nợ là 98.400 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cuối năm 2021 (trong đó nợ xấu chiếm 0,42% tổng dư nợ).
Đến ngày 30/9/2022, tổng dư nợ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 5.310 tỷ đồng, tăng 483 tỷ đồng (+9,97%) so với 31/12/2021. Dư nợ tập trung một số chương trình tín dụng sau: Hộ cận nghèo 1.074 tỷ đồng; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 1.016 tỷ đồng; Hộ nghèo 753 tỷ đồng; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 691 tỷ đồng; Hộ mới thoát nghèo 539 tỷ đồng; Học sinh sinh viên 435 tỷ đồng; Sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 310 tỷ đồng; Nhà ở xã hội 273 tỷ đồng;.... Công tác triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội: đến ngày 30/9/2022 đã giải ngân được 288.102 triệu đồng, đạt 74,93% kế hoạch giao. Cụ thể: Cho vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với số tiền 110.000 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch giao; Cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP số tiền 136.870 triệu đồng đạt 68,4% kế hoạch giao; Cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập với số tiền 26.000 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch giao; Cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 01 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch với số tiền 8.510 triệu đồng, đạt 77,4% kế hoạch giao; Cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo chuổi giá trị theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP với số tiền 6.722 triệu đồng đạt 17,9% kế hoạch giao.
Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2022 là 12.095,6 tỷ đồng, đạt 99,1% dự toán, tăng 24% so với cùng kỳ; trong đó thu nội địa (trừ thu tiền sử dụng đất; xổ số kiến thiết; thu cổ tức, lợi nhuận được chia và lợi nhuận còn lại) là 4.923,8 tỷ đồng, đạt 81,4% dự toán, giảm 1,2% so với cùng kỳ. Riêng thu tiền sử dụng đất là 5.390,1 tỷ đồng, đạt 134,8% dự toán, tăng 52,5%; trong đó: ngân sách tỉnh hưởng 1.511,9 tỷ đồng, đạt 94,5% dự toán, ngân sách huyện hưởng 3.878,2 tỷ đồng, đạt 161,6% dự toán. Thu hoạt động xuất nhập khẩu là 719,3 tỷ đồng, đạt 79,5% dự toán, giảm 32,1% so với cùng kỳ.
Chi ngân sách nhà nước là 13.305 tỷ đồng, đạt 77,5% dự toán năm và tăng 15,2% so với cùng kỳ; trong đó, chi thường xuyên là 6.420 tỷ đồng, đạt 80,4% dự toán năm, tăng 6,9% so với cùng kỳ.
Trong 9 tháng năm 2022, ngành Thuế đã áp dụng các quy định về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho tổ chức, doanh nghiệp theo chính sách của Quốc hội, Bộ Tài chính ban hành như: Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Quốc hội về Giảm 30% thuế TNDN phải nộp năm 2021 cho doanh nghiệp có tổng doanh thu năm dưới 200 tỷ đồng, Miễn thuế GTGT, TNCN; Nghị quyết 13/2021/UBTVQH15 của Quốc hội: Giảm 50% mức thu Thuế BVMT nhiên liệu bay trong cả năm 2022. Nghị quyết 18/2022/UBTVQH15 và Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 của Quốc hội về Giảm 50% mức thu Thuế BVMT đối với xăng dầu từ ngày 01/4/2022 và giảm mức thu thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn về mức sàn từ ngày 11/7/2022; Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021 của Chính phủ về Giảm 50% mức thu Lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; Thông tư số 120/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 của Bộ Tài chính về Giảm mức thu của 37 khoản phí, lệ phí (từ 10% đến 50%) từ ngày 01/01/2022 đến 30/6/2022 là: 1.125,2 tỷ đồng. Đồng thời, đã thực hiện gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP của Chính phủ và sẽ được thu bổ sung cho ngân sách trong thời gian tới với Tổng số thuế gia hạn là 580,9 tỷ đồng; trong đó: Khu vực DNNN TW là 56 tỷ đồng, Khu vực DNNN ĐP là 6,1 tỷ đồng, Khu vực ĐTNN là 58,6 tỷ đồng và Khu vực CTN-NQD là 436,7 tỷ đồng và tiền thuê đất là 23,5 tỷ đồng.
d) Về đầu tư phát triển
- Đầu tư xã hội: Tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh 9 tháng năm 2022 đạt 26.645 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ, bao gồm: vốn khu vực Nhà nước đạt 9.950 tỷ đồng, tăng 15%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 15.662 tỷ đồng, tăng 8,4%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1.032 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ.
- Đầu tư công: Trong năm, UBND tỉnh đã tổ chức các Hội nghị về triển khai, chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Đã chỉ đạo xây dựng hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng các công trình trọng điểm như: Tuyến đường ven biển (ĐT.639), đoạn từ cầu Lại Giang đến cầu Thiện Chánh; đường vào Sân bay Phù Cát (giai đoạn 2); Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt... Tổ chức Lễ khởi công tuyến đường kết nối đường ven biển (ĐT.639) trên địa bàn huyện Phù Mỹ, thị xã An Nhơn và Hoài Nhơn; đường ven biển đoạn Cát Tiến – Diêm Vân; đập dâng Phú Phong (huyện Tây Sơn). Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm về giao thông, thủy lợi, văn hóa trên địa bàn tỉnh như: Đường ven biển (đoạn Đề Gi - Mỹ Thành), đường Điện Biên Phủ nối dài đến Khu đô thị Diêm Vân, đường kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại... Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn qua địa bàn tỉnh)...
Tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 được Thủ tướng Chính giao đến nay là 7.951 tỷ đồng (đã bao gồm 03 Chương trình MTQG giao bổ sung trong năm). Tính đến ngày 30/9/2022, giá trị giải ngân là 4.365/7.951 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 54,9%.
Đối với tổng nguồn vốn đầu tư công do tỉnh quản lý được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, tính đến 30/9/2022 có giá trị giải ngân là 4.643,6/8.514 tỷ đồng, đạt 54,54% kế hoạch năm (cùng kỳ đến 30/9/2021 là 3.720/6.368 tỷ đồng, tỷ lệ 58,42%). Trong đó, kế hoạch vốn phân cấp giao về cho địa phương thực hiện có giá trị giải ngân là 1.131,6/2.850,1 tỷ đồng, đạt 39,71%, kế hoạch vốn do tỉnh thực hiện có giá trị giải ngân là 3.511,9/5.664,1 tỷ đồng, đạt 62%.
Nếu tính theo nguồn vốn, thì đến 30/9/2022: Vốn Ngân sách tỉnh có giá trị giải ngân là 2.428/5.263 tỷ đồng, đạt 46,15%; vốn ngân sách trung ương hỗ trợ có giá trị giải ngân là 2.214/3.251 tỷ đồng, đạt 68,12% (bao gồm: vốn trung ương hỗ trợ có mục tiêu giải ngân 2.112/2.449 tỷ đồng, đạt 86,24%; vốn trung ương hỗ trợ khắc phục thiên tai giải ngân 63,759/150 tỷ đồng, đạt 42,51%; vốn các Chương trình MTQG giải ngân 2,038/305,055 tỷ đồng, đạt 0,67%; vốn nước ngoài giải ngân 36,751/346,868 tỷ đồng, đạt 10,6%.
Như vậy, so với kết quả giải ngân vốn tỉnh đến ngày 30/6/2022 có giá trị 3.237,9/7.890,6 tỷ đồng, đạt 41,03%, thì đến ngày 30/9/2022 giá trị giải ngân của tỉnh là 4.643/8.514 tỷ đồng, đạt 54,54% là kết quả thể hiện sự nổ lực trong công tác giải ngân đầu tư công.
e) Về thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp
Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư luôn được quan tâm chú trọng; UBND tỉnh đã tiếp và làm việc với nhiều Đoàn Công tác thuộc các Bộ, ngành Trung ương, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến khảo sát, tìm hiểu, đăng ký đầu tư, trao đổi hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt đã phối hợp tổ chức thành công sự kiện “Gặp gỡ Hàn Quốc 2022” tại tỉnh, góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và các thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh để phục vụ thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trong tháng 9, tỉnh đã tổ chức một đoàn công tác đi xúc tiến đầu tư – thương mại tại Hàn Quốc nhằm quảng bá thông tin, tiềm năng, điều kiện thuận lợi, cơ hội đầu tư và các chính sách khuyến khích đầu tư vào tỉnh, đặc biệt là Becamex VSIP Bình Định.
Về đầu tư nước ngoài (FDI): Từ đầu năm đến nay không có dự án FDI đăng ký mới; có 03 trường hợp điều chỉnh tăng vốn, trong đó có 02 dự án trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp và 01 dự án ngoài Khu kinh tế, Khu công nghiệp với tổng vốn điều chỉnh tăng 6,85 triệu USD. Đến nay, cả tỉnh có 86 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1,1 tỷ USD; trong đó có 38 dự án trong Khu kinh tế và Khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký 854,8 triệu USD và 48 dự án ngoài Khu kinh tế và Khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký 245,6 triệu USD.
Về đầu tư trong nước: Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thu hút được 59 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 14.226 tỷ đồng, trong đó có 17 dự án trong KKT và KCN với tổng vốn đăng ký trên 2.407 tỷ đồng; 42 dự án ngoài KKT và KCN với tổng vốn đầu tư trên 11.819 tỷ đồng.
Về phát triển doanh nghiệp: UBND tỉnh đã chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Từ đầu năm đến nay, có 973 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 8.515 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước tăng 35,7% về số doanh nghiệp và 7,5% về vốn đăng ký. Đã thực hiện cấp đăng ký cho trên 475 Chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh; đăng ký thay đổi khoảng 1.732 doanh nghiệp, chi nhánh, VPĐD; giải thể và chấm dứt hoạt động 330 trường hợp; tạm ngừng hoạt động 556 trường hợp, hoạt động trở lại 384 trường hợp.
g) Về phát triển kinh tế - xã hội miền núi
Đã triển khai thực hiện 03 Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Công tác giảm nghèo và an sinh xã hội miền núi tiếp tục được đảm bảo, tạo điều kiện cho Nhân dân tiếp cận ngày càng tốt hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản. Nhiều chính sách, xã hội được đi vào cuộc sống, đóng vai trò là đòn bẩy hỗ trợ các đối tượng yếu thế vươn lên, giúp người dân thấy được quyền lợi từ đó chung sức đồng lòng phát huy tiềm năng lợi thế phát triển kinh tế - xã hội. Mức thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đã được cải thiện. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo của 03 huyện miền núi vẫn còn ở mức cao với tỷ lệ 35,18%.
2. Về văn hoá - xã hội
a) Về giáo dục và đào tạo: Đã tổ chức tốt việc dạy và học, các kỳ thi, hội thi,... gắn với thực hiện nghiêm túc công tác phòng ngừa dịch bệnh Covid-19; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục và đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Đã tổ chức thành công kỳ thi THPT quốc gia năm 2022 với tỷ lệ tốt nghiệp chung của toàn tỉnh đạt 98,43%. Ngoài ra, tại kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 cấp quốc gia, tỉnh Bình Định có 34 em đạt giải... Công tác triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới tiếp tục được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 389/626 trường học đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 62,14%.
b) Về văn hoá, thể thao: Đã tổ chức thành công nhiều Chương trình nghệ thuật, lễ kỷ niệm, tuyên truyền các sự kiện chính trị lớn của đất nước, của tỉnh. Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả ở các địa phương. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa và dịch vụ văn hóa được triển khai thực hiện thường xuyên.
Các hoạt động nghệ thuật, lễ hội dân gian truyền thống, thể dục thể thao quần chúng được tổ chức với nhiều nội dung đặc sắc, phong phú. Các vận động viên của tỉnh trong đội tuyển Việt Nam tham dự SEA Games 31 đạt 04 huy chương vàng và 01 huy chương bạc. Trong tháng 9/2022 đã tổ chức thành công Ðại hội Thể dục thể thao tỉnh Bình Định năm 2022.
c) Về y tế: Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh nguy hiểm ở người được tập trung triển khai quyết liệt; đã thực hiện tốt việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và sẵn sàng đáp ứng với các diễn biến bất thường của dịch bệnh. Đến nay, toàn tỉnh đã tiêm chủng trên 3,5 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 các loại; tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên đạt 97,4%; tỷ lệ tiêm mũi bổ sung đạt 77,6%;...
Bên cạnh đó, công tác y tế dự phòng, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tiếp tục được quan tâm. Duy trì thường xuyên hoạt động truyền thông về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giám sát các nguy cơ ô nhiễm thực phẩm trong cộng đồng.
d) Về an sinh xã hội: Công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách tiếp tục được thực hiện. Thời gian qua đã tiếp nhận, xét duyệt và giải quyết chế độ trợ cấp cho 426 trường hợp người có công với cách mạng và thân nhân. Triển khai rà soát danh sách Mẹ Việt Nam anh hùng đã được phong tặng và truy tặng chưa có tên trong tập kỷ yếu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn tỉnh.
Các Hội nghị, diễn đàn về hướng nghiệp; tư vấn xuất khẩu lao động; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý về an toàn, vệ sinh lao động… tiếp tục được duy trì và triển khai có hiệu quả. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tiếp tục được duy trì.
e) Hoạt động khoa học, công nghệ, thông tin tuyền thông: Các đề tài, dự án tiếp tục tổ chức thực hiện; đẩy mạnh triển khai Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh; các dự án đầu tư phát triển phần mềm, phục vụ nghiên cứu khoa học… tại Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa đã và đang triển khai thực hiện. Hoạt động báo chí, phát thanh, truyền hình tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong xã hội, nhất là trên lĩnh vực cung cấp thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội. Đã ban hành kế hoạch số 39/KH-UBND của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của BTV Tỉnh ủy về Chuyển đổi số của tỉnh và các đơn vị đã khẩn trương triển khai thực hiện.
g) Hoạt động đối ngoại: Công tác đối ngoại có nhiều cố gắng đổi mới trong hoạt động. Các đoàn khách ngoại giao, khách quốc tế đến tỉnh thăm đều được đón tiếp chu đáo, trọng thị; công tác theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện các nội dung nhiệm vụ đã ký kết hợp tác với các địa phương, đối tác nước ngoài luôn được chú ý quan tâm; tổ chức nhiều sự kiện quan trọng với quy mô lớn, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp, đối tác nước ngoài và các cơ quan, đơn vị trong nước, trong đó có sự kiện “Gặp gỡ Hàn Quốc 2022” do UBND tỉnh phối hợp với Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức tại tỉnh với nhiều hoạt động nổi bật như: Tọa đàm “Gặp gỡ Bình Định - Hàn Quốc 2022”; Hội nghị “Gặp gỡ Hàn Quốc 2022”; triển lãm các gian hàng sản phẩm đặc trưng của các tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên và các doanh nghiệp Hàn Quốc...
3. Công tác khối nội chính
a) Về xây dựng chính quyền và cải cách hành chính: Công tác xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã có nhiều đổi mới theo hướng phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đã ban hành Quy định phân cấp quản lý quản lý cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Triển khai kế hoạch tinh giản biên chế công chức, viên chức của tỉnh giai đoạn 2022 – 2026. Tăng cường công tác kiểm tra cải cách hành chính, thực thi công vụ tại các cơ quan, đơn vị qua đó đã kịp thời chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm. Tổ chức tốt kỳ thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức hành chính lên chuyên viên hoặc tương đương năm 2021.
Hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và cải cách hành chính được nâng cao, chỉ số PCI và PAR INDEX liên tục tăng điểm qua các năm. Thông qua đó, các doanh nghiệp đánh giá mức độ năng động, sáng tạo và công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp của chính quyền cấp tỉnh có sự chuyển biến rõ nét.
Công tác kiểm soát thủ tục hành chính gắn với giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy những kết quả tích cực. Công tác triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo thực hiện, nhất là đẩy mạnh việc thực hiện thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 có quy định thu phí, lệ phí.
b) Công tác phòng, chống tham nhũng, thanh tra, kiểm tra tiếp tục được chỉ đạo triển khai theo kế hoạch, tập trung vào các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư, xây dựng cơ bản, tài chính - ngân sách và những vụ việc nổi cộm, bức xúc có dấu hiệu tiêu cực, vi phạm pháp luật. Công tác tiếp dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo thực hiện theo quy chế và giải quyết kịp thời các vụ việc bức xúc, khiếu nại đông người.
c) Quốc phòng an ninh được bảo đảm, công tác huấn luyện quân sự, giáo dục quốc phòng tiếp tục triển khai theo kế hoạch. Đã hoàn thành việc giao quân năm 2022, đạt 100% chỉ tiêu; bảo vệ an toàn các ngày Lễ lớn của tỉnh và của đất nước. Chỉ đạo triển khai công tác diễn tập khu vực phòng thủ huyện An Lão, thị xã Hoài Nhơn, thị xã An Nhơn và thành phố Quy Nhơn năm 2022. Các lực lượng chức năng đã chủ động nắm bắt tình hình, phát hiện, xử lý kịp thời nhiều vụ việc liên quan đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm được tăng cường; đã tổ chức nhiều đợt cao điểm ra quân tấn công, trấn áp các loại tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội và kiềm chế tai nạn giao thông.
Trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay đã xảy ra 94 vụ tai nạn giao thông, làm 92 người chết, 51 người bị thương. So với cùng kỳ giảm 02 vụ, tăng 25 người chết và giảm 12 người bị thương.
4. Tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 9 tháng năm 2022 vẫn còn những tồn tại, hạn chế đó là:
- Hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm của một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp gặp khó khăn, số lượng hàng tồn kho tăng cao. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài gặp nhiều khó khăn.
- Vẫn còn tình trạng lấn chiếm đất đai, ô nhiễm môi trường tại một số cụm, điểm công nghiệp, làng nghề, khu chăn nuôi tập trung...; tình trạng khai thác trái phép tài nguyên, khoáng sản còn xảy ra ở một số địa phương.
- Các hoạt động giáo dục, văn hoá, thể dục, thể thao, lao động, việc làm… bị tác động bởi dịch Covid-19 trong các tháng đầu năm, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và thu nhập của người dân.
- Trật tự an toàn xã hội, an ninh nông thôn và tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do những yếu tố khách quan và tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong các tháng đầu năm; thời gian gần đây là tình hình căng thẳng chính trị trên thế giới, áp lực lạm phát cao, cước vận tải tăng... cũng ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, thương mại. Bên cạnh đó, có một số nguyên ngân chủ quan của một số sở, ban, ngành và địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao chưa đồng bộ, phối hợp thiếu chặt chẽ; công tác chỉ đạo xử lý một số vấn đề tồn tại, yếu kém chưa kịp thời, thiếu tập trung, kiên quyết..
NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM QUÝ IV NĂM 2022
1. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tập trung tổ chức triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã được HDND tỉnh giao.
2. Rà soát, hoàn thiện phương án phòng, chống thiên tai năm 2022; kịp thời triển khai phương án này khi có công điện, văn bản của Trung ương về việc thiên tai xảy ra trong những tháng cuối năm 2022.
3. Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 38/NQ CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Thường xuyên bám sát diễn biến, đánh giá và dự báo tình hình; sẵn sàng các kịch bản phòng, chống dịch bệnh, không để bị động, bất ngờ; khẩn trương hoàn thành việc tiêm vắc xin Covid-19 cho các nhóm đối tượng trên địa bàn tỉnh theo quy định.
4. Về nông, lâm, thủy sản và quản lý tài nguyên, môi trường: Đẩy mạnh sản xuất nông, lâm, thủy sản, phấn đấu tăng trưởng cả năm của ngành đạt kế hoạch. Tập trung triển khai thực hiện các đề án phát triển nông nghiệp đã được phê duyệt, trong đó chú trọng thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với nông thôn mới. Tiếp tục sản xuất vụ Mùa theo kế hoạch, chuẩn bị triển khai sản xuất vụ Đông xuân 2022-2023; chú trọng thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện nguồn nước tưới. Đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao. Triển khai tiêm phòng gia súc, gia cầm theo kế hoạch; tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương chủ động phòng chống rét cho vật nuôi trong mùa đông.
Triển khai quyết liệt các biện pháp bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng, lấn chiếm đất nông nghiệp, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định pháp luật. Triển khai công tác trồng rừng năm 2022 theo kế hoạch.
Tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về khai thác thủy sản bất hợp pháp. Chỉ đạo thu hoạch thủy sản đề phòng mưa, lũ lớn gây thiệt hại; tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tiếp tục thực hiện tốt Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và số 17/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP).
Tiếp tục tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường; tiếp tục kiểm tra và có biện pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng khai thác đất, đá, cát... trái phép. Xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm công tác quản lý đất đai, bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề và khu dân cư. Đẩy mạnh thực hiện việc giao đất, cho thuê đất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo quy định.
5. Về sản xuất công nghiệp, xây dựng
Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ; các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh; kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các gói chính sách hỗ trợ của Nhà nước để sớm ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu. Đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư, nhất là thu hút các dự án có quy mô lớn, quy trình sản xuất hiện đại gắn với đẩy nhanh tiến độ GPMB, xây dựng cơ sở hạ tầng và rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách khuyến khích đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo dõi đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng các dự án công nghiệp quy mô lớn, đặc biệt là triển khai dự án Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định để làm động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương.
Đẩy mạnh công tác quy hoạch xây dựng, tổ chức thực hiện đấu thầu, đấu giá công khai các mặt bằng, quỹ đất sạch; thẩm định, phê duyệt kịp thời các dự án đầu tư xây dựng mới và theo dõi quản lý, giám sát chặt chẽ quá trình thi công xây dựng các công trình, đưa các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh đi vào sử dụng đúng tiến độ. Tập trung hoàn thành Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo kế hoạch.
6. Về thương mại, du lịch và dịch vụ: Tiếp tục triển khai các gói kích cầu dịch vụ, du lịch, mở rộng thị trường, đảm bảo các hoạt động thương mại, dịch vụ sôi động trở lại. Đôn đốc các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, nhất là các mặt hàng chủ lực của tỉnh và các mặt hàng đang có thị trường tiêu thụ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch; hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong và ngoài nước, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng các loại hình và sản phẩm du lịch.
Triển khai Kế hoạch dự trữ hàng hóa, triển khai các chương trình bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán 2023. Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, xử lý kiên quyết những trường hợp kinh doanh hàng hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không có nguồn gốc xuất xứ, đầu cơ tăng giá để thu lợi bất chính.
7. Về tài chính, thu ngân sách: Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp tăng thu ngân sách, chống tình trạng thất thu, lạm thu, giảm nợ đọng thuế để phấn đấu vượt dự toán thu đã được Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Đảm bảo chi ngân sách theo đúng tiêu chuẩn, định mức và dự toán giao đầu năm, đồng thời rà soát, cắt giảm các khoản chi không thật sự cần thiết.
8. Về đầu tư phát triển: Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Tích cực kêu gọi các dự án đầu tư có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến vào Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại, phấn đấu đến 31/12/2022 tỷ lệ giải ngân đạt 95%, đến 31/01/2023 đạt 100% kế hoạch vốn giao đối với tất cả các nguồn vốn.
Các cấp, các ngành, các chủ đầu tư phải tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát tiến độ và chất lượng các dự án xây dựng đã phân cấp và giao nhiệm vụ quản lý. Tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong các khâu thẩm định, phê duyệt dự án; giao đất và bồi thường GPMB để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Kiên quyết thu hồi đất, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án mà chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, triển khai không đúng tiến độ đã cam kết hoặc vi phạm pháp luật.
9. Về văn hóa - xã hội: Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa và dịch vụ văn hóa. Đẩy mạnh phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu. Triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án bảo tồn, phát huy các di tích văn hóa, lịch sử. Tập trung tuyên truyền các sự kiện lớn của tỉnh và đất nước. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số.
Tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và y đức trong ngành y tế; tăng cường hiệu quả công tác y tế dự phòng; chú trọng kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động mạng lưới y tế cơ sở.
Thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa và bảo đảm an sinh xã hội. Chú trọng đẩy mạnh đào tạo nghề; xuất khẩu lao động; các chương trình, đề án giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chỉ đạo thực hiện tốt chính sách đối với người có công, hộ nghèo và đồng bào dân tộc. Tiếp tục triển khai chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, hộ nghèo, vùng bị thiên tai và người có thu nhập thấp.
10. Về công tác phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn: Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2022; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình giao thông, thủy lợi đảm bảo vượt lũ an toàn. Tổ chức kiểm tra trang thiết bị, phương tiện tìm kiếm cứu nạn; kiểm tra đảm bảo an toàn hồ chứa, đê điều, cơ sở hạ tầng...; đôn đốc các địa phương thực hiện tốt phương án phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn. Chú trọng thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, chuẩn bị đủ điều kiện để cứu hộ, cứu nạn và di dãn dân khi xảy ra lụt bão.
11. Tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền các cấp, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, phấn đấu cải thiện vị trí xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh; bổ sung dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của tỉnh và Danh mục dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Chỉ đạo kiên quyết, có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiếp tục triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022; giải quyết kịp thời, đúng chính sách, pháp luật các vụ khiếu nại, tố cáo của công dân, không để xảy ra khiếu kiện đông người, vượt cấp, gây mất trật tự, an toàn xã hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến và giáo dục pháp luật. Thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại các cơ quan, đơn vị.
12. Tăng cường công tác quốc phòng an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2022 theo kế hoạch. Tăng cường thực hiện các biện pháp kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông, phòng chống cháy nổ, đảm bảo an toàn lao động.
13. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ quý IV năm 2022; hoàn thành các nội dung trình kỳ họp thứ 09 HĐND tỉnh khóa XIII đảm bảo chất lượng và thời gian quy định; đồng thời, chuẩn bị tổng kết đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và xây dựng nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023, báo cáo UBND tỉnh theo quy định