1. Về sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, quản lý tài nguyên và môi trường
Về trồng trọt: Trong tháng 8/2022, các địa phương trong tỉnh tập trung thu hoạch các loại cây trồng vụ Hè Thu và gieo trồng, chăm sóc các loại cây vụ Mùa. Để đảm bảo năng suất, sản lượng cây trồng trong điều kiện nắng nóng, ngành nông nghiệp đã chủ động tăng cường kiểm tra, rà soát tình hình nguồn nước, khả năng tưới, triển khai các giải pháp tưới tiết kiệm và tập trung chuyển đổi những diện tích sản xuất lúa bị thiếu nước sang sản xuất các loại cây trồng cạn phù hợp.
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Hè Thu đạt 60.334 ha, tăng 4,3%; trong đó diện tích lúa đạt 42.649 ha, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Sản lượng lúa đạt 279.821 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ; năng suất đạt 64,6 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/ha so với cùng kỳ.
Đến cuối tháng 8, toàn tỉnh đã gieo sạ được 5.300 ha lúa vụ Mùa, tăng 55,9% so với cùng kỳ. Diện tích gieo trồng một số cây trồng cạn khác như: Cây ngô đạt 3.534 ha, tăng 20,3%; cây lạc đạt 1.706 ha, giảm 0,2%; rau các loại đạt 5.062 ha, tăng 11,7% so với cùng kỳ.
Về nguồn nước tưới: Tính đến cuối tháng 8, dung tích toàn bộ các hồ chứa nước do Công ty TNHH Khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh quản lý tích trữ 262 triệu m3, đạt 47,7% dung tích thiết kế; các hồ thuỷ lợi do địa phương quản lý đang tích trữ 24 triệu m3, đạt 61,1% dung tích thiết kế. Hiện nay nguồn nước tại các hồ chứa cơ bản đáp ứng ổn định nước tưới đến hết vụ Thu.
Về chăn nuôi: Các ngành chức năng tiếp tục kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh ở các địa phương; phát hiện bệnh kịp thời, tăng cường giám sát dịch bệnh động vật: Dịch viêm da nổi cục ở bò, dịch tả lợn Châu Phi, dịch tả lợn tai xanh, lở mồm long móng, cúm gia cầm và các dịch bệnh khác... hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phát triển chăn nuôi, chăn nuôi an toàn sinh học giảm thiểu dịch bệnh; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao giai đoạn 2021-2025.
Tính đến cuối tháng 8, đàn trâu của tỉnh đạt 17.600 con, giảm 1,5%; đàn bò đạt 296.400 con, tăng 0,2%; đàn lợn 667.400 con, tăng 1,5%; đàn gia cầm đạt 8,8 triệu con, tăng 4% so với cùng kỳ.
Về lâm nghiệp: Trong 8 tháng đầu năm, các đơn vị đã sản xuất 128,6 triệu cây giống; sản lượng gỗ khai thác đạt 664.598 m3, tăng 2,9% so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu là gỗ rừng trồng làm nguyên liệu giấy.
Công tác phòng, chống cháy rừng và ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo chặt chẽ. Các Hạt Kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật phát sinh. Lũy kế từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy rừng; xảy ra 19 vụ phá rừng với diện tích 7,3 ha; tăng 5 vụ và tăng 2,3 ha so với cùng kỳ.
Về thuỷ sản, trong tháng 8, tình hình thời tiết tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản trên biển. Lũy kế 8 tháng năm 2022, sản lượng thủy sản khai thác đạt hơn 183.756 tấn, tăng 2% so với cùng kỳ; sản lượng nuôi trồng đạt 8.737 tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 07 tàu/43 thuyền viên bị nước ngoài bắt giữ (06 tàu bị bắt giữ và 01 tàu bắt tịch thu tài sản rồi thả trên biển), Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng Biên phòng làm việc trực tiếp với người nhà chủ tàu có tàu cá vi phạm, bị bắt giữ để xác minh thông tin và triển khai các biện pháp xử lý tàu cá vi phạm theo quy định.
Công tác hỗ trợ cho ngư dân khai thác hải sản trên các vùng biển xa theo Quyết định 48/2010/QĐ-TT của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được thực hiện. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã giải quyết 8.968 hồ sơ đề nghị hỗ trợ với tổng số tiền hơn 703 tỷ đồng.
Về thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới: Đã tích cực đôn đốc, kiểm tra các xã đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2022. Trong tháng, đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, giai đoạn 2021-2025; triển khai Chính sách hỗ trợ xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.
Công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường, sinh thái: Trong tháng đã giao đất 01 trường hợp, diện tích 441 ha; cho thuê đất 08 trường hợp, diện tích 7,75 ha; giao đất khu dân cư 10 trường hợp, diện tích 14,7 ha; gia hạn khu dân cư 01 trường hợp, diện tích 0,27 ha; gia hạn thuê đất 01 trường hợp, diện tích 2,59 ha. Xây dựng giá đất ở để bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng 06 công trình, dự án.
2. Về sản xuất công nghiệp
Tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đang tiếp tục phục hồi và khởi sắc, các doanh nghiệp nhanh chóng ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh với trạng thái bình thường mới. Các biện pháp sản xuất kinh doanh thích ứng tình hình mới tại các doanh nghiệp đã phát huy được hiệu quả tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 giảm 0,82% so với tháng 7 và tăng 9,79% so với cùng kỳ.
Tính chung 8 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,04% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,91%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 19,8%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,12%; công nghiệp khai khoáng giảm 32,4%.
Trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành chế biến thực phẩm tăng 9,1%; ngành chế biến thực phẩm tăng 9,1%; nhóm ngành sản xuất trang phục, chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng lần lượt 22% và 25,8%. Các doanh nghiệp đã ổn định sản xuất và tiếp cận thị trường đầu ra cho sản phẩm, trong đó xuất khẩu đang có xu hướng tăng mạnh.
Ngành sản xuất ngành sản xuất và phân phối điện tăng khá nhờ lượng nước các hồ thủy điện tích trữ tốt đảm bảo cho hoạt động sản xuất và phân phối điện. Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất điện năng lượng mặt trời, năng lượng gió chính thức đi vào hoạt động, góp phần làm tăng giá trị sản xuất của ngành điện. Trong đó, sản lượng điện sản xuất tăng 30,30% và sản lượng điện thương phẩm tăng 1,91%.
Các chương trình khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện. Hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tiếp tục phát triển ổn định. Các sản phẩm của các làng nghề đã đáp ứng phần lớn nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh.
Các Khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư, xây dựng nhà xưởng và hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, tăng thu nhập và an sinh xã hội.
3. Về thương mại, dịch vụ, tài chính
Hoạt động thương mại, dịch vụ tháng 8/2022 tiếp tục khởi sắc với nhiều hoạt động trong lĩnh vực du lịch được khôi phục, nhiều chương trình kết nối cung cầu, giao thương được tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đang dần phục hồi đã tác động tích cực đến thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước đạt 8.248,8 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 61.234 tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 50.043 tỷ đồng, tăng 12,4%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 7.987 tỷ đồng, tăng 56,2%; doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 161 tỷ đồng, tăng 755%; doanh thu hoạt động dịch vụ đạt 3.042 tỷ đồng, tăng 38,4% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2022 tăng 1,2% so với cùng kỳ. Bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 0,9% so với cùng kỳ.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 8 đạt 128,4 triệu USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng đầu năm, đã xuất khẩu đạt 1,1 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ. Các nhóm hàng tăng so với cùng kỳ: sắn và sản phẩm từ sắn tăng 171,4%; xuất khẩu gỗ tăng 39,6%; hàng dệt may đạt tăng 72,4%; sản phẩm từ sắt thép tăng 126,2%. Trong khi đó gạo giảm 29,7%; giày, dép các loại giảm 30,7%; máy móc thiết bị phụ tùng giảm 63,5%. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 8 đạt 38,2 triệu USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 311 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ.
Về du lịch, trong tháng 8, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn ra sôi nổi cùng với các sự kiện văn hóa, thể thao nổi bật như: Vòng Chung kết Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2022 (Miss World Vietnam 2022); Liên hoan lân, sư, rồng Đất Võ Quy Nhơn - Bình Định lần thứ I năm 2022; Khai trương điểm kinh doanh ẩm thực lưu động trên địa bàn thành phố Quy Nhơn; Tổ chức các hoạt động vui chơi, thể thao, âm nhạc phục vụ du lịch tuyến biển Xuân Diệu, thành phố Quy Nhơn,… Bên cạnh đó, tháng 8 là tháng cao điểm của mùa du lịch, do đó lượng khách du lịch đến Bình Định tiếp tục tăng, chủ yếu là khách du lịch nội địa. Trong tháng 8, cả tỉnh đón được gần 400.000 lượt khách đến du lịch, tăng 200 lần so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng năm 2022, ngành du lịch đón trên 3,2 triệu lượt khách, tăng 170,6% so với cùng kỳ; trong đó khách nội địa đạt 3,1 triệu lượt. Tổng doanh thu du lịch đến tháng 8/2022 đạt 10.163 tỷ đồng, tăng 530% so với cùng kỳ.
Tính chung 8 tháng, dịch vụ vận chuyển hành khách đạt 22,2 triệu hành khách, tăng 45,8% và luân chuyển 2,17 tỷ hành khách.km, tăng 46,1% so với cùng kỳ. Vận tải hàng hóa tính chung 8 tháng đạt hơn 21,2 triệu tấn, tăng 21,9%, luân chuyển đạt 3,02 tỷ tấn.km, tăng 26,2% so với cùng kỳ. Hàng hoá thông qua cảng biển 8 tháng đạt 9,7 triệu TTQ, tăng 0,9% so với cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách nhà nước 8 tháng năm 2022 là 10.493 tỷ đồng, đạt 86% dự toán năm, tăng 19,3% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa (trừ thu tiền sử dụng đất; xổ số kiến thiết; thu cổ tức, lợi nhuận được chia và lợi nhuận còn lại) là 4.469 tỷ đồng, đạt 88,1% dự toán năm, tăng 24% so với cùng kỳ. Riêng thu tiền sử dụng đất là 4.305 tỷ đồng, đạt 107,6% dự toán năm, tăng 30% so với cùng kỳ; thu hoạt động xuất nhập khẩu là 672 tỷ đồng, đạt 74,3% dự toán năm, tăng 77,4% so với cùng kỳ. Chi ngân sách nhà nước là 10.228 tỷ đồng, đạt 59,6% dự toán năm, tăng 0,5% so với cùng kỳ; trong đó, chi thường xuyên 5.079 tỷ đồng, đạt 63,6% dự toán năm, giảm 3,4% so với cùng kỳ.
Về hoạt động tài chính, tín dụng, đến ngày 31/8/2022, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh là 88.500 tỷ đồng, tăng 9,2%; tổng dư nợ là 97.950 tỷ đồng, tăng 7,9% so với tháng 12/2021; trong đó, nợ xấu chiếm tỷ lệ khoảng 0,42% so với tổng dư nợ.
4. Về thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển
Trong tháng 8 đã hoàn thành việc xây dựng, báo cáo Trung ương về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2023. Tiếp tục hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư các dự án được hỗ trợ từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của trung ương. Tiếp tục đẩy mạnh huy động các nguồn vốn nhằm đám ứng nhu cầu chi đầu tư phát triển, tập trung xây dựng hoàn thành các công trình trọng điểm của tỉnh. Đồng thời, để tập trung nguồn lực đầu tư cho các dự án trọng điểm của tỉnh, UBND tỉnh đã điều chỉnh giảm kế hoạch vốn các dự án giải ngân chậm để bổ sung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt.
Tính đến cuối tháng 8, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý là 4.037 tỷ đồng, đạt 50,8% kế hoạch năm. Trong đó, giải ngân nguồn vốn đầu tư ngân sách địa phương là 2.009,3 tỷ đồng, đạt 40,17%, vốn Trung ương hỗ trợ theo mục tiêu là 1.960,4 tỷ đồng, đạt 80,04%; vốn nước ngoài (ODA) là 33,6 tỷ đồng, đạt 19,44% kế hoạch năm.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay đang triển khai và tiếp tục thực hiện nhiều dự án,công trình nhóm A, B trên tất cả các lĩnh vực; là địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư cao so với cả nước, đặc biệt là các công trình giao thông trọng điểm. Các dự án lớn vẫn đang tích cực thi công như: Dự án đường ven biển đoạn Cát Tiến – Diêm Vân; Dự án Đường kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại; Dự án Tuyến đường ĐT639 đoạn từ QL1D và QL19 mới; Đường phía Tây huyện Vân Canh, từ Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex Bình Định đến thị trấn Vân Canh; Dự án Tuyến đường kết nối với đường ven biển (ĐT639) trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn… Bên cạnh đó, các công trình gia cố đê sông, đê biển cũng rất được chú trọng. Thời gian qua nhờ việc xây dựng hệ thống đê, đập phần nào đã hạn chế được tác hại do thiên tai bão lũ gây ra, đồng thời cũng đảm bảo được lượng nước tưới tiêu cho nông nghiệp, các công trình như: Hồ chứa nước Đồng Mít; Đập dâng Phú Phong …
5. Về thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp
Về đầu tư nước ngoài (FDI): Từ đầu năm đến nay không có dự án FDI đăng ký mới; có 03 trường hợp điều chỉnh tăng vốn, trong đó có 02 dự án trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp và 01 dự án ngoài Khu kinh tế, Khu công nghiệp với tổng vốn điều chỉnh tăng 6,85 triệu USD. Đến nay, cả tỉnh có 86 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1,1 tỷ USD; trong đó có 38 dự án trong Khu kinh tế và Khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký 854,8 triệu USD và 48 dự án ngoài Khu kinh tế và Khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký 245,6 triệu USD.
Về đầu tư trong nước: Trong tháng 8/2022 đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 05 dự án với tổng vốn đầu tư 137,8 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thu hút được 50 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 10.963,7 tỷ đồng, trong đó có 13 dự án trong KKT và KCN với tổng vốn đăng ký trên 2.296,4 tỷ đồng; 37 dự án ngoài KKT và KCN với tổng vốn đầu tư trên 8.667,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thực hiện tăng vốn đầu tư 11 dự án với tổng vốn tăng thêm 5.413,8 tỷ đồng.
Về phát triển doanh nghiệp: Từ đầu năm đến nay, có 895 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 7.940 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước tăng 32% về số doanh nghiệp và 6,3% về vốn đăng ký. Cấp đăng ký cho 417 Chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh; đăng ký thay đổi khoảng 1.105 doanh nghiệp, chi nhánh, VPĐD; giải thể và chấm dứt hoạt động 200 trường hợp; tạm ngừng hoạt động 454 trường hợp, hoạt động trở lại 365 trường hợp.
6. Về văn hoá - xã hội
Về giáo dục và đào tạo: Ngành giáo dục và đào tạo đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023; hoàn thành bồi dưỡng, tập huấn chính trị hè cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên năm 2022; tiếp tục hướng dẫn thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng; tổ chức Lễ khai giảng và triển khai các nhiệm vụ năm học 2022-2023.
Về văn hóa và thể thao: Tiếp tục phát huy các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Trong tháng chủ yếu tập trung tuyên truyền các sự kiện, các ngày lễ lớn của tỉnh và cả nước. Đã chỉ đạo tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 190 năm Danh xưng huyện Phù Cát; Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung nhân dịp 230 năm ngày húy kỵ của Ngài (1792 - 2022); Kỷ niệm 70 năm thành lập Đoàn Tuồng Liên Khu 5-Đoàn Tuồng Đào Tấn và 60 năm thành lập Đoàn Văn công giải phóng-Đoàn Ca kịch Bài chòi.
Về y tế: Đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn cơ bản được kiểm soát, các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, số ca mắc mới, số ca phải nhập viện, ca nặng đang có chiều hướng gia tăng; nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của vi rút với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc; xuất hiện nhiều bệnh dịch như sốt xuất huyết, cúm mùa, tay chân miệng... Tuy nhiên việc tiêm vắc xin chưa bảo đảm yêu cầu, tiến độ tiêm chủng còn chậm, nhất là tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ người 18 tuổi trở lên còn thấp.
Về an sinh xã hội: Công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách tiếp tục được thực hiện. Trong tháng 8/2022, tiếp nhận xét duyệt và giải quyết chế độ trợ cấp cho 426 trường hợp người có công với cách mạng và thân nhân. Triển khai rà soát danh sách Mẹ Việt Nam anh hùng đã được phong tặng và truy tặng chưa có tên trong tập kỷ yếu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn tỉnh. Tổ chức thăm, tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng tiêu biểu và viếng Nghĩa trang liệt sỹ Quy Nhơn nhân Kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh Nước CHXHCN Việt Nam.
Các Hội nghị, diễn đàn về hướng nghiệp; tư vấn xuất khẩu lao động; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý về an toàn, vệ sinh lao động… tiếp tục được duy trì và triển khai có hiệu quả. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tiếp tục được duy trì. Nhân dịp Tết Trung thu năm 2022, lãnh đạo UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà và động viên các em thiếu nhi tại Làng Trẻ em SOS Quy Nhơn, Trường Chuyên biệt Hy Vọng Quy Nhơn, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh, Trung tâm Bảo trợ xã hội Đồng Tâm.
Về khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông: Tiếp tục triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển, nâng cao năng lực hệ thống các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ, phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học và công nghệ; đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.
7. Về công tác nội chính
Tháng 8/2022, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã tiếp nhận 11.580 hồ sơ thủ tục hành chính; trả kết quả của sở, ngành đã giải quyết là 8.295 hồ sơ, đạt tỷ lệ 71,6%; trong đó, có 8.294 hồ sơ TTHC giải quyết trước hạn và đúng hạn. UBND tỉnh đã ban hành 10 Quyết định công bố danh mục đối với 30 thủ tục hành chính được ban hành mới hoặc bãi bỏ, điều chỉnh bổ sung; ban hành 16 Quyết định phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết 56 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của các sở, ngành, địa phương; kiến nghị nghị Bộ Xây dựng cho phép tỉnh Bình Định thực hiện thí điểm Phương án đơn giản hóa TTHC thuộc lĩnh vực Quy hoạch xây dựng, kiến trúc trên địa bàn tỉnh.
Trong tháng 8, ngành Thanh tra tiếp tục triển khai thực hiện các cuộc thanh tra theo kế hoạch năm 2022 và thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định; đã triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn nhân dịp Kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02/9. Trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay đã xảy ra 85 vụ tai nạn giao thông, làm chết 83 người, bị thương 48 người. So với cùng kỳ giảm 06 vụ, tăng 19 người chết và giảm 13 người bị thương.
8. Nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 9
Trong tháng 9, yêu cầu các cấp, các ngành tập trung quán triệt và thực hiện những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; tập trung phòng chống dịch bệnh, phục hồi sản xuất đồng thời chú trọng chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:
- Tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19; tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt 3 trụ cột phòng, chống dịch (xét nghiệm, cách ly, điều trị), công thức “2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác” và tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 38/NQ-CP của Chính phủ; tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 và đảm bảo thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế và nhân lực y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch; tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng, chống dịch bệnh. Năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là triển khai các nội dung của Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
- Tập trung chỉ đạo hoàn thành thu hoạch lúa vụ Hè Thu; đôn đốc, hướng dẫn người nông dân gieo sạ lúa và trồng các loại cây trồng cạn vụ Mùa, chú trọng công tác phòng trừ sâu bệnh, sử dụng hợp lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt; tiếp tục áp dụng các biện pháp canh tác tiết kiệm nước tưới. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò; đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học; khuyến khích phát triển đàn heo, đàn bò thịt chất lượng cao, nuôi gà thả đồi gắn với thu hút đầu tư các nhà máy chế biến súc sản, gia cầm nhằm nâng cao giá trị sản xuất ngành chăn nuôi. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, triển khai nhân rộng mô hình cộng đồng quản lý trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tiếp tục chỉ đạo phát triển nuôi trồng thủy sản một cách bền vững, hiệu quả; thực hiện tốt công tác quan trắc môi trường và kiểm dịch tôm giống. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 48/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về khai thác thủy sản bất hợp pháp IUU. Chuẩn bị chu đáo các điều kiện để tổ chức Lễ hội cá ngừ đại dương Bình Định.
Tập trung hoàn thành thiết kế và hoàn thành công tác xử lý thực bì để chuẩn bị triển khai cuốc hố và trồng rừng khi có mưa; kiểm tra chất lượng cây giống phục vụ kế hoạch trồng rừng năm 2022 và tiếp tục thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc rừng theo tiến độ của kế hoạch. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, kiểm tra, xử lý các vụ phá rừng làm nương rẫy, khai thác gỗ trái phép, triển khai quyết liệt phương án phòng, chống cháy rừng.
Tăng cường công tác kiểm tra quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản; tiếp tục kiểm tra và có biện pháp xử lý đối với tổ chức và cá nhân vi phạm công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất ở các khu cụm công nghiệp, làng nghề và khu dân cư.
- Tập trung giải quyết nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân ở những vùng khó khăn nguồn nước và xây dựng Phương án phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai năm 2022. Các cấp, các ngành, các địa phương cần lưu ý tăng cường chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thuỷ lợi, giao thông, các dự án đầu tư hạ tầng thủy sản bảo đảm vượt lũ; thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, chuẩn bị đầy đủ điều kiện vật chất để cứu hộ, cứu nạn và di dãn dân khi có bão lụt xảy ra.
- Tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp (kể cả hợp tác xã, hộ kinh doanh) tiếp cận các gói chính sách hỗ trợ của Nhà nước về miễn, giảm, giãn thuế, phí, tiền thuê đất, tiếp cận nguồn vốn vay, giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ… để đơn vị sớm ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án tại Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định (huyện Vân Canh); các dự án năng lượng tái tạo, công nghiệp, du lịch tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh... Nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tiếp tục phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch. Đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng đang có thị trường và lợi thế cạnh tranh; tích cực phát triển các mặt hàng xuất khẩu mới; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm các thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư về du lịch; hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các địa phương Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các ngành dịch vụ bưu chính - viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải... để phục vụ tốt hơn cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
- Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp tăng thu ngân sách, chống tình trạng thất thu, lạm thu, giảm nợ đọng thuế để phấn đấu vượt dự toán thu đã được HĐND tỉnh giao. Đảm bảo chi ngân sách theo đúng tiêu chuẩn, định mức và dự toán giao đầu năm, đồng thời rà soát, cắt giảm các khoản chi không thật sự cần thiết.
- Tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các khâu thẩm định, phê duyệt dự án, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án. Đôn đốc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch, phấn đấu đến ngày 30/9/2022 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt ít nhất 60% kế hoạch vốn giao; xử lý các dự án chậm giải ngân, điều chuyển nguồn vốn sang thanh toán khối lượng hoàn thành các công trình quan trọng, cần thiết khác trên địa bàn tỉnh. Tập trung xây dựng hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tập trung triển khai xây dựng các dự án, công trình trọng điểm về kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục... như: Đường ven biển (đoạn Đề Gi - Mỹ Thành); đường kết nối đường ven biển (ĐT.639) trên địa bàn huyện Phù Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, thị xã An Nhơn; đường Điện Biên Phủ nối dài đến Khu đô thị Diêm Vân; đập dâng Phú Phong (huyện Tây Sơn);... Đặc biệt, khẩn trương thực hiện hoàn tất các thủ tục, kịp thời triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư phục vụ dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn qua tỉnh Bình Định và các dự án trọng điểm của tỉnh, đảm bảo theo quy định pháp luật.
- Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội. Tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; hoàn thành việc tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho các nhóm đối tượng trên địa bàn tỉnh theo Đề án của Bộ Y tế. Chỉ đạo đẩy mạnh việc ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học vào phục vụ sản xuất và đời sống. Triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước năm 2022. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu; phong trào thể dục thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao. Chuẩn bị chu đáo các điều kiện để tổ chức Liên hoan CLB Nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định mở rộng năm 2022.
- Tiếp tục thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động, đảm bảo an toàn lao động. Thực hiện tốt công tác bảo trợ xã hội, các chính sách ưu đãi đối với người có công với nước, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, người già neo đơn, người tàn tật, các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
- Tiếp tục triển khai thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính. Chỉ đạo giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index) của tỉnh. Tiếp tục triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại đông người, khiếu nại tồn đọng, không để xảy ra điểm nóng. Tăng cường các biện pháp nhằm tiếp tục kiềm chế tai nạn giao thông, các biện pháp phòng cháy, chữa cháy.
- Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại kỳ họp thứ 6 và thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIII; khẩn trương tiến hành đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 9 tháng năm 2021, đề ra các giải pháp thực hiện tốt nhiệm vụ công tác quý IV; xây dựng các Báo cáo, Đề án đã được phân công, trình UBND tỉnh đảm bảo chất lượng, đúng thời gian quy định