Ban hành Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2022 – 2025
Thứ ba - 23/08/2022 19:41
Ngày 16/8/2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 116/KH-UBND về việc Phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2022 – 2025;
Theo đó, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện như sau: 1. Mục tiêu chung 1.1. Nâng tỷ trọng giá trị sản xuất ngành nghề trong tổng giá trị sản xuất ở khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng sản phẩm ngành nghề, đẩy mạnh liên kết sản xuất, khuyến khích thành lập mới các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác để nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh. 1.2. Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề, nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh. 1.3. Phát triển các ngành nghề nông thôn, làng nghề nhằm tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế nông thôn; chú trọng phát triển các làng nghề gắn với du lịch và bảo vệ môi trường làng nghề. Phấn đấu đến năm năm 2025, hầu hết các làng nghề phát sinh nước thải có giải pháp xử lý nước thải đảm bảo trước khi thải ra môi trường. 1.4. Tiếp tục bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống có bản sắc văn hóa, đặc trưng riêng của địa phương như: dệt thổ cẩm, nón ngựa, bún song thằn… 2. Mục tiêu cụ thể 2.1. Về ngành nghề nông thôn: - Duy trì hoạt động ổn định 7.336 cơ sở ngành nghề nông thôn hiện có trên địa bàn, doanh thu hàng năm từ hoạt động ngành nghề nông thôn tăng trên 8%. - Có tối thiểu 20% cơ sở ngành nghề nông thôn được nâng cấp máy móc, thiết bị, xây dựng nhãn hiệu, tạo ra sản phẩm chất lượng, đủ điều kiện lưu thông trên thị trường trong và ngoài tỉnh. - Các huyện, thị xã ở khu vực đồng bằng mỗi năm có ít nhất 05 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP. Mỗi huyện ở khu vực miền núi, hàng năm có ít nhất 02 sản phẩm tham gia chương trình OCOP. 2.2. Về bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống: - Duy trì hoạt động và phát triển 15 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận theo tiêu chí hiện hành quy định tại Nghị định số 52/2018/ NĐ-CP của Chính phủ. - Mỗi năm công nhận thêm ít nhất 04 làng nghề, làng nghề truyền thống. Mỗi năm hỗ trợ nâng cấp, đổi mới máy móc, thiết bị cho ít nhất 02 cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn, làng nghề. 3. Nhiệm vụ và giải pháp 3.1. Về phát triển các hoạt động ngành nghề nông thôn a) Tiếp tục duy trì các cơ sở ngành nghề nông thôn có thị trường tiêu thụ, hỗ trợ vốn đầu tư để đẩy nhanh quá trình ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, tạo điều kiện quảng bá thương hiệu để đủ sức cạnh tranh trên thị trường. b) Phát triển một số ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu đời sống cư dân nông thôn gắn với sử dụng nguyên liệu, lao động tại chỗ để hình thành các sản phẩm đặc trưng của địa phương: thực phẩm, đồ uống, đồ gia dụng… c) Khuyến khích thành lập các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác ngành nghề, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở phát huy lợi thế cạnh tranh và nét đặc trưng vùng miền của sản phẩm. d) Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại: hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề, làng nghề truyền thống qua hội chợ, triển lãm, du lịch làng nghề và các kênh truyền thông khác. 3.2. Về bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống a) Đẩy mạnh các hoạt động tuyên tuyền qua các kênh truyền thông về chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ và chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025 ban hành theo Quyết định số 40/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh. b) Nghiên cứu quy hoạch chi tiết các làng nghề có tiềm năng phát triển nhằm khai thác, phát huy lợi thế từng vùng, từng địa phương để định hướng phát triển và đầu tư hiệu quả. Hỗ trợ các làng nghề, làng nghề truyền thống xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và đăng ký các hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ, đăng ký sản phẩm tham gia chương trình OCOP. c) Tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích các hộ gia đình, cơ sở sản xuất thuộc làng nghề phát triển sản xuất theo hướng liên kết tạo sản phẩm hàng hóa độc đáo, mang dấu hiệu đặc trưng của mỗi làng nghề, tập trung đầu mối quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tính canh tranh. d) Lập hồ sơ đăng ký công nhận các làng nghề hiện có và các làng nghề mới hình thành, nhất là các làng nghề có xu hướng phát triển và có thị trường tiêu thụ ổn định. e) Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ mới, sử dụng các máy móc tiên tiến, có hiệu suất cao vào sản xuất, phát triển các làng nghề gắn với vùng nguyên liệu; bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, các làng nghệ đảm bảo điệu kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm và môi trường. f) Phát triển các làng nghề gắn với du lịch cộng đồng và xây dựng nông thôn mới; chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật các làng nghề có điều kiện thuận lợi về địa lý, có sản phẩm đặc trưng, bảo tồn văn hóa làng nghề để hình thành các chương trình tour, tuyến du lịch tham quan, trải nghiệm hoạt động sản xuất làng nghề trên địa bàn tỉnh. g) Tăng cường tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường làng nghề, nhất là Luật Bảo vệ môi trường nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ sở sản xuất và người dân trong làng nghề về công tác bảo vệ môi trường. h) Bố trí kinh phí để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng làng nghề: cổng làng nghề, hệ thống thu gom và xử lý nước thải, nước mưa của làng nghề; vận hành có hiệu quả các công trình hạ tầng hiện có, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường tại các làng nghề theo quy định.
Phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính liên thông trong lĩnh vực Đầu tư tại Việt Nam thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Kế hoạch và Đầu tư