Phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022 - 2025, định hướng 2030
Thứ sáu - 30/09/2022 08:46
Ngày 19/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1090/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022 - 2025, định hướng 2030;
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đề ra mục tiêu và các nhiệm vụ chủ yếu như sau: 1. mục tiêu 1.1. Mục tiêu chung Phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản với cơ cấu tàu, nghề phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản; sản xuất an toàn, hiệu quả kinh tế cao, nâng cao đời sống ngư dân, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. 1.2. Mục tiêu cụ thể a) Đến năm 2025 - Cắt giảm 10% hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi so với năm 2020; xác định sản lượng cho phép khai thác theo loài đối với nghề khai thác cá ngừ đại dương. - 100% các tỉnh, thành phố ven biển xác định hạn ngạch tàu cá khai thác vùng biển ven bờ, vùng lộng thuộc phạm vi quản lý. - 100% tàu cá hoạt động vùng khơi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định và được cung cấp bản tin dự báo ngư trường phục vụ khai thác thủy sản hiệu quả. - Các địa phương xây dựng được ít nhất 03 mô hình, dự án thí điểm thuộc một trong những dự án, mô hình về: (i) Chợ đầu mối, chợ bán đấu giá hải sản gắn với các cảng cá, trung tâm nghề cá của vùng, khu vực; (ii) Mô hình liên kết chuỗi khai thác - thu mua - bảo quản - tiêu thụ hải sản; (iii) Mô hình gắn khai thác, dịch vụ nghề cá với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn tại cảng cá, làng chài, làng nghề truyền thống ven biển. - Thực hiện giám sát 100% sản lượng thủy sản khai thác và nguyên liệu hải sản nhập khẩu. - 100% tàu cá được kiểm tra cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định. - Hoàn thiện và cập nhật, khai thác và quản lý hiệu quả Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) trên toàn quốc; xây dựng và triển khai mô hình quản trị số hoạt động khai thác thủy sản ở Việt Nam. b) Đến năm 2030 - Có cơ cấu đội tàu, nghề khai thác và tổng sản lượng thủy sản khai thác phát triển phù hợp với Quy hoạch Bảo vệ và Khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. - Có tàu cá đi khai thác viễn dương và khai thác hợp pháp tại vùng biển của các quốc gia, vùng lãnh thổ theo thỏa thuận hợp tác nghề cá. - Tàu cá sử dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong khai thác và bảo quản sản phẩm đạt 50%; tổn thất sau thu hoạch trung bình giảm xuống dưới 10%. - Phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất 01 chợ đầu mối, chợ bán đấu giá hải sản gắn với các cảng cá, trung tâm nghề cá của vùng, khu vực hoặc mô hình liên kết chuỗi khai thác - thu mua - bảo quản - tiêu thụ hải sản/mô hình gắn khai thác, dịch vụ nghề cá với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn tại cảng cá, làng chài, làng nghề truyền thống ven biển. - Duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị khai thác thủy sản bình quân đạt 1,5%/năm, thu nhập trung bình của lao động khai thác thủy sản tăng gấp 2,5 lần so với năm 2020. - Chấm dứt nghề khai thác hủy diệt nguồn lợi, ảnh hưởng môi trường sinh thái biển. - 100% thuyền trưởng tàu cá vùng khơi được tập huấn định kỳ các quy định trong nước và quốc tế về khai thác thủy sản; 60% lao động khai thác thủy sản được hướng dẫn các kỹ năng, quy trình kỹ thuật khai thác, đảm bảo an toàn trên biển. - Tai nạn tàu cá giảm xuống dưới 01 vụ/1.000 tàu/năm. 2. các nhiệm vụ chủ yếu 2.1. Tổ chức lại khai thác thủy sản theo hướng phát triển bền vững - Điều chỉnh cơ cấu nghề khai thác thủy sản phù hợp với nguồn lợi thủy sản, sản lượng cho phép khai thác trên từng ngư trường; xác định nghề khai thác cần cắt giảm, lộ trình cắt giảm và chỉ tiêu cắt giảm cho từng địa phương thực hiện. - Tổ chức, sắp xếp lại tàu thuyền khai thác thủy sản vùng biển ven bờ và vùng lộng theo quy hoạch của ngành và của từng địa phương. - Chuyển đổi các nghề khai thác hải sản xâm hại, ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái, sử dụng nhiều nhiên liệu sang các các nghề ít xâm hại nguồn lợi và môi trường sinh thái, sử dụng ít nhiên liệu, ít nguồn lực hơn, hoặc chuyển sang lĩnh vực khác ngoài khai thác để từng bước cân bằng lại cường lực khai thác phù hợp với khả năng phục hồi tái tạo của nguồn lợi thủy sản. - Thúc đẩy đàm phán hợp tác khai thác thủy sản giữa Việt Nam và các nước, các tổ chức quản lý nghề cá khu vực, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách để tổ chức đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác thủy sản viễn dương và vùng đặc quyền kinh tế của các nước theo thỏa thuận hợp tác nghề cá. 2.2. Phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm - Tổ chức, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở thu mua, tiêu thụ sản phẩm thủy sản tham gia tích cực, phát huy vai trò, nâng cao trách nhiệm xã hội, cùng chia sẻ lợi ích với ngư dân trong chuỗi giá trị sản xuất khai thác thủy sản để nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản khai thác. Khuyến khích, vận động thành lập Hội, Hiệp hội thương lái, nậu vựa tại địa phương. - Xây dựng, phát triển các mô hình liên kết, liên doanh, gắn kết các khâu trong quá trình sản xuất, từ khai thác, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm phù hợp với từng nghề, từng địa phương. - Tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản khai thác tại thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu. - Xây dựng các mô hình chuyển đổi nghề, phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng nghề cá ven biển phù hợp với đặc thù của địa phương góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, nhất là bản sắc văn hóa của các vùng miền ven biển, tạo sinh kế thay thế cho các nghề khai thác thủy sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường từng bước tạo việc làm ổn định, nâng cao mức sống của cộng đồng ngư dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái vùng ven biển gắn với xây dựng nông thôn mới. 2.3. Tăng cường quản lý hoạt động khai thác thủy sản - Tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý tàu cá theo hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản trên biển theo Luật Thủy sản 2017. - Tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các tàu cá “3 không”: không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm. Xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực khai thác thủy sản nhất là đối với các tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU); đánh bắt sai vùng, sai tuyến. - Tăng cường hơn nữa công tác giám sát, quản lý đối với hoạt động sửa chữa, đóng mới, cải hoán tàu cá, nhất là các doanh nghiệp sửa chữa, đóng mới cải hoán tàu cá liên vùng. - Tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định về cấm khai thác, tạm ngừng khai thác có thời hạn, vùng cấm khai thác, cấm theo nghề tại một số vùng biển, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú của các loài thủy sản. - Hoàn thiện, củng cố nâng cao năng lực thực thi pháp luật thủy sản. Tiếp tục nghiên cứu, thành lập lực lượng Kiểm ngư phù hợp với tình hình của mỗi địa phương. - Kiểm soát chặt chẽ hoạt động tàu khai thác thủy sản trước khi đi biển, hoạt động trên ngư trường, về cảng lên cá và tiêu thụ. Áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác từ nhật ký khai thác thủy sản điện tử, hệ thống quản lý tổng hợp cảng cá, hệ thống theo dõi tàu cá ra vào cảng. - Thúc đẩy mạnh mẽ việc cải cách, đổi mới toàn diện công tác quản lý cảng cá đảm bảo nâng cao năng lực dịch vụ sản xuất, quản lý nghề cá tại cảng cá, giám sát tàu cá và sản lượng khai thác bốc dỡ tại cảng, góp phần chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; hình thành đầu mối giao thương sản phẩm thủy sản khai thác trong nước và quốc tế. - Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của tàu cá trên biển và thông qua Hệ thống giám sát tàu cá (VMS). 2.4. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ - Tiếp tục triển khai điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển để cung cấp thông tin, dữ liệu, cơ sở khoa học phục vụ công tác quản lý, sử dụng nguồn lợi thủy sản bền vững, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong cơ sở dữ liệu nguồn lợi thủy sản biển Việt Nam phục vụ quản lý. - Tiếp tục triển khai, nâng cao hiệu quả các bản tin dự báo ngư trường cung cấp cho ngư dân khai thác trên biển phục vụ khai thác hải sản hiệu quả - Đẩy mạnh, đổi mới công tác khuyến ngư theo hướng xã hội hóa, tăng cường sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp khoa học công nghệ để đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới đối với ngư cụ, kỹ thuật khai thác, hầm bảo quản, trang thiết bị bảo quản sản phẩm trên tàu cá. 2.5. Nâng cao hiệu quả của các cơ sở hậu cần nghề cá - Xây dựng các trung tâm nghề cá lớn, tích hợp đa giá trị, tăng cường liên kết vùng, liên kết ngành để đáp ứng nhu cầu dịch vụ hậu cần, neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; giảm tổn thất sau thu hoạch. - Thúc đẩy tổ chức mô hình chợ đầu mối thủy sản, chợ bán đấu giá sản phẩm hải sản để nâng cao giá trị. 2.6. Tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá - Nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó và xử lý tình huống tai nạn, sự cố tàu cá. Định kỳ tổ chức diễn tập các phương án ứng phó sự cố tàu cá trong khu vực cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và phương án tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tàu cá trên biển, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi, an toàn giúp ngư dân an tâm sản xuất khai thác thủy sản. - Tăng cường công tác phòng ngừa rủi ro và ứng phó khẩn cấp tai nạn tàu cá; thực hiện nghiêm túc công tác thống kê, báo cáo tình hình tai nạn tàu cá; tham gia điều tra, xác minh các nguyên nhân đối với các vụ việc có tính chất nghiêm trọng. - Xây dựng kế hoạch để đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng, trình độ cho thuyền trưởng, thuyền viên, máy trưởng, thợ máy. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn ngư dân về chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, hiện đại trong khai thác và bảo quản sản phẩm hải sản; vận hành, sử dụng các loại máy móc, trang thiết bị hiện đại trên tàu cá. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành./.
Phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính liên thông trong lĩnh vực Đầu tư tại Việt Nam thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Kế hoạch và Đầu tư