Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Bình Định
Thứ sáu - 19/02/2021 09:56
Ngày 28/01/2021, Thủ Tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 136/QĐ-TTg.
Nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Bình Định gồm một số nội dung chính sau: 1. Tên quy hoạch, thời kỳ quy hoạch, phạm vi ranh giới quy hoạch a) Tên quy hoạch: Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. b) Thời kỳ quy hoạch: Quy hoạch được lập cho thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. c) Phạm vi ranh giới quy hoạch: - Phạm vi quy hoạch: Phần lãnh thổ tỉnh Bình Định có tổng diện tích tự nhiên 6.071,33 km2; trên phạm vi 11 đơn vị hành chính cấp huyện: Thành phố Quy Nhơn; các thị xã: An Nhơn và Hoài Nhơn và 08 huyện (An Lão, Hoài Ân, Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn, Tuy Phước, Vân Canh, Vĩnh Thạnh). - Ranh giới địa lý: + Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi; + Phía Nam giáp tỉnh Phú Yên; + Phía Tây giáp tỉnh Gia Lai; + Phía Đông giáp biển Đông. - Tọa độ địa lý: Từ 13°30’ đến 14°42’ vĩ độ Bắc và từ 108°35’ đến 109°18’ kinh độ Đông. 2. Yêu cầu về quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc lập quy hoạch a) Quan điểm lập quy hoạch: - Việc lập Quy hoạch tỉnh Bình Định đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định; hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên cả ba trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường. - Đánh giá đầy đủ vai trò, giá trị địa kinh tế - chính trị của tỉnh Bình Định; liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong tỉnh và giữa tỉnh Bình Định với các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và cả nước; khả năng khai thác các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết; phù hợp với khả năng huy động vốn, sử dụng hiệu quả nguồn lực của địa phương và các nguồn lực từ bên ngoài trên tất cả các lĩnh vực, các vùng trong tỉnh; đảm bảo Bình Định phát triển nhanh và bền vững trong dài hạn. - Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội, bình đẳng giới, giảm nghèo bền vững, nâng cao mức sống vật chất, thụ hưởng văn hóa, tinh thần của người dân; chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế; chú trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các khu vực có điều kiện khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và đảm bảo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn tỉnh; phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tái cơ cấu dân cư theo hướng tập trung để tiết kiệm chi phí hạ tầng. - Đảm bảo sự thống nhất, ổn định, hiệu quả của các chủ trương, chính sách của Trung ương và của Tỉnh; đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ giữa các ngành; phát triển hài hòa các địa phương trên địa bàn tỉnh. - Gắn phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo và kết hợp chặt chẽ với phát triển kinh tế biển; chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế. b) Mục tiêu lập quy hoạch: - Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế đặc thù để phát triển Bình Định trở thành tỉnh có nền kinh tế công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao; là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và du lịch của vùng duyên hải miền Trung - Tây Nguyên; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; đầu nối giao thương kinh tế, đối ngoại quan trọng giữa Việt Nam với các nước tiểu vùng sông Mê Kông; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; giảm nghèo bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đảm bảo môi trường bền vững; bảo tồn và phát huy tốt bản sắc, các nét đẹp văn hóa các dân tộc; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. - Là công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp tỉnh Bình Định sử dụng để hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển, tổ chức không gian phát triển đảm bảo tính kết nối, đồng bộ trong hệ thống quy hoạch quốc gia trên địa bàn tỉnh; là căn cứ khoa học và thực tiễn để xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn trên địa bàn tỉnh. - Đưa ra các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp đẩy nhanh thực hiện các khâu đột phá chiến lược về hạ tầng, nhân lực, kinh tế biển, công nghiệp, du lịch, nông, lâm nghiệp và thủy sản ứng dụng công nghệ cao; xây dựng phương án phát triển tổng thể và định hướng bố trí hợp lý không gian phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ quy hoạch. c) Nguyên tắc lập quy hoạch: - Đảm bảo sự phù hợp, tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia; chủ động phối hợp, cập nhật thông tin đảm bảo tính thống nhất, liên kết, đồng bộ giữa các cấp quy hoạch và giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương trên địa bàn tỉnh; khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh. - Đảm bảo tính khả thi, bền vững và dài hạn, tạo nền tảng phát triển cho các thời kỳ tiếp theo; phù hợp với khả năng cân đối, huy động nguồn lực triển khai thực hiện quy hoạch; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, các cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các văn bản pháp luật có liên quan khác về công tác đối ngoại và hợp tác kinh tế thế giới. - Đảm bảo tính kế thừa, tính mở, công khai, minh bạch, tính thị trường trong xây dựng định hướng phát triển, tổ chức không gian phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn; nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước trong phân bổ nguồn lực. - Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa các Sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố với Cơ quan lập quy hoạch tỉnh, bảo đảm thuận lợi cho việc tích hợp quy hoạch trong quá trình lập quy hoạch tỉnh; đảm bảo hài hòa lợi ích của quốc gia, của vùng, các địa phương và lợi ích của người dân; đảm bảo tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch; ứng dụng công nghệ hiện đại, kết nối liên thông, tiết kiệm, hiệu quả. 3. Yêu cầu về nội dung, phương pháp lập quy hoạch a) Nội dung của quy hoạch: Nội dung Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tuân thủ theo quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017 và Điều 28 Nghị định số 37/2019/NQ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch, bao gồm các nội dung chủ yếu sau: - Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh Bình Định; - Đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn; - Đánh giá việc thực hiện các chiến lược, chương trình, quy hoạch và các dự án liên quan trong thời kỳ quy hoạch trước, dự báo tác động trong thời kỳ quy hoạch mới trên địa bàn tỉnh Bình Định; - Xây dựng quan điểm, mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển tỉnh; - Phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn tỉnh; - Lựa chọn phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội; - Quy định tại các điểm d, đ, e, g, h, i và k khoản 2 Điều 27 Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017; - Lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện; - Phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện; - Phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh; - Phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh; - Phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; - Phương án phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh; - Xây dựng danh mục dự án của tỉnh và thứ tự ưu tiên thực hiện; - Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch; - Xây dựng báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; - Xây dựng báo cáo quy hoạch gồm báo cáo tổng hợp và báo cáo tóm tắt, hệ thống sơ đồ, bản đồ và cơ sở dữ liệu quy hoạch tỉnh. b) Phương pháp lập quy hoạch: Hệ thống các phương pháp lập quy hoạch phải đảm bảo tính tiếp cận tổng hợp, đa chiều, đa lĩnh vực; đảm bảo các yêu cầu về tính khoa học, tính phù hợp, tính thực tiễn và ứng dụng công nghệ hiện đại. Các phương pháp cơ bản sau được sử dụng trong quá trình lập Quy hoạch tỉnh Bình Định: - Tích hợp quy hoạch; - So sánh đối chiếu, lồng ghép bản đồ với việc áp dụng công nghệ thông tin, hệ thống thông tin địa lý (GIS); - Dự báo phát triển và quy hoạch chiến lược; - Phân tích hệ thống, so sánh, tổng hợp, mô hình tối ưu; - Chuyên gia, hội nghị, hội thảo; - Tiếp cận từ thực địa; - Nghiên cứu tại bàn; - Các phương pháp khác phù hợp với quy trình kỹ thuật lập quy hoạch tỉnh. 4. Thời hạn lập quy hoạch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định tổ chức lập và hoàn thành lập quy hoạch trong thời hạn không quá 24 tháng tính từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt.
Phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính liên thông trong lĩnh vực Đầu tư tại Việt Nam thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Kế hoạch và Đầu tư