Phê duyệt Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Thứ năm - 04/01/2024 16:31
Theo đề nghị của Bộ Ngông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 30/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1748/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
* Theo đó, mục tiêu phát triển của Chiến lược được đặt ranhư sau: 1. Mục tiêu chung Phát triển trồng trọt thành ngành kinh tế kỹ thuật hoàn chỉnh, chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, vững chắc an ninh lương thực quốc gia và các nhu cầu khác của nền kinh tế, gia tăng giá trị xuất khẩu; sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, phòng, chống có hiệu quả thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho nông dân góp phần ổn định xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. 2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 - Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt bình quân 2,2 - 2,5%/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến sản phẩm trồng trọt bình quân 8 - 10%/năm. - Đảm bảo tưới chủ động trên 85% diện tích đất chuyên trồng lúa; 70% diện tích cây trồng cạn được tưới, trong đó ít nhất 30% diện tích có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. - Tỷ lệ diện tích sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP và tương đương...) 10 - 15%, trồng trọt hữu cơ 1%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm trồng trọt được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt 30 - 35%. - Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt đạt trên 26 tỷ USD. - Giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha đất trồng trọt đạt 150 - 160 triệu đồng. 3. Tầm nhìn đến năm 2050 Phấn đấu đến năm 2050 trồng trọt thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại thuộc nhóm đứng đầu khu vực và thế giới. Các sản phẩm ngành trồng trọt được sản xuất theo nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường. Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới. * Bên cạnh định hướng phát triển chung, Chiến lược còn đề ra định hướng phát triển một số cây trồng chủ lực như: Lúa gạo; Rau; Ngô; Sắn; Cà phê; Hồ tiêu; Điều; Chè; Cao su; Cây ăn quả; Hoa, cây cảnh; Cây dừa. * Ngoài ra, Chiến lược còn đề ra định hướng phát triển trồng trọt các vùng sinh thái cụ thể như sau: - Trung du miền núi phía Bắc: Tập trung phát triển cây trồng có lợi thế như cây ăn quả, chè, cà phê chè, lúa đặc sản, rau, hoa, ngô hạt và ngô sinh khối, sắn; đẩy mạnh công nghiệp chế biến nhất là đối với rau quả; phát triển các mô hình nông - lâm kết hợp theo hướng sinh thái, hữu cơ, kết hợp sản phẩm đặc sản gắn với du lịch; tăng cường liên kết nội vùng và liên kết với vùng đồng bằng sông Hồng. - Đồng bằng sông Hồng: Phát triển theo hướng thâm canh, công nghệ cao, ứng dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt; mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, phát triển rau, hoa, cây cảnh, cây ăn quả. - Bắc Trung bộ: Chuyển dịch cơ cấu mùa vụ để né tránh thiên tai; rà soát, chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với thị trường; hình thành vùng sản xuất tập trung cây ăn quả có múi, chè, lạc, mía. - Duyên Hải Nam Trung bộ: Phát triển các cây trồng chịu hạn có giá trị kinh tế cao như thanh long, nho, xoài, dừa, lạc, lúa, sắn, đậu đỗ, rau...; chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ để né tránh thiên tai nhất là hạn, mặn; phát triển sản phẩm đặc sản có chỉ dẫn địa lý, kết hợp du lịch sinh thái. - Tây Nguyên: Phát triển vùng chuyên canh một số cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cao su, điều, cây ăn quả; hình thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với hoa và rau. - Đông Nam bộ: Phát triển mạnh cây công nghiệp có lợi thế như cao su, điều, hồ tiêu, mía, sắn và cây ăn quả. Xây dựng các trung tâm logictics và chế biến nông sản phục vụ cho các tỉnh phía Nam. - Đồng bằng sông Cửu Long: Là vùng sản xuất lúa gạo, trái cây hàng hóa chất lượng cao, dừa phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và nước biển dâng. Nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện logictics và nâng cao năng lực chế biến nông sản kết hợp với phát triển du lịch sinh thái. à Để thực hiện có hiệu quả Chiến lược, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra một số giải pháp chính như sau: - Truyền thông nâng cao nhận thức; - Đổi mới tổ chức sản xuất, kinh doanh; - Phát triển thị trường nông sản; - Khoa học công nghệ và khuyến nông; - Đào tạo nguồn nhân lực; - Xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng; - Nâng cao năng lực quản lý nhà nước; - Xây dựng, hoàn thiện và triển khai một số cơ chế chính sách; - Hợp tác quốc tế; - Đánh giá, thanh tra, kiểm tra. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành./.
Phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính liên thông trong lĩnh vực Đầu tư tại Việt Nam thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Kế hoạch và Đầu tư